Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lối sống

Thông tin về việc cô dâu Việt li hôn muốn giành quyền nuôi con và thủ tục đón con riêng sang sinh sống ở Hàn Quốc

2011-11-13

1. Thông tin về việc cô dâu Việt li hôn muốn giành quyền nuôi con

Câu hỏi 1Chưa khi nào ở Hàn Quốc cụm từ “đa văn hoá”, “gia đình đa văn hoá” lại được nhắc đến nhiều như hiện nay. Vốn tự hào là quốc gia đơn dân tộc, nay Hàn Quốc đang hướng tới một xã hội đa văn hoá, đa dân tộc. Góp phần lớn vào sự thay đổi như vậy của xã hội phải kể đến sự gia tăng đến chóng mặt số phụ nữ nước ngoài kết hôn với nam giới Hàn Quốc. Chắc hẳn nhiều người sẽ ngạc nhiên khi biết rằng theo thống kê thì tại Hàn Quốc số lượng phụ nữ Việt Nam kết hôn với nam giới Hàn Quốc nhiều thứ 2, chỉ đứng sau Trung Quốc. Trong chương trình Hỏi đáp cuối tuần lần này chúng tôi sẽ tập trung đề cập tới những băn khoăn thắc mắc về các vấn đề mà một số cô dâu Việt Nam gặp phải trong quá trình sinh sống tại Hàn Quốc.

Một bạn giấu tên gửi đến chương trình qua địa chỉ email muathuhn@yahoo.com câu hỏi: “Tôi kết hôn với người Hàn Quốc và sống ở đây đã được hơn 4 năm. Thời gian đầu tuy có nhiều khó khăn về kinh tế và chưa quen với phong tục tập quán mới, lại hầu như không biết tiếng Hàn nhưng cuộc sống của chúng tôi khá êm ả ở một vùng quê. Tuy nhiên cách đây hơn 1 năm, kể từ ngày chuyển lên Seoul sinh sống, chồng tôi làm ăn thua lỗ, ngày càng xa vào nợ nần và rượu chè. Vì thế mà tình tình cũng thay đổi. Chúng tôi liên tục cãi cọ, anh đã nhiều lần lăng mạ và đánh tôi thậm tệ. Mâu thuẫn của chúng tôi hiện đang trong tình trạng không thể giảng hoà. Chúng tôi có một con gái 3 tuổi, tôi gửi cháu đi nhà trẻ và hàng ngày vẫn đi làm việc. Hiện công việc của tôi khá ổn định ở một xưởng may với mức thu nhập không cao nhưng tạm đủ sống. Đã từ lâu tôi không còn phụ thuộc kinh tế vào chồng. Tôi đã đề nghị li hôn, chồng tôi đồng ý nhưng lại không cho tôi được sống cùng con gái. Tôi nghe nói ở Hàn Quốc nếu li hôn thì con cái mặc nhiên do người chồng nuôi dưỡng. Trong trường hợp của tôi, liệu tôi có thể giành quyền nuôi con được không? Mong quý đài giải đáp giúp. Xin cảm ơn.”
Trả lời 1
Chào chị, trước tiên xin được chia xẻ với cuộc sống hiện tại không mấy dễ chịu của chị. Không ít các cô dâu ngoại quốc hiện đang sống ở Hàn Quốc bị đối xử không công bằng như chị. Đây là vấn đề xã hội mà chính phủ Hàn Quốc cũng như các cơ quan tổ chức và cá nhân quan tâm, tìm hướng giải quyết. Với người phụ nữ thì tình yêu dành cho con cái là vô bờ bến, nhất là cháu nhà chị lại là con gái và vẫn còn quá nhỏ để xa bàn tay chăm sóc của chị. Không ai muốn li hôn để con cái chịu thiệt thòi nhưng chúng tôi hiểu khi chị viết những dòng này ra đây rồi thì việc hàn gắn của vợ chồng chị dường như không còn được đề cập nữa. Rất tiếc là chồng chị không đồng ý để chị chăm sóc con.

