Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Du lịch

Nhà Hàn Quốc, không gian trải nghiệm văn hóa truyền thống

2010-07-06

Nhà Hàn Quốc, không gian trải nghiệm văn hóa truyền thống
Trước mắt chúng ta là quang cảnh một lễ cưới truyền thống của Hàn Quốc. Ở giữa là một chiếc bàn làm lễ gọi là Chorye nghĩa là "Tiếu Lễ", một bên là chú rể mặc quan phục màu tím, mũ cánh chuồn màu đen và quấn đai lưng quanh mình. Còn một bên là cô dâu e lệ trong trang phục váy hồng điểm hoa văn mạ vàng óng ánh, áo lễ xanh nõn chuối, và đầu đội mũ miện đính trang sức trông thật lộng lẫy. Cặp trai gái này đã quyết định chọn lễ cưới theo nghi thức truyền thống thay vì ăn bận váy trắng và áo com-lê theo kiểu phương Tây. Quần áo truyền thống Hanbok bằng tơ lụa với sắc màu sặc sỡ đã biến họ thành những ông vua bà hoàng. Và địa điểm lễ cưới diễn ra chính là khu "Nhà truyền thống Hàn Quốc" nằm trên đường Chungmuro của thành phố Seoul. Không chỉ tổ chức đám cưới truyền thống, nơi đây còn thu hút du khách nước ngoài đến với nhiều hoạt động trải nghiệm văn hóa truyền thống, từ học nấu ăn cho tới học biểu diễn ca múa nhạc...


[Nhà Truyền thống Hàn Quốc]

Ra khỏi cửa số 3 ga tàu điện ngầm Chungmuro, nơi giao cắt giữa tuyến tàu số 3 và số 4 của thành phố Seoul, chúng ta sẽ thấy ngay khu "Nhà Truyền thống Hàn Quốc" với những ngôi nhà Hanok cổ kính nằm xen kẽ giữa những tòa nhà cao tầng hiện đại. Đây vốn là tư gia của Park Paeng-nyeon, học giả tham gia sáng tạo chữ Hàn, Hangeul và cũng là một trong số 6 vị quan bị xử chết vì vận động khôi phục ngai vàng cho vua Đoan Tông (Danjong) thời kỳ Joseon. Công trình có tổng diện tích sử dụng hơn 2 nghìn㎡trên diện tích mặt bằng rộng hơn 7 nghìn㎡, hiện còn giữ nguyên được kiểu dáng nhà ở của tầng lớp thượng lưu thời Joseon. Thời Nhật thuộc, nơi đây từng được sử dụng làm nơi ở của Tổng giám thuộc Phủ Tổng đốc Nhật.

Đến sau khi chính phủ Hàn Quốc thành lập, một thời gian, nơi đây trở thành nhà khách tiếp đón các quan chức chính phủ. Chủ nhiệm và quản lý của Khu nhà truyền thống Hàn Quốc Kim Maeng-nyeong và Yoon Seo-won giải thích thêm về lịch sử của khu nhà: “Sau khi chính phủ Hàn Quốc được thành lập, nơi đây được đặt tên là "Nhà truyền thống Hàn Quốc" năm 1957. Khu nhà được sử dụng làm nhà khách chính phủ, sau đó đến năm 1981 mới mở cửa trở lại cho dân chúng. Tuy trở thành một điểm tham quan từ những năm 1980, nhưng nó đã lưu giữ truyền thống và lịch sử lâu đời của dân tộc Hàn.” (Kim Maeng-nyeong); “Đặc trưng về mặt cấu trúc của "Nhà truyền thống Hàn Quốc" là nhà Hanok. Nghệ nhân đồ mộc Shin Eung-su xây sửa lại toàn bộ, mô phỏng theo Điện Jagyeong (Từ Khánh Điện) của cung Gyeongbok (Cảnh Phúc), tạo nên một nét đặc trưng về kiến trúc theo kiểu cung đình và nhà Hanok của tầng lớp quý tộc thời Joseon.” (Yoon Seo-won)

