Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Quốc tế

Phái đoàn cấp cao Bắc Triều Tiên thăm Iran

Write: 2024-04-24 13:59:02Update: 2024-04-24 15:49:54

Phái đoàn cấp cao Bắc Triều Tiên thăm Iran

Photo : YONHAP News

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 24/4 đưa tin phái đoàn Bộ Kinh tế đối ngoại nước này do Bộ trưởng Yun Jong-ho dẫn đầu đã lên đường thăm Iran một ngày trước. Truyền thông miền Bắc không đưa thêm nội dung nào khác ngoài việc phái đoàn đã rời Bình Nhưỡng bằng máy bay. Việc quan chức cấp cao nước này tới thăm Iran là điều rất hiếm thấy.

Trước đó, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tối cao Bắc Triều Tiên Pak Chol-min từng thăm Iran vào năm 2019, hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Iran, thảo luận phương án hợp tác. Bắc Triều Tiên và Iran là hai nước thân cận có truyền thống theo đường lối chống Mỹ. Trong suốt thời gian qua, liên tục dấy lên nhiều nghi ngờ rằng hai nước này hợp tác ở lĩnh vực tên lửa đạn đạo và công nghệ hạt nhân.

Phái đoàn miền Bắc lần này tới Iran mang tính chất khác hẳn so với quá khứ, trong bối cảnh cả Bình Nhưỡng và Tehran đang tích cực ủng hộ Nga trong cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine.

Bắc Triều Tiên và Iran đang bán và viện trợ vũ khí cho Nga, nên chuyến thăm lần này không chỉ nhằm mục đích hợp tác kinh tế, mà có thể còn nhằm làm sâu sắc hơn hợp tác quân sự theo đường lối "thân Nga". Cộng đồng quốc tế cũng chú ý tới khả năng Bình Nhưỡng và Tehran hợp tác quân sự trực tiếp, không phải trên khía cạnh nhằm hỗ trợ cho Matxcơva.

Có ý kiến cho rằng có thể trong số các tên lửa mà Iran sử dụng để tấn công vào lãnh thổ Israel ngày 13/4 vừa qua có sử dụng phụ tùng và công nghệ tên lửa của miền Bắc. Cũng có ý kiến phỏng đoán Bắc Triều Tiên đã nhập máy bay tấn công không người lái Shahed-136 mà Iran sản xuất, loại vũ khí được Nga sử dụng rộng rãi trên chiến trường Ukraine gần đây, để nhắm vào miền Nam.

Bắc Triều Tiên và Iran được cho là đã hợp tác ở lĩnh vực tên lửa từ những năm 1980. Tên lửa đạn đạo tầm trung chủ lực của Iran là Shahab-3 được chế tạo dựa theo tên lửa "Rodong" của Bắc Triều Tiên, và tên lửa đạn đạo tầm trung khác của Iran là "Khorramshahr" có sự liên quan với tên lửa "Musudan" của miền Bắc.

Có thể Bình Nhưỡng muốn đề nghị sự giúp đỡ của Tehran trong quá trình chuyển đổi từ tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng sang nhiên liệu rắn, bởi Iran đi trước về công nghệ nhiên liệu rắn. Đặc biệt, giới chuyên gia lo ngại về sự hợp tác của hai nước ở lĩnh vực tên lửa bội siêu thanh sử dụng nhiên liệu rắn.

Cả Bắc Triều Tiên và Iran đều đang hưởng lợi từ chiến tranh Nga-Ukraine thông qua việc bán vũ khí cho Matxcơva. Trong vòng từ tháng 7-8 năm ngoái cho tới tháng 2 năm nay, miền Bắc đã vận chuyển khoảng 6.700 container cho Nga. Nếu đây là vũ khí thì lượng container trên tương đương với hơn 3 triệu đạn pháo 152 mm, và hơn 500.000 quả nếu là pháo phản lực 122 mm.

Lựa chọn của ban biên tập