Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tình trạng bất bình đẳng về nắng nóng

Write: 2022-07-19 14:43:41

Thumbnail : KBS News

Từ năm 2018, Hàn Quốc quy định nắng nóng đỉnh điểm cũng là "thảm họa thiên nhiên" tương tự như bão và lũ lụt. Theo đó, Chính phủ sẽ phải lập các biện pháp phòng ngừa và đối phó với thiệt hại do nắng nóng một cách có hệ thống. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người dân chưa được phòng ngừa thiệt hại về nắng nóng.

Để tránh cái nóng oi ả, trẻ em tới vui chơi tại công viên nước, người già tập trung lại tại những nơi có bóng mát. Trong khi đó, những người phải làm việc ngoài trời thì không có chỗ nào để tránh nóng.

Nắng nóng mang lại sự khó chịu và vất vả cho bất cứ ai, nhưng mức độ mà nó gây ra với mỗi người lại có sự khác biệt rõ rệt. Dù sống dưới cùng một bầu trời, nhưng tùy theo nơi sinh sống mà nhiệt độ cảm nhận của mỗi người lại khác nhau. Điều này có thể quan sát rõ qua camera nhiệt. Những khu vực có màu đỏ thì nhiệt độ cao hơn đôi chút, khu vực có màu tím thì nhiệt độ thấp hơn một chút.

Ví dụ như nhiệt độ bình quân tại một khu chung cư mới xây dựng cách đây 5 năm là 35 độ C. Nhưng nhiệt độ bình quân ở khu nhà trọ giá rẻ lụp xụp lân cận thì lại cho thấy sự khác biệt lớn. Nhiệt độ trên mái nhà, vốn chỉ ở ngưỡng 50 độ C, thì ở nơi này tăng lên tới 65 độ C. Cùng thời điểm đó, nhiệt độ bình quân ở Seoul là 29 độ C.

Tiến sĩ Sohn Seung-woo thuộc Viện nghiên cứu môi trường Hàn Quốc cho biết các tòa chung cư mới xây dựng sử dụng vật liệu cách nhiệt hoặc bê tông cao cấp nên bản thân công trình có hiệu năng cách nhiệt tốt. Trong khi đó, các khu nhà trọ cũ kỹ thì sử dụng vật liệu kém, bê tông nứt và xuống cấp.

Theo kết quả khảo sát của Viện nghiên cứu môi trường Hàn Quốc, vào giữa mùa hè, nhiệt độ cao nhất ở các khu nhà trọ là 34,9 độ C, cao hơn gần 3 độ C so với nhà ở chung cư hoặc nhà ở đơn lập. Mỗi khu nhà trọ như vậy lại có tới hơn 500 người sinh sống, trong đó đáng chú ý là người già neo đơn trên 65 tuổi. Họ đi lại khó khăn, lại không có việc làm, nên hầu như ở trong nhà cả ngày giữa cái nóng khắc nghiệt. Không chỉ điều hòa mà cả tủ lạnh cũng không có để bảo quản thức ăn giữa những ngày hè oi ả. Cái nóng đối với họ là không thể tả hết bằng lời. Nhưng những người xung quanh đều trong tình trạng tương tự, nên họ chỉ còn mỗi cách là chịu đựng.

Chính phủ Hàn Quốc hàng năm đang triển khai dự án hỗ trợ thiết bị làm mát cho các khu nhà trọ như vậy. Tuy nhiên, tỷ lệ lắp điều hòa ở những nơi này chỉ đạt chưa đầy 30%, phần lớn lại chỉ lắp ở lối đi. Người dân sinh sống trong khu nhà trọ này cho biết điều hòa không được lắp ở trong phòng mà chỉ lắp ở ngoài lối đi, mỗi tầng một chiếc, nên chỉ có lối đi là mát mẻ hơn chút.

Các nhà kính ở nông thôn còn nóng kinh khủng hơn, vào mùa hè nhiệt độ bên trong nhà kính lên tới hơn 40 độ C. Những lao động nhập cư không chỉ làm việc mà thậm chí còn sinh hoạt luôn ngay trong nhà kính. Một lao động người Việt Nam than phiền về cái nóng, nhất là vào thời điểm 12 giờ trưa.

Số liệu thống kê cho thấy tỷ lệ ca mắc bệnh lý về thân nhiệt trong mùa hè là người nước ngoài cao gấp 4 lần so với người lao động trong nước. Mặc dù từ năm ngoái, Chính phủ Hàn Quốc tăng cường giám sát các trường hợp chủ sử dụng lao động dựng công trình tạm bợ để làm nơi ở cho người lao động nước ngoài nhưng tình hình vẫn không được cải thiện. Đại diện một trung tâm hỗ trợ người lao động nhập cư ở thành phố Pocheon (tỉnh Gyeonggi) cho biết vẫn còn rất nhiều lao động nước ngoài sau khi kết thúc công việc trong nhà kính thì lại phải tiếp tục đối mặt với cái nóng như lò hơi không khác nào như khi họ làm việc.

Tỷ lệ mắc bệnh lý về thân nhiệt ở tầng lớp thu nhập thấp cũng cao gấp 2,8 lần so với tầng lớp thu nhập cao. Điều này cho thấy nắng nóng còn đang trở thành một "thảm họa bất bình đẳng", tùy theo nơi sinh sống, tình trạng kinh tế của mỗi người.

Lựa chọn của ban biên tập