Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Du lịch

Bảo tàng Mỹ thuật hiện đại quốc gia, bảo tàng mỹ thuật lớn nhất tại Hàn Quốc

2011-06-28

Bảo tàng Mỹ thuật hiện đại quốc gia, bảo tàng mỹ thuật lớn nhất tại Hàn Quốc
Mùa mưa đã bắt đầu ở Hàn Quốc từ tuần trước với những ngày mưa nắng thất thường. Thế nhưng mùa mưa cũng không thể trói buộc được bước chân chúng ta. Có một nơi có thể tránh tiết trời oi bức khó chịu và giúp tâm hồn cũng như cơ thể chúng ta được nghỉ ngơi. Đó chính là Bảo tàng Mỹ thuật hiện đại quốc gia lớn nhất Hàn Quốc với bãi cỏ xanh mướt và con đường đi dạo lý tưởng, cùng những gian triển lãm mát dịu…

[Đường đến với Bảo tàng Mỹ thuật hiện đại quốc gia]

Xuống ở ga Công viên lớn (Daegongwon) tuyến số 4 đường tàu điện ngầm Seoul, ra ở cửa số 4, lên xe buýt tuyến ngắn miễn phí cứ 20 phút lại có một chuyến hướng về phía bảo tàng, chưa đầy 5 phút bạn sẽ tới nơi. Bảo tàng Mỹ thuật hiện đại quốc gia được chuyển về đây từ năm 1986. Trưởng phòng phát triển dự án Choi Eun-ju giới thiệu : "Bảo tàng Mỹ thuật hiện đại quốc gia được mở cửa từ năm 1969 nhưng trên thực tế địa điểm khai trương lần đầu hiện nay không còn lưu lại dấu tích. Vốn dĩ Bảo tàng nằm sâu trong cung điện Gyeongbok. Sau đó chuyển tới cung điện Deoksu vào năm 1973 với kiểu tòa nhà mang dáng dấp phương Tây và hoạt động từ đó cho tới năm 1986. Những tác phẩm mỹ thuật tầm cỡ nhất trong nước được trưng bày ở đó. Cố cung Deoksu được biết đến là nơi có khu vườn rất đẹp, là không gian lãng mạn luôn có các họa sĩ tới vẽ tranh tham dự Cuộc thi vẽ tranh hàng năm. Nhưng bước vào những năm 1980, chỉ với 2 tòa triển lãm ở Điện Seokjo (Thạch Tạo) trong cố cung Deoksu thì không đủ khả năng chứa hết các tác phẩm mỹ thuật nên cần có một nơi rộng lớn hơn. Khi ấy, đúng thời điểm Hàn Quốc đang chuẩn bị cho Đại hội thể thao Châu Á 1986 và Olympic Seoul 1988 nên chính phủ đã lên kế hoạch di chuyển bảo tàng nhằm quảng bá văn hóa Hàn Quốc. Nhờ đó Bảo tàng Mỹ thuật được xây dựng và chuyển tới một nơi vô cùng rộng lớn vào năm 1986."

Vậy là đã 26 năm kể từ khi Bảo tàng Mỹ thuật hiện đại quốc gia được chuyển về thành phố Gwacheon. Việc thưởng thức tác phẩm nơi đây sẽ được bắt đầu từ con đường dẫn tới bảo tàng. Có xe buýt tuyến ngắn miễn phí để tới đó nhưng nếu thời tiết đẹp thì bạn nên đi bộ. Điểm xuất phát cho hành trình tản bộ tới Bảo tàng Mỹ thuật là con đường nằm ngay phía bên trái, đối diện với trạm bán vé tàu con voi đưa khách tham quan tới Công viên lớn Seoul, công viên giải trí Seoul Land và Bảo tàng mỹ thuật. Nếu bước chầm chầm như đang đi dạo thì bạn sẽ nghe được tiếng cười nói vọng lại từ khu Công viên Seoul Land và điều đó sẽ khiến bước chân bạn sẽ thấy rộn ràng. Những ngọn núi rộng lớn bao quanh sẽ làm tâm hồn bạn khoan khoái. Rồi tự lúc nào, tòa nhà Bảo tàng mỹ thuật nằm giữa lưng chừng núi phía xa xa sẽ lọt vào tầm mắt của bạn. Trông giống như một tấm bưu thiếp tranh vẽ vậy.

