Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Jung Do-jeon, vị khai quốc công thần lỗi lạc thời Joseon

2010-08-20

“Nhân dân là gốc rễ của đất nước”
Hiến chương Magna Carta của người Anh lần đầu tiên được công bố năm 1215, được coi như nền tảng cho hiến pháp cận đại ủng hộ quyền lợi và sự tự do của người dân sau thế kỷ 17. Tuy nhiên, triều đại Joseon trước đó đã có một hệ thống hiến pháp thể hiện sâu sắc tư tưởng “vì dân” ở thế kỷ 14.

Cương lĩnh xây dựng đất nước “Gyeonggukdaejeon” dựa trên bản phác thảo “Joseon Gyeonggukjeon” của người đặt kế hoạch lỗi lạc Jung Do-jeon đã trở thành nền tảng trong lịch sử 500 năm của triều đại Joseon (1392-1897). Nó cũng đánh dấu sự ra đời của một nền chính trị nhân bản “lấy dân làm gốc” với tư tưởng dựng nước và cai trị đúng đắn của Jung Do-jeon.

Jung Do-jeon với cái tên “truyền đạt tư tưởng đạo đức”
Jung Do-jeon sinh năm 1342, là con trai trưởng của quan Thượng thư bộ Hình Jung Woon-kyung tại tỉnh Bắc Gyeongsang. Từ khi mới lọt lòng, Jung đã được cha kỳ vọng và đặt tên là “Do-jeon” với mong muốn “luôn truyền đạt tư tưởng đạo đức”. Sau này, chính Jung Do-jeon là người đã mở ra con đường mới cho đất nước vào đúng thời điểm lịch sử quan trọng nhất, thời kỳ chuyển giao quyền lực từ Goryeo sang Joseon.

Nhưng “vạn sự khởi đầu nan”, cuộc đời của Jung cũng hết sức gian nan, trắc trở. Jung Do-jeon từng được học giả nổi tiếng cuối thời Goryeo là Yi Saek dạy học và thông thạo cả về Nho giáo, binh pháp, địa lý và pháp luật. Nhưng do mẹ có xuất thân từ tầng lớp nô tỳ, Jung đã không được xã hội công nhận kể cả sau khi ông đỗ kỳ thi Quốc tử giám năm 1362 và đã có địa vị.

Đặc biệt, ngay khi Nhà nước Goryeo thực hiện chính sách “thân Nguyên”, tức “thân với nhà Nguyên” và dần trở nên suy nhược, Jung đã phản đối quyết liệt. Năm 1375, ông quyết định rời bỏ áo quan về quê sinh sống. Nhưng huyện Hoejin, thành phố Naju, tỉnh Nam Jeolla (nay là làng Baekdong, ấp Woonbong, xã Dasi, thành phố Naju) vốn là quê hương ông đã bị giặc xâm chiếm. Do đó, Jung đã phải đi phiêu bạt khắp nơi từ quận Danyang, thành phố Jecheon, tỉnh Bắc Chungcheong, thành phố Andong thuộc tỉnh Bắc Gyeongsang tới thành phố Wonju thuộc tỉnh Gangwon để lánh nạn và thoát khỏi sự chèn ép của tầng lớp quan lại. Cuối cùng, ông quyết định trú chân tại núi Bukhan, nơi ông đã từng được dạy học xưa kia, vừa làm ruộng, vừa dạy bọn trẻ trong làng học. Thấu hiểu những nỗi vất vả mà người dân đang gánh chịu, Jung Do-jeon nhận ra rằng chế độ của Nhà nước Goryeo không thể đem lại cuộc sống ấm no cho người dân.

