Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lối sống

Quy định về thời gian làm việc, nghỉ ngơi và chế độ phụ cấp đi kèm khi làm thêm ngoài giờ

2011-07-10

Câu hỏi Tôi mới đến Hàn Quốc làm việc chưa được bao lâu, vẫn còn chưa quen lắm với cuộc sống ở đây và cũng không có nhiều bạn bè để hỏi han, giúp đỡ khi cần. Công việc thì tương đối vất vả nhưng điều làm tôi cảm thấy không thích nhất là giám đốc luôn bắt chúng tôi làm thêm giờ, thậm chí thêm cả ngày cuối tuần trong khi lương vẫn như thế. Tôi có hỏi thì giám đốc bảo là lúc này công ty đang nhiều việc quá, đến lúc tôi và anh em cùng xưởng phản đối mạnh thì mới trả lương nhưng trả rất thấp. Tôi không biết rõ lắm về Luật của Hàn Quốc nên không biết liệu ông ấy làm thế có gì sai không? Nhân đây, nhờ chương trình giúp tôi có được thông tin về thời gian làm việc, nghỉ ngơi, chế độ phụ cấp nếu làm thêm ngoài giờ của người lao động, nếu giám đốc vi phạm Luật trong trường hợp này thì chúng tôi có thể kiến nghị nơi đâu giải quyết? Xin cảm ơn chương trình.
Trả lời

Khoảng thời gian đầu khi mới đến Hàn Quốc, hầu như ai cũng cảm thấy có đôi chút bỡ ngỡ, khó khăn cả trong công việc lẫn sinh hoạt hàng ngày. Nhưng rồi dần dần, khi đã thích ứng với với cuộc sống nơi đây, bạn sẽ thấy mọi thứ dễ chịu hơn nhiều. Tất nhiên, trong công việc thì ngoài sự cố gắng thích ứng của người lao động ra, thái độ của người chủ sử dụng lao động cũng ảnh hưởng không nhỏ.

Như những gì bạn kể trong thư, có thể nhận thấy người chủ sử dụng lao động của bạn đang có ý lợi dụng bạn trong công việc. Vậy thì phải đối phó với trường hợp này như thế nào? Trước tiên, chúng ta cùng xem lại quy định của Luật tiêu chuẩn lao động (근로기준법) về thời gian làm việc cũng như nghỉ ngơi của người lao động và chế độ phụ cấp đi kèm.

Theo Luật tiêu chuẩn lao động này, thời gian lao động định mức trong 1 tuần không được vượt quá 40 tiếng và thời gian lao động trong 1 ngày không quá 8 tiếng (không tính thời gian giải lao). Tuy nhiên, một số công xưởng do đặc thù công việc nên có thể không áp dụng chế độ thời gian này hoặc có những công xưởng tuy áp dụng chế độ thời gian trên nhưng trong 1 số hoàn cảnh đặc biệt có thể yêu cầu người lao động làm thêm giờ, nhưng tóm lại vẫn không được vượt quá 44 giờ 1 tuần. Người ta gọi đây là chế độ thời gian làm việc linh hoạt.

Bên cạnh đó còn có cả chế độ thời gian làm việc có tính lựa chọn, có nghĩa là chủ sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận trước để quyết định thời gian làm việc tối thiểu trong tuần, trong ngày là bao nhiêu. Điều này áp dụng cho những công xưởng có quy mô nhỏ. Khi làm việc, bạn sẽ được cho 1 khoảng thời gian nghỉ ngơi giữa giờ làm việc, cụ thể thời gian nghỉ đối với 4 giờ lao động là 30 phút và 8 giờ lao động là 1 giờ. Người lao động có thể sử dụng tự do thời gian nghỉ này và dĩ nhiên, chủ công sở không phải trả tiền công cho thời gian đó.

