Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Du lịch

Bảo tàng Lịch sử Seoul, nơi lưu giữ lịch sử 600 năm của thủ đô

2010-08-31

Bảo tàng Lịch sử Seoul, nơi lưu giữ lịch sử 600 năm của thủ đô
Sau lời giới thiệu là phần trình diễn nhạc cổ điển. Đây là những giai điệu vi-ô-lông của nghệ sỹ và là nhà soạn nhạc tài năng nổi tiếng người Ý Paganini. Chúng ta đang đến với buổi hòa nhạc có tên gọi "Thưởng thức nhạc cổ điển cùng tiến sĩ Oh", do Dàn nhạc Giao hưởng thành phố Seoul kết hợp với Bảo tàng lịch sử Seoul tổ chức hàng tháng.

[Bảo tàng Lịch sử Seoul]

Thật may mắn vì đến với Bảo tàng Lịch sử Seoul hôm nay vừa được xem biểu diễn âm nhạc miễn phí, vừa có thể khám phá lịch sử hơn 600 năm của thủ đô Hàn Quốc. Đi tàu điện ngầm tuyến số 5, xuống ga Seodaemun hoặc ga Gwanghwamun, sau đó đi bộ về hướng cung Gyeonghui, chúng ta sẽ thấy Bảo tàng Lịch sử Seoul nằm trên đường Saemunan, quận Jongno. Không gian này lưu giữ văn hóa và lịch sử của Seoul từ thời tiền sử cho tới nay, với trọng tâm là thời kỳ Joseon, khi đó thành phố còn được gọi là Hanyang (Hán Dương). Giám đốc bảo tàng Gang Hong-bin giới thiệu: “Đến bảo tàng Lịch sử Seoul, chúng ta sẽ biết được mọi thứ về thành phố, Seoul đã xuất hiện ra sao, biến đổi thế nào, và làm sao để có thể trở thành một thành phố lớn như vậy. Ngoài ra, chúng ta còn hiểu được về diện mạo không gian hay địa lý của Seoul. Về diện tích, bảo tàng có 3 tầng. Tầng 1 có 5 phòng trưng bày, phòng triển lãm theo chương trình, phía đối diện là phòng trưng bày hiện vật được hiến tặng. Tầng 2 dành cho các chương trình giáo dục. Tầng 3 được kiến trúc theo hình chữ U nằm ngang, với khoảng 4000 m2 không gian trưng bày, cho thấy hình ảnh của Seoul từ thời điểm 600 năm về trước cho đến nay.”
Bảo tàng lịch sử Seoul bắt đầu mở cửa từ tháng 5 năm 2002. Trên một mảnh đất rộng gần 7500 m2, bảo tàng được xây dựng 3 tầng với tổng diện tích hơn 20.000 m2, bao gồm các phòng trưng bày, phòng nghe nhìn, hội trường, phòng nghỉ và cửa hàng lưu niệm. Không chỉ có các hiện vật lịch sử, tới đây du khách còn có cơ hội tham quan cùng hệ thống kỹ thuật số hiện đại như mô hình, hình lập thể, biển triển lãm v.v... Chúng ta hãy cùng bắt đầu chuyến tham quan từ tầng 3, không gian trưng bày cố định của bảo tàng.

[Tầng trưng bày cố định]

