Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lối sống

Một số di sản văn hóa thế giới của Hàn Quốc

2011-05-22

Câu hỏi Mình đã có dịp sang Hàn Quốc du lịch vào năm ngoái và đã được đi thăm 1 số di sản văn hóa thế giới nổi tiếng của Hàn Quốc như các cung điện Changdeok, Gyungbok, điện thờ Jongmyo, khu di tích lịch sử ở Gyeongju, hang Phật Seokuram và đền Bulguksa, khu mộ đá Gochang…. Kỷ niệm về chuyến đi đó thật tuyệt vời, giúp mình hiểu và yêu mến hơn văn hóa truyền thống Hàn Quốc. Nhưng mình nghe nói di sản văn hóa thế giới ở Hàn Quốc không chỉ có thế, bởi vậy mình viết thư nhờ chương trình giới thiệu thêm 1 vài địa danh khác, được không? Vì có thể hè này mình sẽ sang Hàn Quốc du lịch 1 lần nữa, và trong trường hợp đó, rất muốn được đi thăm các địa danh nổi tiếng được quốc tế công nhận khác của Hàn Quốc.
Trả lời
1. Chùa Haeinsa

Ngoài các cung điện Changdeok, Gyungbok, điện thờ Jongmyo, khu di tích lịch sử ở Gyeongju, hang Phật Seokuram và đền Bulguksa, khu mộ đá Gochang thì Hàn Quốc còn có 1 số di sản văn hóa thế giới khác như: chùa Haeinsa, làng Hahoe và Yangdong, pháo đài Hwaseong, khu lăng mộ hoàng gia Joseon và đảo núi lửa Jeju cùng hệ thống hang động dung nham.

Địa danh đầu tiên là ngôi chùa mang tên Haeinsa (해인사- tiếng Hán là Hải Ấn tự) nằm trên núi Gaya (가야), huyện Hapcheon thuộc tỉnh Nam Gyeongsang. Xét về lịch sử, Haeinsa là một trong ba chùa lớn nhất trên bán đảo Hàn Quốc đại diện cho “tam bảo Phật giáo” (Phật, Pháp và tăng). Thế nhưng ngôi chùa này nổi tiếng chủ yếu bởi đang sở hữu bộ kinh phật khắc trên gỗ Tripitaka Koreana. Có thể nói, nhắc đến chùa Haeinsa, tất cả người dân Hàn đều liên tưởng tới Tripitaka Koreana, một bộ sưu tập đầy đủ nhất các bản kinh, giáo pháp và những nội dung khác về Phật giáo còn tồn tại đến ngày nay. Nó được khắc trên hơn 80.000 tấm gỗ trong suốt gần 10 năm vào khoảng giữa thế kỷ 13, triều Goryeo.
Theo tiếng Phạn, "Tripitaka"(tiếng Pali là Tipitaka) có nghĩa là "tam bảo” (gồm kinh, luật và luận), bao gồm những quy tắc về cuộc sống tôn giáo (Vinaya-pitaka), được diễn thuyết cùng với kinh Phật (Sutta-pitaka) và những bài thuyết giảng của các môn đồ của Đức Phật (Abhidhamma-pitaka). Vào khoảng cuối đời nhà Đường, Trung Quốc đã tiến hành biên tập Bộ Đại Tạng Kinh ghi chép lại những nội dung trên. Phiên bản khắc gỗ đầu tiên ở Trung Quốc được in ấn vào thế kỷ 10, đời nhà đời Tống. Tuy nhiên, phiên bản cổ nhất và đẹp nhất còn lại đến ngày nay chính là bộ kinh Tripitaka nói trên. Đây là một trong những lý do mà ngôi chùa bé nhỏ lọt thỏm trong thung lũng giữa vùng núi sâu này, vẫn được nhiều người biết đến hơn tất cả những ngôi chùa được xây dựng trong những thế kỷ gần đây.

