Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Hur Jun, vị danh y đi vào huyền thoại

2010-09-10

Soạn thảo “Đông y bảo giám”
Năm 1596, cả đất nước Triều Tiên hỗn loạn vì cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, Vua Sun Jo đời thứ 14 của triều đại Joseon đã gọi Hur Jun đến và ra lệnh: "“Toàn dân đang lâm vào cảnh đói và dịch bệnh, ngươi hãy tổng hợp tất cả các loại bệnh cùng phương pháp điều trị làm thành một cuốn sách”.

Tuân lệnh Vua, Hur Jun miệt mài nghiên cứu trong 14 năm trời để soạn thảo ra một cuốn sách y học mang tính thực tế, hữu ích, dành riêng cho người dân Joseon, thoát khỏi tập quán kê đơn theo sách y học cổ truyền của Trung Quốc. Cuối cùng, năm 1610, Hur Jun đã biên soạn thành công bộ thư tịch về y học cổ truyền Hàn Quốc mang tên “Đông y bảo giám” (Donguibogam) gồm 25 cuốn, đánh dấu một bước đi vĩ đại trong nền y học thế giới.

Tìm thành công trong y học từ thân phận thấp kém
Thần y Hur Jun, niềm tự hào của Hàn Quốc với cuốn “Đông y bảo giám”, sinh năm 1537, là con riêng của nhà quý tộc Hur Ron tại thành phố Kimpo, tỉnh Gyeonggi. Ngoài người ông Hur Gon là quan võ, bố của Hur Jun là Hur Ron cũng là một quan võ, đồng thời giữ chức quan huyện. Nhưng Hur Jun, vốn mang thân phận thấp hèn là con của vợ lẽ, đã chọn con đường y thuật cho riêng mình. Và đến năm 30 tuổi, ông đã được công nhận tài năng và bắt đầu chữa trị trong cung đình.

Tuy nhiên, không có bất cứ tài liệu nào nói về thời kỳ trưởng thành của Hur Jun như tại sao một cậu bé nổi tiếng thông minh từ nhỏ, ham học và thông thạo kinh thánh, lịch sử lại chọn con đường y học, hay Hur Jun đã trải qua quá trình học tập như thế nào. Chỉ có duy nhất tuyển tập thơ văn của nhà Nho Yu Hee-choon thời Vua Sun Jo có thể giúp người đọc hình dung ra cuộc đời Hur Jun trước khi ông vào nội y viện, trở thành thầy thuốc trong cung và có tên trong “Sử ký Vương triều Joseon” (Joseonwangjosilrok).

Tác phẩm ghi lại rằng, Hur Jun đã tham gia điều trị cho gia đình nhà Yu Hee-choon và xóa bỏ hoàn toàn khối u trên mặt của nhà Nho, nhờ đó đã được tín nhiệm và đề cử vào nội y viện. Năm 1573, Hur Jun được thăng chức quan tam phẩm. Sau đó, ông đã có một khoảng thời gian khẳng định mình trước khi được công nhận hoàn toàn về tài năng y thuật. Năm 1575, Hur Jun giúp quan ngự y chẩn đoán mạch cho Vua. Năm 1581, ông tổng hợp các lỗi trong tài liệu về chẩn đoán học và soạn thành sách. Năm 1587, ông cùng nhiều quan ngự y khác tham gia điều trị cho Vua và được Vua ban thưởng tấm da hươu vì làm Vua khỏi bệnh. Năm 1590, Hur Jun chính thức trở nên nổi tiếng về tài y thuật hơn người và thường xuyên xuất hiện trong các cuốn sử ký ngắn.



Hồi đó, Hoàng tử Kwang Hae-gun mắc bệnh đậu mùa nghiêm trọng đến mức tưởng như không thể sống nổi. Hur Jun là người duy nhất dám đứng ra chữa trị cho Hoàng tử và đã được Vua Sun Jo ban chức thượng quan với hàm chánh tam phẩm để thưởng công.

