Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Du lịch

Chuyến du ngoạn dưới trăng ở cung Changdeok

2011-05-24

Chuyến du ngoạn dưới trăng ở cung Changdeok
Ra cửa số 3 của ga tàu điện ngầm Anguk tại Seoul rồi đi bộ khoảng 7 phút là các bạn có thể tới cung Changdeok (Xương Đức). Là 1 trong 5 cung điện của triều đại Joseon, cung Changdeok vẫn còn giữ được nguyên vẹn kiến trúc cung điện và khu vườn truyền thống. Nhờ đó mà vào tháng 12 năm 1997, cung Changdeok đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Gần đây đã có rất nhiều du khách tìm đến nơi đây để có thể tham gia vào chuyến du ngoạn dưới ánh trăng vào những ngày rằm trăng tròn.

Những du khách tham gia chuyến du ngoạn dưới trăng ở cung Changdeok đều rất mong đợi chuyến đi này giống như một chuyến du lịch thời gian với mùi của gió, của rừng và mùi của đêm. Vậy đây là chuyến du ngoạn như thế nào? Trưởng phòng văn hóa nghệ thuật Yu Gwan-hyeon của Quỹ bảo tồn di sản văn hóa Hàn Quốc cho biết:“Chúng tôi đã nghĩ xem phải làm như thế nào để người nước ngoài có thể thưởng thức vẻ đẹp của cố cung. Changdeok là cung điện duy nhất được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Chúng tôi đã lên kế hoạch tổ chức chương trình này để du khách có thể trải nghiệm cảm giác đi tản bộ trong cung điện xưa giống như các hoàng đế thời Joseon đã từng thưởng ngoạn trong quá khứ. Dưới ánh trăng sáng lung linh của những ngày rằm, cố cung mang một vẻ đẹp khác hẳn với ban ngày. Và còn gì thú vị hơn khi du khách được quay trở lại với quá khứ của 600 năm trước và cảm nhận vẻ đẹp trong đêm của cố cung?”.

Chuyến du ngoạn dưới trăng thường diễn ra từ 2 đến 5 ngày trước và sau ngày trăng rằm hàng tháng vào tháng 4, tháng 5, tháng 6, tháng 9 và tháng 10. Chính vì vậy, việc đặt vé trước cũng rất khó khăn vì chỉ có thể tổ chức du ngoạn vào 18 ngày trong năm.

[Thưởng ngoạn ánh trăng tại cầu Geumcheon và điện Injeong]
Vào 8 giờ tối, mặt trăng đã dần hé lộ trên bầu trời đêm. Chuyến du ngoạn sẽ bắt đầu cùng với sự xuất hiện của ánh trăng. Sau khi nhận được những chiếc đèn lồng nhỏ được xếp ở cửa ra vào cung điện, du khách bắt đầu bước đi trên con đường đất. Đi qua cổng Donhwa (Đôn Hóa), hướng dẫn viên bắt đầu giới thiệu về cầu Geumcheon (Cẩm Xuyên) với dòng nước chảy đẹp như một dải lụa. Hướng dẫn viên Lee Kyeong-chun nói: “Được xây dựng vào năm 1411, cầu Geumcheon là cây cầu đá lâu nhất còn tồn tại trong cung hiện nay. Năm nay, nó đã tròn 600 năm tuổi. Dưới cây cầu đá này là dòng suối lụa Geumcheon. Ở phía Bắc dưới cầu Geumcheon có tượng rùa đá và ở phía Nam thì có tượng sư tử đá. Hai chiếc tượng này được coi là hai vị thần xua đuổi tà ma”.
Qua cầu Geumcheon là cửa Jinseon (Tiến Thiện). Làn sương đêm dày đặc bám trên cửa Jinseon, cánh cổng thứ 2 mà du khách phải đi qua trên con đường dẫn đến cung chính của vua. Sương đêm dày đặc bao quanh cửa, cùng hòa lẫn với ánh trăng tạo nên vẻ đẹp thật huyền ảo. Du khách đi theo con đường mà trước đây các hoàng đế Joseon đã từng đi qua. Qua cửa Jinseon và cửa Injeong, du khách sẽ nhìn thấy điện Injeong (Nhân Chính) với dáng đứng sừng sững, trang nghiêm. Ánh sáng đèn đã mang lại vẻ đẹp vô cùng tráng lệ cho điện Injeong như lịch sử huy hoàng một thời của triều đại Joseon.