Vâng, đúng thế! Thông thường ở Hàn Quốc khi li hôn thì quyền nuôi con thuộc về người cha. Vì hầu hết phụ nữ đều ở nhà nội trợ, không trực tiếp kiếm ra tiền nên ít có khả năng chăm nuôi con một mình. Rồi vấn đề phân biệt bên nội bên ngoại vẫn còn khá nặng nề, vẫn còn đâu đó tư tưởng trọng họ nội, con cái sẽ theo bố. Đối với trường hợp kết hôn có yếu tố nước ngoài giữa nam giới Hàn Quốc và phụ nữ ngoại quốc thì khả năng người mẹ được nuôi con lại càng hạn chế. Lí do đưa ra có vẻ rất hợp lý rằng người vọ không đủ điều kiện kinh tế cũng như khả năng tiếp xúc xã hội để đảm bảo việc nuôi dạy con trẻ. Cũng có một số trường hợp người mẹ từ chối nuôi con nhưng đa phần đều thể hiện quyết tâm không muốn xa con. Chả thế mà có rất nhiều trường hợp các cô dâu ngoại quốc đã bế con bỏ trốn về nước.

Tuy nhiên vẫn có không ít các trường hợp người mẹ vẫn được nuôi con sau khi li hôn. Thuận lợi nhất vẫn là được sự đồng ý của người chồng. Nếu không, người chồng phải là người không đủ điều kiện nuôi con. Tức là người chồng có thể sẽ rơi vào một trong các trường hợp như thiểu năng trí tuệ, không có khả năng kinh tế, vũ phu với con cái…Dĩ nhiên khi ra toà người vợ phải có đầy đủ giấy tờ chứng minh sự bất lợi của chồng cũng như khả năng có thể nuôi con của mình.

Trong trường hợp của chị thì chị có thể chứng minh khả năng kinh tế của mình vì chị có công việc và thu nhập ổn định. Chồng chị đang trong tình trạng nợ nần, không chứng minh được khả năng tài chính. Việc li hôn của anh chị có phần lỗi thuộc về chồng chị. Một yếu tố cũng rất thuận lợi cho chị là chồng chị thuận tình li hôn. Vì thế vấn đề tranh chấp tài sản có lẽ sẽ xảy ra ở trường hợp của chị nhưng lại khúc mắc trong vấn đề giành quyền nuôi dạy con cái. Chị nên nhờ luật sư giúp đỡ vì chị là người nước ngoài, lại không thông hiểu luật pháp nên sẽ khó đưa ra được lí lẽ thích đáng cũng như sẽ gặp khó khăn trong quá trình chuẩn bị thủ tục li hôn.

Nhưng trước tiên chúng tôi muốn khuyên chị hãy làm hết khả năng để thuyết phục chồng đồng ý để chị nuôi dạy con gái. Hãy hứa với anh ta là sẽ không làm xấu hình ảnh của người cha trong mắt con, đảm bảo chồng chị vẫn được gặp gỡ cháu sau khi anh chị li hôn. Nếu chị có quan hệ tốt với gia đình chồng thì cũng có thể tìm kiếm sự đồng tình của họ. Hoặc chị có thể nhờ các tổ chức xã hội hiện đang hoạt động nhằm giúp đỡ các gia đình đa văn hoá. Chúng ta phải thừa nhận rằng tình phụ tử cũng thiêng liêng không kém gì tình mẫu tử chị ạ. Chúng tôi tin rằng một người chồng có thể đối xử không tốt và không hợp với vợ nhưng anh ta vẫn có thể là người cha tốt, sẽ làm những gì có thể để đem lại cuộc sống hạnh phúc cho con mình.