Không những thế, trong thời kỳ chiến tranh chống giặc ngoại xâm, Hur Jun một lần nữa đã chữa khỏi bệnh cho Kwang Hae-goon và trở thành quan nhất phẩm, chức vụ cao nhất trong giới ngự y. Năm 1608, Vua Sun Jo qua đời, Hur Jun bị gán tội không cứu được Vua và bị đi đày ải. Đó là khoảng thời gian thử thách gian nan nhất trong cuộc đời thần y Hur Jun. Nhưng cũng chính lúc ấy, ông đã làm nên thành công lớn nhất của cuộc đời mình là cuốn “Đông y bảo giám”.

“Đông y bảo giám”, cột sống của nền y học cổ truyền Hàn Quốc
“Đông y bảo giám” bao gồm 25 quyển, chia làm 5 chương. Đây là cuốn thư tịch được làm vì người dân Joseon theo như tên gọi của nó “sách y khoa cho hoàn cảnh của chúng ta”.

Tác phẩm này tổng hợp một cách có hệ thống các bệnh liên quan đến nội khoa, ngoại khoa, phụ khoa và nhi khoa. Bộ sách cũng giải thích chi tiết về triệu chứng liên quan và phương pháp điều trị. Đồng thời, nó cũng trích dẫn nhiều tác phẩm khác như những căn cứ chữa trị nên người đọc có thể khám phá, so sánh các phương thuốc xưa và nay.

Mặt khác, về phương pháp chữa bệnh, sách không chỉ ghi lại cách chữa theo các sách y khoa mà còn bổ sung thêm bí quyết chữa bệnh dựa trên kinh nghiệm của Hur Jun hay phương pháp chữa trị dân gian tùy theo từng trường hợp. Cuốn thư tịch cũng ghi lại tỉ mỉ tên thuốc bằng tiếng Hàn, bao gồm cả tiếng địa phương, giúp người không biết về y học cũng có thể hiểu dễ dàng. Có thể nói “Đông y bảo giám” đã hệ thống hóa y học Đông Á thời đó, đóng góp vào việc cải thiện môi trường y học nghèo nàn và phổ biến kiến thức y học cổ truyền cho người dân. 115 năm sau khi ra đời, toàn bộ 25 cuốn sách của bộ thư tịch “Đông y bảo giám” đã được dịch ra tiếng Nhật. Năm 1763, nó được dịch ra tiếng Trung và xuất bản 7 lần liên tiếp tại Trung Quốc.

Do đó, ngày 31 tháng 7 năm 2009, “Đông y bảo giám” đã trở thành bộ thư tịch đầu tiên được đưa vào danh sách Di sản văn hóa thế giới của Tổ chức Giáo dục, Văn hóa và Khoa học của Liên hợp quốc (UNESCO). Và ngày nay, một giai thoại thú vị về danh y tài ba Hur Jun vẫn còn lưu truyền lại.

Vị danh y đi vào huyền thoại
Trong cuốn sách lịch sử có tên “Yakpamanrok” của triều đại Joseon khoảng giữa thế kỷ 18, có câu chuyện miêu tả thần y Hur Jun chữa bệnh cho Voi và trở nên nổi tiếng. Sau đó, người ta đã thêm nội dung vào câu chuyện này rằng Hur Jun chữa khỏi bệnh cho Hổ và được tặng một cây kim châm vàng. Và bằng cái kim đó, Hur Jun đã chữa khỏi bệnh cho nhà Vua Trung Quốc. Nhờ vậy, Hur Jun đã giúp các quan ngự y Trung Quốc đang bị giam do không chữa được bệnh cho Vua thoát khỏi nhà tù. Sau đó, các quan này đã ghi lại tất cả những gì mình biết vào một cuốn sách. Và cuốn sách đó được gọi là “Đông y bảo giám”.

Trước khi mất ở tuổi 77 vào năm 1615, Hur Jun đã viết rất nhiều sách như “Byeokyeokshinbang” (Bệnh Dịch Thần Phương, tức phương thuốc thần chữa dịch bệnh), “Shinchanbyeokonbang” (Tân Dẫn Bệnh Ôn Phương, tức phương thuốc mới chữa ôn dịch), “Maekgyeoljipseong” (Mạch Quyết Tập Thành, tức tuyển tập các phương pháp chẩn mạch) với mong muốn mọi người dân được khỏe mạnh. Những nỗ lực của ông đã đi vào huyền thoại và người dân Hàn Quốc gọi cái tên “Thần y Hur Jun” bằng cả sự yêu mến và kính trọng.

Lựa chọn của ban biên tập