Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Du lịch

Đài liệt sỹ tuẫn đạo ở núi Jeoldu, thánh địa của Thiên Chúa giáo Hàn Quốc

2010-12-21

Đài liệt sỹ tuẫn đạo ở núi Jeoldu, thánh địa của Thiên Chúa giáo Hàn Quốc

Tại các khu trung tâm của Seoul như Jongno, Myeongdong, hay Quảng trường tòa thị chính, đâu đâu cũng thấy đèn treo rực rỡ khắp các hàng cây hai bên đường. Xung quanh các cửa hàng bách hóa lớn là những cây thông Noel hoành tráng được dựng lên bên ngôi làng của những ông già tuyết bé tí hon. Mừng lễ Giáng sinh, các nhà thờ và thánh đường của đạo Cơ Đốc và đạo Thiên Chúa đều bận rộn khác thường. Thời gian gần đây, các giáo hữu lại càng tất bật hơn với quan niệm chia sẻ tình yêu cho mọi người để hiện thực hóa tình yêu của đạo ... Mỗi lần tiếng chuông rung lên rộn rã, cũng là lúc những chiếc ấm đỏ quyên tiền từ thiện được lấp đầy và đem thêm niềm hy vọng cho bao nhiêu người khốn khó. Những ngày cuối năm, sự yên bình tỏa lên trên mặt đất và bầu trời tràn ngập khí linh thiêng. Giáng sinh ngày 25/12 này, chúng ta sẽ tới thăm Đài liệt sỹ tuẫn đạo ở núi Jeoldu (theo tiếng Hán là Tiệt Đầu Sơn) để tìm hiểu về lịch sử 200 năm của Thiên Chúa giáo Hàn Quốc.

[Khu Thánh địa của Thiên Chúa giáo Hàn Quốc]

Xuống ga Hapjeong, ga giao cắt giữa tuyến tàu điện ngầm số 2 và số 6 của thành phố Seoul, ra khỏi cửa số 7, đi bộ về phía sông Hàn chừng 10 phút, chúng ta sẽ gặp khu di tích tử vì đạo núi Jeoldu. Đây là nơi tập trung thi hài của 27 trong số 103 vị thánh và 1 tín đồ vô danh tử vì đạo của Hàn Quốc. Được biết, núi Jeoldu vốn trước đây có tên gọi là Jamdupong (Tàm Đầu Phong) hay Yongdupong (Long Đầu Phong) Hướng dẫn viên tình nguyện Hong Won-gi giới thiệu: “Tên của núi Jeoldu vốn trước đây gọi là Jamdubong vì nó trông giống với đầu con tằm, hay gọi là Yongdubong khi người ta liên tưởng nó tới đầu của con rồng. Thế rồi nó còn được gọi là Yanghwajin, là bến Yanghwa. Bến nước này có phong cảnh đẹp, lại nhiều cây dương liễu. "Yang" nghĩa là "dương" trong "dương liễu", "hwa" là chỉ vào "hoa cỏ" và "jin" tiếng Hán là "tân", có nghĩa là bến nước.”