Điện Injeong, điện chính của cung Changdeok là nơi tổ chức các nghi lễ quốc gia như lễ đăng quang hoàng đế, lễ sắc phong hoàng thái tử và nghi lễ đón tiếp sứ thần nước ngoài. Khi nhìn vào bên trong điện, du khách có thể cảm nhận được sự uy nghiêm của hoàng đế triều đại Joseon thông qua vị trí và sự trang trí tỉ mỉ của ngai vàng đặt ở giữa điện. Bên cạnh đó còn có một điểm khá nổi bật chính là chiếc màn che và chùm đèn treo bên trong điện. Hướng dẫn viên Lee Kyeong-chun cho biết:“Những chùm đèn được treo trên các cột gỗ kể từ khi Joseon thiết lập quan hệ ngoại giao với nhiều nước phương Tây. Năm 1887 là năm đầu tiên điện được đưa vào sử dụng ở cung Gyeongbok (Cảnh Phúc) và đến năm 1908 thì các chùm đèn điện được lắp đặt ở cung Changdeok, trước Nhật Bản và Trung Quốc 2 năm”.

Bước xuống bậc thang đá ở phía bên phải của điện Injeong, du khách lại tiếp tục hướng đến điện Seonjeong (Tuyên Chính), nơi làm việc của vua và Hijeongdang (Hi Chính Đường), nơi vua ở. Tuy nhiên con đường này không phải được làm bằng đá trơn mà là một con đường đất.

Tiếng bước chân trên đường đất vang rõ giữa không gian đêm yên tĩnh và thanh bình. Những con đường trong các cung điện thời kỳ Joseon hầu hết là đường đất và hẳn phải có một lý do riêng nào đó. Hướng dẫn viên Lee Kyeong-chun giải thích:“Mùa hè ở nước ta thường mưa nhiều vì vậy các con đường thường được làm bằng đất để dễ thoát nước hơn. Ngoài ra, đường đất còn giúp cho việc phát hiện tiếng bước chân của thích khách. Hầu hết các tòa nhà đều được làm bằng gỗ. Vì vậy khi xảy ra hỏa hoạn, cát còn được dùng để dập lửa. Vào những đêm trăng, cát còn có thể phản chiếu ánh sáng”.

Du khách lại dừng bước ở khoảng sân trước điện Seonjeong và Hijeongdang. Dưới chân họ, cát hòa lẫn với ánh trăng sáng lấp lánh. Đây là nơi thứ hai du khách được ngắm nhìn ánh trăng.

[Đến với tòa nhà Nakseonjae]
Đi qua khoảng sân đất, du khách sẽ gặp tòa nhà Nakseonjae (Lạc Thiện Trai), nơi ở của gia đình hoàng thất cuối cùng của Joseon. Tất cả mọi gian phòng đều được bật sáng đèn và du khách có thể nhìn rõ những nét hoa văn trên cửa được chạm khắc tinh tế. Du khách sẽ khó có thể cảm nhận được vẻ đẹp này vào ban ngày.

Nakseonjae là nơi được vua Heonjong (Hiến Tông), vua thứ 24 của triều đại Joseon xây dựng cho phi tần họ Kim và đây cũng là nơi tượng trưng cho câu chuyện tình yêu của hai người. Hướng dẫn viên Lee Kyeong-chun cho biết: “Vua Hiến Tông đã xây dựng nơi này cho phi tần họ Kim, một trong 3 người cuối cùng được tham gia quá trình lựa chọn hoàng hậu. Dù đã tham dự vòng lựa chọn cuối nhưng vua Hiến Tông đã không thể lựa chọn người con gái họ Kim mà mình yêu thích mà phải chọn người khác là hoàng hậu Hyojeong (Hiếu Định) theo ý của hoàng thái hậu Sunheon, bà của nhà vua. Nhưng sau đó, cô gái họ Kim được phong làm phi tần vì hoàng hậu Hiếu Định không thể sinh con nối dõi. Mặc dù rất yêu phi tần họ Kim nhưng câu chuyện tình đẹp của 2 người cũng kết thúc khi vua Hiến Tông qua đời sau đó 2 năm. Sau này, Nakseonjae được dùng làm nơi ở của gia đình hoàng thất cuối cùng của triều đại Joseon. Quãng thời gian cuối đời mình, hoàng thái tử phi cuối cùng của Joseon Lee Bang-ja cũng đã sống ở đây”.

