Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Du lịch

Vở nhạc kịch không lời kể về câu chuyện tình yêu của một nữ diễn viên múa ba-lê và chàng trai B-boy

2011-05-31

Vở nhạc kịch không lời kể về câu chuyện tình yêu của một nữ diễn viên múa ba-lê và chàng trai B-boy

Tại nhà hát nghệ thuật Lotte World ở phường Jamsil, thành phố Seoul, buổi biểu diễn nhạc kịch kéo dài 90 phút đã kết thúc với sự vui vẻ và những tràng pháo tay đầy nuối tiếc của khán giả.

[Vở nhạc kịch “Nữ diên viên múa ba lê yêu mến chàng trai B-boy”]

Đây là tác phẩm tuyệt vời với sự kết hợp hài hòa của những màn múa ba-lê quyến rũ và điệu nhảy hiphop B-boy nổi tiếng của Hàn Quốc. Ra mắt khán giả lần đầu tiên vào tháng 12 năm 2005, vở nhạc kịch không lời với tự đề “Nữ diễn viên múa ba-lê yêu mến chàng trai B-boy” đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi và được đánh giá cao về giá trị nghệ thuật cũng như tính đại chúng ở khắp mọi nơi trên thế giới trong đó có Trung Quốc, New York và Liên hoan Edinburgh Fringe – lễ hội biểu diễn hàng đầu tại Anh. Hiện nay, vở diễn này vẫn đang tiếp tục nhận được những lời mời biểu diễn ở nước ngoài. Giám đốc Choi Yun-yeop của công ty Show B-Boy, nhà viết kịch đồng thời là đạo diễn của vở kịch cho biết: “Bắt đầu nhận được lời mời lưu diễn từ năm 2006, chúng tôi đã tổ chức biểu diễn 50 lần trong vòng 40 ngày ở Broadway, Mỹ và 30 ngày ở Anh. Vở diễn cũng được trình diễn nhiều lần ở Bắc Kinh, Thượng Hải của Trung Quốc, Nhật Bản, Cô-lôm-bia và Singapo. Hiện nay, chúng tôi nhận được nhiều lời mời biểu diễn nhất ở châu Âu, sau đó là khu vực Nam Mỹ, Bắc Mỹ và có cả châu Á nữa. Chúng tôi đang xây dựng một nhà hát riêng với 730 ghế ở Bắc Kinh. Nó sẽ trở thành một nhà hát thương mại tư nhân đầu tiên trên con phố văn hóa nghệ thuật 798 của Bắc Kinh”.


Giống như Nanta - vở hài kịch không lời dựa trên nhịp điệu của nhạc cụ 4 bộ gõ Samulnori và Jump - vở hài kịch không lời dựa trên nghệ thuật võ truyền thống Hàn Quốc Taekwondo, vở nhạc kịch “Nữ diễn viên múa ba-lê yêu mến chàng trai B-boy” cũng đã có rạp hát của riêng mình nằm trong nhà hát nghệ thuật Lotte World. Cũng giống như khi tới Broadway ở New York, du khách luôn thưởng thức một hoặc hai vỡ diễn ở đó, thì khi đến với Hàn Quốc và xem buổi biểu diễn của những B-boy đẳng cấp thế giới, du khách cũng sẽ có được những trải nghiệm sâu sắc. Hôm nay, chúng ta hãy cùng đắm mình vào sức hấp dẫn của B-boy Hàn Quốc với vở nhạc kịch “Nữ diễn viên múa ba-lê yêu mến chàng trai B-boy” nhé.

[Sự phát triển của B-boy Hàn Quốc]

