Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Du lịch

Ga văn hóa Seoul 284, nơi lưu giữ những kỉ niệm khó quên

2011-08-23

Ga văn hóa Seoul 284, nơi lưu giữ những kỉ niệm khó quên
Đối với người Hàn Quốc, Nhà ga Seoul cũ là một nơi rất đặc biệt. Khi đường sắt nói riêng, phương tiện giao thông nói chung vẫn còn chưa phát triển, bất cứ ai muốn di chuyển từ Seoul đến các khu vực khác, hoặc ngược lại, đều phải ghé qua Nhà ga Seoul cũ. Đây là nơi quy tụ của rất nhiều người đến từ mọi miền của Hàn Quốc. Họ là những người lần đầu đến Seoul để tìm việc, là những sinh viên tới học tập, hoặc là những đứa trẻ được cho về nhà ngoại nghỉ hè…Khi nhắc đến một địa điểm của gặp gỡ và chia tay, của đợi chờ và xao xuyến, người ta liền nghĩ ngay đến Nhà ga Seoul cũ. Tính đến nay, nhà ga đã ngưng hoạt động được 7 năm và hiện đang được sử dụng như một nhà triển lãm nghệ thuật. Để cùng cảm nhận về nơi đã từng chất chứa biết bao niềm vui, nỗi buồn cũng như những ký ức tuyệt vời của người Hàn Quốc, hôm nay chúng ta hãy đến thăm Nhà ga Seoul cũ nhé!

[Những đều cần biết về Ga văn hóa Seoul 284]

Khi đến ga Seoul, du khách sẽ bắt gặp một toà nhà to lớn mang kiến trúc hiện đại, đó là Nhà ga Seoul mới. Nằm khiêm tốn bên cạnh là một tòa nhà có kiến trúc cổ, với mái hình vòm và những bức tường gạch đỏ đã hoen màu thời gian. Đây mới chính là địa điểm mà chúng ta cần tìm đến, Nhà ga Seoul cũ. Vào ngày 5/7/1900, cùng với việc khai thông cầu Hangang, chiếc cầu đầu tiên bắc qua sông Hàn, người ta cũng bắt tay vào việc thực hiện tuyến đường sắt Gyeongin, để liên kết Seodaemun của Seoul với Jemulpo của Incheon, nơi vốn là một thương cảng sầm uất. Và Nhà ga Seoul cũ cũng bắt đầu được xây dựng vào thời điểm đó. Bà Oh Se-won, Giám đốc điều hành Ga văn hóa Seoul 284 giới thiệu : "Vị trí ban đầu của nhà ga nằm ở gần cầu Yeomcheon và có tên gọi là ga Namdaemun. Đến năm 1925, ga Namdaemun được xây dựng lại bởi công ty đường sắt Nam Mãn Châu với lối kiến trúc pha trộn phong cách Phục Hưng, đồng thời cũng được đổi tên thành ga Gyeongseong (Kinh Thành). Quy mô hoành tráng cùng cấu trúc mái vòm và vẻ ngoài độc đáo của nhà ga mới đã trở thành đề tài bàn luận gây xôn xao của người dân thủ đô lúc bấy giờ. Ngoài ra, người dân còn bị cuốn hút bởi những bức tường gạch đỏ lạ mắt và nền sảnh lót đá hoa cương sang trọng của tòa nhà".

Mặc dù tự hào mang kiến trúc độc đáo đến mức gây xôn xao dư luận, nhưng Nhà ga Seoul cũ không chỉ là một địa điểm sinh hoạt đơn thuần, mà còn là nơi chứng kiến biết bao thăng trầm của dân tộc Hàn. Tiêu biểu như việc vua Yeongchin (Anh Thân) và công chúa Deokhye (Đức Huệ) đã từ đây lưu vong sang Nhật Bản trước áp lực của chính quyền thực dân Nhật. Có thể nói nhà ga có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong giai đoạn lịch sử cận đại của Hàn Quốc. Giám đốc Oh tiếp tục cho biết : "Trong hơn 80 năm hoạt động, Nhà ga Seoul cũ đã chứng kiến không biết bao nhiêu chuyện buồn vui cùng rất nhiều sự kiện lịch sử của Hàn Quốc như công cuộc giải phóng khỏi ách thống trị thực dân Nhật, chiến tranh Triều Tiên, quá trình hiện đại hóa và dân chủ hóa. Chứng nhân lặng lẽ này có ý nghĩa như một cửa ngõ, nơi kết nối Seoul với khắp mọi miền Hàn Quốc, kết nối Hàn Quốc ra thế giới và là điểm giao nhau của hai nền văn minh Âu-Á".