Khu Nhà Hàn Quốc truyền thống hiện nay bao gồm tòa nhà chính Haerin-gwan (Hải Lân Quán), khu phòng tiếp khách Sohwa-dang (Thiều Hoa Đường), Hwanbyeokru (Hoàn Bích Lầu), khu nhà trong Garak-dang (Gia Lạc Đường). Từ lối vào, du khách sẽ gặp được kiến trúc mang tên Chwiseon-gwan (Tụ Tiên quán), một loại trung tâm văn hóa. Tầng 1 của tòa nhà là điểm bán các sản phẩm văn hóa truyền thống, tầng 2 và tầng 3 là phòng tiệc, tầng 4 là Suratgan (Thủy Lạt Gian), tên của nhà bếp cung đình, là không gian trải nghiệm về món ăn truyền thống Hàn Quốc. Chương trình này hoạt động hàng ngày từ 12 giờ trưa cho đến 1 giờ 30 phút chiều, bất cứ ai, từ hai người trở lên đều có thể đăng ký tham gia. Hiện tại, ở đây đang có lớp học làm dưa muối Kimchi và thịt nướng Bulgogi.


[Trải nghiệm văn hóa nghệ thuật truyền thống]

Được biết chương trình trải nghiệm làm dưa Kimchi rất được du khách Nhật Bản yêu thích. Hiện đang có tới hơn 20 người Nhật thử tập làm Kimchi. Một du khách phát biểu cảm tưởng: “Đây là lần đầu tôi được làm món này. Hay hơn là tôi tưởng. Ở Nhật tôi cũng hay ăn dưa Kimchi và tôi rất thích. Tôi ăn vì thích vị cay của dưa. Thật là ngon nếu ăn cùng với món mỳ ăn liền Ramyeon. Tôi cũng thường ăn Kimchi cùng với thịt hay thịt nướng Bulgogi. Dưa tôi muối hôm nay tôi sẽ đem về nhà cho mẹ tôi. Tôi sẽ thử làm xem sao.”

“Phải muối cải thảo với hạt muối to, thì Kimchi sẽ không bị đắng hay mặn”, đó là những lời dặn dò du khách về quá trình chuẩn bị nguyên liệu. Theo hướng dẫn của giảng viên, mọi người bắt tay vào làm. Tiếng thái củ cải của du khách Nhật vang lên nhịp nhàng... Họ phải trộn củ cải thái chỉ này vào các loại gia vị như, ớt bột, mắm, nước mắm cá cơm, tỏi, gừng, hành giã và đường, sau đó mới bôi chúng vào bên trong của những bẹ dưa cải thảo đã muối thì mới có được món dưa Kimchi.

Sau khi làm dưa Kimchi, chương trình trải nghiệm tiếp theo của du khách là mặc trang phục truyền thống Hàn Quốc, Hanbok. Đây có lẽ cũng sẽ là một kỷ niệm đẹp khi được diện những bộ quần áo Hanbok. Các hoạt động trải nghiệm văn hóa tại khu Nhà truyền thống không chỉ dừng lại ở đây. Hiện đang có tới 9 chương trình được tiến hành, như học múa mặt nạ, làm đồ trang sức, múa và chơi nông nhạc 4 bộ gõ Samullori. Người quản lý Yoon Seo-won giới thiệu: “Hiện chúng tôi có 9 chương trình là làm dưa Kimchi, làm mặt nạ, những chiếc mặt nạ truyền thống xuất hiện trong điệu múa mặt nạ của vùng Bongsan miền Tây Trung bộ, trải nghiệm làm giấy truyền thống, thắt nơ thắt nút, làm đồ trang sức, học nhạc cụ truyền thống như trống phong yêu Janggu hay nông nhạc Samullori, học múa quạt, học võ truyền thống Taekgyeon, và học về trà đạo. Các họat động này dành cho khách nước ngoài đến Hàn Quốc diễn ra ngay tại nhà truyền thống Hanok.”