Năm 1383, Jung Do-jeon được vị tướng tài ba, đồng thời là quan hành chính khu vực Dongbuk (tỉnh Nam Jeolla) Yi Seong-gye (Lý Thành Quế) chiêu mộ làm người lập kế hoạch và từ đó, ông nuôi giấc mơ xây dựng đất nước.
Năm 1388, Jung Do-jeon đã cùng Yi Seong-gye xây dựng nền tảng kinh tế, chính trị và lập ra một nhà nước mới sau chiến thắng tại đảo Wihwa, trên sông Aprok. Đó chính là Joseon, triều đại đã tồn tại 500 năm trên bán đảo Hàn Quốc.

Lập kế hoạch xây dựng vương triều Joseon
Nếu nói Goryeo là nước chỉ thống nhất đơn thuần các thế lực riêng rẽ thì Joseon là một bộ máy được lên kế hoạch rất cẩn thận, tỉ mỉ.

Trên thực tế, Jung Do-jeon là người đã ấn định vị trí kinh đô và cung Gyeongbok ngày nay. Ông cũng đóng vai trò là người chịu trách nhiệm chính trong quá trình rời đô từ Gaegyeong tới Hanyang và xây dựng thủ đô cho đất nước. Không những thế, ông còn trực tiếp đặt tên cho từng tòa nhà quan trọng trong Hoàng cung là cung Gyeongbok như Điện Gangnyeong với ý nghĩa chúc nhà Vua nghỉ ngơi thoải mái, Điện Sajeong ám chỉ việc suy nghĩ chuyện triều chính một cách công tâm, Điện Geunjeong ý nói nhà Vua hãy tận tâm với việc triều đình, cung Gyeongbok chỉ mong muốn “phúc” lớn sẽ đến với Joseon mãi mãi. Ngoài ra, ông cũng thiết lập cấu trúc cho toàn bộ cung thành, đền, miếu.

Jung Do-jeon luôn mơ ước đến một đất nước Nho giáo lý tưởng với “bộ ba một thể” bao gồm Vua chúa, quan lại và dân thường. Do đó, ông đã xây dựng ý niệm mới cho triều đại Joseon với Tân Khổng giáo, một tư tưởng tiến bộ nhất thời bấy giờ thay vì đạo Phật, ý niệm quốc gia cũ của triều đại Goryeo.

Bên cạnh đó, Jung còn soạn thảo cương lĩnh “Joseon Gyeonggukjeon” để chỉnh đốn bộ máy kinh tế, hành chính, quân sự, chính trị của Joseon, đề ra những đạo lý, phẩm chất của người làm quan, xây dựng toàn bộ hệ thống hoạt động cho nhà nước Joseon. Tuy nhiên, Jung Do-jeon đã không kịp thực hiện ước mơ lúc sinh thời.

Lý tưởng và tư tưởng vĩ đại vẫn còn mãi
Jung Do-jeon luôn được nhắc đến như một vị công thần khai quốc của triều đại Joseon. Nhưng tiếc thay, ông đã vĩnh viễn ra đi năm 1398, chỉ chưa đầy 7 năm sau khi Joseon được thành lập. Ông đã bị thế lực của Yi Pang-won sát hại trong cuộc tranh giành vương vị giữa Hoàng tử Yi Pang-won và Thế tử Yi Bang-seok. Yi Bang-won luôn cho rằng, Vua phải cứng rắn thì nước nhà mới ổn định. Do đó, chủ nghĩa dân bản “lấy dân làm gốc” của Jung Do-jeon đã trở thành một tư tưởng mang tính nguy hiểm đối với Yi. Mặc dù bị giết hại bởi kẻ phản bội khi chưa thực hiện được tâm niệm cuối cùng, Jung Do-jeon đã hoàn thành bản cương lĩnh Gyeonggukdaejeon năm 1397, thể hiện tư tưởng và tinh thần vĩ đại của một người cống hiến trọn đời vì non sông, đất nước. Thời gian trôi qua, những người lãnh đạo lên nắm quyền đã cụ thể hóa thế giới lý tưởng mà Jung Do-jeon nung nấu. Ông thực sự là người đặt kế hoạch vĩ đại cho đất nước.

Lựa chọn của ban biên tập