Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Du lịch

Chùa Bongeun-Ngôi chùa giữa lòng thành phố.

2011-05-10

Chùa Bongeun-Ngôi chùa giữa lòng thành phố.

Hàng năm, cứ vào ngày 8 tháng 4 âm lịch, ngày Đức Phật Thích Ca giáng sinh hay còn gọi là ngày Phật Đản là đường phố Hàn Quốc lại trở nên rực rỡ hơn. Sắc hoa xuân dệt nên những con phố đầy màu sắc. Và những chùm đèn lồng nhiều màu sắc cũng được giăng đầy trên các đường phố. Nhìn những chùm đèn lồng giăng thành hàng dài giống như những chùm quả lúc lỉu, lòng người cũng chợt sáng sủa như ánh nắng mùa xuân. Vào ngày này, các ngôi chùa thường thắp đèn suốt đêm nên còn được gọi là ngày “đăng tịch”. Từ năm 1975, Hàn Quốc đã quy định ngày lễ Phật Đản là ngày nghỉ trên toàn quốc nhằm ca ngợi Đức Phật, người đã xuống thế gian để đánh thức sự u muội vì lòng tham và lòng từ bi của chúng sinh. Hôm nay, chúng ta sẽ cùng đến thăm một ngôi chùa ở ngay giữa lòng thủ đô Seoul. Đó chính là chùa Bongeun (Phụng Ân) ở phường Samseong, quận Gangnam.

[Cùng du khách tới thăm chùa Bongeun]

Đi tàu điện ngầm tuyến số 2 đến ga Samseong hoặc tuyến đường số 7 xuống ga Cheongdam, rồi đi bộ khoảng 700m là các bạn có thể tới được chùa Bongeun. Nói đến phường Samseong có thể kể đến Trung tâm thương mại COEX, nơi tổ chức hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2010, Khách sạn Intercontinental, các khu mua sắm như bách hóa Hyundai và các văn phòng làm việc. Ngôi chùa Bongeun ẩn mình lặng lẽ trong khu vực đầy những tòa nhà cao tầng này. Là ngôi chùa thuộc tông phái Jogye, chùa Bongeun được quốc sư Yeonhoe (Duyên hội) xây dựng vào năm 794 triều đại Silla với tên gọi ban đầu là Gyeonseong (Kiến tính). Tới nay nó đã có lịch sử khoảng 1200 năm. Bề dày lịch sử đó được toả ra từ cánh cửa ra vào của chùa Bongeun có tên gọi cửa Jinyeo (Chân Như). Ông Jo Hyeon-deok, nhân viên quản lý ngôi chùa giải thích: “Thông thường khi đến chùa cánh cửa đầu tiên mà chúng ta nhìn thấy là cửa Ilju (Nhất Trụ). Ngày trước, cửa Nhất Trụ ở bên ngoài chùa, phía tòa nhà COEX hiện nay. Sau khi thành phố được phát triển và mở rộng, cửa Nhất Trụ đã được di chuyển đến vị trí như ngày nay. Cửa Nhất Trụ còn có tên gọi khác là cửa Chân Như. Chân Như có nghĩa “sự nguyên vẹn của chân lý”. Vì lẽ đó cửa Chân Như được coi là ranh giới phân biệt thế giới của Đức Phật và thế tục. Bên ngoài cửa Chân Như là cuộc sống, là không gian của thế tục. Bên trong cửa Chân Như là đất Phật, là nơi Phật hiện thân. Do đó, nếu đi qua cửa này chúng sinh sẽ cảm nhận bản thân mình rũ bỏ được những lo lắng, những tham vọng trần tục và tâm hồn sẽ được thanh thản, nhẹ nhàng hơn. Đó cũng chính là lời dạy của Đức Phật được gửi gắm qua cánh cửa Chân Như.”

Xuất hiện từ khi ngôi chùa được xây dựng, cửa Chân Như gồm 8 cột đá lớn, đỡ lấy phần mái nhọn đua lên trên. Phía chính diện cửa bao gồm 3 gian, bên cạnh gồm 2 gian và phần cửa ra vào được chia thành gian nhằm phân biệt rõ ràng giữa bên trong và bên ngoài của thế giới.