Đối với việc làm thêm, Luật quy định có 3 dạng làm thêm chính là làm ngoài giờ, làm ban đêm và làm vào ngày nghỉ. Trong 1 ngày, khi làm vượt quá thời gian lao động theo luật định là 8 giờ được gọi là làm thêm ngoài giờ (연장근로). Làm đêm (야간근로) là nói về việc làm từ 10 giờ đêm đến 6 giờ sáng hôm sau. Còn làm vào ngày nghỉ (휴일근로) là chỉ làm việc vào ngày nghỉ theo luật định (gồm nghỉ cuối tuần, nghỉ vào ngày lao động hay ngày nghỉ theo hợp đồng quy định).

Ở 1 số công xưởng do máy móc buộc phải hoạt động 24/24 giờ nên thường chia người lao động thành 2 hay 3 đội làm việc luân phiên nhau, đó là hình thức làm việc theo ca. Trong những công xưởng làm việc theo hình thức này, có nơi người lao động được chia thành đội làm vào ban ngày và đội làm vào ban đêm để luân phiên nhau mỗi tuần, và cũng có nơi đã chia hẳn ngay từ đầu đội làm ban ngày và đội làm ban đêm. Những trường hợp như vậy không được tính là làm thêm vào ban đêm.

Việc làm thêm hay không là do bạn và chủ sử dụng lao động thỏa thuận với nhau nhưng không được làm vượt quá 12 giờ 1 tuần. Tuy vậy, với 1 số công việc có tính đặc thù như vận chuyển-bảo quản hàng hóa, quay phim - quảng cáo, nghiên cứu - điều tra, bảo hiểm tài chính, công tác y tế - vệ sinh, giao tiếp khách hàng .v.v., tóm lại những công việc đòi hỏi phải di chuyển nhiều hoặc những công việc trong lĩnh vực dịch vụ phục vụ khách hàng thì người lao động có thể được làm thêm nhiều hơn 12 giờ trong tuần nếu nếu thỏa thuận được với chủ sử dụng lao động, nhưng tổng thời gian làm việc 1 tuần không được vượt quá 56 tiếng.

Đến đây các bạn đã nắm nắm được phần nào quy định về thời gian làm việc rồi phải không ạ? Vậy thì tiếp sau đây, chúng ta sẽ cùng đến với nội dung mà chắc chắn nhiều bạn cũng sẽ quan tâm, đó là chế độ phụ cấp đi kèm nếu làm thêm ngoài giờ.

Đối với vấn đề này, Luật tiêu chuẩn lao động quy định: Nếu người lao động làm việc từ 9 giờ sáng đến 6 giờ chiều thì thời gian làm việc một ngày là 8 tiếng (có trừ đi 1 tiếng nghỉ ngơi). Nếu làm việc trên 8 tiếng này thì sẽ được trả thêm 50% của tiền lương, nếu làm thêm vào ban đêm thì được trả thêm 100% của tiền lương. Về việc làm thêm sau thời gian đó thì chủ sử dụng lao động phải trả thêm 50% phụ cấp làm thêm, nếu người lao động tiếp tục làm việc quá 10 giờ đêm thì phải trả thêm 50% nữa phụ cấp làm đêm.

Ngoài ra, có một điều mà tôi nghĩ bạn cũng nên biết là trong 1 năm, người lao động sẽ được hưởng ít nhất 15 ngày nghỉ có lương. Kể cả khi người lao động làm việc chưa được 1 năm thì chủ sử dụng cũng vẫn phải trả cho người đó trung bình 1 ngày nghỉ có lương trên mỗi tháng làm việc.

Đến đây, để giúp bạn hình dung cụ thể hơn về cách tính tiền lương phụ cấp, tôi sẽ lấy 1 ví dụ cụ thể nhé. Giả bạn làm thêm vào ngày nghỉ có lương từ 9h sáng đến 11h giờ đêm (thời gian nghỉ là 1 tiếng) thì khi đó chủ sử dụng lao động sẽ phải trả bạn:
- Tiền phụ cấp cho ngày nghỉ có lương (유급휴일수당) tương đương với tiền lương của 8 giờ làm việc.
- Tiền phụ cấp làm thêm vào ngày nghỉ (휴일근로에 대한 임금): tương đương với lương của 13 giờ làm việc.