Sau khi nhà ga mới được hoàn thành, cùng lúc với việc khai thông đường tàu cao tốc KTX, cũng là lúc nhà ga cũ ngưng hoạt động và mãi mãi trở thành nơi chỉ còn tồn tại trong hoài niệm của mọi người. Nhà ga Seoul cũ vẫn còn lưu giữ nhiều kí ức khó quên trong lòng người dân Hàn Quốc. Giũ sạch lớp bụi thời gian bao phủ suốt 7 năm, vào ngày 9/8 vừa rồi, nhà ga đã chính thức mở cửa chào đón du khách như một di tích lịch sử đáng tự hào của Seoul.

Ngoài việc thay đổi chức năng, nhà ga cũng được khoác lên mình một cái tên mới “Ga văn hóa Seoul 284”. Giám đốc Oh giải thích : "Trước khi mở cửa, chúng tôi đã tổ chức một cuộc thi đặt tên dành cho đông đảo người dân. Trong số rất nhiều gợi ý, chúng tôi đã quyết định chọn “Ga văn hóa Seoul 284”. Trong đó, con số 284 là mã số di tích của nhà ga. Đây thực sự là một cái tên kết hợp được nhiều ý nghĩa. Cùng với tên gọi này, giờ đây Nhà ga Seoul cũ đã được sử dụng như một không gian văn hóa tổng hợp". Đến thăm nhà ga, du khách như được quay về Hàn Quốc của hơn 80 năm trước. Không những ngoại thất, mà nội thất cũng đều được phục dựng đúng với nguyên bản năm 1925. Khắp nơi trong tòa nhà còn trưng bày các tác phẩm nghệ thuật sắp đặt của 20 nghệ sĩ, biến nó trở thành một phòng triển lãm nghệ thuật tao nhã. Bây giờ chúng ta hãy cùng khám phá mọi ngóc ngách của Ga văn hóa Seoul 284 nhé!

[Nơi giao thoa giữa quá khứ và thực tại]

Bước qua cánh cửa chính để tiến vào bên trong, du khách sẽ đến sảnh trung tâm. Điều đầu tiên gây cuốn hút sự chú ý của mọi người là những ô kính pha lê lấp lánh. Dọc theo hai bên sảnh là những quầy vé hình hộp được tái hiện giống hệt trước đây. Giám đốc Oh giải thích : "Nơi chúng ta đang đứng chính là sảnh trung tâm, không gian chào đón hành khách của nhà ga trước đây, cũng như du khách của Ga văn hóa Seoul 284 bây giờ. Đây luôn là nơi gây ấn tượng ban đầu sâu sắc trong lòng du khách. Do đó, chúng tôi đã trang trí lên trần các tác phẩm điêu khắc của tác giả nổi tiếng Lee Bul. Ngay khi vừa bước vào, các bạn có thể bắt gặp một tác phẩm nghệ thuật trông như chiếc đèn chùm lấp lánh này. Tiến thêm vài bước nữa các bạn sẽ thấy một thanh trụ trắng khổng lồ cao 7 mét. Đây là tác phẩm của tác giả Kim Hong-seok. Những thanh trụ đá chống đỡ mái vòm trong phòng chờ và những ô kính màu trang hoàng cho mái vòm cũng đã được phục chế lại. Tất cả thật lộng lẫy dưới ánh nắng chói chang từ trần nhà ga tỏa xuống".

Tác phẩm nghệ thuật đầu tiên mà du khách được gặp tại sảnh trung tâm là bức điêu khắc pha lê, tượng trưng cho thần hộ mệnh của những thay đổi mới mang tên “The secret sharer (tạm dịch là Người chia sẻ bí mật)” của tác giả Lee Bul, và bức điêu khắc hình một chiếc máng nước màu trắng thể hiện cho sự vươn tới tương lai vô tận mang tên “Phún thủy” của tác giả Kim Hong-seok. Ngoài ra, du khách còn có thể chiêm ngưỡng các tác phẩm nghệ thuật của Cha Jo Gwang-ho thuộc trường đại học Công giáo Incheon, người đã bỏ công khôi phục những ô kính màu từng bị phá hủy trong cuộc chiến tranh Triều Tiên.