Hiện nay, bộ kinh này được lưu giữ trong khu nhà Janggyeong Panjeon (장경판전) nằm trong chùa. Janggyeong Panjeon được xem là khu nhà gỗ lớn nhất thế giới được xây dựng chỉ với mục đích duy nhất là cất giữ 1 bộ kinh phật, đây cũng là điểm độc đáo của riêng nó. Khu nhà này gồm 2 gian chứa lớn, được xây dựng trên nguyên tắc cân đối, hài hòa và thuận lợi cho lưu thông gió. Những cửa sổ giúp cho luồng gió tự nhiên được lưu thông một cách tối đa. Không khí trong lành được đưa vào trong thông qua hệ thống cửa lớn ở phía trên, đồng thời hơi ẩm từ nền bên ngoài phía đằng sau bị ngăn chặn nhờ hệ thống cửa nhỏ. Không khí sẽ lưu thông xung quanh khu vực bên trong trước khi thoát ra ngoài qua hệ thống cửa ở phía đối diện.
Không chỉ có thế, mỗi gian kho đều có phần nền làm bằng đất sét, đây là một nét đặc trưng của kiến trúc cần phải điều khiển nhiệt độ và độ ẩm. Dưới nền của gian kho là một lớp hỗn hợp gồm có muối, than củi và vôi, giúp cho việc hút ẩm trong mùa mưa và mùa hè và duy trì một độ ẩm thích hợp nhất trong những tháng mùa đông hanh khô. Phần mái được làm bằng đất sét và ngói đặt trên những thanh xà làm bằng gỗ, thiết kế đơn giản, nhằm ngăn chặn sự thay đổi đột ngột về nhiệt độ do ánh sáng trực tiếp chiếu vào. Tất cả những yếu tố về thiên nhiên và kỹ thuật đều được đưa ra xem xét khi xây dựng khu nhà này.
Chúng ta đều biết việc bảo tồn những ấn phẩm bằng gỗ qua hàng thế kỷ như vậy không phải là điều dễ dàng gì, từ đó để thấy sự thông thái của người xưa trong việc xây dựng kho tàng chứa những bản khắc gỗ này. Thực tế, dù đã nghiên cứu tỉ mỉ kiến trúc của khu nhà gỗ này nhưng có một điều vẫn còn là ẩn số với mọi người, đó là tại sao các loại côn trùng và động vật hoang dã đều tránh không bén mảng đến các gian kho này. Chính điều bí ẩn này đã thu hút rất nhiều người tìm đến đây đấy.

2. Pháo đài Hwaseong

Tiếp theo là Pháo đài Hwaseong nằm ở thành phố Suwon. Thành phố Suwon là thủ phủ của tỉnh Gyeonggi, nằm ở phía nam Seoul, là thành phố có truyền thống lâu đời của Hàn Quốc. Vào giai đoạn cuối cùng của vương triều Goryeo (thế kỷ thứ 13), Suwon trở thành một trong những thành phố chính của bán đảo Hàn Quốc. Suwon cũng còn là nơi lưu giữ nhiều Di sản văn hoá thế giới được UNESCO công nhận và Pháo đài Hwaseong là 1 trong số đó.

Hwaseong (tiếng Hán là Hoa Thành, có nghĩa là “Pháo đài nguy nga, hoa lệ”) được xây dựng vào thời Joseon bởi vua Jeongjo (Chính Tổ). Ông đã cho xây dựng pháo đài để vinh danh và chứa những di vật của cha mình, vốn là thái tử của triều trước nhưng bị buộc tự vẫn bởi vua Yeongjo (Anh Tổ). Pháo đài thể hiện sự hiếu nghĩa của vị vua Jeongjo nói trên đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm 1997.
Pháo đài được ví như 1 bức tường thành khổng lồ ôm trọn lấy khu vực nội thành tấp nập của thành phố Suwon hiện nay. Không chỉ hiện thân cho sự thành tâm của Jeongjo đối với người cha bất hạnh mà Pháo đài phần nào cũng phản ánh ý tưởng của vị vua này về một chính quyền ổn định với hệ thống quốc phòng vững chắc bao bọc trung tâm thương mại.

Pháo đài Hwaseong trải dài trên những địa hình khác nhau từ khu vực núi cao xuống đến thành phố đông đúc, với những lỗ châu mai và những trang bị quân sự khác được điểm xuyết dọc bờ thành. Ban đầu, pháo đài này có tới 48 hạng mục chạy dọc theo khu vực ngoại vi, gồm có 4 cửa chính, 5 cửa bí mật, 2 cửa xả lũ, 3 đài quan sát, 2 trạm chỉ huy, 2 đài phóng tên, 5 lỗ châu mai, 4 tháp góc, một tháp đèn hiệu, 4 tháp canh, 9 pháo dài và 2 kho.

