Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lãi suất tăng đè thêm gánh nặng lên tầng lớp thanh niên của Hàn Quốc

Write: 2023-04-26 14:55:36

Thumbnail : YONHAP News

Viện nghiên cứu phát triển Hàn Quốc (KDI) ngày 26/4 đã công bố kết quả nghiên cứu cho thấy tình hình gánh nặng trả nợ của tầng lớp thanh niên ngày càng nghiêm trọng do lãi suất leo thang, khiến mức tiêu dùng của tầng lớp này giảm.

Nghiên cứu này phân tích nhiều mặt trong những biến đổi về tiêu dùng trong khoảng thời gian từ tháng 1/2018-12/2022 dưới ảnh hưởng của việc tăng lãi suất, bao gồm thu nhập, điểm tín dụng, độ tuổi, khoản tiền tiêu xài bằng thẻ trả trước và trả sau, việc có sở hữu nhà ở hay không. 

Theo phân tích, thanh niên trong độ tuổi 20-30 có thu nhập tương đối thấp, trong khi nợ lại nhiều hơn lượng tài sản. Lãi suất tăng kéo theo gánh nặng về việc trả nợ, dẫn đến việc thắt chặt chi tiêu.

Đặc biệt, nợ từ các khoản vay liên quan đến nhà ở của tầng lớp này trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19, tức năm 2020 và 2021, tăng với quy mô lớn.

Trên thực tế, tỷ trọng khoản vay liên quan đến nhà ở trong tổng các khoản nợ của người trong độ tuổi 20-30 là hơn 80%, trong khi đó con số này ở tầng lớp trung niên chỉ ở đầu mức 70%.

Viện nghiên cứu phát triển nhận định khả năng cao xu hướng tăng mạnh của tỷ lệ khất nợ trong tầng lớp thanh niên sẽ còn tiếp diễn trong tương lai.

Theo đó, cơ quan này đã bày tỏ sự lo ngại về hậu quả của việc tăng thêm lãi suất cơ bản.

Khi lãi suất cơ bản tăng 1%, mức tiêu dùng hàng năm của người trong độ tuổi 20 giảm 299.000 won (223,7 USD), người trong độ tuổi 30 là 204.000 won (152,6 USD), cao rõ rệt so với độ tuổi 50 chỉ dừng lại ở mức 85.000 won (63,6 USD) và độ tuổi 60 với 30.000 won (22,4 USD).

Đặc biệt, quy mô giảm chi tiêu càng nghiêm trọng hơn đối với các thanh niên có nhiều nợ hoặc điểm tín dụng yếu.

KDI đã kêu gọi Chính phủ cần đưa ra chính sách hỗ trợ để giảm gánh nặng trả nợ ngắn hạn cho các thanh niên có khoản vay. Cơ quan này cũng đưa ra lời khuyên rằng phải phản ánh thu nhập hiện tại, thu nhập tương lai của giới thanh niên, cùng với tỷ suất khả năng trả nợ (DSR) vào quy chế vay nợ, để hướng dẫn người vay tiền nên vay các khoản nợ dài hạn đối với số tiền lớn như để mua nhà, do trong tương lai thu nhập của giới thanh niên có thể sẽ tăng dần.

Lựa chọn của ban biên tập