Bên trái và bên phải của sảnh trung tâm có các phòng chờ. Ngày xưa hành khách không được tùy tiện vào bất cứ phòng chờ nào, mà giá trị của chiếc vé tàu sẽ quyết định điều đó. Giám đốc điều hành Ga văn hóa Seoul 284 Oh Se-won giới thiệu : "Phòng chờ phía bên trái sảnh dành cho khách mua vé hạng 1 và hạng 2, còn phòng chờ phía bên phải dành cho vé hạng 3. Phòng chờ bên trái là nơi đón tiếp những vị khách quý. Trước đây nó bị hư hỏng nặng nề nhưng nay đã được phục dựng nguyên vẹn. Tại đây, chúng tôi cũng cho trưng bày các tác phẩm nghệ thuật sắp đặt đa dạng. Còn phòng chờ bên phải đang trưng bày các bức ảnh của Liên Hiệp Quốc do hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap cung cấp. Băng qua phòng chờ này và rẽ phải chúng ta sẽ thấy văn phòng vận chuyển hàng hóa đường sắt, nơi quân đội Mỹ từng sử dụng trong suốt cuộc chiến tranh Triều Tiên. Ngày nay, nó là địa điểm dành cho các ban nhạc tự do đến biểu diễn".

Điểm khác biệt đầu tiên giữa phòng chờ dành cho vé hạng 1 và hạng 2 với phòng chờ dành cho vé hạng 3 chính là những chiếc đèn treo trên trần nhà. Phòng chờ dành cho vé hạng 3 có những chiếc đèn tròn, treo trên những sợi dây từ trần nhà mắc xuống. Trong khi bóng đèn ở phòng chờ dành cho vé hạng 1 và hạng 2 lại có hình hoa tu-líp rất đẹp. Các thanh trụ của phòng này được ốp đá, trông rất sang trọng. Bên cạnh đó, nơi đây còn đang trưng bày các tác phẩm được làm từ những chiếc đèn chùm bị bỏ đi trong quá trình phục dựng. Ngay bên cạnh phòng chờ dành cho vé hạng 1 và hạng 2 là một phòng chờ rất đặc biệt, phòng chờ dành cho các phu nhân. Đi qua hai căn phòng này sẽ đến phía sau của sảnh trung tâm, nơi du khách có thể nhìn qua cửa sổ để thấy những chiếc tàu KTX đang vận hành.

Băng qua phòng chờ dành cho các phu nhân, du khách sẽ thấy một hành lang hẹp. Rất dễ để có thể phát hiện trên hai bên tường của hành lang vẫn còn lưu lại chi chít các vết đạn của cuộc chiến tranh Triều Tiên như gợi nhớ về một quá khứ đau thương. Đây là khu vực du khách không được phép bước vào. Cách đó không xa là phòng dành cho giám đốc nhà ga và phòng VIP, nơi đón tiếp Tổng thống và các nhân vật quyền quý. Đầu tiên chúng ta hãy đến với phòng dành cho giám đốc nhà ga nhé! Giám đốc Oh cho biết : "Tại phòng dành cho giám đốc nhà ga, chúng tôi cho trưng bày tác phẩm mang tên ‘Những người lính” của tác giả Bae Young-hwan. Ngoài ra, chúng tôi còn cho chiếu các slide hình ảnh chụp nhật kí và thư tình được viết ở chiến trường của những người lính. Qua đó, du khách có thể cảm nhận được niềm vui, nỗi buồn, nỗi nhớ… mà những người lính Hàn Quốc đã từng trải qua. Trong số slide mà các bạn đang xem, có những khẩu hiệu được dùng trong huấn luyện quân đội như “Biến cái không thể thành có thể!”. Một số slide có hình ảnh minh họa kèm với chữ viết như “Binh đoàn đặc công, nơi cống hiến tuổi xuân sôi nổi của tôi!".

Ra khỏi phòng dành cho giám đốc nhà ga, nơi du khách sẽ bắt gặp tiếp theo chính là phòng VIP. Căn phòng này cũng đã được phục dựng đúng với kiến trúc nguyên mẫu năm 1925. Đây quả là một nơi dành cho khách quý, từ giấy dán tường cho đến rèm cửa đều toát lên vẻ cao sang. Bà Oh Se-won cho biết thêm : "Phòng VIP là phòng dành cho Tổng thống và khách quý nghỉ ngơi trong lúc chờ tàu. Tổng thống Rhee Syng-man và Tổng thống Park Chung-hee đã từng sử dụng căn phòng này. Chính vì quan trọng như thế mà nơi đây đã được chọn là nơi đầu tiên để phục dựng. Căn cứ vào những tư liệu hình ảnh, chúng tôi đã khôi phục gần như nguyên vẹn nội thất của gian phòng, từ chiếc lò sưởi, giấy dán tường lụa cho đến những tấm rèm cửa. Phía sau phòng còn có một nhà vệ sinh riêng".