Lúc đang đi trên con đường dốc thoai thoải thì bạn sẽ không nhìn thấy bảo tàng vì tầm mắt bị che khuất. Nhưng đi thêm một chút nữa theo đường bậc thang thì Bảo tàng Mỹ thuật hiện đại quốc gia sẽ xuất hiện như thể tấm màn sân khấu được mở ra. Trưởng phòng Choi Eun-ju chia sẻ : "Kiến trúc sư Kim Tae-su thiết kế tòa nhà bảo tàng là một Hàn kiều sống tại Mỹ. Thiết kế của ông đã được lựa chọn trong cuộc thi tuyển thiết kế kiến trúc cho Bảo tàng Mỹ thuật được tổ chức quy củ lần đầu tiên ở Hàn Quốc. Khi ấy, điểm cốt yếu mà ông nhấn mạnh đó chính là vẻ đẹp của núi Cheonggye. Ông đã tính đến nét hài hòa với tự nhiên trong kiến trúc truyền thống ở Hàn Quốc, để đặt tòa nhà lên đó mà không phản tự nhiên. Và thế là những đài phong hỏa, tường đá bao quanh vốn luôn xuất hiện trong các kiểu nhà kiến trúc truyền thống đã được phản ánh trong tòa kiến trúc này. Vì thế nếu nhìn sảnh chính của Bảo tàng mỹ thuật thì bạn sẽ thấy nó như đài phong hỏa đang đi lên. Còn nhìn bên ngoài trông giống như chân váy trùm của phụ nữ Hàn Quốc, tường đá bao quanh khu điêu khắc ngoài trời rộng lớn cũng được xây dựng theo mô phỏng như vậy.

Theo suy nghĩ của kiến trúc sư Kim Tae-su thì Bảo tàng Mỹ thuật được đặt ngồi vào giữa thiên nhiên chứ không phải là sẽ xây dựng lên nó. Lúc đầu tiên khi quyết định địa điểm là Gwacheon có rất nhiều ý kiến phản đối cho rằng nó quá xa trung tâm thành phố, và lại xây dựng giữa lưng chừng núi, giữa những dãy núi trùng điệp thì sẽ không thuận lợi về mặt giao thông. Nhưng sau một thời gian giờ thì đường tàu điện ngầm được thông suốt nên Bảo tàng Mỹ thuật hiện đại quốc gia trở thành nơi có địa thế tuyệt vời. Nếu nhìn từ xa, bạn sẽ thấy núi Cheonggye và núi Gwanak như đang ôm lấy bảo tàng, trong đó còn có hồ nước rộng chảy hiền hòa. Tại đây, du khách có thể bắt gặp những nét ưu việt mà các bảo tàng mỹ thuật trong thành phố không thể sánh được. Một nữ du khách tâm sự : "Bảo tàng rất đẹp và đường đến đây cũng tiện lợi, cảnh quan thì nên thơ. Chỉ tính riêng phong cảnh 4 mùa ở đây thôi cũng đã là một tác phẩm triển lãm rồi. Bảo tàng mỹ thuật không đem lại cảm giác xa lạ mà rất gần gũi nên tôi thường xuyên tới. Cây cối và những tảng đá hài hòa, từ thiên nhiên đến tòa nhà triển lãm tất cả đều mang lại cho tôi nhiều xúc cảm. Tôi thích nơi đây bởi vẻ đẹp hùng tráng mà lại rất giản dị."

[Nét độc đáo trong kiến trúc xây dựng và bố cục]

Nếu vị trí của Bảo tàng Mỹ thuật là bức họa phong cảnh thì tòa nhà của Bảo tàng là tác phẩm điêu khắc vĩ đại. Nói một cách khác, Bảo tàng Mỹ thuật hiện đại quốc gia được xem như một tác phẩm nghệ thuật. Một du khách cảm kích nói : "Bên ngoài của Bảo tàng được làm bằng đá hoa cương nên cảm nhận đầu tiên của tôi là vẻ đẹp mang nét hiện đại. Ngay cả những tác phẩm được trưng bày ở đây tuy rất bình dị nhưng cũng mang nét hiện đại."

