Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Hur Nansorhon, nhà thơ thiên tài triều đại Joseon

2010-08-13

Hur Nansorhon, tên tuổi nổi danh sau thời đại
Nói đến người phụ nữ tiêu biểu thời Joseon, chắc hẳn người Hàn Quốc nào cũng sẽ nghĩ đến “Sin Saimdang”. Sin Saimdang nổi tiếng là một người con hiếu thảo, người mẹ mẫu mực đã nuôi dạy Yul Gok sau này trở thành một học giả và chính trị gia vĩ đại. Bà cũng không ngừng trau dồi học vấn, am hiểu cả về thơ, họa, thêu thùa. Sin Saimdang được coi như một tấm gương điển hình về người mẹ giỏi, vợ hiền, người con hiếu thảo.

Tuy nhiên, Joseon, một triều đại luôn coi trọng tư tưởng “trọng nam khinh nữ” còn có một người phụ nữ tài ba khác nữa. Đó chính là thi sĩ Hur Nansorhon với tài năng thiên bẩm hơn người nhưng chỉ tỏa sáng sau thời đại.

Cuộc đời thi sĩ Nansorhon
Hur Nansorhon sinh năm 1563 là con gái của nhà văn nổi tiếng Joseon, Hur Yop. Hur được nuôi dưỡng trong một gia đình nề nếp nhưng tiến bộ, đến mức bà được gọi bằng tên thật là “Cho-hee” trong khi xã hội Joseon không cho phép đặt tên cho người con gái. Cho-hee chăm chỉ học chữ cùng hai anh trai đều là các nhà văn có tài, Ho Sung, Ho Bong và em trai Hur Gyun, tác giả cuốn “Truyền thuyết về Hong Gil-dong” sau này. Người anh thứ Hur Bong sớm phát hiện tài năng thơ ca của em gái nên đã nhờ bạn là nhà thơ nổi tiếng nhất thời đó Yi Dal dạy học cho Cho-hee.

Được phát huy tài năng từ nhỏ, “thần đồng” Hur Nansorhon 8 tuổi đã nổi tiếng với tuyệt tác thơ “Kwang-han-jeon Baik-ok-ru Sang-ryang-mun (Quảng Hán Điện Bạch Ngọc Lưu Thượng Lượng Văn)”. Nhưng vốn vừa có tài, vừa có sắc, Hur Nansorhon đã phải bắt đầu cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc khi mới 15 tuổi.

Hur kết hôn với con trai nhà họ Kim danh giá ở Andong là Kim Sung-rib. Nhưng gia phong họ Kim vốn nổi tiếng vì tư tưởng bảo thủ, hà khắc không thể chấp nhận một người con dâu chỉ say mê sách vở, thơ văn. Là người cứng nhắc và không có tài gì đặc biệt, Kim Sung-rib cũng không cho vợ được tự do sáng tác. Nhưng nỗi bất hạnh trong cuộc sống sau hôn nhân của Hur Nansorhon không chỉ dừng lại ở đó. Cha và người anh thứ hai của Ho đã bị chết nơi đất khách và gia đình Ho bắt đầu lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Hai đứa con mà bà dứt ruột đẻ ra cũng lần lượt ra đi vì dịch bệnh. Cuộc đời bà như chỉ càng lún sâu vào bế tắc. Lúc này, Hur Nansorhon đã nhờ thơ ca để giãi bày tâm sự.

Mượn thơ giải sầu
Con gái mất năm ngoái, con trai chết năm nay
Đống đất khóc chôn nay trở thành hai nấm mồ sát cạnh
Chỉ có ngọn gió cô đơn và lửa ma trơi vẫn sáng trong rừng
Gọi hồn các con và rót rượu trước nấm mồ cỏ dại


Hur Nansorhon đã diễn tả nỗi nhớ con da diết qua bài thơ “Khóc con”:

Cành lá phong lan rung rinh, tỏa hương thơm bên cửa sổ
Bỗng dưng héo rũ vì sương giá và cơn gió mùa thu
Dù mất đi sinh khí nhưng hương thơm kia vẫn còn đó
Nhìn cảnh tượng ấy mà xót xa đến đau lòng, đẫm lệ


Mỗi khi bất mãn về chế độ hay nghĩ đến những điều hạn chế của người phụ nữ thời Joseon, Hur Nansorhon cũng lấy bài thơ “Kam-woo (Cảm Tụ)” làm dũng khí.

Giống như tên hiệu “Nansorhon” (Lan Tuyết Hiên), Hur luôn giữ cho mình vẻ đẹp thanh cao của hoa lan và sự thuần khiết của bông tuyết trắng. Bà đã phổ bài thơ “Mong-yu-kwang-san-san (Mộng Du Quảng Tản Sơn)” để miêu tả quãng đời ngắn ngủi của mình:

Nước biển xanh chảy vào trái tim vô cảm
Phượng hoàng xanh cũng chẳng thể sống một mình
Hai mươi bảy bông hoa phù dung rơi xuống đỏ một màu
Nằm lạnh lẽo trên giọt sương giá lạnh


Hur Nansorhon dùng hình ảnh 27 bông hoa phù dung rơi xuống để chỉ tuổi 27 của mình khi đó (năm 1589). Những tác phẩm thơ đầy tính sáng tạo cùng cảm nhận tinh tế lẫn vẻ đượm buồn của Hur đã vượt ra khỏi Hàn Quốc.



Thơ Nansorhon chinh phục Trung Quốc và Nhật Bản
Trước khi mất, Hur Nansorhon đã viết di chúc nhờ người nhà đốt hết những cuốn sách, thơ bà viết. Nhưng vì nuối tiếc tài năng của chị, Hur Gyun đã thu thập tất cả các tác phẩm của Hur và biên tập thành cuốn “Tuyển tập thơ Nansorhon” năm 1590.

Năm 1606, Hur Gyun đã cho các sứ thần và quan lại triều đình nhà Minh xem tập thơ. Sứ thần nhà Minh lúc đó là Zhu Zhifan đã rất cảm kích và cho xuất bản “Tuyển tập thơ Nansorhon” tại Trung Quốc ngay sau đó. Kể từ lúc ấy, Hur Nansorhon đã trở thành nữ nhà thơ được người dân Trung Quốc hết sức mến mộ.

Đến thế kỷ 18, thơ của Hur Nansorhon được truyền sang cả Nhật Bản và Nansorhon trở thành tác giả đầu tiên có tác phẩm bán chạy nhất trên thế giới trong lịch sử Hàn Quốc.

Có tài năng thiên phú nhưng không thể phát huy do định chế xã hội thời phong kiến, Hur Nansorhon coi đó là những “sầu hận” của cuộc đời mình và chuyển tải vào thơ ca. Hur Nansorhon được coi như một nhà thơ thiên tài sáng tạo cả thế giới của riêng mình bằng những vần thơ bất hủ.

Lựa chọn của ban biên tập