Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Du lịch

Gyeongbok, cung điện chính của vương triều Joseon

2010-07-13

Gyeongbok, cung điện chính của vương triều Joseon
Chúng ta đang chứng kiến cảnh đổi gác tại quảng trường nằm giữa hai cửa Gwanghwa (Quang Hóa môn) và cửa Heungnye (Hưng Lễ môn) của cung điện Gyeongbok (Cảnh Phúc) nằm trên đường Sejong thành phố Seoul. Hàng ngày, từ 10 giờ sáng cho đến 3 giờ chiều, mỗi tiếng lại diễn ra lễ đổi gác với tiếng trống và đội quân nhạc truyền thống.
Cùng với tiếng kèn hiệu vang động thành phố là sự xuất hiện của 14 võ quan Hộ quân trong trang phục áo bào đỏ đầy vẻ oai nghiêm. Đây chính là phiên đổi gác của các binh tướng bảo vệ cung điện chính của triều Joseon. Nếu như nghi thức đổi gác tại cung điện Buckingham của Anh thu hút nhiều du khách đến thành phố Luân-Đôn thì Seoul cũng nổi tiếng với lễ đổi gác tại cung Gyeongbok. Hôm nay chúng ta hãy cùng tham quan cung Gyeongbok, cung điện chính của các vị vua trong suốt hơn 500 năm tồn tại của triều đại Joseon.

[Gyeongbokgung (Cung Cảnh Phúc)]

Cung Gyeongbok được xây dựng vào năm 1359 dưới thời vua Thái Tổ Yi Seong-gye. Cung nằm ở vị thế tựa lưng vào núi Bugak ở phía Bắc. Trước cửa chính Gwanghwa của cung là trung tâm của thành Hanyang, tên gọi xưa của Seoul. Jeon Jin-ju, hướng dẫn viên văn hóa du lịch giải thích: “Thái Tổ Yi Seong-gye đã chọn Seoul làm đô thành, tìm nơi có địa thế phong thủy tốt nhất và quyết định xây dựng cung Gyeongbok tại trung tâm đó. Có thể xem các hoạt động chính trị và văn hóa phát triển rực rỡ của thời kỳ Joseon cũng là bắt đầu từ cung Gyeongbok. Vì vậy, nơi đây càng mang nhiều tính chất biểu tượng hơn..”
Cung Gyeongbok từng là biểu tượng của việc xây dựng đất nước, thế nhưng trong lịch sử 500 năm tồn tại của vương triều Joseon, cung điện nơi đây cũng đã trải qua không ít chông gai, thử thách. Hướng dẫn viên Jeon Jin-ju cho biết: “Trong cuộc chiến tranh xâm lược năm Nhâm Thìn (1592) của Nhật Bản, tất cả các lầu gác trong cung Gyeongbok đều bị phá hủy hết. Qua suốt 273 năm, đây chỉ còn là nơi hoang phế, không còn gì cả. Đến khi vua Gojong (Cao Tông) lên ngôi, cha của vua là Hưng Tuyên Đại Viện Quân chủ trương tăng cường quyền lực vào tay vua nên mới cho xây dựng lại các tòa nhà tại đây để củng cố vương quyền. Qua thời Nhật thuộc, nhiều tòa nhà bên trong đều hư hại, không còn nguyên hình dáng của ngày xưa.”
Một thời, từng có tới hơn 330 tòa nhà mọc lên khắp các nơi trong cung Gyeongbok, nhưng chúng đã bị phá hủy nhiều qua cuộc chiến năm Nhâm Thìn (1592) và thời kỳ Nhật thuộc vào đầu thế kỷ 20. Dù vậy, sang thế kỷ 21 này, cung Gyeongbok vẫn là trung tâm của Seoul, là cung điện chính của triều Joseon. Và nhờ vậy mà nơi đây đã trở thành một địa điểm không thể bỏ qua với du khách khi tới thăm Hàn Quốc. Hướng dẫn viên Jeon Jin-ju giới thiệu tiếp: “Đi du lịch một nước thì người ta đều tìm đến thủ đô và cung điện của nước đó. Sở dĩ như vậy vì cung điện hay thành quách phản ánh chính trị, lịch sử, xã hội của một đất nước. Đây là kiến trúc hoàn hảo nhất do các nhà kiến trúc và nghệ thuật giỏi nhất thời bấy giờ dựng nên. Đến Hàn Quốc chắc chắn du khách phải tới thăm Seoul, nơi có cung Gyeongbok. Đó là lý do vì sao nhiều người nước ngoài đến thăm cung Gyeongbok.”
Sẽ tiện lợi hơn nếu bạn sử dụng dịch vụ hướng dẫn miễn phí khi tham quan cung điện. Tại cung Gyeongbok dịch vụ này được cung cấp bằng nhiều thứ tiếng, tiếng Hàn, tiếng Anh, tiếng Nhật và tiếng Trung Quốc. Các du khách nước ngoài tại đây đang chăm chú theo chân hướng dẫn viên, ánh mắt đầy vẻ hiếu kỳ.

