Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Du lịch

Rạp hát Jeongdong, nơi biểu diễn nghệ thuật truyền thống nổi tiếng của Hàn Quốc

2010-12-28

Rạp hát Jeongdong, nơi biểu diễn nghệ thuật truyền thống nổi tiếng của Hàn Quốc

Miso (Mĩ Tiếu) là một vở nhạc kịch truyền thống của Hàn Quốc kết hợp các thể loại như múa, nhạc cụ 4 bộ gõ Samulnori, múa quạt, múa trống phong yêu Gyeonggo và múa mặt nạ. Vở diễn phỏng theo mô-típ của "Truyện Xuân hương", một tác phẩm hát bài chòi pansori truyền thống Hàn Quốc, xoay quanh chuyện tình giữa Xuân Hương và chàng công tử Lý Mộng Long. Diễn viên Im Hui-jeong trong vai Xuân Hương cho biết: “Có thể nói Miso dựa trên bài hát tình yêu của truyện Xuân Hương. Dù viên quan có tên là Biện Học Đạo bày tỏ tình yêu, nhưng mối tình của Xuân Hương và Mộng Long vẫn trước sau không hề thay đổi. Có lẽ do có chủ đề về tình yêu nên khán giả xem thấy hay hơn.”
Vở nhạc kịch truyền thống "Miso" được trình diễn lần đầu tiên vào năm 1997. Trong 14 năm qua với hơn 3000 lượt diễn, Miso đã giới thiệu được các nét văn hóa đặc sắc của Hàn Quốc tới hơn 550 nghìn khán giả trong và ngoài nước. Khán giả người Nhật tâm sự: “Rất là hay. Mỗi lần đến Hàn Quốc tôi lại được xem nhiều buổi biểu diễn. Bạn tôi đến đây hồi tháng 8, nói vở diễn này hay nên lần này tôi đã đi xem và cũng cảm thấy rất thích. Vì tôi đã biết về truyện Xuân Hương nên khi xem có thể hiểu được nội dung. Khi về Nhật tôi sẽ kể lại cho các bạn của tôi biết. Ở Nhật tôi cũng đang học tiếng Hàn.”

[Jeongdong, rạp hát kế thừa truyền thống của Wongaksa]