Tầng 3, nơi trưng bày cố định được chia ra làm 4 khu, gồm có "Seoul thủ đô của Joseon", "Sinh hoạt của người dân Seoul", "Văn hóa Seoul", "Sự phát triển của Seoul". Ngoài ra còn có phòng trải nghiệm thực tế, sử dụng thử các hiện vật do du khách phục chế, trực tiếp làm ra. Sa Jong-min, trưởng phòng Thông tin giáo dục giải thích: “Nhà trưng bày cố định cho du khách thấy thành phố Seoul được hình thành thế nào, người dân Seoul sống ra sao. Seoul là thủ đô của triều đại Joseon nên có cung điện. Có cung điện nghĩa là có vua sống. Vì thế, bảo tàng Lịch sử Seoul trưng bày không chỉ về sinh hoạt của người dân, mà cả văn hóa cung đình, cũng như các khía cạnh văn học, nghệ thuật và khoa học thời Joseon vốn có ở Seoul.”
Tại khu trưng bày "Seoul thủ đô của Joseon", khách tham quan được nghe giải thích về địa lý của thành phố và xem các hiện vật về y phục, ẩm thực, nhà cửa, tiền tệ và các vật dụng của người Seoul thời Joseon. Còn khu "Văn hóa Seoul" thì được chia nhỏ thành nhiều mảng như "văn hóa cung đình", "học thuật", "văn hóa nghệ thuật", trưng bày đồ gốm sứ, đồ họa, chữ viết, sách vở... Đặc biệt, niềm tự hào của bảo tàng Lịch sử Seoul chính là các di vật về cung Gyeonghui, một cung điện đã bị mất dưới thời Nhật thuộc. Giám đốc bảo tàng Gang Hong-bin cho biết: “Bảo tàng nằm ngay tại vị trí của cung Gyeonghui xưa. Ở Seoul có tất cả 5 cung. Tất cả các cung điện khác đều tồn tại, riêng cung Gyeonghui là hoàn toàn bị phá hủy dưới thời Nhật thuộc. Đây là cung điện nơi vua Yeongjo (Anh Tổ) và vua Jeongjo (Chính Tổ) của thời Joseon từng ở. Hiện duy nhất ở đây mới có các di vật như "Hoằng tề toàn thư", bộ sưu tập các tác phẩm của vua Jeongjo hay các loại bản đồ của Kim Jeong-ho, một nhà địa lý nổi tiếng thời Joseon. Ngoài ra chúng tôi còn được tặng các tư liệu vốn bảo quản tại cung Unhyun (Vân Hiện). Đây là các di vật rất quý, cho thấy dáng dấp của Seoul thời kỳ cận đại.”
Thật tiếc nếu đến bảo tàng chỉ để xem trưng bày. Ở đây có một không gian gọi là “Touch museum”, nơi lắp đặt các thiết bị kỹ thuật số như màn hình cảm ứng giải thích về hiện vật. Khi khách tham quan chạm tay vào vật trưng bày, họ sẽ thấy những hình ảnh trên màn hình phía trước vật đó cùng với các thông tin lịch sử. Một du khách cảm nhận: “Chạm vào chiếc nghiên mực thì thấy cách sử dụng xuất hiện ở màn hình trước mặt, giúp cho bọn trẻ có thể trực tiếp thao tác... So với việc tham quan đơn thuần, thì trải nghiệm như thế này để lại nhiều ấn tượng hơn trong bọn trẻ. Rất có hiệu quả và thật là vui...”

[Khu trải nghiệm văn hóa]