Qua cửa Chân Như, du khách sẽ được thấy Phù Độ và Tháp Bia. Phía Tây là Beopwang-ru (Pháp Vương Lầu) mới được xây dựng gần đây. Đây là tòa lầu lớn gồm 7 gian lúc nào cũng đông đúc Phật tử. Nhân viên quản lý chùa Bongeun, ông Jo Hyeon-deok nói: “Pháp Vương Lầu là nơi hiện hữu những lời thuyết pháp của Đức Phật. Đây là không gian tổ chức pháp hội hoặc mạn đàm về Phật pháp. Đặc biệt, ở Pháp Vương Lầu có đến 3.300 bức tượng Quan Thế Âm Bồ Tát được đặt xung quanh bề mặt tường. Quan Thế Âm Bồ Tát là vị bồ tát luôn lắng nghe những nỗi thống khổ và thực hiện các mong ước của chúng sinh. Thông qua nơi thuyết pháp như thế này, các phật tử sẽ rửa sạch được những đau khổ trong tâm hồn và trong cuộc sống.”

Qua Pháp Vương Lầu chúng ta sẽ tới được địa điểm trung tâm của ngôi chùa là Daewungjeon (Đại Hùng Điện). Phía trước Đại Hùng Điện được trang trí đầy những dãy đèn hoa sen nhiều màu sắc để chào đón ngày Đức Phật giáng sinh. Tiếng niệm phật phát ra từ tòa điện đã mang lại sự bình yên cho những Phật tử đến thăm chùa. Đại Hùng Điện là tòa điện lớn có mái ngói nhọn gồm 5 gian. Những hoa văn hình rồng được khắc ở các bậc cầu thang là điểm đặc trưng của Đại Hùng Điện. Ông Jo Hyeon-deok tiếp tục giới thiệu: “Là nơi Đức Phật ngự tại, Đại Hùng Điện không chỉ là trung tâm của chùa Bongeun mà còn là trung tâm của tất cả các ngôi chùa khác. Đồng thời, đây cũng là nơi tổ chức mọi hoạt động liên quan đến Phật giáo. Khoảng 300 năm trước đây, khi ngôi chùa bị hỏa hoạn, lúc đó Đức vua đã đích thân ban tiền để tu sửa lại chùa. Để tạ ơn Đức vua, những người xây dựng chùa đã vẽ bức tranh rồng ở bậc thang của Đại Hùng Điện. Ngoài ra còn có hai bức bích họa được vẽ giống như bức bình phong là “Bát tướng đồ” miêu tả cuộc đời Đức Phật còn “Tầm ngưu đồ” đã lấy hình ảnh tìm bò để miêu tả quá trình làm việc thiện.”

Khi nhắc đến chùa Bongeun, chúng ta không thể không kể đến bức tượng Phật Di Lặc. Với độ cao 23m, tượng Phật Di Lặc là bức tượng lớn nhất ở Hàn Quốc với nụ cười hiền hậu của Đức Di Lặc đang nhìn xuống toàn cảnh thành phố. Đi qua tượng Phật Di Lặc, khách thăm quan sẽ nhìn thấy một tòa nhà cổ kính có tên gọi Panjeon (Bản điện). Đây là tòa nhà lưu giữ những bản khắc kinh Phật bằng gỗ đã được công nhận là di sản văn hóa của Hàn Quốc. Bản điện là nơi lưu giữ khoảng hơn 3.500 bản khắc kinh Phật bằng gỗ được xây dựng cách đây khoảng 150 năm. Kinh Phật chính là lời dạy của Đức Phật nên Bản điện càng có ý nghĩa hơn khi là nơi lưu giữ những lời dạy cao quý ấy. Chữ “Bản Điện” trước cửa điện do chính đại học giả Kim Jeong-hee trực tiếp viết lên. Ông vừa là đại thi hào vừa là nhà thư pháp nổi tiếng trong thời kỳ Joseon. Đặc biệt, Kim Jeong-hee viết hai chữ này trong lúc ông đang bệnh nặng và tạ thế sau đó 3 ngày. Do vậy mà nó càng mang ý nghĩa lớn lao hơn bao giờ hết.

[Trải nghiệm chương trình “Temple Life”]

Vào mỗi thứ 5 hàng tuần, chùa Bongeun lại tổ chức chương trình “Temple Life”-“Cuộc sống nơi cửa Phật” nhằm giới thiệu cho du khách nước ngoài về văn hóa phật giáo Hàn Quốc. Trong hai giờ đồng hồ, du khách sẽ được đi thăm toàn cảnh chùa, học uống trà đạo, ngồi thiền và làm đèn lồng. Rất đông du khách muốn được tìm hiểu về Hàn Quốc ở một nơi ngay giữa lòng thành phố lớn như thế này.

