Go to Main

Hàn Quốc, chặng đường phát triển của 70 năm độc lập Đi tìm gia đình bị ly tán

10 giờ 15 phút đêm 30 tháng 6 năm 1983, Đài Phát thanh và truyền hình KBS phát sóng chương trình truyền hình trực tiếp đặc biệt với chủ đề “Đi tìm gia đình bị ly tán”.

Ông Lee Cheon-sik đang tìm anh trai. Ông có bốn người anh và đều không nhớ tên các anh của mình. Họ đã chia tay nhau tại Trại trẻ mồ côi ở Chungju.

Khi đó, chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) đã chấm dứt được 30 năm, nhưng trên khắp đất nước Hàn Quốc, vẫn còn rất nhiều những gia đình bị ly tán đang ngày đêm ngóng chờ tin tức của cha mẹ, anh em, họ hàng. Khi chương trình truyền hình trực tiếp diễn ra được tầm 30 phút trong lúc đang giới thiệu lần lượt từng cảnh ngộ đầy đau thương thì có một gia đình bị ly tán đầu tiên đã được hội ngộ. Mỗi gia đình bị ly tán lại kể một câu chuyện chia ly trắc trở, thương tâm và rồi khi gặp được nhau, họ lại vỡ òa cảm xúc, gọi tên nhau, ôm nhau vào lòng trong nước mắt. Khi chứng kiến những hình ảnh này, không chỉ gia đình bị ly tán mà toàn thể nhân dân Hàn Quốc đều nghẹn ngào. Năm 1983, có một mùa hè vừa cảm động, hạnh phúc, lại vừa tiếc nuối và thiết tha như thế.

[Từ chương trình đặc biệt một buổi trở thành chương trình phát sóng liên tục]
“Đi tìm gia đình bị ly tán” ban đầu chỉ là chương trình đặc biệt phát sóng một lần để đánh dấu sự kiện 33 năm bùng nổ chiến tranh Triều Tiên vào năm 1950 và 30 năm hai miền Nam-Bắc ký Hiệp định đình chiến vào năm 1953. Tuy nhiên, khi chương trình chỉ vừa mới bắt đầu thì cả hệ thống dường như bị tắc nghẽn bởi những cuộc điện thoại tới tấp gọi đến. Những gia đình bị ly tán từ khắp nơi trên toàn quốc kéo về và xếp hàng rồng rắn trước trụ sở đài KBS, bầu không khí ngập tràn trong những tiếng gọi người thân và nước mắt nghẹn ngào, thương tâm. Cũng bởi vậy mà chương trình ngày hôm đó ban đầu chỉ dự kiến phát sóng 100 phút nhưng cứ thế được kéo dài, dài mãi. Bà Lee Ji-yeon, người dẫn chương trình “Đi tìm gia đình bị ly tán” của đài KBS ngày đó kể lại. Dòng người gia đình bị ly tán kéo về ngày càng đông nên đài KBS đã phải hủy tất cả các chương trình cố định để tập trung phát sóng luân phiên chương trình trực tiếp “Đi tìm gia đình bị ly tán”.

Ông Ahn Su-ho đang có mặt ở trụ sở KBS ở Seoul. Ông Ahn nghĩ rằng hình như ông Ahn In-ho xuất hiện trong chương trình ở đầu cầu Daegu là em họ của mình. Chúng tôi sẽ xác nhận ngay bây giờ. Xin mời ông Ahn In-ho ở Daegu…

Những gia đình bị ly tán đăng ký với các đầu cầu truyền hình của đài KBS trên toàn quốc. Những cuộc đoàn tụ đầy bất ngờ và xúc động trở thành hiện thực thông qua chiếc ti vi màu mới được phổ cập tại Hàn Quốc vào đầu những năm 1980. Bà Lee Ji-yeon, người dẫn chương trình của đài KBS ngày đó cho biết: “Có rất nhiều nguyên nhân làm nên thành công của chương trình “Đi tìm gia đình bị ly tán”. Không thể phủ nhận vai trò của chiếc ti vi màu ngày đó, chỉ cần một dấu hiệu nhỏ như nốt ruồi sau cổ, một vết bớt sau khuỷu tay hay gót chân cũng là manh mối để tìm lại người thân. Bên cạnh đó, đài KBS nối kết với các chi nhánh ở các địa phương trên toàn quốc, bởi vậy mà những người ở Busan không phải lặn lội lên tận Seoul. Và khi màn hình ti vi hai đầu cầu chiếu hình ảnh gia đình ly lán tìm đúng nhau, thì nhân dân cả nước lại reo lên “Tìm thấy rồi, đoàn tụ rồi!”.”