B-boy là những chàng trai chuyên biểu diễn các điệu nhảy breakdance và rất say mê văn hóa hiphop. B-boy đã trở thành một “hiện tượng” văn hóa mới trên thế giới. Khi người gốc Nam Mỹ kéo đến khu Harlem, đã xảy ra một cuộc cạnh tranh để giành quyền thống trị khu vực này giữa người da đen và người gốc Nam Mỹ. Khi hiphop trở thành điệu nhảy phổ biến, mỗi nhóm đã tới khu vực của đối phương và nhảy hiphop để khoa trương sức mạnh của mình. Từ đó đã xuất hiện những trận đấu hiphop và chúng được phát triển thành những cuộc thi giữa các nhóm nhảy breakdance chuyên nghiệp như ngày nay. B-boy có nguồn gốc từ New York nhưng nhà vô địch B-boy thế giới hiện nay lại là Hàn Quốc. Giám đốc Choi Yun-yeop giải thích: “Có thể nói, vị thế B-boy của Hàn Quốc cũng giống như bóng đá của Bra-xin. Breakdance không được du nhập chính thức vào Hàn Quốc nhưng các vũ công Hàn Quốc đã tự mình học hỏi và bắt đầu cho thấy được tài năng vượt trội của mình tại Cuộc thi breakdance thế giới vào đầu năm 2000. B-boy Hàn Quốc đã khiến cho B-boy của nhiều quốc gia trên thế giới phải kinh ngạc. Khả năng cảm nhận nhịp điệu, kỹ thuật tuyệt vời và sự trình diễn đầy nghệ thuật của các B-boy Hàn Quốc đã được đánh giá rất cao và từ đó đưa Hàn Quốc trở thành một trong những cường quốc về breakdance. Trên thực tế, hàng năm các B-boy Hàn Quốc đã tham gia vào hầu hết các giải thi đấu quốc tế như giải vô địch B-boy thế giới có tên gọi “Battle of the Year (Trận chiến của năm)”. Mỗi một nước sẽ chọn ra một đội tiêu biểu của mình và các đội tuyển quốc gia sẽ thi đấu theo từng châu lục để chọn ra 3 đội. Như vậy 20 đội gồm 18 đội đại diện cho 6 châu lục, đội của nước chủ nhà và đội chiến thắng của năm trước sẽ cùng tham gia giải đấu. Trong 10 năm gần đây, Hàn Quốc liên tục giữ vị trí quán quân hoặc á quân trong những giải đấu này”.


Breakdance xuất hiện và phát triển tại Hàn Quốc vào đầu những năm 1990 với các nhóm hiphop như Seo Tai-ji and Boys, Deuce và Noise. Chỉ sau 10 năm, Hàn Quốc đã trở thành một quốc gia hiphop hàng đầu thế giới. Vậy đâu là sự hấp dẫn đặc biệt của B-boy Hàn Quốc? “Có thể nói các B-boy Hàn Quốc rất dữ dội và mãnh liệt. Sự dữ dội và mãnh liệt của họ đã áp đảo B-boy của các nước khác. Breakdance Hàn Quốc rất mạnh, giống như gánh diễn truyền thống Namsadang vậy. Nó tạo nên sự vui vẻ, bùng nổ và mang đến sự ngạc nhiên cho khán giả trên toàn thế giới. Điệu múa phương Tây trông thật hoa lệ nhưng dường như trong nó còn thiếu sự bùng nổ lôi cuốn. Nhưng B-boy Hàn Quốc lại có thể làm được điều này. Và chính họ đã làm thay đổi sân khấu của breakdance”.

Sự say mê, hứng khởi, nhiệt huyết và vui vẻ của gánh diễn Namsadang đã được truyền sang cho các B-boy của Hàn Quốc và kết hợp với điệu múa ba-lê để làm nên một vở nhạc kịch không lời tầm cỡ thế giới. Sự xuất hiện của các chàng trai B-boy hòa cùng với âm thanh của dàn nhạc và cùng sánh vai với họ là một nữ diễn viên ba-lê khoác trên mình một bộ đồ hiphop. Đây chính là sức hấp dẫn của vở nhạc kịch “Nữ diễn viên múa ba-lê yêu mến chàng trai B-boy”.

[Sức hấp dẫn của vở nhạc kịch]

Thấm nhuần tinh thần tự do của hiphop, vở diễn breakdance lần này có sự khác biệt ngay từ cách xem của khán giả so với các chương trình biểu diễn khác. Khán giả có thể gọi điện thoại trong suốt buổi diễn và có thể đứng dậy hò hét, nhảy múa cùng với các diễn viễn. Các nhà sản xuất và diễn viên luôn mong muốn khán giả được thưởng thức vở diễn với tinh thần sảng khoái và vui vẻ nhất. Và đó là điều mà vở diễn này đã mang lại cho khán giả. Khán giả đã cảm thấy rất hưng phấn ngay từ trước khi vở diễn bắt đầu. Và cuối cùng các chàng trai B-boy cũng đã xuất hiện. Khoảng hơn 10 B-boy bước lên sân khấu và mở rộng sự trình diễn hào nhoáng của mình tại “quảng trường hiphop” được hình thành trên con đường gần phòng tập ba-lê. Vì không hài lòng về tiếng ồn ào mà chàng trai B-boy gây ra, nữ diễn viên ba-lê So-yeon và Seon-hee đã quyết định đối đầu với họ bằng chính điệu múa của mình.