[Các chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống đặc sắc của Hàn Quốc]

Ra khỏi khu "Tụ Tiên Quán", ngay ở trước mặt, du khách sẽ gặp kiến trúc của khu nhà chính "Hải Lân Quán". Tên gọi "Hải Lân Quán" mang ý nghĩa chỉ đây là nơi mà mọi người trên thế giới có thể giao tiếp thân thiện với nhau. Phía bên phải là "Thiều Hoa Đường" có nghĩa là tòa nhà tràn ngập cảnh sắc mùa xuân. Giữa không gian xanh tươi của "Thiều Hoa Đường" nổi lên một tòa lầu, đó là "Hoàn Bích Lầu". "Thiều Hoa Đường" và "Hoàn Bích Lầu" là hai kiến trúc nối liền nhau và tại đây du khách có thể thưởng thức món ăn truyền thống Hàn Quốc tự chọn. Phía sau của nhà chính "Hải Lân Quán" là một rạp hát dân gian nhỏ với 156 chỗ ngồi, nơi các buổi biểu diễn nghệ thuật truyền thống của Hàn Quốc diễn ra quanh năm. Đạo diễn sân khấu Hong Dae-eung giải thích: “Chương trình biểu diễn định kỳ tại khu Nhà truyền thống gồm có múa quạt, múa cung đình, múa mặt nạ trong yến tiệc cung đình hay xua đuổi ma quỷ Cheoyongmu, múa vòng tròn vào dịp tết Trung Thu Ganggangsullae, hát bài chòi Pansori v.v... Ở đây còn có màn biểu diễn múa trống Ogomu, niềm tự hào của khu Nhà truyền thống chúng tôi. Lần này chúng tôi đã chuẩn bị giới thiệu các tiết mục nổi tiếng được công nhận là di sản văn hóa thế giới. Đó là múa vòng tròn Ganggangsullae, hát bài chòi Pansori, múa mặt nạ Cheoyongmu. Mỗi ngày biểu diễn 1 lần và chúng tôi mời nghệ nhân hay các đoàn biểu diễn hàng đầu của Hàn Quốc tới biểu diễn. Đây là cách tốt nhất để quảng bá văn hóa truyền thống Hàn Quốc cho người nước ngoài.”

Khi giai điệu hợp tấu Sinawi vừa cất lên du dương, mở màn cho buổi biểu diễn, cũng là lúc trên sân khấu xuất hiện điệu múa với những chiếc quạt lụa đỏ hồng gắn lông vũ trắng trông thật rực rỡ. Tiếp theo đó là tiết mục hát bài chòi Pansori, múa hạc với những động tác mềm mại, múa mặt nạ Cheoyongmu, múa trống đầy mạnh mẽ, sôi động, múa vòng tròn Ganggangsullae và tiết mục biểu diễn nông nhạc độc đáo, rồi múa trống Ogomu với sắc màu rực rỡ choáng ngợp…. Trong khoảng 1 tiếng đồng hồ, sân khấu diễn đã mang lại cho khán giả tới hơn 10 tiết mục múa và nhạc truyền thống của Hàn Quốc. Từ những giai điệu lắng đọng cho đến những âm thanh trống sôi động... tất cả đã để lại những ấn tượng khó quên cho du khách. Các du khách Mỹ và Nhật hết lời tán dương: “Tôi đến từ Portland, bang Oregon, Mỹ. Tôi thấy tiết mục ở đây rất tuyệt. Thật không thể tin nổi, những chiếc trống mà các cô gái sử dụng. Các động tác của họ rất tinh tế, nhưng cũng mạnh mẽ, rất là đẹp.”; “Tôi cũng làm về âm nhạc và đã bị thu hút. Rất hay. Những màu sắc, nhịp điệu trống v.v... ấn tượng nhất là điệu múa có gắn dải ngù quay trên đầu. Những thứ này không có ở Nhật Bản.”