Chiến tranh Triều Tiên kéo dài trong ba năm đã chia rẽ hơn 10 triệu gia đình, khiến các thành viên bặt tin nhau từ sau ngày loạn lạc, chia cắt. Đến năm 1971, thông qua đề xuất của Hội chữ thập đỏ Hàn Quốc, vấn đề đoàn tụ các gia đình bị ly tán liên Triều đã được đưa ra thảo luận.

[Những giây phút hội ngộ đầy cảm động]
Tuy nhiên, việc đoàn tụ gia đình ở miền Bắc không được thực hiện ngay lập tức. Sau 12 năm, tức đến năm 1983, khi chương trình truyền hình trực tiếp tìm người thân đang sinh sống ở Hàn Quốc được phát sóng, thì nỗi đau chia cắt hai miền Nam-Bắc tưởng đã bị lãng quên, nay lại ùa về, khía sâu vào trái tim mỗi người dân Hàn Quốc. Có những lúc, người dân toàn quốc đã bật khóc khi nghe một người em gái đi tìm anh, đã hát lại bài hát học được từ trại trẻ mồ côi. Và như thế, trên hành trình cùng ghép lại những mảnh ký ức mơ hồ, cuối cùng những gia đình bị ly tán đã rưng rưng trong niềm vui đoàn tụ. Trải qua một quãng thời gian dài đối mặt với cuộc chiến sinh tử, nhiều gia đình bị ly tán đã phải chôn giấu nỗi đau mất mát, chia ly. Cũng bởi vậy mà thay cho niềm vui đoàn tụ hân hoan, nhiều gia đình bị ly tán khi nhận ra nhau lại tức tưởi trong nỗi buồn tủi, thương đau.

Bà Huh Hyeon-ok đã thất lạc bố mẹ trong vòng xoáy chiến tranh và lớn lên trong trại trẻ mồ côi. Sau 33 năm, bà không thể hình dung lại có ngày được gặp anh trai. Một người sống ở thành phố Daejeon, một người sống ở đảo Jeju, nhưng họ đã nhận ra nhau ngay từ cái nhìn đầu tiên. Cuộc đoàn tụ của hai anh em sống cuộc đời khác nhau, ở hai nơi hoàn toàn xa cách như gợi lại cho tất cả về những bi kịch và nỗi ám ảnh kinh hoàng của chiến tranh.

Phải nhớ là chiến tranh đáng sợ như thế nào. Họ của em không phải là Kim là Huh, tên của em là Huh Hyeon-ok. Em đã sống mà không biết tên của chính mình. Đến con chó nó cũng có tên. Bây giờ dù có chết anh cũng chẳng còn gì hối hận nữa.

Lời than khóc của người anh Huh Man-cheol, khi gặp lại người em gái hoàn toàn không nhớ về họ tên của chính mình nghe giống như lời oán thán, lên án cuộc chiến nghiệt ngã. Chứng kiến những câu chuyện thương tâm như thế này, mỗi người dân Hàn Quốc lại càng thấm thía nỗi đau chiến tranh và càng đau đáu hơn trước cảnh Nam-Bắc chia cắt. Những người dân theo dõi chương trình “Đi tìm gia đình bị ly tán” nhớ lại: “Cứ đến giờ phát sóng là tất cả đều theo dõi, cùng khóc, cùng cười. Gặp nhau thì mừng đấy, nhưng cũng tủi, cũng buồn rồi tất cả lại cùng rơi nước mắt. Lúc đó chỉ mong ai cũng đều tìm lại được người thân. Hồi đó tôi khóc nhiều lắm. Tuy không phải là người thân của mình nhưng tôi thấy họ gặp được nhau như thế có khác gì phép màu đâu.”

