Go to Main

Kỷ niệm Chương trình truyền hình trực tiếp đặc biệt “Đi tìm gia đình bị ly tán” của đài KBS được chọn là Di sản Tư liệu thế giới của UNESCO

Video Chương trình truyền hình trực tiếp đặc biệt
“Đi tìm gia đình bị ly tán” của đài KBS trình lên UNESCO năm 2014

Vào tháng 6 năm 1983, trong một ngày hè đổ nắng ở thành phố Seoul, có một chương trình được phát sóng và trở thành sự kiện khởi đầu 138 ngày làm rung động thế giới.

Năm 1950, chiến tranh đã bùng nổ giữa hai miền Nam-Bắc trên bán đảo Hàn Quốc, một sự đối đầu toàn diện giữa phe Tự do và phe Cộng sản. Cuộc chiến đó sau này được gọi là chiến tranh Triều Tiên.

Chiến tranh đã ngừng bằng việc hai miền Nam-Bắc ký Hiệp định đình chiến vào ngày 27 tháng 7 năm 1953 mà chẳng có bên nào giành được chiến thắng hoàn toàn. Không chỉ vậy, chiến tranh còn cướp đi mạng sống của 4 triệu người, khiến cho 100.000 em nhỏ trở thành trẻ mồ côi.

Đến nay, bán đảo Hàn Quốc vẫn là nơi duy trì chiến tranh lạnh lâu nhất trên thế giới. Mặc dù bom đạn đã ngừng rơi từ 30 năm trước, nhưng những gia đình mất đi người thân ruột thịt của mình trong chiến tranh vẫn còn nhớ như in những tháng ngày đau thương ấy.

Sự chia cắt giữa hai miền Nam-Bắc đã đẩy hàng chục triệu người rơi vào cảnh gia đình bị ly tán. Song, “Còn sống có nghĩa là còn có thể gặp lại. Chúng ta hãy trở thành chiếc cầu nối lại tình thân bị chia cắt đó!”. Với suy nghĩ như vậy, Đài Phát thanh và truyền hình KBS đã lên kế hoạch phát sóng chương trình truyền hình trực tiếp đặc biệt nhằm giúp các cá nhân tìm lại thân nhân bị thất lạc trong chiến tranh.

Trung bình một ngày có khoảng 60.000 cú điện thoại gọi đến đăng ký. Tổng cộng, khoảng 100.952 trường hợp cần tìm người thân đã được gửi đến đài và 53.536 trường hợp được giới thiệu đến. Kết quả là có khoảng 10.189 gia đình có người thân bị thất lạc đã tìm thấy nhau qua chương trình của đài KBS.

Những tư liệu liên quan đến chương trình “Đi tìm gia đình bị ly tán” bao gồm 463 băng ghi hình gốc các số phát sóng trực tiếp bắt đầu từ 10 giờ 15 phút đêm 30/6/1983 đến 4 giờ sáng ngày 14/11 cùng năm, và khoảng 20.522 tài liệu bao gồm đơn đăng ký tham gia chương trình, lịch trình làm việc và lịch phát sóng, băng đĩa kỷ niệm và ảnh tư liệu …vv.

Đó là một chiến dịch vận động lâu dài chưa từng có trong lịch sử phát thanh truyền hình thế giới. Nỗi buồn chiến tranh và niềm vui gặp lại người thân tràn ngập màn hình đã khiến chương trình giành được sự đồng cảm của đông đảo các tầng lớp nhân dân và trở thành cầu nối giữa hai thế hệ trong và sau chiến tranh.

Có nhiều quốc gia trên thế giới bị chia cắt bởi chiến tranh nhưng chưa từng có nước nào lại đưa lên truyền hình cả nỗi buồn đau của cuộc chiến và nhận được sự đồng cảm lớn như vậy. Đây cũng là chương trình truyền hình đầu tiên giúp tìm lại người thân bị thất lạc và cũng là chương trình có tỷ lệ xem và tỷ lệ tham gia cao nhất trong lịch sử.

Mùa hè năm 1983, rất nhiều gia đình bị ly tán từ khắp nơi trên toàn quốc kéo về xếp hàng rồng rắn xung quanh trụ sở đài KBS và quảng trường Yeouido ở thủ đô Seoul. Quang cảnh đó đã thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế và rất nhiều người đã bày tỏ sự xúc động trước nỗi đau mà quốc gia nhỏ bé ở phương Đông này đang phải chịu đựng. Sau khi phát sóng, “Đi tìm gia đình bị ly tán” đã trở thành chương trình truyền hình đầu tiên được nhận giải thưởng cao quý Gold Mercury tại Hội nghị hợp tác hòa bình thế giới Gold Mercury lần thứ 24.

Thêm vào đó, chương trình còn khơi mào làn sóng tìm lại người thân của các gia đình hai miền Nam-Bắc. Kết quả là tính đến năm 2014 khoảng 18.523 người bị chia xa với người thân bởi vĩ tuyến 38 độ Bắc đã tìm lại được nhau. Những cái ôm hôn thắm thiết, những tiếng gọi, tiếng khóc thổn thức ngày gặp lại đã giúp vơi bớt phần nào nỗi buồn đau của các gia đình bị ly tán do chiến tranh.

Chương trình cũng truyền tải thông điệp về hòa bình đến với thế giới, thông qua việc phản ánh những đau thương, mất mát mà chiến tranh đã gây ra, đồng thời nhấn mạnh rằng đừng bao giờ để những bi kịch này lặp lại lần nữa. Tuy nhiên, bán đảo Hàn Quốc cho đến ngày nay vẫn còn bị chia cắt. Rất nhiều gia đình bị ly tán vẫn đang ngày đêm sống trong sự chia xa, trong nỗi nhớ thương nhau mà không thể làm gì được.

Bi kịch các gia đình bị ly tán giờ đây không chỉ của riêng dân tộc Hàn mà còn là một phần quan trọng của lịch sử nhân loại. Đài Phát thanh và truyền hình KBS đã chuyển đổi toàn bộ tư liệu về chương trình thành dạng file kỹ thuật số để dễ bảo quản, đồng thời cho phép người xem có thể tra cứu thông tin về chương trình 24/24 giờ trong ngày thông qua hệ thống lưu trữ dữ liệu (Archive System).

Thêm vào đó, đài KBS cũng thông qua trang web “Đi tìm gia đình bị ly tán” để đăng tải, lưu trữ và quản lý các tư liệu về chương trình, đồng thời người dùng cũng dễ dàng tìm kiếm thông tin về những người tham gia. Trang web này sẽ được dịch ra nhiều ngôn ngữ để phục vụ nhiều đối tượng khán thính giả. Đài KBS cũng thông qua trang web và các dịch vụ đa dạng để tiếp tục thu thập thêm các hiện vật, tư liệu liên quan đến nội dung chương trình.

Bi kịch của chiến tranh và nỗi đau của sự chia cắt.

Chương trình “Đi tìm gia đình bị ly tán” chứa đựng trong đó cả một hành trình xoa dịu nỗi đau chiến tranh, giờ đây đã trở thành di sản tư liệu mà nhân loại yêu hòa bình phải nhớ đến.