[Địa điểm tổ chức lễ cưới truyền thống của Hàn Quốc]

Mặt trong của Hải Lân Quán, Hoàn Bích Lầu và Thiều Hoa Đường hình thành nên một khu vườn hoàng cung. Đây chính là địa điểm tổ chức lễ cưới truyền thống của Hàn Quốc. Các nghi thức, trình tự vẫn được giữ nguyên như xưa và là tiết mục ai cũng muốn xem khi tới thăm Nhà Truyền thống Hàn Quốc. Chủ nhiệm Kim Maeng-nyeong cho biết: “Phong cách phương Tây du nhập vào và hôn lễ Hàn Quốc đã bị Âu hóa. Khu Nhà truyền thống của chúng tôi gìn giữ hôn lễ truyền thống đang dần mất đi đó để cho con cháu chúng ta được biết. Hoạt động này cũng mang lại kỷ niệm đẹp cho cặp vợ chồng mới cưới. Điều đáng mừng là một năm chúng tôi tổ chức khoảng 350 buổi lễ. Gần đây xuất hiện nhiều gia đình đa văn hóa và họ là những người tìm tới chúng tôi nhiều nhất để tổ chức lễ cưới truyền thống.”

Khi số gia đình đa văn hóa ngày càng tăng thì Hôn lễ theo nghi thức truyền thống cũng phổ biến hơn. Một chú rể người Hàn và cô dâu là người Hungari chia sẻ: “Cô dâu là người Hungari. Vì thế, bố mẹ vợ tôi sẽ đến Hàn Quốc và chúng tôi đã chọn lễ cưới theo nghi thức truyền thống để cho họ thấy mới lạ. Hơi vất vả. Trời nóng thế này mà lại phải mặc nhiều áo. Dù sao, có lẽ đây cũng là một hình thức độc đáo.”; “Áo truyền thống Hàn Quốc rất đẹp, tôi rất ưng ý và thấy vui khi được tổ chức cưới thế này. Tôi sẽ rất vui khi có mọi người cùng tham gia.”

Đám cưới được tổ chức ngay trước sân nhà truyền thống Hanok. Cô dâu chú rể trong trang phục Hanbok lộng lẫy, đang tiến hành các nghi thức cưới rất quý phái và sang trọng. Khách tham dự không khỏi trầm trồ: “Nhà Truyền thống Hàn Quốc rất đẹp. Lần đầu tiên tôi tới đây. Quang cảnh cũng rất đẹp, hết sức thoải mái, gần gũi với thiên nhiên. Được tổ chức cưới như thế này, có lẽ về già sẽ sống hạnh phúc hơn.”; “Con trai tôi sau này cũng sẽ tổ chức đám cưới ở đây thôi, theo kiểu truyền thống. Các lễ cưới thông thường chỉ kéo dài 30 phút nhưng ở đây thì khác, tôi rất thích vì có được sự thư thái và có thể tìm được về cái cổ xưa của Hàn Quốc...”

Khu Nhà truyền thống Hàn Quốc cũng có những buổi trình diễn đám cưới thử để phục vụ du khách. Song đa phần ở đây đều là lễ cưới thật. Hôn lễ diễn ra ngay giữa sân chính của khu nhà và ai tới đây cũng có thể tham gia hoặc tham quan. Một năm, khu Nhà truyền thống Hàn Quốc đón tiếp hơn 250 nghìn khách tham quan. Nếu muốn khám phá và trải nghiệm mọi khía cạnh của văn hóa truyền thống Hàn Quốc, còn chần chừ gì nữa mà chúng ta không chọn nơi này.

Lựa chọn của ban biên tập