Đặc biệt có những trường hợp sống ngay cạnh nhau mà không biết đó là gia đình của mình. Bản thân những câu chuyện đó đã là bằng chứng tố cáo chiến tranh một cách chân thực nhất và phản ánh đầy đủ nhất những bi kịch của sự chia ly. Nhà báo Kim Ki-man của tờ DongA tham gia làm phóng sự về gia đình bị ly tán khi đó kể lại: “Có trường hợp hai người đang dán giấy đăng tin tìm người thân trên cùng một bức tường, thì phát hiện ra họ cùng đi tìm một người vì tên ghi trên giấy giống nhau. Hóa ra, người cha bảo con đi dán giấy thay mình và người con khi ra đến nơi lại gặp ngay cô ruột. Có những gia đình đã gặp nhau trước khi lên sóng truyền hình như thế. Lại có trường hợp là đồng nghiệp thân thiết trong mấy năm trời, đến khi đăng tin tìm người nhà trên truyền hình mới phát hiện ra là anh em ruột. Có người lại tìm được em gái, mà người em gái đó lại là vợ của bạn thân. Lại có người đoàn tụ với bảy người họ hàng đang sống ở Busan mà họ đều không hề hay biết.”

[Quảng trường Yeouido phủ đầy giấy đăng tìm người thân]
Những mẩu giấy đăng tin tìm người thân phủ kín tòa nhà trụ sở của Đài phát thanh truyền hình KBS. Vì thiếu không gian nên người dân còn dán cả giấy lên nền xi măng của quảng trường Yeouido, phía trước trụ sở Đài KBS. Bà Lee Ji-yeon, người dẫn chương trình “Đi tìm gia đình bị ly tán” ngày đó cho biết: “Tòa nhà trụ sở chính của KBS có sáu tầng thì những tờ giấy đăng tin tìm người thân dường như phủ kín tới tận nóc nhà. Thang thường không đủ chiều cao, người ta phải dùng cả loại thang dài để bắc lên. Cuối cùng vẫn không đủ không gian nên mọi người lại kéo ra quảng trường Yeouido, dàn đầy giấy lên nền xi măng của quảng trường. Cũng rất hay là không tờ giấy nào chồng lên tờ giấy nào. Vì ai cũng biết chuyện của mình là quan trọng, nhưng gia đình khác cũng đang nóng lòng tìm người thân. Mọi người cũng chú ý để khi đi không dẫm hay đè lên bất kỳ tờ giấy nào. Tất cả đều nhường nhịn, quan tâm và động viên lẫn nhau trong hành trình đi tìm lại gia đình.”

Quảng trường Yeouido được phủ kín bởi 100.000 tờ giấy đăng tìm người thân. Tội nghiệp hơn, có những gia đình còn dựng cả ma-nơ-canh, đeo cả vương miện hay biểu diễn đàn accordion những mong một lần được chú ý, quan tâm. Nhà báo Kim Ki-man của tờ DongA kể tiếp.“Số người được đoàn tụ với gia đình vẫn còn rất ít so với số người đăng ký. Vậy nên có cả những người lớn tuổi cũng phải nhiều ngày dãi nắng dầm sương ở ngoài trời bên những bảng thông tin tìm người nhà. Trên thực tế, niềm vui, tiếng hoan hô khi được đoàn tụ, xum vầy cũng lớn, nhưng số lượng người không gặp được người thân, hay người không đăng ký lên truyền hình vẫn còn rất nhiều. Những ai đã trực tiếp chứng kiến khung cảnh này đều ngậm ngùi, ảm ảnh và thấm thía hơn nỗi đau mất mát do chiến tranh gây ra.”