2. Thủ tục đón con riêng sang sinh sống ở Hàn Quốc

Câu hỏi 2Nối tiếp chương trình là câu hỏi của chị Đinh Mai Lan gửi đến từ địa chỉ email: lovekorea@hanmail.net. Chị Lan viết: “Tôi từng trải qua cuộc hôn nhân không hạnh phúc với ngưòi chồng Việt Nam. Chúng tôi có 1 con trai, hiện cháu đã 6 tuổi. Ở Việt Nam, tôi từng làm công nhân cho một doanh nghiệp của Hàn quốc trong khu công nghiệp. Tại đây tôi tình cờ gặp anh - người chồng Hàn Quốc bây giờ của tôi. Anh là người đã thấu hiểu và thông cảm cho hoàn cảnh của tôi. Cảm mến trước tình cảm chân thành của anh, tôi tái hôn và cùng anh về sống ở Incheon đã được gần 1 năm nay. Tôi rất hài lòng với cuộc sống hiện tại ngoại trừ việc phải sống xa con trai. Cháu hiện nay đang ở Việt Nam cùng với ông bà ngoại. Tôi muốn bảo lãnh cháu sang đây sinh sống và học tập để tôi có thời gian chăm sóc, bù đắp những thiếu thốn mà cháu đã trải qua. Chồng tôi hoàn toàn ủng hộ kế hoạch này. Tôi không biết liệu mình có thể đón con sang đây theo diện đoàn tụ gia đình và cháu có thể được nhập quốc tịch Hàn Quốc không?”

Trả lời 2
Ồ vâng, lại là một câu hỏi liên quan đến vấn đề con cái. Chúc mừng cuộc sống hạnh phúc hiện tại của chị. Thật vui vì được chị chia sẻ những thông tin như thế này. Chồng chị Lan quả là một người đàn ông tuyệt vời. Trên thực tế. các phương tiện thông tin truyền thông thường đăng tải rất nhiều các trường hợp tiêu cực của phụ nữ Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc. Điều đó khiến cho nhiều người phải ái ngại và có ấn tượng không tốt về cuộc sống hôn nhân với nam giới Hàn Quốc. Tuy nhiên, như chị thấy đấy, đó chị là thiểu số. Không phải gia đình đa văn hoá nào cũng gặp những khó khăn trắc trở đúng không chị?

Quay trở lại với vấn đề bảo lãnh con riêng sang Hàn Quốc của chị nhé. Tuy thủ tục có hơi rườm rà một chút nhưng chúng tôi khẳng định chắc chắn rằng chỉ hoàn toàn có thể chung sống với con mình ở Hàn Quốc và con chị cũng sẽ được nhập quốc tịch Hàn Quốc. Có hai cách mà chúng tôi muốn nói đến ở đây. Một là chị sẽ trực tiếp đứng ra bảo lãnh nếu chị đã có quốc tịch Hàn Quốc. Hai là chồng chị làm hồ sơ bảo lãnh nhận con nuôi.

Chắc chị nắm rõ điều kiện để được nhập quốc tịch Hàn Quốc chứ ạ? Điều kiện tối thiểu là chị phải cư trú liên tục tại Hàn Quốc trên 2 năm, hoặc đã kết hôn trên 3 năm và có ít nhất 1 năm cư trú liên tục tại Hàn Quốc. Ngoài việc chuẩn bị các thủ tục theo quy định thì chị phải trau dồi khả năng nói tiếng Hàn, trang bị kiến thức cơ bản về lịch sử và văn hoá Hàn Quốc để trải qua một cuộc thi sát hạch. Nội dung hướng dẫn về thủ tục nhập quốc tịch Hàn Quốc cho các đối tượng nói chung và trường hợp nhập cư qua hôn nhân đã được đài KBS đăng tải rõ ràng. Chị có thể tìm đọc hay trực tiếp tìm hiểu ở trang web của Bộ tư pháp tại địa chỉ www.immigration.go.kr. Hoặc chị còn có thể gọi điện đến số 1345 của Trung tâm hướng dẫn tổng hợp dành cho người nước ngoài với 18 thứ tiếng khác nhau trong đó có cả tiếng Việt.

