Các giai đoạn của cuộc chiến

Cuộc tấn công bất ngờ của quân đội Bắc Triều Tiên và sự rút lui về sông Nakdong (25/6 – 14/9/1950)

Chỉ ba ngày sau khi Bắc Triều Tiên vượt biên tấn công miền Nam, quân đội Hàn Quốc đã để mất thủ đô Seoul (28/6). Mặc dù quân đội Liên hợp quốc đã tham chiến vào ngày 1/7 để giúp Hàn Quốc nhưng chỉ trong vòng một tháng quân đội miền Nam đã phải rút về phía sông Nakdong (25/6 – 31/7). Trong vòng hơn 40 ngày (ngày 1/8 – 14/9) sau đó, Hàn Quốc đã chiến đấu hết mình để tử thủ không để mất sông Nakdong, mặt trận cuối cùng, về tay Bắc Triều Tiên, tạo điều kiện để quân đội Liên hợp quốc thực hiện kế hoạch đổ bộ Incheon, thành phố cảng phía Tây Hàn Quốc, vào ngày 15/9/1950.

Kế hoạch tác chiến đổ bộ Incheon và tiến tới sông Apnok (biên giới Trung-Triều) (15/9 - 24/10/1950)

Nhờ thành công của Cuộc đổ bộ Incheon và đợt phản công ở chiến tuyến sông Nakdong, quân đội Hàn Quốc và quân Liên hợp quốc đã lật ngược được tình thế. Sau khi giành lại Seoul (28/9), chỉ sau nửa tháng phản công, quân đội Hàn Quốc và quân Liên hợp quốc đã chiếm lại vĩ tuyến 38 độ Bắc (16/9 - 30/9). Ngày 1/10, quân đội đã phá vòng vây vào khu vực vĩ tuyến 38 độ Bắc và chưa đầy một tháng đã tiến tới vùng Chosan gần sông Apnok, khu vực biên giới Trung-Triều (1/10 - 26/10), tưởng chừng như việc thống nhất đất nước đã cận kề.

Quân đội Trung Quốc tham chiến, cục diện chiến tranh mới (25/10/1950 – 09/07/1951)

Đúng lúc quân đội Hàn Quốc đang tiến tới sông Apnok (Chosan) (26/10) thì hơn 250.000 binh sĩ Trung Quốc đã vượt sông Apnok và chờ thời cơ để tập kích bất ngờ. Cuộc tấn công quy mô lớn của Trung Quốc được chia làm năm đợt, bắt đầu từ ngày 25/10 đến tháng 5 năm sau. Trong lần tấn công đợt hai của quân đội nhân dân Trung Quốc vào đầu tháng 12, quân đội Hàn Quốc và Liên hợp quốc đã phải giao Seoul vào tay địch (được gọi là cuộc rút quân ngày 4/1) chỉ sau một tháng rút khỏi Bình Nhưỡng (4/12). Quân đội phải lùi đến vĩ tuyến 37 độ Bắc nối giữa Pyeongtaek (tỉnh Gyeonggi) và Samcheok (tỉnh Gangwon). Sau khi chiếm lại thủ đô Seoul vào ngày 15/3, cuộc chiến dường như ở thế giằng co giữa hai bên vĩ tuyến 38 độ Bắc.

Đàm phán đình chiến và cạnh tranh Nam Bắc để chiếm lại khu vực đình chiến (10/7/1951 – 27/7/1953)

Quân Liên hợp quốc và quân cộng sản do Bắc Triều Tiên đứng đầu đã bắt đầu đàm phán đình chiến vào ngày 10/7/1951. Tuy nhiên trong suốt thời gian đàm phán kéo dài hai năm, miền Bắc và miền Nam vẫn tiếp tục giao chiến ở khu vực biên giới để chiếm thêm lãnh thổ. Cuối cùng, Hiệp định đình chiến được ký kết vào ngày 27/7/1953 sau ba năm chiến tranh, Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên bị chia cắt tại đường đình chiến cho đến ngày nay.
Nguồn : Viện nghiên cứu quân sự lục quân, Sưu tập : Nhật báo Quốc phòng, Biên tập : Nhà báo Jeon Ok-shin