Skip to content

Đường đến Tokyo 2020

Nội dung kỳ vọng huy chương của đoàn thể thao Hàn Quốc: Bóng chày

2021.07.19
Lý do bóng chày “vắng bóng” sau Thế vận hội Tokyo 2008

Photo :© YONHAP News

Lý do bóng chày “vắng bóng” sau Thế vận hội Tokyo 2008

Tại Thế vận hội Bắc Kinh 2008, đội tuyển bóng chày Hàn Quốc lập kỷ lục 9 trận toàn thắng, giành huy chương vàng. Trọng trách lần này tiếp tục được giao cho huấn luyện viên Kim Kyung-moon, nhà cầm quân của đội tuyển bóng chày Hàn Quốc cách đây 13 năm tại Bắc Kinh. Đội tuyển bóng chày Hàn Quốc đang đặt mục tiêu viết tiếp kỳ tích tại Thế vận hội Tokyo.


Môn bóng chày được chọn làm môn thi đấu chính thức trong 5 kỳ Olympic liên tiếp từ Thế vận hội Barcelona 1992 cho tới Thế vận hội Bắc Kinh 2008. Tuy nhiên, do số quốc gia chơi môn bóng chày không nhiều, môn thể thao này ít được ưa chuộng ngoại trừ tại châu Mỹ và khu vực Đông Á, nên từ Olympic London 2012, bóng chày bị loại khỏi danh sách các môn thi đấu chính thức. Lần này, bóng chày lại được chọn làm môn thi đấu tại Thế vận hội vì đây là môn thể thao rất được yêu thích tại nước chủ nhà Nhật Bản. Từ trước tới nay, cuộc cạnh tranh tấm huy chương vàng ở bộ môn này chủ yếu xoay quanh ba nước Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản, cộng thêm đội mạnh nhất trong số các “tay chơi nghiệp dư” là Cuba. Nhưng lần này, Cuba đã không vượt qua được vòng loại Olympic, nên cuộc đua sẽ chủ yếu diễn ra giữa ba nước Hàn-Mỹ-Nhật.

Thể thức thi đấu khác với Olympic Bắc Kinh 2008

Photo :© YONHAP News

Thể thức thi đấu khác với Olympic Bắc Kinh 2008

Bộ môn bóng chày sẽ có 6 nước tham dự, chia làm hai bảng để thi đấu vòng loại. Hàn Quốc hiện xếp hạng 3 thế giới, nằm cùng bảng B với Mỹ xếp hạng 4 và Israel xếp hạng 24. Nước chủ nhà Nhật Bản xếp hạng 1, nằm trong bảng A với Mexico xếp hạng 5 và Cộng hòa Dominica xếp hạng 7. Do có ít nước tham gia, nên ban tổ chức đã thay đổi thể thức thi đấu, thêm vòng tranh vé vớt để tăng số trận đấu, và đội xếp bét bảng cũng vẫn có cơ hội giành huy chương vàng. Nếu đội đứng nhất bảng giành ba chiến thắng liên tiếp trong vòng knockout thì sẽ mang về huy chương vàng. Và dù đội đó thua trong trận thứ nhất hoặc trận thứ hai vòng knockout thì vẫn có cơ hội giành huy chương vàng qua trận tranh vé vớt.


Nói tóm lại, đội tuyển Hàn Quốc cần xếp thứ nhất bảng B, rồi thắng trong trận đấu với đội xếp thứ nhất bảng A mới có thể nhanh chóng tiến gần hơn mục tiêu huy chương vàng. Tuy nhiên, ban tổ chức đã bổ sung thêm một quy định đặc biệt, nếu có đội nào không thể thi đấu do dịch COVID-19, thì các đội còn lại sẽ thi đấu theo thể thức vòng tròn tính điểm. Đội đứng thứ nhất và thứ hai sẽ thi đấu chung kết để tranh huy chương vàng, đội đứng thứ ba và thứ tư sẽ thi đấu tranh huy chương đồng.

Đội hình thi đấu

Photo :© YONHAP News

Đội hình thi đấu

Đội hình thi đấu của đội tuyển Hàn Quốc gồm 11 cầu thủ giao bóng và 13 cầu thủ phòng ngự, là các cầu thủ tiêu biểu chơi cho Giải bóng chày chuyên nghiệp Hàn Quốc KBO League. Các tên tuổi Ryu Hyun-jin, Kim Ha-seong, Kim Kwang-hyun, Choi Ji-man không được lựa chọn do nằm trong danh sách 40 cầu thủ đang chơi cho đội thuộc giải bóng chày nhà nghề tại Mỹ, không được phép tham dự Olympic theo quy định của Ban thư ký Liên đoàn bóng chày Mỹ (MLB). Các đàn anh từng đóng góp vào chiếc huy chương vàng tại Thế vận hội Bắc Kinh là Kim Hyun-soo và Kang Min-ho sẽ đóng vai trò “chèo lái” các đàn em, đặt mục tiêu giành chiếc huy chương vàng thứ hai.


Đội hình giao bóng của Hàn Quốc rất trẻ, chỉ có hai cầu thủ ngoài 30 tuổi, phần lớn ngoài 20 tuổi, và một tân binh vừa tốt nghiệp trung học phổ thông là Lee Eui-lee. Bù lại, đội hình bắt bóng của Hàn Quốc gồm những cầu thủ nhiều kinh nghiệm “chinh chiến” tại các giải đấu quốc tế như Kang Min-ho, Yang Ui-ji.

Nước chủ nhà Nhật Bản khao khát huy chương vàng

Photo :© YONHAP News

Nước chủ nhà Nhật Bản khao khát huy chương vàng

Trong lịch sử tham gia Olympic, đội tuyển bóng chày Nhật Bản giành được một huy chương bạc và hai huy chương đồng. Lần này, nước chủ nhà Thế vận hội đang khao khát chiếc huy chương vàng đầu tiên hơn lúc nào hết. Tokyo đã lựa chọn xong danh sách 24 cầu thủ mạnh nhất tại các giải đấu trong nước, chỉ còn chờ ngày quyết chiến. Hàn Quốc được xem là đối thủ mạnh nhất của Nhật Bản.


Danh sách ra sân của Nhật Bản gồm 11 cầu thủ giao bóng và 13 cầu thủ phòng ngự. Giới phân tích cho rằng có vẻ như Nhật Bản đã tính toán rằng sẽ gặp Hàn Quốc trong trận chung kết. Trong danh sách vắng mặt một số tên tuổi đang chơi ở giải chuyên nghiệp như Ohtani Shohei, Darvish Yu, Maeda Kenta; nhưng lại có nhiều cầu thủ đáng gờm, trong đó có cầu thủ Tanaka Masahiro từng chơi cho câu lạc bộ bóng chày chuyên nghiệp New York Yankees (Mỹ), người duy nhất của đội tuyển Nhật Bản từng tham dự Olympic Bắc Kinh 2008.

TOP