Như vậy, nếu tính ở thời điểm hiện tại thì chị chưa đủ điều kiện để làm thủ tục nhập quốc tịch. Tức là cách thứ nhất do chị trực tiếp bảo lãnh con mình sang Hàn Quốc tạm thời bất khả thi. Chắc chị không đủ kiên nhẫn để chờ đợi đến khi được gia nhập quốc tịch đâu nhỉ? Việc này chị phải nhờ đến sự giúp sức của chồng mình rồi. Trong thư chị không nói rõ nhưng chúng tôi hiểu rằng gia đình chị có cuộc sống ổn định, chồng chị có công ăn việc làm và thuận tình đón con chị sang sống chung. Theo văn bản hướng dẫn thực hiện một số quy định về nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài của Bộ tư pháp Việt Nam thì chồng có thể nhận con riêng của vợ làm con nuôi. Làm theo cách này thì con chị cũng sẽ dễ dàng được nhập quốc tịch Hàn Quốc.

Trước tiên chị cần tìm hiểu các thủ tục ở Việt Nam trong việc cho người nước ngoài nhận con riêng của vọ làm con nuôi rồi tiến hành bảo lãnh để con chị được sang Hàn Quốc. Theo hướng dẫn của Bộ tư pháp Việt Nam, trong đó có quy định rất cụ thể những giấy tờ mà chồng chị và con riêng của chị phải nộp. Theo chúng tôi được biết, về cơ bản, chồng chị sẽ phải nộp đơn xin nhận con nuôi, chứng minh khả năng tài chính, chứng minh đủ điều kiện sức khoẻ tâm lý bình thường…và một số các giấy tờ khác rồi trực tiếp trực tiếp mang các giấy tờ này cùng những giấy tờ có liên quan tới con chị, nộp tại Cơ quan con nuôi quốc tế của Việt Nam thuộc Bộ tư pháp. Trong thời hạn 120 ngày, kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ, cơ quan này sẽ tiếp nhận và giải quyết việc xin con nuôi của chồng chị.

Nếu không có vướng mắc gì đặc biệt thì hồ sơ của chồng chị sẽ được phê duyệt. Cơ quan con nuôi quốc tế sẽ có công văn trả lời thông qua Sở Tư pháp thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi con chị đang sinh sống. Trong thời hạn 07 ngày, Sở Tư pháp sẽ có thông báo tới chồng chị để hoàn tất các thủ tục nhận con nuôi. Sau đó chồng chị chỉ cần tiến hành các thủ tục theo quy định của Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam để xin visa nhập cảnh cho con chị là xong. Khi con chị tới Hàn Quốc rồi, để nhập được quốc tịch Hàn Quốc ngay thì chồng chị sẽ lại cần chuẩn bị các giấy tờ theo quy định của pháp luật Hàn Quốc, nộp cho phòng quản lý xuất nhập cảnh ở nơi cư trú.

Chị Lan thân mến, trong phần hướng dẫn của chúng tôi có đưa ra nhất nhiều những từ nào là “thủ tục”, nào là “hồ sơ”, nào là “giấy tờ”… đúng không ạ? Chỉ cần nghe nói thế thôi cũng đã thấy rườm ra rồi chị nhỉ. Bởi vì ngoài các giấy tờ mà vợ chồng chị cần chuẩn bị ở Hàn Quốc còn có các giấy tờ liên quan tới con trai chị, rồi còn phải tuân thủ các quy định liên quan tới luật pháp của cả Việt Nam và Hàn Quốc nữa. Tối thiểu anh chị cũng mất khoảng vài tháng để hoàn tất thủ tục đón cháu sang cùng chung sống. Không biết những thông tin mà chúng tôi đưa ra có làm vợi đi băn khoăn của chị hay chưa? Mong chị sớm được đoàn tụ với con trai yêu dấu của mình.

Lựa chọn của ban biên tập