Ở bên ngoài, trời mùa đông đang lên đến đỉnh điểm của lạnh giá, và tốt hơn cả là chúng ta hãy cùng nhau trải nghiệm văn hóa Hàn Quốc ở không gian trong nhà ấm cúng. Hôm nay chúng ta sẽ cùng đến một nơi quanh năm có biểu diễn văn hóa truyền thống Hàn Quốc. Đó chính là rạp hát Jeongdong.
Ra khỏi cửa số 2 của ga tàu điện ngầm tuyến số 2 có tên gọi ga Sicheong tức Tòa Thị Chính của thành phố Seoul. Đi bộ chừng 5 phút theo con đường bờ tường đá nằm phía bên trái của cung Deoksu, bạn sẽ thấy có một đài phun nước với 3 ngã rẽ. Tại đây, phía bên trái có bảo tàng Mỹ thuật thành phố Seoul và chếch lên trên 1 chút là nhà thờ Jeongdong. Đi thẳng tiếp về phía trước chừng 100 bước, phía bên phải sẽ hiện ra một ngôi nhà xây tường gạch đỏ. Đó chính là rạp hát Jeongdong. Nhìn bề ngoài, rạp hát có phong cách kiến trúc hiện đại và cũng có lý do của nó khi người ta chọn địa điểm này để xây rạp hát. Jang Seok-ryu, Trưởng phòng quản lý rạp hát giải thích: “Rạp hát Jeongdong được lập ra như một nhánh của Nhà hát Quốc gia vào năm 1995. Nó mang ý nghĩa là công trình khôi phục lại Wongaksa (Viên Giác Xã), rạp hát đầu tiên của Hàn Quốc, được xây dựng ngay trên vị trí nền của Wongaksa xưa. Vai trò và nhiệm vụ của rạp hát này là toàn cầu hóa, đại chúng hóa và làm nổi danh nghệ thuật truyền thống của Hàn Quốc.”
Wongaksa là rạp hát quốc gia cận đại đầu tiên của Hàn Quốc, được thành lập vào năm 1907 và thể loại ca kịch dân gian Hàn Quốc cũng bắt đầu được ra đời từ đây. Hát bài chòi Pansori vốn là thể loại biểu diễn với một nghệ nhân trống đánh nhịp và một nghệ sĩ ca xướng. Tuy nhiên, đến với Wongaksa, thể loại này đã được cải biên, trở thành thể loại ca kịch dân gian có sân khấu được trang trí dựng cảnh, và có nhiều nghệ sĩ đảm nhận các vai diễn của tác phẩm.
Các tác phẩm hát bài chòi Pansori như Chunhyangga (Xuân Hương ca), Simcheongga (Thẩm Thanh ca) đều đã được chuyển thể thành ca kịch dân gian. Ngay cả tác phẩm của dòng tiểu thuyết mới đầu tiên của Hàn Quốc là "Âm thanh của quỷ" của tác giả Lee In-jik vào đầu thế kỷ 20 cũng đã được chuyển thể thành ca kịch. Với việc xây dựng rạp hát Wongaksa, sân khấu ca kịch càng được mở rộng hơn và nhờ đó cũng đã xuất hiện nhiều danh ca tiêu biểu của thể loại này. Tuy nhiên, thật không may là chỉ 3 năm sau khi được sáng lập, rạp hát Wongaksa đã bị giải thể.
Ngay trên mảnh đất từng là rạp hát Wongaksa, người ta đã xây dựng nên rạp hát Jeongdong vào năm 1995. Với ý nghĩa kế thừa di sản của Wongaksa, suốt trong năm rạp hát Jeongdong chỉ tổ chức các buổi biểu diễn nghệ thuật truyền thống. Đặc biệt, một đặc trưng của rạp hát này là có hệ thống phục vụ khách nước ngoài, giải quyết vấn đề về ngôn ngữ rất tốt. Trưởng phòng Jang Seok-ryu giới thiệu: “Hiện tại rạp hát Jeongdong chỉ diễn tác phẩm "Miso" trong không gian chuyên biệt. Chúng tôi không có kế hoạch dựng các vở khác. Đó là chiến lược hoạt động vì mục đích hướng tới tương lai toàn cầu hóa nghệ thuật biểu diễn truyền thống Hàn Quốc. Chúng tôi tập trung vào các hình thức phi ngôn ngữ của các câu chuyện kiểu như "Romeo và Juliet" với bối cảnh và nhân vật là người Hàn. Đây là loại tác phẩm mà người nước ngoài dù nói thứ tiếng nào cũng đều có thể hiểu được. Để khán giả hiểu được cốt truyện từ đầu, có dịch vụ hỗ trợ, tóm tắt đại khái nội dung bằng phụ đề. Tất cả nhân viên làm việc tại nhà hát, từ khâu bán vé đều có khả năng nói các thứ tiếng Anh, Trung và Nhật. Hơn nữa chúng tôi cũng đang thực hiện cả dịch vụ dịch đuổi để giúp khán giả nắm được nội dung vở diễn.”

"Miso", vở nhạc kịch giới thiệu về nghệ thuật biểu diễn truyền thống của Hàn Quốc


