Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Son Ki-jung, huyền thoại Marathon Hàn Quốc

2010-12-03

Cội nguồn của cường quốc Marathon
Vừa qua, đoàn vận động viên Hàn Quốc đã đạt được thành tích cao nhất trong lịch sử Đại hội thể thao Châu Á (ASIAD). Tinh thần thi đấu sôi nổi, quyết liệt được đốt cháy tới tận ngày cuối cùng. Đặc biệt, nam vận động viên Marathon Ji Young-jun đã giành chiến thắng với kỷ lục mới là 2 tiếng 11 phút 11 giây vào ngày bế mạc Á vận hội (27/11) thể thao Châu Á 2010 diễn ra tại Quảng Châu, Trung Quốc, mang về cho Hàn Quốc chiếc huy chương vàng thứ 76. Từ Á vận hội Bắc Kinh năm 1990 đến ASIAD Busan năm 2002 Hàn Quốc đã liên tiếp 4 lần giành chiến thắng cho nội dung này, nhưng rồi phải 8 năm sau với tấm huy chương vàng lần này Hàn Quốc mới giành lại được niềm tự hào là cường quốc Marathon. Từ khi nào Hàn Quốc đã được gọi là cường quốc Marathon?

Anh hùng của kỳ Thế vận hội Olympic Berlin
Ngày 9 tháng 8 năm 1936, 51 vận động viên của 28 quốc gia cùng chạy đua tranh chiếc huy chương vàng cuối cùng của Olympic Berlin. Đương kim vô địch Juan Carlos Zabala người Argentina là người giành chiến thắng ở kỳ Olympic 4 năm trước đã nhanh chóng dẫn đầu với tốc độ rất tập trung. Nhưng từ thời điểm 30km người bứt lên dẫn đầu lại là một thanh niên Joseon xuất thân từ thành phố Shinuiju thuộc tỉnh Bắc Pyeongan chứ không phải là một ngôi sao nổi tiếng thế giới. Người đó chính là vận động viên Son Ki-jung. Sau khi vượt qua đèo Bismarck, bắt đầu từ km số 10 thì Son Ki-jung bỏ xa vận động viên người Anh Ernest Harbor chạy cùng, 5km tiếp theo đã đột phá dứt điểm lên vị trí thứ 5. Ở kilomét thứ 28 khi bước vào giai đoạn nước rút và đã chạy với tốc độ dẫn đầu từ thời điểm 30km, và bắt đầu từ đó thì tất cả các vận động viên đều chạy sau anh cho tới tận khi cán đích. Son Ki-jung cán đích, cắt băng chiến thắng trong tiếng hoan hô của khoảng 100.000 người dân Berlin với kỷ lục thế giới mới là 2 tiếng 29 phút 19 giây.

Tôi là vận động viên Marathon của Hàn Quốc
Son Ki-jung sinh ngày 29 tháng 8 năm 1912 tại thành phố Shinuiju, miền Bắc bán đảo Hàn Quốc. Ngay từ nhỏ đã bộc lộ năng khiếu ở môn điền kinh. Trên thực tế, hồi năm lớp 6 đã từng giành chiến thắng ở “Đại hội điền kinh Anui”, cự ly 5.000m chạy giữa thành phố Shinuiju và huyện Andong, Mãn Châu. Năm 16 tuổi ông vào làm việc trong một công ty ở Đan Đông, Trung Quốc, hàng ngày đã chạy khoảng 8km (20 lý) từ nhà đến công ty và ngược lại trên quãng đường từ Shinuiju~ cầu sắt sông Apnok ~ Đan Đông. Son Ki-jung sớm bộc lộ là người có tố chất với Marathon, năm 1932 ông đại diện cho thành phố Shinuiju tham gia Giải Marathon Donga lần thứ 2 và xếp vị trí á quân. Năm 20 tuổi vào học trường phổ thông trung học Yangjeong nổi tiếng với ngành điền kinh. Năm sau ở Giải Marathon Donga lần thứ 3, ông đã đánh bại Yu Hae-bung đương kim vô địch khi chênh 27 giây và giành vị trí quán quân. Son Ki-jung trở thành vận động viên Marathon số 1 của Joseon, đã tham gia 13 kỳ đại hội Marathon từ năm 1933 đến 1936 với 10 lần giành chiến thắng. Trong vòng loại Olympic Berlin diễn ra vào ngày 3 tháng 11 năm 1935 anh đã phá kỷ lục thế giới mới không chính thức với 2 tiếng 26 phút 42 giây và được chọn là vận động viên quốc gia tham dự Olympic Berlin. Là người chiến thắng nhưng Son Ki-jung không thể ngẩng cao đầu ở giây phút đeo vòng nguyệt quế với vinh quang là người châu Á đầu tiên chiến thắng ở thế vận hội Olympic. Vì Thời ấy là thời kỳ mà Hàn Quốc đang chịu sự cai trị thực dân của Nhật nên Son Ki-jung đã chạy với tư cách là thành viên của đoàn thể thao Nhật Bản chứ không phải Hàn Quốc, tên của ông cũng được ghi bằng chữ Hán theo cách viết và phiêm của tiếng Nhật là “Son Kitei”, trên ngực ông gắn cờ Nhật thay cho cờ Taegeuk (Thái cực) của Hàn Quốc. Tại lễ trao giải ông đã dùng vòng nguyệt quế để che đi cờ Nhật và trong cuộc phỏng vấn với các hãng thông tấn nước ngoài, ông nói rằng tổ quốc của mình là Joseon, ký tên mình bằng chữ Hangeul. Vì thế mà sau đó Son Ki-jung đã bị Nhật Bản cấm tham gia Marathon nhưng tinh thần đấu tranh của ông đã để lại ấn tượng mạnh trên cộng đồng thế giới.