7 trong số các hạng mục này đã bị phá huỷ do bão lũ và chiến tranh, nên không còn tồn tạị cho đến ngày nay, trong số đó có 1 cửa xả lũ, một đài quan sát, hai cửa bí mật, 2 trạm gác và 2 kho. Người ta đã bắt đầu công cuộc tái thiết và tu sửa lại Pháo đài vào năm 1964, bởi vậy ngày nay Pháo đài có 1 chút khác với hình dung về nó khi xưa, tuy vậy phần lớn các công trình của Pháo đài như hệ thống tường thành, cổng vào, tháp .v.v. đều được bảo tồn nguyên vẹn và xác thực như kiến trúc ban đầu.

Đi dọc theo bờ thành dài trên 5 km kéo dài từ quận Jangan (Trường An) đến quận Paltal (Phát đạt-팔달), ta sẽ cảm nhận tinh hoa trí tuệ của người xưa khi kết hợp hoàn hảo giữa khoa học và nghệ thuật để xây dựng nên một thành phố với quan điểm hoàn toàn mới mẻ, bảo đảm các hoạt động của người dân được bảo vệ khỏi sự xâm lược từ phía bên ngoài. Chính tính đa năng cùng vẻ đẹp độc đáo đã khiến Pháo đài Hwaseong nổi bật hơn hẳn so với những công trình tương tự trên đất nước Hàn Quốc.

3. Khu lăng mộ hoàng gia Joseon

Bên cạnh đó, khu lăng mộ hoàng gia Joseon cũng là 1 địa điểm nổi tiếng không kém. Đây là 1 di tích lịch sử tiêu biểu của triều đại Joseon, triều đại cuối cùng của Hàn Quốc. Khu lăng mộ này gồm 40 ngôi mộ nằm rải rác trên 18 địa điểm, được xây dựng trong hàng thế kỷ trên địa thế tuyệt đẹp. Điểm chung của kiến trúc nơi đây là dựa lưng vào núi và nhìn ra hồ, đúng như cách gọi của phong thủy Hàn Quốc là “Myung dang ji ri” (명당지리-“minh đường địa lý” chỉ những vùng phong thủy tốt, để lại phúc cho con cháu).
Không chỉ đẹp về cảnh quan, thể hiện sự hòa hợp tuyệt vời của kiến trúc và phong thủy mà khu lăng mộ này còn mang ý nghĩa về nhiều mặt. Nó là biểu tượng cho văn hóa thờ cúng tổ tiên của Hàn Quốc, với sự bố trí theo đúng tôn ti trật tự của các khu vực, từ những nơi bình thường đến chốn linh thiêng, với những công trình và vật trưng bày độc đáo. Nó xứng đáng được xem là ví dụ tiêu biểu cho quan điểm kiến trúc của người Hàn Quốc xưa.

Ngoài những địa danh trên, bạn cũng sẽ được nghe lời khuyên hãy đến đảo Jeju 1 lần, bởi vì đây chính là niềm tự hào về cảnh quan thiên nhiên của Hàn Quố, được xem là “Thiên đường du lịch” lý tưởng, quyến rũ. Hòn đảo này được bao bọc bởi ngọn núi lửa Hallasan (cao 1.950m). Dấu tích đợt phun trào cuối cùng của ngọn núi lửa này vẫn có thể được tìm thấy trên hòn đảo với khoảng 60 dòng dung nham đông kết nằm rải rác khắp nơi. Bên trong dòng dung nham lớn nhất có một hệ thống hang động dài hơn 12km và là một trong những hệ thống hang động lớn nhất trên thế giới. Nơi đây đã được UNESCO công nhân là di sản văn hóa thế giới bởi sự kỳ bí, tuyệt đẹp của

(Thông tin về đảo Jeju và các địa danh còn lại như làng cổ Hahoe và Yangdong, các bạn có thể tham khảo thêm ở 1 số chương trình giới thiệu văn hóa Hàn Quốc trước đây của chúng tôi).

Lựa chọn của ban biên tập