Phong cảnh nơi đây đúng như tên gọi của nó, thu hút bước chân của các vị khách phong lưu. Được biết, thuở trước, các sứ thần Trung Quốc cũng thường tới đây để đi thuyền và nghe nhạc. Kang Hee-maeng một quan văn đã giới thiệu về Jamdubong như vậy trong "Đông quốc dư địa thắng lãm", một cuốn sách địa lý được biên soạn dưới thời Joseon: “Núi rừng cỏ cây tươi tốt, sóng nước xanh biếc một màu, tạo nên thắng cảnh tuyệt vời nhất cả nước. Ở phía Nam của hồ nước có một gò đất bị cắt vát, hình giống đầu con rùa và người ta cũng còn gọi là đầu con tằm.”
Jamgdubong, “ngọn Jambu” từng là một danh thắng cô liêu, vắng lặng, thế nhưng một sự kiện diễn ra vào năm Bính Dần (1866) đã biến nơi đây thành địa điểm tàn sát đẫm máu với tên gọi mới là Jeoldusan, núi Jeoldu. Hướng dẫn viên Hong Won-gi kể lại: “Năm 1866, một linh mục người Pháp chạy sang Trung Quốc để tránh bị bức hại, và gặp vị đề đốc hải quân cũng người Pháp có tên là Pierre Rose tại đây. Vị linh mục này đã tường thuật lại việc tử vì đạo của người Pháp vào năm 1839, khiến người Pháp đem quân xâm lược Joseon để báo thù. Sau khi giành chiến thắng trước 2 lần tấn công của quân Pháp, Đại Viện Quân Yi Ha-eung, cha của vua Gojong cho rằng đất đai của Joseon, tức là vùng bến nước Yanghwajin đã bị giặc phương Tây và người Thiên Chúa giáo làm vấy bẩn và phải dùng máu của họ để rửa sạch cho vùng đất này. Vì thế ông đã cho chuyển pháp trường từ Seosomun (Tây Tiểu Môn) ra bến Yanghwajin. Một địa điểm vốn có tên đẹp đẽ bỗng chốc bị đổi thành Jeoldusan, theo tiếng Hán nghĩa là “núi chặt đầu”.”
Chính sách bài trừ Thiên Chúa giáo của Đại Viện Quân năm 1866 đã dẫn tới việc sát hại hơn 2 nghìn tín đồ Thiên chúa giáo không thông qua xét xử chính tại nơi này. Trong số đó, chỉ 29 tín đồ tử vì đạo xác định được thân phận rõ ràng! Đây được gọi là sự kiện bức hại tín đồ Thiên Chúa giáo năm Bính Dần. Thực tế, từ trước đó, đã diễn ra việc bài trừ Thiên Chúa giáo. Bắt đầu từ sự kiện năm Tân Dậu (1801), trong suốt hơn 80 năm, nhiều tín đồ của tôn giáo này đã phải thiệt mạng.