Xoá tan mặc cảm dân tộc với chiến thắng Marathon
Dĩ nhiên người dân Joseon dã vô cùng mừng rỡ với chiến thấng trên đấu trường quốc tế của Son Ki-jung. Khi vừa nghe tin Son Ki-jung là người đầu tiên phá vỡ kỷ lục thế giới đang ở mức 2 tiếng 30 phút và giành thắng lợi ở môn Marathon tại Berlin thì trên khắp cả nước người dân Joseon đã đổ ra đường và cùng hô vang “Joseon thắng rồi. Joseon thắng thế giới rồi”. Nỗi đau bị Nhật Bản cướp nước và bóc lột đã chuyển thành niềm vui với thắng lợi của Son Ki-jung. Tờ Jungang Joseon (Nhật báo trung ương Triều Tiên) đăng tải tin về chiến thắng của Son Ki-jung nhưng cố tình xoá đi cờ hiệu của Nhật trên bộ trang phục của Son Ki-jung trong ảnh ngụ ý thể hiện tình cảm của dân tộc Hàn. “Sự cố xoá cờ Nhật” này đã khiến Phủ thống đốc Nhật Bản ra lệnh đình chỉ phát hành tờ báo vô thời hạn, 5 nhà báo bị bắt nhưng đối với người dân Joseon dưới thời thực dân thì không có hy vọng nào lớn hơn cái tên Son Ki-jung.

Ước mơ của tôi là thế hệ sau tôi đeo cờ Taegeuk của Hàn Quốc bên ngực áo và giành huy chương vàng Olympic
Sau khi chinh phục Olympic, Son Ki-jung đã từng học ở trường phổ thông Trung học Yangjeong, trường trung học chuyên nghiệp Boseong – tiền thân của trường Đại học Korea hiện nay và tốt nghiệp trường đại học Minh trị của Nhật Bản. Ông đã dành nhiều nỗ lực để nuôi dưỡng thế hệ sau với tư cách là huấn luyện viên điền kinh. Nhờ thế mà vào năm 1947 và năm 1950 Hàn Quốc đã có Seo Yun-bok và Ham Ki-yong là người chiến thắng ở Giải Marathon Boston, Mỹ. Với tư cách là Chủ tịch Liên đoàn điền kinh Hàn Quốc và Ủy viên của Ủy ban Olympic Hàn Quốc (KOC) vào những năm 1960, ông đã dẫn dắt ngành thể dục thể thao Hàn Quốc nhưng Son Ki-jung còn có một ước mơ muốn thực hiện. Đó chính là mong muốn được nhìn thấy thế hệ sau của mình gắn Thái cực kỳ (Taegeukgi) Hàn Quốc trên ngực áo và giành huy chương vàng Olympic. Ước mơ của Son Ki-jung phải đến năm 1992 sau 56 năm chiến thắng ở Berlin mới trở thành hiện thực nhờ chiến thắng của Hwang Young-jo tại Olympic Barcelona. 10 năm sau vào ngày 15 tháng 11 năm 2002 ông ra đi ở tuổi 90, đến tận trước khi nhắm mắt Son Ki-jung vẫn trăn trở cho tương lai của Marathon Hàn Quốc. Nhờ có ông mà “tinh thần” Marathon Hàn Quốc vẫn chảy và nhờ chí khí ấy được tiếp nối đến tận bây giờ mà mỗi khi vòng đua Marathon đầy thử thách diễn ra lại làm rộn ràng trái tim của bao người dân Hàn Quốc.

Lựa chọn của ban biên tập