Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc năm 2023 xuống 1,5%

Write: 2023-04-12 11:10:27

Thumbnail : YONHAP News

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ngày 11/4 công bố "Triển vọng kinh tế thế giới", trong đó dự báo kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng 1,5% trong năm 2023, thấp hơn 0,2% so với mức dự báo 1,7% đưa ra hồi tháng 1. 

Dự báo của IMF thấp hơn so với dự báo 1,8% của Viện nghiên cứu phát triển Hàn Quốc (KDI), cũng như 1,6% của Chính phủ, Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK) và Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Tuy nhiên, trong văn bản quyết định về phương hướng chính sách tiền tệ mà BOK công bố ngày 11/4 cũng để ngỏ khả năng tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc cả năm nay sẽ thấp hơn dự báo của cơ quan này.

Ngoài Hàn Quốc, Quỹ Tiền tệ quốc tế cũng hạ dự báo về tỷ lệ tăng trưởng của Đức và Nhật Bản so với tháng 1. Ngược lại, các nước Mỹ, Anh, Ý, Tây Ban Nha được IMF nâng dự báo. Tỷ lệ tăng trưởng của nhóm 41 nước phát triển trong năm nay là 1,3%, cao hơn so với dự báo 1,2% trong tháng 1. Cơ quan này dự báo Mỹ sẽ tăng trưởng 1,6% trong năm nay, Anh tăng 0,3%, Đức 0,1%, Nhật Bản 1,3%, Trung Quốc 5,2%. 

Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay được dự báo là 2,8%, thấp hơn 0,1% so với dự báo tháng 1. Tỷ lệ tăng trưởng trung hạn (tỷ lệ tăng trưởng sau 5 năm) của kinh tế thế giới được dự báo là 3%, mức thấp nhất kể từ sau tháng 4/1990, thời điểm IMF bắt đầu công bố triển vọng kinh tế thế giới.

IMF đánh giá kinh tế thế giới năm nay sẽ bước vào quá trình hồi phục đầy khó khăn, do các yếu tố bất ổn như chiến tranh Nga-Ukraine, hay lạm phát vẫn chưa được giải quyết, thêm vào dó là vụ phá sản của ngân hàng Sillicon Valley (SVB) của Mỹ, và ngân hàng Credit Suisse của Thụy Sĩ đang làm gia tăng bất ổn trên thị trường tài chính. Ngoài ra, IMF cũng đề cập tới các yếu tố rủi ro tiềm tàng như nợ công và nợ tư nhân cao quá mức, chênh lệch tín dụng chủ yếu tại các nước quá nổi và đang phát triển gia tăng.

IMF nhấn mạnh các nước cần tăng cường giám sát bất ổn thị trường tài chính, duy trì đường lối thắt chặt tiền tệ cho tới khi nào lạm phát kỳ vọng đủ thấp, các cơ quan tài chính phải duy trì đường lối tài khóa thắt chặt để thống nhất với chính sách tiền tệ, kiểm soát nợ. Bên cạnh đó, Chính phủ cần hỗ trợ tài chính có chọn lọc cho tầng lớp yếu thế nhằm giảm gánh nặng sinh hoạt cho nhóm đối tượng này.

Lựa chọn của ban biên tập