Toàn bộ tòa nhà được làm bằng đá hoa cương mang màu da. Đá hoa cương màu da mang lại sự thay đổi cho màu sắc của tòa nhà theo ánh sáng và vị trí mặt trời khiến Bảo tàng Mỹ thuật như hấp dẫn hơn. Trưởng phòng Choi bổ sung : "Nói đến Hàn Quốc là nói đến đất nước của đá hoa cương. Các nhà xây dựng đã bỏ công tìm kiếm loại đá màu da tươi phù hợp với tiêu chí thiết kế và thống nhất sử dụng toàn bộ đá hoa cương ở vùng Iksan tỉnh Bắc Jeolla. Màu sắc của đá hoa cương khi nhìn tổng thể là màu sắc thân thiện gần gũi, giống như màu da thiếu nữ và mỗi mùa khi thời tiết thay đổi thì màu sắc cũng biến đổi theo. Màu khi mặt trời mọc cũng khác với lúc giữa ban ngày. Bề mặt của đá hoa cương cũng khác biệt. Bên ngoài tòa nhà sử dụng nguyên chất đá thô ráp như những tượng đá có thể nhìn thấy ở khu di tích hoặc những ngôi chùa truyền thống. Càng đi vào bên trong thì càng tinh tế trơn nhẵn như những tảng đá cẩm thạch. Sự thay đổi như vậy tạo nên sự hứng thú cho du khách khi ngắm nhìn tòa kiến trúc."

Đã cảm nhận được bằng tay những phiến đá bên ngoài Bảo tàng Mỹ thuật làm bằng chất liệu đá hoa cương rồi thì giờ chúng ta cùng tiến vào bên trong nhé. Bảo tàng Mỹ thuật có tất cả 7 phòng triển lãm trong tòa nhà 3 tầng và cả khu điêu khắc ngoài trời. Nếu bước vào sảnh chính thì lọt ngay vào mắt bạn đầu tiên sẽ là không gian của cầu thang hình soắn ốc tròn đi lên, đó chính là Ramp core - cầu thang hình xoắn ốc này dẫn du khách tới tất cả các phòng của Bảo tàng Mỹ thuật hiện đại quốc gia. Trưởng phòng Choi cho biết : "Nếu bước vào sảnh chính du khách sẽ nhìn thấy cầu thang hình xoắn ốc nằm ở giữa. Thông qua cầu thang xoắn ốc hay còn được gọi là thang hình cầu tròn Rotonda để lên tới tầng trên cùng tòa nhà và nó được liên kết với các gian trưng bày. Lấy đó làm trung tâm thì phía bên trái có gian triển lãm hình tròn cỡ lớn, bên phải có gian triển lãm hình vuông đang trưng bày các tác phẩm điêu khắc hay hội họa. Được kết cấu theo hình thái phức hợp nên du khách có thể thông qua cầu thang xoắn ốc tròn này để dạo một vòng quanh các gian trưng bày."

Cầu thang xoắn ốc tròn là trục trung tâm của Bảo tàng Mỹ thuật với không gian được tạo nên bởi mái hình nón với chiều cao 22,8m và cột trụ có đường kính 13,8m. Về mặt chức năng thì nơi này vừa là cửa vào vừa là đường nối kết tất cả các phòng trưng bày. Tháp video của nhà nghệ thuật Paik Nam-june mang tên "Dadaikseon (Càng nhiều càng tốt)" được lắp đặt vào năm 1988 ở giữa trung tâm cầu tháng xoắn ốc tròn này sẽ chào đón khách tham quan khi đặt bước chân đầu tiên vào Bảo tàng Mỹ thuật hiện đại quốc gia. Trưởng phòng Choi giới thiệu : "Tháp video lấy cảm hứng từ hình ảnh người dân Hàn Quốc thường cùng đi vòng quanh tháp để cầu nguyện ước vọng. Tên gọi "Dadaikseon" được bắt nguồn từ xã hội nông nghiệp của Hàn Quốc với quan niệm càng nhiều con trai, càng nhiều ngũ cốc lương thực càng tốt. Tháp video với 1003 màn hình TV, trong đó số 10 ở phía trước là tháng 10 và số 03 là ngày mùng 3, mang ý nghĩa là ngày lập nước 3/10. Ngày lập nước là ngày mà Dangun mở trời đất, khởi nguồn cho lịch sử Hàn Quốc với sự ra đời của nhà nước Gojoseon. Tôi cho rằng Paik Nam-june muốn cho thế giới biết về câu chuyện Dangun như vậy qua nghệ thuật video. 1003 màn hình với các hình ảnh đa dạng không ngừng quay gợi cho du khách nhiều suy ngẫm."