[Đài liệt sỹ tuẫn đạo ở núi Jeoldu và không gian bảo tàng trong nhà]

Núi Jeoldu trở thành thánh địa của Thiên Chúa giáo vào năm 1962, khi một tòa tháp tưởng niệm các tín đồ tuẫn đạo được dựng lên. Năm 1966, nhân kỷ niệm 100 năm xảy ra sự kiện bức hại tín đồ năm Bính Dần, Đài liệt sỹ tuẫn đạo ở núi Jeoldu đã được khởi công xây dựng gồm tháp chuông, nhà thờ cầu nguyện và bảo tàng. Tại đây không có riêng thánh đường chính. Đài liệt sỹ tuẫn đạo cao 3 tầng được chia đôi thành nhà thờ và bảo tàng các tín đồ tử vì đạo Thiên Chúa Hàn Quốc. Ở phía mặt chính của Đài là bảo tàng còn phía bên phải là cửa ra vào nhà thờ. Hướng dẫn viên Hong Won-gi giải thích: “Để tưởng nhớ tới tinh thần tử vì đạo của các tín đồ, việc truyền bá phúc âm của họ cũng như phản ánh sự kiện đàn áp Thiên Chúa giáo, các tòa nhà ở đây được xây dựng với phong cách kiến trúc Hàn Quốc. Ở mái nhà có chiếc dao gỗ là đồ vật vốn được sử dụng lúc đó. Mái nhà được làm hơi tròn, trông giống mái nhà rơm ngày xưa của Hàn Quốc. Máng nước không bằng ống mà bằng xích sắt, biểu thị cho sợi xích sắt đã trói các tín đồ tử vì đạo trước đây. Hình mái vòm 2 lớp ở đây trông giống chiếc mũ truyền thống của đàn ông Hàn Quốc. Mái vòm nhỏ hơn ở trên thể hiện thánh thể của các vị thánh trong Thiên Chúa giáo, mái vòm phía dưới lớn hơn tượng trưng cho việc truyền bá rộng rãi tinh thần tuẫn đạo và phúc âm. Vì thế, mà công trình này đã nhận được huy chương bạc tại cuộc thi thiết kế ở Paris, Pháp.”
Trước khi vào khu nhà tưởng niệm, điều đầu tiên khách tham quan bắt gặp là bức tượng tưởng nhớ 1 gia đình tín đồ tử vì đạo, thể hiện cảnh tử hình tàn khốc ở núi Jeoldu lúc bấy giờ. Bức tượng tạo hình 2 người lớn và 1 trẻ em có chiếc đầu như đã bị xử trảm và được đặt lại trên thân thể của họ. Đây chính là Francisco Lee Eui-song và vợ là Maria Kim Ye-ppeun cùng người con trai là Paul Lee Bong-ik, gia đình tử vì đạo đầu tiên từ vùng Hwanghae. Hướng dẫn viên Hong Won-gi giới thiệu: “Ở đây có phòng chiếu phim, phòng trải nghiệm, bảo tàng ngoài trời, phòng để thi hài, bảo tàng trong nhà. Bảo tàng trong nhà có đầy đủ các di vật xưa như sách, nghiên mực, những thứ mà cha ông người Hàn từ năm 1784 thường dùng.”
Bảo tàng trong nhà trưng bày tất cả các tài liệu về quá trình hình thành nhà thờ Hàn Quốc, tư liệu lịch sử liên quan đến vấn đề đàn áp Thiên Chúa giáo, di vật của các tín đồ tử vì đạo và dụng cụ hành hình họ. Nhờ các hiện vật và tranh ảnh, tài liệu, khách tham quan có thể hình dung ra được cảnh tượng đau buồn lúc bấy giờ trong lịch sử Thiên Chúa giáo của Hàn Quốc. Đặc biệt 12 sự kiện nổi bật được hình tượng hóa bằng hơn 80 loại người nộm truyền thống, giúp cho khách tham quan hiểu được về cuộc sống thảm khốc của các thế hệ theo đạo giai đoạn đầu. Tại không gian nhà tù, du khách đang được nghe những lời giải thích: “Đây là nhà tù. Dưới nền chỉ trải rơm. Sâu bọ, chuột chạy khắp nơi. Nghe kể lại, tù nhân ở đây đã bắt chúng để ăn khi đói, thậm chí ăn cả rận. Vì khi đó họ chỉ được cho một nắm cơm kê và 1 ca nước để sống qua ngày. Nhà tù cũng không có cửa sổ. Có một cửa ra vào, nhưng không được che đậy gì cả, để gió thổi vào trong. Vật này để đội lên đầu tù nhân để họ không thể cử động được.”

[Nhà thờ, Phòng Thi hài các vị thánh và bảo tàng ngoài trời]