Đã đến lúc vào trong để tham quan rạp hát. Không gian đầu tiên ta bắt gặp chính là một khu vườn nhỏ được gọi là Pocket Garden (Vườn túi). Theo các bức hình quảng cáo của vở diễn Miso, bạn được đưa xuống rạp hát tại tầng hầm của ngôi nhà. Trưởng phòng Jang Seok-ryu hướng dẫn: “Theo từng bậc cầu thang đi xuống, khách sẽ đi vào một không gian tĩnh lặng mà ấm cúng. Cũng có thể nó không mang lại cho người ta cảm giác được đến một nơi hào nhoáng, rực rỡ như ở các rạp hát khác. Song, ngược lại, khi vào rạp hát của chúng tôi, mọi người sẽ cảm thấy trong một không gian giản dị, trang nhã và ấm cúng.”
Tại gian đại sảnh trước sân khấu diễn, các tấm hình quảng cáo tác phẩm "Miso" xuất hiện khắp nơi đã trở thành địa điểm chụp ảnh kỷ niệm của khán giả. Ở một góc của đại sảnh, có nhiều người đang tập trung. Đó chính là nơi trải nghiệm mặc quần áo truyền thống Hàn Quốc. Được mặc các bộ quần áo truyền thống Hanbok có đường thêu đẹp và rực rỡ quả thực là một kỷ niệm khó quên đối với khách nước ngoài: “Đây là một trải nghiệm hay vì nó khác hẳn với ở Nhật Bản. Màu sắc sặc sỡ, kiểu dáng thiết kế cũng khác và rất là đẹp. Dường như ở Hàn Quốc có văn hóa múa rất đặc sắc. Đây là một đất nước sôi động, hát cũng hay mà múa cũng đẹp. Màu sắc cũng đa dạng, tôi thấy lạ mắt hơn so với Nhật Bản.”
Trải nghiệm mặc thử quần áo truyền thống xong, đã đến giờ xem biểu diễn. "Miso" là vở nhạc kịch biểu diễn không lời nên rất dễ hiểu. Hơn nữa để cho khách nước ngoài có được ấn tượng sâu đậm về văn hóa truyền thống Hàn Quốc, tác phẩm này bao hàm đủ các thể loại nghệ thuật từ múa đến nhạc cụ 4 bộ gõ Samulnori... Có thể xem đây là tác phẩm giúp khán giả hiểu và tiếp cận một cách dễ dàng nhất với văn hóa truyền thống của Hàn Quốc. Và diễn viên cũng đặc biệt chú ý tới các biểu hiện và động tác của mình vì khán giả. Diễn viên Noh Gi-hyun trong vai Lý Mộng Long và diễn viên Im Hui-jeong trong vai Xuân Hương tâm sự: “Tôi nghĩ vở nhạc kịch truyền thống "Truyện Xuân Hương được xây dựng hay, gần gũi với khán giả. Khi biểu diễn tôi luôn thể hiện với vẻ rạng rỡ. Động tác của cơ thể cũng rõ ràng và mạnh mẽ và nét mặt biểu cảm hơn... vì thế cũng dễ gần với khán giả hơn.”; “Tôi lo không thể truyền đạt nội dung được tới khán giả nên chú tâm vào cách diễn thể hiện tâm trạng. Vì thế các biểu lộ tình cảm buồn, vui, ngạc nhiên đều được tôi phóng đại cho mọi người thấy rõ. Làm sao cho người nước ngoài xem dễ hiểu hơn... Tôi là người luôn hết mình để biểu diễn như vậy.”
Với chủ ý tổ chức biểu diễn phù hợp với đối tượng khán giả, vở diễn "Miso" đang ngày càng thu hút được nhiều khách nước ngoài. Trưởng phòng Jang Seok-ryu cho biết: “Tỷ lệ khán giả người nước ngoài tới xem chiếm khoảng từ 85% đến 87%. Liên tục hàng năm có tới khoảng 6 triệu khách du lịch thăm Hàn Quốc. Chúng tôi đang tiến hành hoạt động marketing hướng tới thị trường du lịch, biểu diễn tác phẩm không lời để hướng tới đối tượng khách này. Mỗi năm chỉ tính riêng lượng vé bán ra cho khách nước ngoài đã vào khoảng 70 nghìn người.”
Kết thúc của tác phẩm “Miso” là màn trình diễn nhạc cụ 4 bộ gõ Samulnori. Giai điệu mạnh mẽ, cuồng nhiệt của loại hình nghệ thuật này sẽ mãi còn là dư âm trong khán giả, khiến họ không thể quên được Hàn Quốc: “Tôi đi du lịch theo cả đoàn. Buổi diễn hôm nay rất hay, đặc biệt cảm động vì nó là câu chuyện tình yêu. Thiết kế của rạp hát này cũng rất tuyệt, giúp cho diễn viên và khán giả cùng thưởng thức.”; “Tôi rất thích vở diễn này. Cảm xúc để lại sẽ theo tôi về tận Trung Quốc. Hôm nay tôi đã được trải nghiệm nhiều điều về văn hóa truyền thống của Hàn Quốc, tôi nghĩ có thể xem đây là 1 nơi tiêu biểu cho văn hóa Hàn Quốc.”