Phụ cấp làm thêm ngày nghỉ (휴일근로가산수당) bằng 50% của tiền phụ cấp làm thêm vào ngày nghỉ nói trên, tức là tương đương với lương của 6,5 giờ làm việc.
- Phụ cấp làm thêm ngoài giờ (연장근로가산수당). Ở đây bạn đã làm tổng cộng 14 giờ trừ 1 giờ nghỉ là còn 13 giờ, tức là bạn đã làm thêm 5 giờ. Khi đó tiền phụ cấp thêm sẽ được tính bằng nửa số này, tức là tương đương lương cho 2,5 giờ làm việc.

Tiếp đó, bạn cũng sẽ được nhận phụ cấp làm việc vào ban đêm (야간근로수당). Thời gian làm việc ban đêm được tính từ 10h đêm, tức là ở đây bạn đã làm đêm trong 1 tiếng, theo đó bạn sẽ được nhận 1 nửa số đó tức là tương đương mức lương cho 0,5h làm việc.
Như vậy, tổng cộng tất cả, bạn sẽ được nhận mức lương thêm tương đương với 30,5 giờ làm việc. Bạn hãy áp dụng cách tính này để xác định tiền lương mình được hưởng trong những trường hợp làm thêm khác.

Bạn Nghĩa thân mến, bạn có thể tham khảo những thông tin chúng tôi vừa cung cấp ở trên để biết xem giám đốc của bạn đã vi phạm ở chỗ nào. Nếu phát hiện vi phạm, bạn nên yêu cầu Sở lao động hay những cơ quan hỗ trợ người lao động nước ngoài khác ở địa phương mình cư trú để can thiệp giúp bạn giải quyết. Trong trường hợp này, lương phụ cấp không được chi trả sẽ được giải quyết giống như là quy trình giải quyết nợ lương. Và thủ tục, quy trình giải quyêt nợ lương như thế nào thì chúng tôi đã đề cập đến trong chương trình Hỏi đáp cuối tuần phát sóng tuần trước rồi. Bạn hãy tham khảo thêm nhé.

Bên cạnh đó, nếu tình trạng sức khỏe không tốt và không muốn làm thêm thì người lao động có thể từ chối khi chủ sử dụng lao động yêu cầu làm thêm ngoài giờ. Trong trường hợp này, người chủ sử dụng lao động sẽ không được quyền ép buộc người lao động làm việc hoặc vin vào cớ đó để không trả lương hay trả lương thấp cho người lao động.

Còn nếu gặp tình huống bị ép buộc làm việc khi sức khỏe bản thân không cho phép thì bạn nên làm Bản tường trình gửi lên cơ quan chức năng như Bộ lao động hoặc Sở lao động địa phương để xin trợ giúp. Trường hợp chủ sử dụng lao động vẫn không thay đổi thái độ thì khi đó có lẽ bạn nên chuyển chỗ làm nếu không muốn bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bản thân sau này.

Khi đó, bạn có thể xin xác nhận là không thể làm việc tiếp tục nữa do thời gian làm việc quá nhiều hoặc do tình trạng sức khỏe xấu để được chuyển nơi làm. Tất nhiên tôi tin rằng bạn không muốn tình huống xấu nhất này xảy ra, nhưng nếu rơi vào tình huống này thì bạn nhớ bình tĩnh, đừng tự ý bỏ việc khi mọi khúc mắc với nơi làm cũ chưa giải quyết xong. Nếu xảy ra trường hợp chủ sử dụng lao động từ chối xác nhận tình trạng sức khỏe cũng như từ chối trả lương cho bạn, bạn có thể làm đơn yêu cầu Bộ lao động hoặc Sở lao động địa phương giúp bạn giải quyết vấn đề này.

Lựa chọn của ban biên tập