Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Du lịch

Công viên đảo Seonyu-công viên sinh thái tái sinh đầu tiên của Hàn Quốc

2011-05-17

Công viên đảo Seonyu-công viên sinh thái tái sinh đầu tiên của Hàn Quốc
Hôm nay, chúng ta sẽ cùng đến thăm một công viên khá đặc biệt ở phía dưới cầu Yanghwa. Nằm giữa ga Hapjeong và ga Dangsan của đường tàu điện ngầm số 2, Yanghwa là cây cầu kết nối phường Hapjeong, quận Mapo và phường Yangpyeong quận Yeongdeungpo với chiều dài 1.053m. Và phía dưới cây cầu này chính là công viên đảo Seonyu, công viên sinh thái tái sinh đầu tiên của Hàn Quốc. Khi đến với công viên đảo Seonyu tràn ngập sắc xanh, các bạn có thể ngắm cảnh, thư giãn và trải nghiệm tự nhiên cùng với các chương trình giáo dục về sinh thái.

[Cùng đến với cầu Seonyu]
Cầu Seonyu là cây cầu trên sông Hàn duy nhất chỉ dành riêng cho người đi bộ. Bạn có thể đến công viên đảo Seonyu bằng hai cách, một là đi vào từ cổng chính nằm ở phía dưới giữa cầu Yanghwa hoặc là đi vào qua cầu Seonyu. Tuy nhiên, nhiều người lại lựa chọn cách thứ 2. Và chỉ cần đi qua cây cầu này, bạn sẽ có thể hiểu được tại sao người ta lại chọn cách như thế. Nhân kỷ niệm 100 năm ngày thiết lập quan hệ giữa Hàn Quốc và Pháp, kiến trúc sư người Pháp, Rudy Ricciotti đã thiết kế cầu Seonyu và cầu được hoàn thành vào năm 2002 với tổng chiều dài là 468m. Đoạn cầu hình vòng cung nằm ở chính giữa cầu Seonyu, có chiều dài 120m và được thiết kế cong hơn 7 độ so với đoạn cầu thẳng. Có thể nói đây chính là điểm nhấn của cầu Seonyu. Tại đoạn này, khi nhún chân rồi nhảy lên, bạn sẽ có cảm giác như mình sắp được bay lên trời vậy. Đặc biệt, vào buổi tối, đoạn cầu này trông giống như một chiếc cầu vòng đầy màu sắc với sự kết hợp hài hòa của 4 màu ánh sáng đỏ, xanh da trời, vàng và xanh lá cây. Những đêm trăng sáng, phong cảnh của cầu Seonyu thật hùng vĩ và tráng lệ.

[Tham quan công viên đảo Seonyu cùng du khách]
Đảo Seonyu theo âm Hán là đảo Tiên Du, có nghĩa là hòn đảo nơi sống của thần tiên. Đây từng là nơi rất nổi tiếng với vẻ đẹp từ ngàn xưa. Thái tử Yangnyeong, anh trai của vua Sejong đã cho xây dựng đình “Yeongbok (Vinh Phúc)” ở Đảo Seonyu để thưởng ngoạn cảnh đẹp. Đình “Yeongbok” cũng thường xuyên xuất hiện trong các bức tranh của họa sĩ Jeong Seon nổi tiếng nhất thời đại Joseon. Chuyên gia du lịch Lee Dong-mi giải thích thêm về đảo Seonyu: “Đảo Seonyu còn có một tên gọi khác là Đảo Hajung. Đây là một trong những hòn đảo nhỏ thuộc đảo Bam ở Seoul. Ngày xưa, các tầng lớp quý tộc thường xây đình ở một nơi có phong cảnh đẹp nằm bên bờ sông Hàn giống như nơi đây để có thể ngâm thơ và vẽ tranh. Nhà thơ Lee Eun-sang đã từng đưa hình ảnh bãi biển cát bạc ở đảo vào trong thơ của mình. Người ta nói rằng vào mùa hè đã có hàng triệu người đổ về bãi biển xinh đẹp này. Với những lời đồn như thế này, hẳn trước đây, đảo Seonyu đã từng tồn tại một bãi biển cát lớn và những chiếc thuyền đã phải rất vất vả để đưa du khách đi về. Có thể nói, Đảo Seonyu ngày nay đã thay đổi nhiều so với hình ảnh trong quá khứ.”