[Geunjeongjeon (Cần Chánh điện)]

Tour du lịch thăm quan cung Gyeongbok được bắt đầu từ Geunjeongjeon (Cần Chánh điện), nơi diễn ra các hoạt động và nghi lễ của quốc gia trước đây. Hướng dẫn viên Jeon Jin-ju giải thích: “Geunjeongjeon là nơi vua tiến hành các hoạt động, nghi lễ của quốc gia. Các sự kiện tiêu biểu như lễ kế vị, lên ngôi, lễ sắc phong thế tử, hay lễ đón rước hoàng hậu v.v... tất cả đều được tổ chức tại Geunjeongjeon. Hơn nữa địa điểm quan lại tập trung nhau để chúc tụng vua, hay thiết triều, hội họp một cách chính thức cũng là Geunjeongjeon.”
Qua cửa Heungnye (Hưng Lễ môn) và cầu Yeongje (Vĩnh Tế kiều), du khách sẽ thấy cửa Geunjeon (Cần Chánh môn), nơi kiệu của vua đi qua với những bậc thang, bậc thềm chạm khắc hình phượng hoàng. Qua cửa này chính là Geunjeongjeon, khu điện chính của cung Gyeongbok, bảo vật quốc gia số 223 của Hàn Quốc. Phía sân trước điện là những hàng cột đá ghi phẩm tước, đánh dấu vị trí của quan lại xưa khi đứng chầu ngoài sân. Những phiến đá vuông lát trên sân không đơn điệu, có bề mặt hơi gồ ghề, phản xạ lại ánh mặt trời mà không hề chói mắt. Phù hợp với một kiến trúc tượng trưng cho nhà vua và đất nước, phía nền bên trong chính điện có lát đá khắc hoa văn và mở lên tầng 2 của điện. Chính giữa bức tường phía Bắc là ngai vua đầy vẻ tôn nghiêm. Vẻ đẹp kiến trúc của điện rất thu hút du khách nước ngoài... Hướng dẫn viên Jeon Jin-ju kể lại: “Nhiều người cho rằng, kiểu dáng tòa nhà cung điện rất độc đáo. Các công trình kiến trúc của phương Tây sử dụng bê tông và đinh thép để lắp ghép lại thành tòa nhà, còn kiến trúc của Hàn Quốc về cơ bản lại không sử dụng đinh mà làm những đường rãnh trên gỗ để xếp chồng lên nhau. Điều này cho thấy kỹ thuật vượt bậc của tổ tiên người Hàn. Nhiều du khách ngạc nhiên làm sao khi đó đã phát triển được khoa học kỹ thuật xây dựng như vậy.”

[Sajeongjeon (Tư Chánh điện) và Gangnyeongjeon (Khang Ninh điện)]