[Nơi giao hòa giữa truyền thống với hiện đại]

Nào, bây giờ chúng ta hãy cùng lên tầng 2 nhé! Tại tầng 2 của nhà ga, du khách sẽ bắt gặp một tiệm cắt tóc và một nhà vệ sinh cũ. Hiện tiệm cắt tóc đã được sử dụng làm phòng trưng bày phục dựng, nơi giới thiệu đến du khách quá trình phục dựng nhà ga. Bà Oh Se-won giới thiệu : "Căn phòng này là nơi dành để trưng bày và bảo quản rất nhiều hiện vật mà chúng tôi đã thu thập được trong quá trình phục dựng, từ tay nắm cửa cho đến các vật liệu làm sàn nhà. Đây vốn dĩ là một tiệm cắt tóc phục vụ các hành khách muốn sửa sang lại mái tóc trước khi lên tàu. Cấu trúc khung cửa chính, khung cửa sổ và những hình thái đa dạng của các bức tường cũ kĩ đã được phục dựng giống hệt ngày xưa. Một điểm đặc biệt của Nhà ga Seoul cũ là tường được xây dựng từ gạch đỏ. Như các bạn thấy đấy, những viên gạch gồ ghề này hầu như không bị thay đổi trước thời gian.

Điểm dừng chân tiếp theo của chúng ta là một căn phòng cực rộng. Trước đây nơi này là nhà hàng mang tên “Grill”, nhà hàng mang phong cách phương Tây đầu tiên có mặt tại Hàn Quốc. Ở đây vẫn còn lưu giữ nguyên vẹn chiếc lò sưởi cổ và các quầy phục vụ thức ăn. Phía sau quầy phục vụ du khách sẽ bắt gặp nhà bếp và chiếc thang máy chuyên dùng để vận chuyển thức ăn. Ngoài ra, du khách còn có dịp chiêm ngưỡng tác phẩm “Mãn thân” của tác giả Park Chan-gyeong. Giám đốc Oh cung cấp thêm : "Nhà hàng Grill đã được phục dựng hoàn toàn nguyên vẹn từ mặt ngoài độc đáo cho đến chiếc lò sưởi bên trong. Đây là một nơi rất có ý nghĩa lịch sử. Hiện nay, chúng tôi dùng nó để trưng bày tác phẩm mang tên “Mãn thân” của tác giả Park Chan-gyeong. Tác phẩm nghệ thuật sắp đặt này có 9 màn hình video, mỗi màn hình chiếu một nội dung khác nhau liên quan đến các tín ngưỡng dân gian truyền thống của Hàn Quốc".

Từ cửa sau của nhà hàng, men theo một hành lang khác sẽ đưa du khách đến một căn phòng nhỏ phát ra nhiều âm thanh thú vị, nơi du khách được học lịch sử của nhà ga bằng âm thanh. Đến đây du khách sẽ được nghe các loại âm thanh đa dạng như: tiếng tàu hỏa, tiếng động cơ trong phòng máy, tiếng nói chuyện của các nhân viên… tất cả đều gợi nhớ về một thời đã qua của nhà ga Seoul. Đến cuối hành lang sẽ là lối dẫn du khách quay lại với sảnh trung tâm. Trở về chính nơi bắt đầu chuyến tham quan và ngước nhìn lại trần nhà, lòng du khách bỗng có những cảm nhận hoàn toàn mới.

Đến với Ga văn hóa Seoul 284, du khách như được đi trên một chuyến tàu ngược dòng thời gian để tìm lại những ký ức xa xưa và trải nghiệm những điều mới mẻ về văn hóa Hàn Quốc. Sự ra đời của Nhà ga Seoul cũ năm 1925 đã làm thay đổi hoàn toàn bộ bộ mặt của Seoul. Trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, bước sang thế kỉ 21, nơi đây vẫn còn giữ được các giá trị về vật chất lẫn tinh thần. Nếu bạn cần tìm một địa chỉ để có thể thưởng thức những lễ hội nghệ thuật mới lạ thì sẽ không có nơi nào tuyệt vời bằng Ga văn hóa Seoul 284.

Lựa chọn của ban biên tập