Nếu đi lên theo cầu thang xoắn ốc tròn với 1003 màn hình thì du khách sẽ bắt gặp hình ảnh mới mẻ mỗi khi bước chân chuyển động! Một du khách thích thú nói : "Vừa bước vào tòa nhà, tôi đã thấy nghệ thuật Paik Nam-june rất đẹp. Hình ảnh vừa đi lên theo bậc thang hình xoắn ốc vừa như được liên kết tới tận tầng trên cùng thật tuyệt. Không gian vừa giống như vỏ sò, vừa lại như hình xoắn ốc và cũng giống cả hình tháp nữa."

Ở các bảo tàng mỹ thuật, ngoài việc thường xuyên trưng bày các sản phẩm mỹ thuật mà bảo tàng đang có thì còn tổ chức các cuộc triển lãm đặc biệt theo mùa hay nhân dịp nào đó. Bảo tàng Mỹ thuật hiện đại quốc gia đang cung cấp các chương trình triển lãm như vậy suốt một năm theo kế hoạch, mang lại cho du khách cơ hội thưởng thức mỹ thuật đa dạng hơn rất nhiều. Trường phòng Choi nhấn mạnh : "Triển lãm đặc biệt là việc xây dựng các chương trình triển lãm tập trung vào một tác giả hay chủ đề riêng. Đại đa số các cuộc triển lãm kế hoạch thực hiện tại phòng triển lãm 1 và 2 ngay tầng 1, bên phải của khu triển lãm của Paik Nam-june. Vì thế nếu bạn tới và định xem triển lãm quan trọng theo mùa này ở Bảo tàng mỹ thuật thì bạn nên đi về phía bên phải."

Hiện tại ở phòng triển lãm số 1 ở tầng 1 đang triển lãm những tác phẩm của họa sĩ nổi tiếng Hàn Quốc Kim Jong-hak, ông được biết đến là họa sĩ chuyên vẽ hoa của núi Seorak! Chỉ cần đặt chân bước vào phòng triển lãm, bạn sẽ thấy đó là cả cánh đồng toàn hoa. Họa sĩ Kim Jong-hak chọn chuyên ngành học đại học là hội họa, và cả đời đi vào núi Seorak để vẽ hoa. Người ta nói rằng ông bắt đầu vẽ hoa dại nở vì cô đơn. Một nữ du khách chia sẻ : "Tôi vốn thích xem tác phẩm của Kim Jong-hak vì chúng rất nổi tiếng. Không gian ở đây rộng và có thể thưởng thức cùng một lúc tất cẩ các tác phẩm của ông. Không chỉ được thưởng thức vẻ đẹp của hoa mà còn hiểu hơn về thế giới tác phẩm của ông. Con đường dẫn vào đây cũng rất tuyệt. Tôi thấy mình dường như là đang lái xe rong chơi vậy. Kết thúc chuyến rong chơi ấy còn có khu nghỉ chân khá yên tĩnh và tách biệt. Cửa vào gần giống như là cửa vào bảo tàng Guggenheim của Mỹ. Chẳng cần phải tới Guggenheim ở New York cũng có thể thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời. Xét về mặt chất lượng và thời gian thì thật đúng là chả có thiên đường nào hơn thế."