Có khá nhiều điểm khác biệt giữa Đảo Seonyu của quá khứ và Đảo Seonyu của hiện tại. Qua những tài liệu hay bức tranh cổ, chúng ta có thể thấy được trước đây còn có một ngọn đồi nhỏ ở giữa Đảo Seonyu. Nhưng ngày nay, chúng ta không còn được nhìn thấy nó nữa. Vậy tại sao ngọn đồi này lại biến mất? Chuyên gia du lịch Lee Dong-mi cho biết: “Trước đây, ở giữa Đảo Seonyu có một ngọn đồi cao 40m có tên gọi là đồi Seonyu. Đây là nơi hợp lưu của dòng chảy từ núi Gwanak và dòng chảy từ núi Gwanggyo. Ngọn đồi này gắn với đất liền và bên sườn của nó có con sông Hàn chảy qua. Tuy nhiên, vào năm 1925 khi xảy ra một trận lũ lụt lớn, người ta cần phải lấy đất cát từ ngọn đồi để xây đê. Và đá từ ngọn đồi này cũng đã được huy động để xây dựng sân bay ở Yeouido. Chính vì vậy mà hiện nay chỉ còn dấu vết của ngọn đồi ở Đảo Seonyu. Ngọn đồi bị phá hủy đã tạo điều kiện cho dòng chảy lớn chạy qua đây và khiến cho một phần đất tách rời khỏi đất liền và tạo thành đảo như ngày nay.”

Sau khi đất đá của đồi Seonyu và bãi biển cát vàng biến mất, vào năm 1978, chính quyền thành phố Seoul đã cho xây dựng nhà máy lọc nước Seonyu để cung cấp nước cho khu vực Tây Nam của thành phố. Nhà máy lọc nước này đã hoạt động trên 20 năm cho đến khi nó được di dời vào tháng 12 năm 2000. Và chính tại nơi đây, công viên đảo Seonyu đã ra đời vào tháng 4 năm 2002. Có một điều đặc biệt là công viên đã được xây dựng thành một công viên sinh thái tái sử dụng các trang thiết bị và công trình kiến trúc của nhà máy. Hay nói một cách khác, tự nhiên đã được đưa vào những cơ sở nhân tạo. Câu chuyện về công viên đảo Seonyu sẽ được giới thiệu chi tiết tại Bảo tàng thiết kế Seoul: “Đây là Bảo tàng lịch sử sông Hàn hay còn gọi là Bảo tàng thiết kế Seoul. Bảo tàng này gồm 1 tầng hầm và 2 tầng nổi và trưng bày tất cả mọi thứ liên quan đến sông Hàn, đặc biệt là về Đảo Seonyu. Qua những hiện vật trưng bày ở đây, các bạn có thể thấy được hình ảnh của sông Hàn trong quá khứ hay hiểu được họa sĩ Jeong Seon đã miêu tả đảo Seonyu như thế nào cũng như khối lượng nước lọc của nhà máy lọc nước. Tất cả những thông tin này đều được cung cấp bằng hình thức thông tin đa phương tiện. Ngoài ra, bạn cũng có thể nhìn thấy sự thay đổi của sông Hàn theo 4 mùa và cuộc sống của con người quanh sông Hàn. Đây là nơi các gia đình và các cặp tình nhân sẽ rất thích thú khi đến thăm.”

Công viên đảo Seonyu được xây dựng với một chủ đề rất độc đáo. Trước đây, công viên này từng là một nhà máy lọc nước, vì vậy “nước” đã được chọn làm chủ đề chính cho công viên. Chuyên gia du lịch Lee Dong-mi giải thích: “Như các bạn đã thấy, nước có mặt ở khắp mọi nơi và tất cả mọi thứ đều liên quan đến nước. Hầu hết các thiết bị lọc nước vẫn được giữ nguyên hoặc được tái sinh và tái sử dụng. Công viên đã cố gắng sử dụng năng lượng một cách ít nhất. Trên thực tế những đường ống dẫn nước bằng bê tông và sắt han gỉ trông không đẹp mắt nhưng giờ đây chúng đã được cải tạo thành không gian vui chơi, hay những đầm lầy sinh thái nhằm mục đích giáo dục về môi trường cho trẻ em. Tất cả mọi vật liệu được sử dụng ở đây đều là những vật liệu thân thiện với môi trường, qua đó có thể giúp các em học được nhiều hơn về bảo tồn thiên nhiên.”

Cùng với những dòng nước, các loài thực vật xanh đang dần lớn lên trên những công trình bằng sắt hoen gỉ và công trình bằng bê tông xấu xí. Công viên đảo Seonyu bao gồm 4 khu vực với 4 chủ đề khác nhau như vườn cột xanh, vườn thời gian, vườn thực vật thủy sinh và trung tâm lọc nước. Trước tiên, chúng ta hãy cùng đến thăm vườn cột xanh. Tiếng chân người đi trên đường đá cuội nghe thật vui tai. Trong vườn cột xanh, hàng chục chiếc cột bê tông đứng thành hàng trên khu đất sỏi rộng lớn với những hàng dây thường xuân leo quanh. Ngày trước, nơi đây là khu chứa nước nhưng hiện nay, tất cả các tấm mái bê tông đã được dỡ bỏ để tạo nên một khu vườn đá sỏi nhỏ.

