Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lĩnh vực phân phối đóng băng do tình trạng giá cả leo thang

Write: 2022-07-19 14:19:34

Thumbnail : YONHAP News

Lĩnh vực phân phối bán lẻ tưởng như có thể "thở phào" sau khi tâm lý tiêu dùng được vực dậy khỏi tác động của dịch COVID-19, lại đang có dấu hiệu đóng băng trở lại vì tình trạng giá cả leo thang. 

Ở một siêu thị lớn ở Seoul, giá rau củ tăng vọt do sản lượng rau củ giảm vì thời tiết nắng nóng gay gắt bất thường trong tháng 6, thêm vào đó là mưa liên tục thời gian gần đây. Giá dưa chuột tăng gấp 2,2 lần so với một năm trước, giá rau diếp tăng 1,9 lần, lá vừng và hành lá tăng 1,4 lần. Người dân than phiền rằng trong khi lương không tăng mà giá cả lại tăng chóng mặt, khiến họ phải cắt giảm chi tiêu, giảm số lần tới siêu thị.

Sự tiết kiệm tiêu dùng này dẫn tới một khuynh hướng mới, tập trung vào những mặt hàng thực phẩm giảm giá sắp hết hạn sử dụng. Doanh số các mặt hàng này đang có chiều hướng gia tăng.

Doanh số các mặt hàng giảm giá sắp hết hạn sử dụng tại một cửa hàng tiện lợi trong tháng này đã tăng 30% so với cùng kỳ năm trước. Nhân viên của chuỗi cửa hàng tiện lợi này cho biết do giá cả leo thang nên nhiều khách hàng có nhu cầu tìm tới các mặt hàng có giá phải chăng.

Theo kết quả khảo sát 500 doanh nghiệp phân phối bán lẻ do Phòng Thương mại và công nghiệp Hàn Quốc (KORCHAM) tiến hành, chỉ số triển vọng kinh tế của các doanh nghiệp phân phối bán lẻ trong quý III đạt 84 điểm, giảm tới 15 điểm so với quý II (99 điểm). Chỉ số này nếu thấp hơn mức 100 điểm thì có nghĩa là các doanh nghiệp nhận định tiêu cực về nền kinh tế so với quý trước. Trừ cửa hàng tiện lợi, tất cả siêu thị, trung tâm thương mại, cho tới các doanh nghiệp sàn thương mại điện tử, đều nhận định nền kinh tế sẽ diễn biến xấu hơn quý trước.

Chuyên viên nghiên cứu Yeom Min-seon thuộc Nhóm chính sách phân phối hàng hóa của KORCHAM phân tích tâm lý tiêu dùng đang bị co hẹp vì lãi suất cao, giá tài sản giảm. Thêm vào đó, tiềm lực tiêu dùng cũng giảm dần, nên tâm lý bất ổn gia tăng, lo ngại tình hình sẽ tồi tệ hơn trong nửa cuối năm.

Không chỉ giá cả leo thang mà sự đình trệ tăng trưởng do sụt giảm tiêu dùng cũng đang là một bài toán cần giải quyết đối với nền kinh tế Hàn Quốc.

Lựa chọn của ban biên tập