Rời khỏi bảo tàng, bước vào phía bên trong nhà thờ, vừa lúc mọi người được chứng kiến buổi thánh lễ cầu nguyện. Những tia sáng từ trần nhà lắp kính hoa nhiều màu chiếu xuống bàn thánh lễ, đem lại cảm giác thật yên ả, ấm áp. Theo cầu thang phía bên phải của dãy ghế dành cho tín đồ ở nhà thờ, du khách được đưa tới Phòng Thi hài các vị thánh. Được biết, đây là không gian linh thiêng nhất của Đài liệt sỹ tuẫn đạo ở núi Jeoldu: “Đây là mộ của các vị thánh. Dưới tầng hầm của nhà thờ này có thi hài của 27 vị thánh và một tín đồ vô danh đã tử vì đạo. Có 6 gian bỏ trống, chuẩn bị sẵn để đặt thi hài cho các vị sẽ được phong thánh sau này. Phòng thi hài các vị thánh không chỉ có thi hài không. Một số thi hài được đặt vào áo quan hình hộp. Quan tài làm theo hình hộp và được đưa vào trong tường. Phía trước nắp quan tài có ghi tên người đã mất. Ngay phía trên của phòng thi hài này chính là bàn lễ thánh của nhà thờ.”
Tham quan bảo tàng và phòng thi hài các vị thánh, du khách cúi đầu mặc niệm cho nỗi đau và sự hi sinh chịu đựng vì đức tin của những con người này. Một tín đồ Thiên Chúa giáo cảm nhận: “Đến đây tôi thấy tâm hồn trở nên thoải mái. Mỗi khi cảm thấy trong lòng ưu tư trĩu nặng, thì tới đây đều được gột rửa hết. Đây là nơi có các vị thánh đã hy sinh cao đẹp, mọi thứ đều trở nên trong sạch, là cơ hội cho con người ta chiêm nghiệm về cuộc sống, dù chỉ là trong khoảnh khắc. Tôi thường hay đến đây cùng với gia đình và các con tôi.”
Đài liệt sỹ tuẫn đạo ở núi Jeoldu là nơi đầu tiên Giáo hoàng John Paul II đặt chân đến trong chuyến thăm Hàn Quốc vào năm 1984 nhân kỷ niệm 200 năm lịch sử Thiên Chúa giáo của Hàn Quốc. Và nhờ vậy, khu di tích kỷ niệm tín đồ tử vì đạo này đã càng trở nên nổi tiếng đối với nhiều du khách nước ngoài. Hướng dẫn viên Hong Won-gi cho biết: “Một năm có tới khoảng 500 nghìn khách trong và ngoài nước tới thăm nơi đây. Trong số đó, đáng chú ý nhất là Giáo hoàng John Paul II. Tới Hàn Quốc làm lễ phong thánh cho 103 người vào lễ kỷ niệm 200 năm lịch sử Thiên Chúa giáo Hàn Quốc, ngày 3/5/1984, vừa ra khỏi sân bay Kimpo, giáo hoàng đã tới thẳng núi Jeoldu. Ông đã cầu nguyện trong Phòng thi hài các vị thánh với sự chào đón của con cháu của các tín đồ tử vì đạo. Sau đó, Mẹ Thérésa, mẹ giúp đỡ của tất cả những kẻ nghèo hèn cũng đã đến thăm nơi đây. Đây là nơi nhiều hồng y giáo chủ hay tổng giám mục thường xuyên qua lại.”
Bảo tàng ngoài trời trưng bày các dụng cụ để tra tấn và bức hại các tín đồ. Tại đây, du khách còn được thăm hay làm lễ trước nhiều bức tượng bán thân, trong đó có tượng của linh mục đầu tiên tại Hàn Quốc Andrew Kim Dae-geon, tượng của thánh John Nam Jong-sam cùng với các tấm bia bài xích người phương Tây dưới triều Joseon hay tấm bia khắc lại câu chuyện một lúc 16 người của cả gia đình nhà Park Sun-jip đã hy sinh, và tảng đá ngũ thánh nơi 5 tín đồ tử vì đạo từng ngồi nghỉ chân. Cầu nguyện tại Đài liệt sỹ tuẫn đạo ở núi Jeoldu, bên các vị thánh, người theo đạo Thiên Chúa càng củng cố được đức tin cho mình. Dịp giáng sinh năm nay, các tín đồ lại hành hương đến thánh địa núi Jeoldu, làm lễ để nhận lấy tình yêu thương, gieo vào lòng mình đức tính vị tha cũng như sự hòa giải.

Khi thành phố tràn ngập những cây thông Noel và bài hát mừng giáng sinh, bạn thấy sao nếu đến thăm Đài liệt sỹ tuẫn đạo ở núi Jeoldu, nơi lưu giữ những dấu tích và tinh thần của các tín đồ tử vì đạo? Đó sẽ là một lễ giáng sinh có ý nghĩa khi được cất bước trên thánh địa, nghĩ về tinh thần hy sinh của các tín đồ, vừa nghỉ ngơi, thư giãn, vừa vỗ về cho lòng thảnh thơi sau 1 năm lo toan công việc.

Lựa chọn của ban biên tập