Bên cạnh vườn cột xanh là vườn thực vật thủy sinh. Ở đây, du khách sẽ được nhìn thấy các loại thực vật thủy sinh đa dạng và quá trình sinh trưởng của chúng. Vườn thực vật được cải tạo từ khu lọc nước với 8 bể nước, mỗi bể rộng 8m và dài 17,5m. Các loài thực vật đầm lầy được phân loại theo môi trường sống trong khi các loài thực vật sinh trưởng ở nơi nước nông được trồng ở phía bắc, còn thực vật phù du, thực vật sống trong nước được trồng chủ yếu ở phía nam.

Tiếp đến, chúng ta sẽ đến thăm vườn thời gian, nơi các công trình trước đây của nhà máy lọc nước được bảo tồn nguyên vẹn nhất. Hệ thống dẫn nước 2 tầng vẫn được giữ nguyên còn các công trình khác của nhà máy được tái tạo thành những khu vườn nhỏ hơn như vườn dây leo, vườn âm thanh, vườn màu sắc và vườn cây dương xỉ. Người ta đã cố gắng bảo tồn hình dáng, vị trí của các công trình cũ và điều chỉnh ánh sáng, độ ẩm cho các loài thực vật. Nhờ đó mà du khách sẽ được thưởng ngoạn các loài thực vật đa dạng sinh trưởng trong các môi trường sống khác nhau. Chuyên gia du lịch Lee Dong-mi cho biết: “Tên khu vườn này rất đẹp và đậm chất thơ đúng không ạ? Đường dẫn nước nằm ở phía tầng trên và người ta đã trồng cây ở ngay phía dưới đó. Chính vì vậy mà nơi đây có một cấu trúc rất độc đáo với những ngọn cây đều hướng xuống phía dưới của đường dẫn nước. Đến đây, du khách sẽ được thưởng ngoạn nhiều loại thực vật khác nhau như cây phong và cây tần bì. Ngoài ra, ở đây còn có một thác nước nhỏ nữa.”

Với không gian độc đáo, vườn thời gian đã trở thành một địa điểm quay phim truyền hình, phim nhựa hoặc quảng cáo thương mại nổi tiếng tại Hàn Quốc. Những hàng dây leo thường xuân quấn chặt trên các bờ tường bê tông và một đường hầm được tạo thành bởi hơn 100 loài cây và hoa như đang đưa du khách quay trở về với thời xưa kia. Sự tồn tại của các loài thông, cỏ bạc và tre đã tạo nên sự kết hợp hoàn mỹ với đường dẫn nước “già nua”. Những cơn gió từ sông Hàn đã mang đến sự tươi mát cho không khí và tạo nên tiếng đung đưa xào xạc của những cây tre.

Tất cả mọi dòng nước chảy qua Đảo Seonyu đều được lọc tại Trung tâm lọc nước. Là công viên được xây dựng với chủ đề “nước” nên nước ở đây rất sạch và mọi người có thể nô đùa thỏa thích. Một giờ đi dạo ở công viên đảo Seonyu cũng đủ giúp cho du khách thoát khỏi những bộn bề, hối hả của thủ đô Seoul.

[Cùng thư giãn và ngắm cảnh tại quán càfé Arittaum]
Sau khi đã đi dạo một vòng quanh công viên, du khách nên bớt chút thời gian để đến thăm quán càfé Arittaum, một địa điểm không thể bỏ qua khi đến với Đảo Seonyu. Quán càfé Arittaum nằm ở bên ngoài cổng chính và ở phía nam của cầu Yanghwa. Ngay từ khi đi lên chiếc thang máy nghiêng, bạn đã có thể cảm nhận được sự hấp dẫn của nó.

Từ nơi quan sát, du khách có thể nhìn thấy dòng chảy của sông Hàn ở phía dưới cầu Yanghwa, công viên đảo Seonyu và Đài phun nước World Cup ở gần cầu Seongsan. Đài phun nước này có thể phun nước cao 202m. Tại đây, toàn cảnh thành phố Seoul sẽ mở rộng ra trước mắt du khách. Và còn gì tuyệt vời hơn khi được thưởng thức một tách cà phê ở nơi có phong cảnh tuyệt đẹp như thế này.

Ở công viên đảo Seonyu, cây cỏ và bê tông đã có được sự kết hợp rất hài hòa. Những mảng bê tông vỡ cũng quý giá không kém các loài thực vật và nước. Khi đến với công viên đảo Seonyu, công viên sinh thái tái sinh đầu tiên của Hàn Quốc, các bạn sẽ tận mắt thấy được hình ảnh các loài thực vật đang dần lớn lên trên những công trình xưa cũ.

Lựa chọn của ban biên tập