Bây giờ du khách sẽ bước vào vườn sau của Nakseonjae. Khi được mở ra, chiếc cửa phía trong đình Numaru của Nakseonjae có hình dáng như trăng tròn ngày rằm, vì vậy mà nó còn được gọi là cửa Manwol (Mãn Nguyệt). Mỗi buổi sớm mai, ánh nắng mặt trời chiếu rọi qua cửa Manwol và làm bừng sáng khắp gian phòng. Leo lên những bậc thang ở phía trên vườn sau của Nakseonjae, du khách sẽ thấy đình Sangryang (Thượng Lương). Từ đây, du khách có thể trông thấy tòa tháp núi Namsan và bước đến gần hơn với trăng rằm. Hướng dẫn viên Lee Kyeong-chun giải thích:“Tôi đã từng được nghe nói rằng khi nhìn về phía cung Changdeok từ tháp núi Namsan vào những ngày tổ chức chương trình du ngoạn dưới ánh trăng, cung điện trông đẹp hơn nhờ những chiếc đèn lồng đầy màu sắc mà các bạn đang cầm trên tay”.

[Thưởng thức ánh trăng của Huwon]

Bây giờ chúng ta đang cùng hướng đến Huwon (Hậu Uyển), hậu viên của cung Changdeok. Con đường rừng dẫn đến khu vườn được chiếu sáng bởi những chiếc đèn lồng đặt ở hai bên và ánh trăng rằm. Nằm ở giữa lòng thủ đô Seoul, nhưng khu vườn này lại được tách biệt hoàn toàn với những ồn ào của đô thị.

Âm thanh duy nhất vang vọng ở đây là tiếng gió, tiếng xào xạc của cây và tiếng bước chân của du khách. Một không gian thật yên tĩnh và thanh bình. Và rồi tiếng sáo trúc ngang Daegeum đang vang lên ở đâu đó. Tiếng sáo Daegeum đã mang đến vẻ đẹp cổ xưa cho chuyến thưởng ngoạn này. Du khách như được thả hồn mình vào những giai điệu thảnh thơi. Cuối cùng họ đã đến ao Buyong (Phù Dung). Hướng dẫn viên Lee Kyeong-chun nói:“Chiếc ao ở trước mắt các bạn được gọi là ao Buyong và đình ở bên phía trái là đình Buyong. Buyong có nghĩa là hoa sen nở rộ. Từ xa, mái đình trông giống như một bông hoa sen đang nở. Đình Buyong cũng có cửa sổ ở 4 mặt và vua Jeongjo (Chính Tổ) rất thích câu cá ở đây”.

Ao Buyong có hình vuông và đình Buyong được xây dựng trên một đảo tròn trong ao. Đối diện với ao là thư viện của hoàng gia Gyujanggak (Khuê Chương Các) và phòng đọc sách Juhapru (Trụ Hợp Lâu). Người ta từng nói vua Chính Tổ đã từng lựa chọn sách ở Gyujanggak và đọc chúng ở Juhapru. Dưới ánh trăng sáng những công trình kiến trúc soi bóng dưới mặt ao trông thật lung linh, huyền ảo.

[Cùng tham gia buổi biểu diễn âm nhạc truyền thống Hàn Quốc]

Điểm dừng chân cuối cùng trong chuyến hành trình là buổi biểu diễn âm nhạc truyền thống Hàn Quốc ở Yeongyeongdang (Diễn Khánh Đường). Du khách ngồi trên những chiếc ghế đặt ở sân trước vừa ăn bánh, uống trà truyền thống vừa thưởng thức âm nhạc. Một không gian đêm tĩnh mịch, yên bình. Lá cây đung đưa trong gió và những âm thanh lạo xạo, xào xạc như đang hòa nhịp cùng với nhịp điệu âm nhạc. Kết thúc buổi diễn, tất cả mọi người cùng hát vang bài hát dân ca truyền thống tiêu biểu nhất của Hàn Quốc “Arirang”.

Nếu muốn tìm được sự yên bình, tĩnh lặng sau những bộn bề, bận rộn của cuộc sống, bạn có thể tìm đến với cung Changdeok vào những đêm trăng rằm để thưởng thức vẻ đẹp và sự lãng mạn của nó. Bạn sẽ được đắm mình vào ánh trăng và được đi bộ trên những con đường rừng vắng lặng trong chuyến du ngoạn dưới ánh trăng ở cố cung này.

Lựa chọn của ban biên tập