[Quán cà-phê Gildeuryeojigi]

Đến với rạp hát Jeongdong, khán giả không chỉ được thưởng thức các tiết mục biểu diễn. Một trong những địa điểm du khách thường ghé thăm để có thêm cảm nhận mới lạ chính là quán cà-phê ban công có tên gọi Gildeuryeojigi (Giljy). Jo Gyeong-tae, nhân viên làm việc tại quán giới thiệu: “Có một bài thơ của nhà thơ Won Tae-yeon tên là Gildeuryeojigi, nghĩa là “làm quen” hay “quen thuộc”. Chúng tôi đã lấy tên đó đặt cho quán này, bao hàm ý nghĩa là để cho du khách từ từ thưởng thức món ăn và ngắm phong cảnh. Đây là quán ăn theo kiểu Ý và mọi người vừa thưởng thức những món ăn ngon miệng vừa cảm nhận được nét trữ tình của Hàn Quốc và nước ngoài.”
Quán cà phê Gildeuryeojigi nằm ở ngay lối vào của rạp hát Jeongdong. Vào mùa xuân và mùa thu, khu ban công ngoài trời của quán thu hút rất nhiều khách, còn đến mùa đông thì quán lại hấp dẫn mọi người bởi những lớp tường kính trong suốt, đưa những tia nắng ấm áp tràn vào không gian trong nhà. Lớp tường gạch đỏ phía ngoài quán như tiếp nối cho dư âm của con đường bờ tường đá men theo cung Deoksu. Tất cả bàn và ghế ngồi của quán đều được làm bằng gỗ, đem lại cảm giác gần gũi với thiên nhiên. Không gian yên bình, tĩnh lặng trong quán giúp cho du khách có những khoảnh khắc thanh thản, suy ngẫm lại về mọi việc. Món ăn cũng thật ngon lành, sạch sẽ, đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của khách với mọi giác quan: “Tôi thường hẹn mọi người tới đây ăn trưa và bàn công việc. Bầu không khí ở đây rất thích, là nơi dễ nói chuyện nên tôi vẫn giới thiệu địa điểm này cho các buổi hội họp tiếp theo. Món ăn ở đây cũng ngon, nghe nói được chế biến bằng nguyên liệu thiên nhiên nên ăn vào tôi thấy như cũng khỏe ra. Đây là nơi nổi tiếng có nhiều người nước ngoài đến, là địa điểm du lịch hay, giúp mọi người có thể xem biểu diễn sau đó cùng nhau ăn uống và nói chuyện.”

Xem biểu diễn nghệ thuật truyền thống của Hàn Quốc tại rạp hát Jeongdong, sau đó kết thúc bằng một bữa ăn tại quán cà-phê Gildeuryeojigi, từ lúc nào không hay, du khách đã được làm quen với văn hóa Hàn Quốc. Đường Jeongdong, con đường cổ xưa mang trong mình những câu chuyện lịch sử là nơi du khách có thể tản bộ và gặp gỡ với nghệ thuật biểu diễn truyền thống Hàn Quốc. Đó chính là con đường dẫn tới rạp hát Jeongdong, một địa danh nổi tiếng, nơi ra đời rạp hát Quốc gia thời cận đại đầu tiên của Hàn Quốc.

Lựa chọn của ban biên tập