Phòng triển lãm số 2 ở tầng 1 đang trưng bày các tác phẩm tiêu biểu trong năm. Khách thăm quan có thể nhận thấy Bảo tàng Mỹ thuật đã đưa về những tác phẩm nào và đang nghiên cứu về những nhà nghệ thuật nào. Nhưng ở tầng 1 có một nơi mà chúng ta không thể bỏ qua đó chính là gian bảo tàng mỹ thuật trẻ em được mở cửa từ năm ngoái. Trưởng phòng Choi Eun-ju giới thiệu : "Đây là không gian để các em thiếu nhi tới trải nghiệm lĩnh vực mỹ thuật cao cấp và liên kết việc đó với trải nghiệm sáng tác. Chương trình rất đa dạng. Về cơ bản là thưởng thức các tác phẩm được thu thập về đây và trải nghiệm sáng tác với chủ đề đặc biệt. Có cả các giáo viên hướng dẫn. Ở gian Bảo tàng mỹ thuật trẻ em cũng trưng bày tác phẩm của nhiều tác giả đa dạng như sử dụng giấy, phương tiện truyền thông và điêu khắc. Nhìn những cái đó các em có thể trải nghiệm chương trình phải thưởng thức tác phẩm mỹ thuật như thế nào và phải sáng tác ra sao."

Ở tầng 2 của Bảo tàng Mỹ thuật có phòng triển lãm số 3, 4 và phòng triển lãm hình tròn số 2. Phòng triển lãm số 3, 4 có bố cục giúp du khách có thể bao quát lịch sử mỹ thuật Hàn Quốc sau những năm 1950. Nhìn các tác phẩm đang trưng bày tại đây, bạn có thể bắt gặp tinh thần sáng tác của các họa sĩ Hàn Quốc, vừa đảm bảo được tính độc đáo và tinh thần thời đại thể hiện trong dòng chảy của lịch sử mỹ thuật thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Trong gian triển lãm hình tròn số 2 hiện đang tiển lãm chủ đề mang tên "Bên ngoài hành tinh yên tĩnh". Trưởng phòng Choi bổ sung : "Gian triển lãm hình tròn số 2 có trưng bày tác phẩm của những nhà họa sĩ đi đầu cho nghệ thuật truyền thông, và cũng có cả những tác phẩm hình ảnh video, có cả các phẩm điêu khắc âm thanh, trên thực tế còn có các tác phẩm được thiết kế trải nghiệm. Nếu bước vào bên trong không gian đó, thì du khách sẽ thấy đó là một phòng tối. Là một khối màu đen, bên trong có thể trải nghiệm việc các tác phẩm truyền thông được nhìn như thế nào."

Trong phòng triển lãm số 5, 6 ở tầng 3 chủ yếu trưng bày các tác phẩm mà bảo tàng đang sở hữu theo chủ đề riêng biệt. Nhân kỷ niệm tháng 6 là tháng Thương binh liệt sỹ, ở đây đang triển lãm theo chủ đề "Chiến tranh đã quên lãng và hiện thực chia cắt". Một du khách phát biển cảm trưởng sau khi xem tranh : "Nhìn những bức tranh về chia cắt hai miền Triều Tiên mà thấy thật thảm khốc. Đây là bức tranh về cuộc chiến trên đường phố ngày 28 tháng 9 năm 1950. Giữa trung tâm thành phố mà lại diễn ra quang cảnh như vậy mới thật đau lòng làm sao. Dường như đây là cảnh ngay sau hôm diễn ra cuộc chiến trên đường phố thì phải. Còn đây 2,3 người đang bước đi nặng nhọc lê bước trên đường ray tàu điện. Rồi những hình ảnh gào khóc bi thương. 60 năm đã trôi qua kể từ ngày xảy ra chiến tranh hai miền Nam Bắc, giờ không phải là thời kỳ chiến tranh nên tôi không cảm nhận được nỗi đau ấy bằng da thịt nhưng những tài liệu như thế này cũng đem lại cảm giác gợi nhớ những việc của thời bấy giờ. Và nhìn ở đây thế này cũng khiến tôi nghĩ lại về hiện thực chia cắt và sự thật của lịch sử."