Cạnh "Touch Museum" là nơi các em nhỏ tự mình thử nghiệm và vui chơi. Sử dụng máy tính, các em có thể điêu khắc, làm đồ sứ trắng, dựng nhà mái ngói truyền thống hay dựng lại cửa Sungnyemun v.v... Ngoài ra, tại đây, với dụng cụ xưa, các em nhỏ cũng được học cách nhìn đồng hồ mặt trời Yangguilgu, đo chiều dài, đo thể tích và trọng lượng, hay cách đọc những chiếc la bàn. Một bé gái tỏ ra thích thú với gian trải nghiệm: “Đây là trò ném túi đậu ạ. Ngày xưa người ta làm thế này để biết thể tích của đồ vật. Bọn cháu chơi rất vui và học hỏi kiến thức của người xưa. Chẳng hạn như khi chiếc cân chưa ra đời thì tổ tiên ta đã làm thế nào để đo trọng lượng...”
Gian trình chiếu mô hình thành phố là nơi mọi người có thể bao quát hết được diện tích 605,25 km2 của thủ đô Seoul. Mô hình được xây dựng hết sức tinh xảo, thu nhỏ theo tỷ lệ 1/1500, và du khách như được đi máy bay trực thăng để ngắm thành phố. Seoul trong gian trưng bày, tuy đã được thu nhỏ nhưng vẫn rộng hơn 300 m2. Sa bàn ở đây có hệ thống cầu và lan can chạy xung quanh để du khách có thể ngắm từ nhiều góc độ. Trần nhà là thiết bị chiếu sáng hiện đại hàng đầu, mặt trước và hai bên của không gian trưng bày được lắp những màn hình lớn. Ngoài ra, với máy tìm kiếm, du khách chỉ cần chạm vào địa điểm mình muốn xem là đèn laser màu đỏ sẽ chiếu xuống khu vực đó trên sa bàn. Khách tham quan cho biết: “Người ta bảo thành phố Seoul rất lớn và tôi thấy hay vì được ngắm toàn cảnh như thế này. Tôi đã thử tìm kiếm một số nơi, và thấy có tất cả, từ những ngôi trường ngày xưa của mình. Không chỉ di sản văn hóa lớn, có thể tìm được cả những địa điểm cụ thể nên tôi thấy rất gần gũi và rất thích.”

[Phòng Trưng bày hiện vật được tặng và không gian triển lãm đặc biệt]

Tầng 1 của bảo tàng có một phòng mang ý nghĩa đặc biệt, đó chính là Phòng Trưng bày hiện vật được trao tặng. Bảo tàng Lịch sử Seoul kêu gọi người dân cùng xây dựng nên không gian trưng bày. Với khẩu hiệu "Bảo tàng do người dân dựng nên", phong trào này đã thu được hơn 20.160 hiện vật mà trong đó, khoảng 49% do người dân gốc Seoul hiến tặng, gửi gắm. Giám đốc bảo tàng Gang Hong-bin giải thích: “Cùng với lịch sử của thành phố Seoul, bảo tàng chúng tôi đang tập trung hiện vật về lịch sử chuyển biến sinh hoạt của người dân. Vì thế, hiện chúng tôi đang tích cực thu nhận các hiện vật của thời đại trước do người dân bảo quản, những tư liệu, vật dụng trong sinh hoạt chứa đựng kỉ niệm của quá khứ. Chúng tôi nhận cả những tư liệu như bản ghi chép dự án xây dựng ở Seoul và tiếp nhận vật phẩm từ các cơ quan lớn.”
Tầng 1 còn là nơi diễn ra các cuộc triển lãm đặc biệt. Mới đây là các hoạt động kỷ niệm 60 năm xảy ra chiến tranh Triều Tiên ngày 25/6, 50 năm cuộc cách mạng 19/4, một cuộc cách mạng đòi dân chủ của sinh viên và dân thường, hay kỷ niệm 40 năm phát triển khu vực Gangnam, phía Nam Seoul. Hiện tại bảo tàng đang mở triển lãm mang tên "Jongno Elegy", lấy con đường Jongno làm tâm điểm để nhìn lại Seoul suốt nửa thế kỷ qua.
Triển lãm tái hiện nguyên vẹn con đường Jongno xưa với những quán trà, cửa hàng mua sắm, tiệm ăn nổi tiếng. Tại đây khách tham quan có thể thấy được toàn cảnh từ đường Jongno số 1 đến số 6. Jo Seon-gyeong, trưởng phòng Quản lý triển lãm giới thiệu: “Có thể nói đường Jongno, từ trước khi khu Gangnam phát triển vẫn là trung tâm duy nhất của thành phố Seoul. Thời Joseon đường có tên là Unjong (Vân Tùng Nhai), có các hàng quán xây dựng ở hai bên gọi là Lục Hĩ Triền, chỉ vào 6 loại cửa hàng lớn được triều đình cho quyền buôn bán. Có thể nói đây là một trung tâm thương mại và lịch sử của thời Joseon. Triển lãm lần này không chỉ trưng bày các vật phẩm của bảo tàng, chúng tôi còn nhờ đến sự giúp đỡ của các cá nhân, các cửa hàng. Những quán trà theo kiểu phục hưng bây giờ tuy không còn nữa, nhưng người ta đã gửi tặng các vật phẩm của nó cho Viện Lưu trữ nghệ thuật quốc gia và chúng tôi có thể mượn về. Quán rượu lâu đời có tên Cheongiljip phải chuyển đi do quy hoạch phát triển đô thị và đã trao tặng cho bảo tàng tất cả các đồ dùng, vật dụng, từ những miếng gạch tường có chữ viết của hơn 60 năm... và tất cả đều được phục chế lại. Tiệm may âu phục Jongno có lịch sử hơn 100 năm cũng đã hỗ trợ giúp chúng tôi rất nhiều về đồ vật xưa. Người dân cũng cho chúng tôi nhiều ảnh về khu buôn bán Nakwon. Hiệu thuốc Boryeong thì cung cấp tư liệu từ thời mới sáng lập công ty bào chế thuốc Boryeong, đóng góp nhiều cho việc khôi phục hình ảnh xưa của Jongno.”