Đây là cuộc chiến khó có thể phân chia thắng bại. Nhưng sau đó, chàng B-boy cá tính Seok-yun đã chiếm được trái tim của nữ diễn viên ba-lê So-yeon ngay từ ánh mắt đầu tiên. Cuộc ganh đua đã kết thúc nhưng So-yeon không thể chuyên tâm vào việc tập múa ba-lê nữa. Cô không ngừng nghĩ về hình ảnh của chàng trai hấp dẫn Seok-yun. So-yeon nghĩ rằng một nữ diễn viên ba-lê sẽ khó có thể hòa hợp cùng với các chàng trai B-boy. Cuối cùng, cô đã quyết định từ bỏ ba-lê và xuất hiện trước quảng trường hiphop bằng một bộ đồ hiphop. Trái với mong đợi của cô, các chàng trai B-boy đã từ chối tiếp nhận cô như là một thành viên của nhóm. Ngay lúc đó Seok-yun đã xuất hiện và đến bên So-yeon. Với những động tác hiphop tuyệt vời, hai người đã cho mọi người thấy được họ sinh ra là để cho nhau.

Thán phục trước kỹ năng nhảy điêu luyện của So-yeon, các chàng trai B-boy đã chào đón cô vào nhóm của mình. Cuối cùng, tình yêu của So-yeon và Seok-yun đã thành hiện thực. Vở kịch được bắt đầu bằng cuộc chiến giữa chàng trai B-boy và nữ diễn viên ba-lê nhưng lại kết thúc bằng sự hòa hợp. Vở kịch đã đem đến cho khán giả sự hứng thú và một thông điệp hết sức ý nghĩa về tình yêu và sự cảm thông. Giám đốc Choi Yun-yeop cho biết: “Nhảy breakdance trong kịch tượng trung cho tầng lớp những người bị xa lánh trong xã hội, nhảy hiphop tượng trưng cho tầng lớp bình dân, đại chúng còn ba-lê lại tượng trưng cho tầng lớp thượng lưu. Những tầng lớp kém may mắn hơn đã có sự xung đột với tầng lớp thượng lưu. Điều đó được thể hiện qua cảnh biểu diễn của các chàng trai B-boy ở quảng trường hiphop gần phòng tập ba-lê, nơi vốn rất hòa bình và tĩnh lặng. Một cuộc chiến về lòng kiêu hãnh đã được thể hiện qua những điệu múa và động tác nhảy. Nhưng sau đó, một chàng trai thật đặc biệt đã xuất hiện. Chàng B-boy ấy đã chiếm được trái tim của nữ diễn viên ba-lê và giúp cô hiểu được rằng mình không phải là một người đặc biệt mà chỉ là một người bình thường giống như những chàng trai B-boy. Cô gái ấy cũng nhận ra rằng ba-lê là một trở ngại đối với tình yêu của mình và cô đã quyết định từ bỏ nó để có thể đến với tầng lớp đại chúng và đến với người mình yêu”.


Tiếp theo sau những bước nhảy mạnh mẽ của các chàng trai B-boy là những điệu múa ba-lê mềm mại. Hai loại hình này dường như không tương thích với nhau, thậm chí khi mới bắt đầu, các diễn viên đã không thể nhập vai của mình. Tuy nhiên, thông qua những giờ luyện tập cùng nhau, họ đã dần hiểu được và cùng nhau học hai loại hình nghệ thuật khác nhau này. Diễn viên Hong Hyeon-yeong đóng vai nữ diễn viên ba-lê So-yeon nói: “Sự chuyển động giữa ba-lê và breakdance rất khác nhau. Ba-lê chủ yếu sử dụng chân trong khi B-boy thì lại sử dụng tay. Chúng hoàn toàn trái ngược với nhau. Nhưng trên thực tế 2 loại hình này có thể giống nhau và hòa hợp với nhau khi mà chúng cùng được sử dụng để diễn tả niềm hân hoan, vui sướng thông qua sự chuyển động và nhịp điệu. Cuối cùng thì hai loại hình nghệ thuật này cũng đã được kết hợp hài hòa với nhau”.


Sau 90 phút cùng đắm mình vào buổi biểu diễn của breakdance và ba-lê, mọi người đều thấy mình trở nên trẻ hơn và tinh thần cũng sảng khoái hơn. Đặc biệt, một trong những cảnh đáng nhớ của vở diễn là màn biểu diễn thêm 15 phút của các B-boy để tri ân tới những khán giả đã cùng hòa mình vào vở nhạc kịch.

Cách tốt nhất để thưởng thức vở nhạc kịch này là vỗ tay và nhảy theo các diễn viên cho đến khi mồ hôi thấm đẫm người. Sẽ không có ai khuyên bạn nên ngồi xuống hoặc im lặng trong một vở diễn không lời đầy ngẫu hứng như thế này. Đến với vở diễn “Nữ diễn viên múa ba-lê yêu mến chàng trai B-boy”, bạn có thể trải nghiệm và cảm nhận nét tinh hoa của breakdance và văn hóa B-boy.

Lựa chọn của ban biên tập