“Sajeongjeon (Tư Chánh điện) là nơi làm việc của vua. Mỗi sáng, các học giả đến chầu vua với nghi thức gọi là Samchangeui, nghĩa là "Tam xướng". Một ngày vua phải đọc kinh thư Nho giáo 3 lần, thảo luận về nội dung trong kinh thư của Nho giáo để áp dụng, giải quyết các vấn đề chính sự.” Như lời giải thích của hướng dẫn viên, phía sau Geunjeongjeon chính là Sajeongjeon (Tư Chánh điện), một phòng làm việc chính thức của các vị vua. Tại đây, vào lúc 11 giờ sáng hàng ngày đều có tái hiện lại lễ Sangcham (Thường Tham nghi), lễ tham kiến hàng ngày của quan lại với vua. Tại đây du khách có thể thoải mái vào các vai vua và quần thần.
Bước vào Hyangomun (Hưởng Ngũ môn) ở dãy hành lang phía Bắc của Sajeongjeon, du khách sẽ thấy Gangnyeongjeon (Khang Ninh điện), một không gian riêng tư, nơi ngủ và sinh hoạt thường ngày của vua. Đây là một tòa nhà quay về hướng Nam có 14 gian ở mặt chính và 5 gian ở mặt bên. Theo hướng dẫn viên Jeon Jin-ju thì tên gọi của điện cũng có ý nghĩa đặc biệt: “Gangnyeongjeon (Khang Ninh điện) là một trong ngũ phúc, năm cái phúc. Đó là "thọ", "phú" , "khang ninh", "du hảo đức" , "khảo chung mệnh", tức là sống lâu, có được nhiều của cải mà không cần phải tham đồ của người khác, có sức khỏe, biết trọng cái đức cảm thông với người khác và cuối cùng, khi qua đời có thể ra đi một cách thanh thản. Trong số đó thì sức khỏe là quan trọng nhất và Gangnyeong (Khang ninh) chính là nói đến sức khỏe của vua, người ta đặt tên điện với ý nghĩa cầu mong cho vua khỏe mạnh.”

[Gyotaejeon (Giao Thái điện) và Gyeonghoeru (Khánh Hội lâu)]

Tiếp tục bước qua cửa Yangeuimun (Lưỡng Nghi môn) ở dãy hành lang phía Bắc của điện Gangnyeong, trước mặt du khách lúc này là Gyotaejeon (Giao Thái điện), không gian nghỉ ngơi của hoàng hậu. Ý nghĩa của tên "Gyotaejeon" (Giao Thái điện) chỉ vào mong muốn có được sự điều hòa âm-dương, sinh đẻ thuận lợi. Điểm nhấn của "Gyotaejeon" chính là khu vườn thượng uyển ở phía sau. Khu vườn này có tên là núi Ami (Nga Mi sơn), được hình thành trên một gò đất nhân tạo, được trồng nhiều loại hoa cỏ cùng những khối đá điêu khắc tạo nên một phong cảnh hữu tình, tuyệt đẹp. Đặc biệt, tại đây có 4 cột ống khói 6 cạnh được chỉ định là bảo vật quốc gia số 811 của Hàn Quốc. Khách tham quan không ngớt lời cảm thán: “Đúng là nghệ thuật. Tôi đến đây tất cả mấy lần rồi mà lần nào cũng thấy mới lạ. Người ta làm thế này, để khi đốt củi, khói không xông vào trong nhà mà đi ra chỗ khác. Ngày xưa mà tổ tiên của chúng ta đã có những suy nghĩ thật là kỳ diệu.”
Khách tham quan tiếp tục được đến với Gyeonghoeru (Khánh Hội lâu) một tuyệt phẩm kiến trúc thời Joseon. Nằm ở phía Tây của điện Gangnyeong, tòa lầu này được công nhận là bảo vật quốc gia số 224 của Hàn Quốc. Hướng dẫn viên Jeon Jin-ju tiếp tục giới thiệu: “Gyeonghoeru (Khánh Hội lâu) được xây trên một ao sen rất lớn. Nơi đây có thể xem là không gian chính thức để vua tiếp đón sứ thần nước ngoài, hay mở yến tiệc khi quốc gia có đại sự, có việc mừng, hoặc là nơi vua ban thưởng cho các thành viên trong hoàng tộc, làm lễ cầu mưa...”
Lầu Gyeonghoe rộng 931㎡ là lầu có diện tích mặt bằng lớn nhất Hàn Quốc với 7 gian mặt tiền và 5 gian mặt bên. Tầng 1 của lầu có dựng 48 cột đá cao là không gian bỏ trống, tầng 2 có phần hiên lầu, sử dụng làm nơi mở yến tiệc. Cấu trúc tại đây cao thấp khác nhau để cho các quan có thể phân ngôi, ngồi theo thứ bậc. Từ trên lầu, chúng ta có thể bao quát hết tất cả cảnh quan hùng vĩ của cung điện Gyeongbok và ngọn núi Inwang.
Đến lầu Gyeonghoe, du khách còn có cơ hội được trải nghiệm đặc biệt. Ông Kim Hyeon-seong ở Quỹ bảo vệ tài sản văn hóa cho biết: “Đây là nơi tản bộ trong cung điện của hoàng gia. Du khách đến cung Gyeongbok có thể hình dung được cuộc sống trong cung đình, đi theo dấu chân của vua, hoàng hậu và tùy tùng. Chúng ta sẽ xuất phát từ lầu Gyeonghoe, đi đến Hyangwonjeong (Hương Viễn đình), chụp ảnh rồi quay trở lại. Mọi người đều thích vì được trải nghiệm theo cách ăn mặc và hóa trang của ngày xưa. Người nước ngoài rất hứng thú với chương trình này.”