[Không gian bên ngoài bảo tàng, địa điểm để thư giãn, tản bộ và chụp ảnh]

Khoảng sân trước của bảo tàng là hệ thống đài phun nước mà trên bề mặt của nó, chúng ta có thể thấy hình của "Thủ Thiện Toàn Đồ", một bản đồ cổ của Seoul. Đây là không gian tuyệt vời để trẻ em vừa nghịch nước vừa có thể học tập về lịch sử.
Ở trước đài phun nước, chỉ đi bộ khoảng 50 mét, chúng ta sẽ thấy có trưng bày toa tàu điện số 381, phương tiện giao thông công cộng chủ yếu của Seoul giai đoạn từ năm 1930 đến năm 1968. Toa tàu dài 13,7 mét, bề rộng 2,4 mét, cao 3,2 mét, nặng chừng 18 tấn có thể chứa được 100 hành khách. Để tái hiện lại bối cảnh xưa, bên trong toa tàu điện có mô hình một học sinh và phía bên ngoài là một bà mẹ đang đưa cơm hộp cho con qua cửa sổ. Đây chính là khung cảnh thích hợp để chụp ảnh ghi lại kỷ niệm xưa.
Tour du lịch bảo tàng Lịch sử Seoul vẫn chưa hết. Qua khoảng sân sau của bảo tàng, du khách có thể đi dạo xung quanh cung Gyeonghui. Giám đốc bảo tàng Gang Hong-bin tiếp tục giới thiệu: “Chúng tôi thiết kế để không gian ngoài trời cũng trở thành địa điểm giáo dục. Tại đây có trưng bày tàu điện xưa chạy ở Seoul, có triển lãm kiến trúc xưa với những dấu tích hiện vật được phát hiện khi khai quật hàng quán ở Jongno trước đây. Ngoài ra, phía sau bảo tàng vốn là nền của cung điện Gyeonghui và đây đó vẫn còn lại dấu ấn của cung điện. Chúng tôi đã phục dựng lại Sùng Chánh Điện, chính điện của cung Gyeonghui, cho thấy hình ảnh huy hoàng của nó trước đây.”

Bảo tàng Lịch sử Seoul lưu giữ nguyên vẹn lịch sử hơn 600 năm của thủ đô. Giờ mở cửa là từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, và đây là nơi du khách nên đến trước khi tham quan Seoul. Chuyến đi sẽ càng thú vị hơn nếu du khách đã có được hiểu biết về văn hóa và lịch sử của thành phố này.

Lựa chọn của ban biên tập