Quảng trường Yeouido từ ngày đó đã trở thành địa điểm gặp gỡ, đoàn viên. Từng ngày, có những kiện hàng chở bánh và sữa gửi từ nhiều địa phương trên toàn quốc để động viên các gia đình bị ly tán. Các tổ chức như Hội chữ thập đỏ Hàn Quốc và những nhân viên tình nguyện cũng đóng góp một phần công sức trong những ngày này. Bà Son Gwang-ja, người dẫn dắt đội tình nguyện của Hội chữ thập đỏ Hàn Quốc, chia sẻ:“Quảng trường Yeouido ngày đó chưa phải là một công viên ngập cây xanh như ngày hôm nay. Nó vẫn là một khoảng sân trống rộng lớn và có duy nhất tòa nhà trụ sở của Đài phát thanh truyền hình KBS. Những người tình nguyện như chúng tôi cũng không ngờ là gia đình bị ly tán kéo về đông như thế. Chúng tôi có mặt từ ngày 9 tháng 7 và hoạt động liên tục trong vòng 138 ngày. Tuy nhiên, thấy không thể cứ sinh hoạt ngoài trời lâu dài nên chúng tôi đã đề đạt với chính quyền thành phố Seoul tạo điều kiện thuận lợi cho các gia đình bị ly tán. Theo đó, vị trí của Ngân hàng Phát triển hiện tại từng là trụ sở của trung tâm tình nguyện gồm ba dãy nhà dựng tạm. Tại đây có không gian nghỉ ngơi cho các gia đình bị ly tán, nơi phát nước và đồ ăn, đồng thời là nơi cập nhật và thông báo danh sách đăng ký tìm người thân.”

[Người bị ly tán do chiến tranh trên khắp thế giới cũng tìm thân nhân]
Câu chuyện về những gia đình bị ly tán Hàn Quốc đoàn tụ sau chiến tranh, loạn lạc đã lan rộng ra toàn thế giới. Những Hàn kiều ở Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc cũng đăng ký tìm người thân. Cầu truyền hình trực tiếp được nối từ thủ đô Seoul đến thành phố Los Angeles (Mỹ) và một người con sau 32 năm đã được gọi mẹ trong sự nghẹn ngào khôn xiết.

[Những kỷ lục của chương trình “Đi tìm gia đình bị ly tán”]
Chương trình truyền hình trực tiếp “Đi tìm gia đình bị ly tán” được thực hiện từ ngày 30 tháng 6 năm 1983 đến ngày 14 tháng 11 cùng năm. Trong khoảng thời gian này đã có hơn 100.000 đơn đăng ký; 53.536 gia đình xuất hiện trên truyền hình; 10.189 gia đình đã có được niềm vui đoàn tụ. Chương trình diễn ra liên tục trong suốt 138 ngày với thời lượng phát sóng là 453 giờ 45 phút và được xác nhận là chương trình truyền hình dài nhất trên thế giới. Bà Lee Ji-yeon, người từng dẫn chương trình “Đi tìm gia đình bị ly tán” nói: “Chương trình “Đi tìm gia đình bị ly tán” đã tái hiện một cách chân thực quá khứ đau thương của dân tộc Hàn. Những bi kịch từ cuộc chiến huynh đệ tương tàn, gia đình bị tan đàn xẻ nghé càng khiến cho ta thấm thía hơn những khổ đau, mất mát của chiến tranh. Chưa kể đến nỗi đau ly tán gia đình, trong thời kỳ bị Nhật chiếm đóng (1910-1945), dân tộc Hàn cũng chứng kiến những cảnh bố mẹ vì nghèo đói mà phải gửi con cho người khác nuôi hay đem con vào trại trẻ mồ côi. Khi thấu hiểu những tình cảnh đó ta mới thấy thấm thía giá trị quý báu của tình huyết thống, của gia đình, của dân tộc.”

Chương trình “Đi tìm gia đình bị ly tán” được Đài phát thanh truyền hình KBS thực hiện vào năm 1983 đã xóa nhòa khoảng cách thời gian 30 năm và nối liền sợi dây huyết thống cho nhiều gia đình Hàn Quốc. Quảng trường Yeouido là nơi chứng kiến những câu chuyện chia ly đầy trớ trêu, oan trái, nơi nhiều gia đình đã cùng khóc, cùng cười với những điều kỳ diệu của sự đoàn viên. Và sự việc cũng nhắc nhở chúng ta rằng: tuyệt đối không thể để xảy ra thêm một lần nữa bi kịch đau thương này.