[Geoncheonggung (Kiền Thanh cung)]

Bước chân tiếp tục đưa du khách đến với Geoncheonggung (Kiền Thanh cung), nằm ở vị trí sâu nhất, bên trong cùng của cung Gyeongbok. Đây là nơi ở và nghỉ ngơi thư giãn của vua và hoàng hậu. Tại cung Geoncheong đã xảy ra thảm kịch hoàng hậu Myeongseong (Minh Thành) bị sát hại. Hướng dẫn viên Jeon Jin-ju kể: “Cung Geoncheong là nơi mà ngày 8/10/1895 hoàng hậu Myeongseong đã bị sát hại bởi một người Nhật. Sau đó vua Gojong (Cao Tông) cảm thấy tính mạng bị đe dọa, không thể tiếp tục ở đây được nữa và đã phải lánh vào tòa Công sứ của Nga. Đến năm 1897 ông chuyển về ở cung Gyeongun (Khánh Vận) nay là cung Deoksu (Đức Thọ). Lúc này không chỉ Geoncheong mà toàn bộ cung điện Gyeongbok đều trở thành nơi vô chủ. Chỗ này chính là nơi xảy ra sự kiện bi thảm đó.”
Trước cung Geoncheong có một tòa đình gọi là Hyangwonjeong (Hương Viễn đình) có nghĩa là nơi tỏa ngát hương thơm. Cầu Chwihyang (Túy Hương kiều) hướng vào đình cũng được đặt tên để ca ngợi hương hoa của nơi đây. Trong không gian phảng phất hương bay, du khách lại có được cảm nhận về không gian lịch sử, nơi xảy ra thảm cảnh một vị hoàng hậu bị sát hại.

Tour tham quan cung Gyeongbok bắt đầu từ điện Geunjeong đã kết thúc tại cung Geoncheong và dưới đây là cảm nhận của du khách sau khi được chiêm ngưỡng cung điện hàng đầu của vương triều Joseon: “Tôi tới từ Ấn Độ. Trước kia tôi đã từng đến thăm nơi đây. Mỗi lần đến, đều có cảm giác mới mẻ. Hệ thống sưởi sàn ở đây rất đặc biệt, tôi thấy rất thích không gian ở đây. Tôi thích điện Geunjeong, rồi lầu Gyeonghoe nằm trên mặt nước trông cũng rất đẹp. Các con tôi muốn quay trở lại đây.”; “Cảm nhận đầu tiên của tôi là hùng tráng. Cung điện của Hàn Quốc quả là tráng lệ. Khi tới Trung Quốc tôi đã tham quan Thiên An Môn và có cảm nhận là nó thật lớn, còn cung Gyeongbok thì tuy cũng lớn nhưng có nét trang nhã, mang đậm phong cách Hàn Quốc. Tôi cảm thấy Hàn Quốc như có một cái gì đó rất tỉ mỉ, tinh tế.”; “Trước khi đến cung Gyeongbok tôi đã đi thăm Trung Quốc và cũng đã thăm cung điện Versailles ở Pháp. Nhưng khi tới đây, tôi thấy thật tuyệt... Tôi cảm nhận được là chúng ta đang sở hữu nhiều giá trị văn hóa độc đáo. Thật tốt nếu như con cái của tôi lớn lên và nhận thức được rằng chúng sinh ra ở một đất nước tuy nhỏ bé nhưng là một nước lớn về văn hóa trên thế giới.”
Người xưa có câu "Cửu trùng thâm xứ", với ý nghĩa chỉ chốn cung đình thâm sâu, đi qua 9 cửa mới gặp được vua. Cung điện của vương triều Joseon, nơi ẩn chứa nhiều câu chuyện thâm cung bí sử, giờ đây đã mở cửa cho công chúng. Hãy đến với cung Gyeongbok để thỏa chí tìm hiểu sự huyền bí chốn cung đình và bạn sẽ cảm nhận được tâm trạng của các vị vua chúa xưa.

Lựa chọn của ban biên tập