Sau khi hành trình thăm cảnh chùa kết thúc, du khách sẽ được trải nghiệm văn hóa trà đạo và thư giãn cơ thể bằng những tách trà ấm nóng. Sau khi đã làm ấm cơ thể bằng những tách trà thơm ngát, du khách sẽ bắt đầu tham gia ngồi thiền. Tư thế cơ bản khi ngồi thiền là ngồi xếp bằng, chân phải đặt lên bắp chân trái, và chân trái đặt lên bắp chân phải. Hai tay chụm lại đặt dưới bụng rồi chìm vào trạng thái mường tượng. Đây là một tư thế khá bất tiện nhưng tất cả các du khách dù mệt nhưng đều tỏ ra rất mãn nguyện. Thầy Musang phụ trách truyền đạo cho biết: “Những người hiện đại đang mắc nhiều căn bệnh về tinh thần. Thông qua việc ngồi thiền, chúng ta có thể tự trị liệu cho sự đau đớn và mệt mỏi của bản thân. Nếu ta đối xử với những người xung quanh, với gia đình, bạn bè, với tất cả những người ta yêu quý bằng tấm lòng thanh tịnh và thoải mái thì tự khắc sự trung thực của bản thân chúng ta cũng được nuôi dưỡng. Lúc đầu, du khách nước ngoài cảm thấy khó khăn vì tư thế và cách hít thở khi ngồi thiền. Nhưng khi ngồi thiền, họ có cơ hội để nhìn lại bản thân, cũng như làm thỏa mãn sự hiếu kỳ của họ về phật giáo Hàn Quốc.”

Thử làm đèn lồng có chứa đựng những mơ ước của bản thân cũng là một hoạt động trong chương trình “Temple Life”. Du khách sẽ cảm thấy thích thú khi được dán từng chiếc lá bằng giấy màu để làm thành bông hoa sen: “Tôi đang làm hoa sen bằng giấy. Hoa sen chính là biểu tượng cho sự thấu hiểu của Đức Phật. Bông hoa sen tôi đang làm gồm có 3 cánh bên trong, 4 cánh ở giữa và 5 cánh ở ngoài. Cuối cùng, tôi dán những cánh lá sen màu xanh lục.”

Vậy tại sao nhà Phật lại làm đèn hoa sen và treo ở một nơi gần với bầu trời? Nhân viên quản lý chùa Bongeun Kim Chun-ki giải thích: “Biểu tượng thân thuộc nhất của Phật giáo chính là hoa sen. Mặc dù lớn lên từ nơi bùn tanh nhưng vẻ đẹp của hoa sen lại không bị vấy bẩn bởi nơi đó. Do đó, nó chính là biểu tượng cho sự thanh lọc thế giới, biểu tượng cho sự trong sạch và ngát hương. Ngoài ra việc treo đèn hoa sen ở Pháp đường vào ngày Phật Đản thể hiện một lời hứa của Phật tử rằng: “Họ cầu nguyện Đức Phật, và họ sẽ trở nên hạnh phúc hơn khi Đức Phật giúp họ thực hiện điều cầu nguyện ấy”.

Tiếng đung đưa của những chiếc chuông gió hình cá chép trên hiên và những cơn gió đưa tiếng chuông khe khẽ vang vọng đến với những du khách đang trên đường trở về sau chuyến trải nghiệm văn hóa Phật giáo. Hình ảnh những quả chuông ẩn chứa mong muốn con người sẽ luôn luôn mở mắt, luôn luôn thức tỉnh như chú cá chép kia. Và một lần nữa, du khách lại hiểu thêm được một điều nữa từ trong những tiếng chuông nhỏ bé đó.

Dù xã hội vẫn ngày càng phát triển thì chùa Bongeun vẫn giữ nguyên vị trí của nó trong suốt một nghìn năm qua. Nghiêng mình trước lời dạy của thiên nhiên rồi ngồi xuống tọa thiền sẽ giúp chúng ta tìm được “con người thật” của chính mình. Nếu muốn tìm được sự thanh tịnh trong tâm hồn và muốn được nhìn lại bản thân mình, bạn có thể đến với chùa Bongeun. Ngôi chùa này luôn dang rộng vòng tay để chờ đón bạn.

Lựa chọn của ban biên tập