[Khu điêu khắc ngoài trời - vườn nghệ thuật giữa thiên nhiên]

Một điểm nhấn khác của Bảo tàng Mỹ thuật hiện đại quốc gia là khu điêu khắc ngoài trời. Bảo tàng được đặt giữa tự nhiên với quy mô lớn nhất trong nước là 66.000m2, Trong đó một nửa là tòa nhà triển lãm và 1 nửa còn lại là hồ nước, nơi nghỉ ngơi và khu điêu khắc ngoài trời. Việc thiết kế chia đôi giữa tự nhiên và tòa nhà triển lãm ở đây khá độc đáo, đóng vai trò là không gian văn hóa tổng hợp với nhiều chương trình thường xuyên diễn ra như ngâm thơ, biểu diễn múa hay ca nhạc ngoài trời tuỳ theo mỗi mùa. Chẳng có gì thú vị hơn là được ngắm nhìn những tác phẩm điêu khắc được đặt trên bãi cỏ xanh mướt. Trưởng phòng Choi giải thích thêm : "Có tất cả khoảng 66.000m2 thì chỉ dùng 33.000m2 để xây dựng tòa nhà trưng bày còn lại là khu điêu khắc ngoài trời. Cũng có nhiều tác phẩm của các tác giả trên thế giới như Tal Streeter, Nizuma Minoru, và Kwak In-shik. Đặc biệt phải kể đến tác phẩm "Người đàn ông hát" của Jonathan Borofsky. Là tác phẩm điêu khắc vô cùng lớn, cao hơn 4m, làm bằng kim loại nhôm ánh bạc và có thể hát. Lời bài hát không rõ ràng chỉ là những tiếng ngân xa vắng, lấy từ bài hát của người Anh-điêng, thổ dân châu lục Mỹ ngày xưa. Người ta nói rằng nếu nghe vào ngày trời mưa thì hơi sợ còn vào ngày trời trong xanh thì rất thú vị. Với nhiều tác phẩm như vậy cùng cây cối tốt tươi khiến cho việc thưởng thức khu điêu khắc ngoài trời thật tuyệt."

Khu điêu khắc ngoài trời trải rộng trên bãi cỏ xanh với quang cảnh tự nhiên đẹp đẽ được bao quanh bởi núi Cheonggye và núi Gwanak như tấm bình phong. Nơi đây đang trưng bày các tác phẩm của khoảng 60 nhà điêu khắc nổi tiếng. Tuỳ theo góc nhìn, phương hướng, và cả thời tiết mà du khách có thể cảm nhận thấy được những vẻ đẹp và màu sắc khác biệt. Bạn sẽ thấy vẻ tinh tế khác lạ không thể có được ở không gian triển lãm trong nhà. Thưởng thức những tác phẩm điêu khắc bằng cả đôi mắt và tâm hồn sẽ cho bạn cảm giác gần gũi hơn : "Núi, tòa nhà, cây cối, con người rồi bây giờ là các tác phẩm điêu khắc ngoài trời….Một sự kết hợp và pha trộn giữa đô thị và nét trữ tình. Phong cảnh như vậy mới tuyệt làm sao.", "Nhìn những tác phẩm điêu khắc gợi cho tôi nhiều suy nghĩ. Vốn chỉ ngắm nhìn chúng không thôi cũng thấy đẹp rồi thế mà chúng còn được đặt giữa khung cảnh như vậy nên tôi muốn bước chậm hơn những nơi khác để được ngắm nhìn. Dường như đây là không gian khiến tôi đồng cảm và thấy điều gì đó khó tả. Tôi có thể thưởng thức các tác phẩm của nhiều nhà điêu khắc giữa đất trời thiên nhiên. Không những thế, còn dược nghe giải thích nên tôi cũng hiểu hơn về các nội dung ẩn chứa bên trong mỗi tác phẩm."

Nếu bước vào bên trong Bảo tàng Mỹ thuật thì bạn có thể tránh được làn gió nóng bức còn nếu ra bên ngoài trời thì con đường đồi tươi mới đang chờ đợi bạn. Bạn còn có thể bổ sung sự hiểu biết của mình qua những tác phẩm nghệ thuật và hít thở bầu không khí trong lành giữa thiên nhiên. Ngồi bên băng ghế dài dưới tán ô bên cạnh hồ nước và thưởng thức ly trà thơm, tận hưởng được những giây phút nhàn tàn…Có lẽ chỉ có không gian ở Bảo tàng mỹ thuật hiện đại Quốc gia tại Gwacheon mới đem lại cho bạn sự hài lòng đến như vậy.

Lựa chọn của ban biên tập