Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Choi Chi-won, học giả thiên tài thời Silla

2011-05-19

<b>Choi Chi-won</b>, học giả thiên tài thời Silla
Nhà tri thức luôn nhắm đến trái tim tinh thần của thời đại

“Người nhắm trúng được trái tim tinh thần của thời đại” là cách nói của người Hàn chỉ vào các nhà tri thức luôn nhận biết trước được sự biến đổi của thế cuộc và đề ra được những con đường mới. Sở dĩ vì họ là những con người hiên ngang, vì sự tiến bộ của mai sau mà dám đối đầu với cả thời đại, là những người luôn nghiên cứu, tìm kiếm tia hy vọng mới cho tương lai và là những số phận sinh ra đã luôn bất đồng với thời cuộc hiện tại. Thành công tuy không đến ngay với những tư tưởng mà người tri thức theo đuổi, song những thử thách của họ chính là những hạt mầm hẹn ngày kết trái. Một điển hình về nhà tri thức như vậy mà chúng ta có thể thấy chính là Choi Chi-won, bậc thiên tài số một của thời kỳ Silla trên bán đảo Hàn.

Bậc thiên tài khiến người Trung Quốc phải sửng sốt

Choi Chi-won sinh ra vào năm 857, năm lên ngôi của vua Heonan (Hiến An Vương), vị vua đời thứ 47 của vương triều Silla. Ông sinh ra trong một gia đình thuộc tầng lớp Yukdupum (Lục đầu phẩm), một trong các bậc của "Golpum" (cốt phẩm) - chế độ đánh giá thân phận, phân tầng cao thấp theo huyết thống một cách nghiêm ngặt của Silla. Choi Chi-won là một thần đồng, lên 3 tuổi đã bắt đầu học chữ, 10 tuổi đã thông thạo tam kinh tứ thư. Tuy nhiên, trong xã hội Silla lúc bấy giờ, nếu xuất thân từ gia đình Lục đầu phẩm thì dù có tài năng xuất chúng đến mấy cũng không thể bổ nhiệm vào các chức quan cao từ chức quan cấp 6 trong 17 cấp quan tước của Silla là Achan (Á Xan) trở lên. Do đó, cha của ông là Choi Gyeon-il vào năm 868, khi ông vừa tròn 12 tuổi đã gửi ông sang nhà Đường của Trung Quốc để du học. Hiểu được lòng cha, Choi Chi-won đã học hành rất chăm chỉ, tới mức mà những ghi chép của ông để lại cho thấy ông đã "buộc dây vào búi tóc treo lên, đâm gai vào da thịt để đuổi đi những cơn buồn ngủ, người khác học được hàng trăm thì cố gắng học lấy hàng nghìn"... Chỉ sau 6 năm, năm 874, ông đã thi đỗ trạng nguyên của Tân Cống khoa, khóa thi nhà Đường thực hiện dành cho người ngoại quốc.
Mới 18 tuổi, Choi Chi-won đã trải qua khóa học đào tạo nhân tài ưu tú, đảm bảo cho con đường lập nghiệp sau này. Năm 876, ông làm quan đến chức Huyện úy của huyện Lật Thủy ở Tuyên Châu, nay là thành phố Nam Kinh tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Giai đoạn này có cuộc khởi nghĩa Hoàng Sào (875~884) là khởi nghĩa của nông dân do Hoàng Sào, một nhân vật xuất thân từ gia đình thương nhân bán muối lãnh đạo, đánh chiếm Trường An và tự xưng hoàng đế. Khi đó, Choi Chi-won đã được chọn làm quan tòng sự, phục vụ cho Binh mã đô thống (Chư đạo hành doanh binh mã đô thống) đem quân đi thảo phạt Hoàng Sào. Với tác phẩm "Thảo Hoàng Sào hịch văn", tên tuổi của ông nổi lên khắp nơi trên đất nhà Đường. Tác phẩm được bắt đầu bằng câu "Người trí tuệ thì thuận theo thời mà có được thành công, chỉ có kẻ ngu muội mới nghịch lại đạo lý mà chuốc lấy thất bại". Có thể nói, đây là tác phẩm gây ấn tượng và có sức thuyết phục đặc biệt, có những đoạn làm cho kẻ địch sợ hãi như "Không chỉ người trong toàn thiên hạ đều muốn giết ngươi mà ngay cả quỷ thần dưới đất cũng bàn cách để diệt ngươi", lại có những đoạn quay sang dỗ dành, chẳng hạn như "Hãy dựng cho mình một phương sách tốt để mà sửa chữa lấy những sai lầm..." Bài văn đã khiến Hoàng Sào có phản ứng gay gắt, ngã lăn từ trên ghế xuống và cũng chỉ qua một lần dùng ngòi bút mà chế ngự Hoàng Sào như vậy, Choi Chi-won đã leo lên hàng của các bậc văn nhân nổi tiếng.
17 năm sống tại Trung Quốc, phần liệt truyện về Choi Chi-won đã được ghi trong "Đường Thư" một tư liệu lịch sử của nhà Đường, và đồng thời ông cũng trở nên nổi tiếng, được ghi danh trong cuốn "Đường Tống bách danh gia tập", một cuốn sách tập trung tác phẩm của 100 văn nhân có tên tuổi thời Đường và thời Tống. Về sau, năm 884 Choi Chi-won đã lên đường trở về Silla với mong muốn được cống hiến, xây dựng cho tổ quốc.

Giấc mơ bị chôn vùi vào thời buổi loạn lạc

Choi Chi-won đã trở về tổ quốc, mang theo chiếu thư gửi vua Silla của hoàng đế nhà Đường bấy giờ là Hi Tông. Sau đó, ông đã được vua Heongang (Hiến Khang Vương), vị vua đời thứ 49 của Silla phong làm quan "Thị độc" kiêm "Hàn lâm học sĩ" phụ trách việc soạn thảo văn thư, bao gồm cả biểu văn của triều đình Silla gửi tới nhà Đường.
Bao nhiêu kỳ vọng lớn lao được đặt vào Choi Chi-won, một nhà tri thức tầm cỡ thế giới. Thế nhưng, thật đáng tiếc, năm 886, sau khi Hiến Khang Vương qua đời, ông đã phải đổi ra làm quan ở địa phương, làm chức Thái thú của các huyện Taesan (nay là vùng Taein tỉnh Bắc Jeolla), huyện Cheollyeong (nay là vùng Hamyang tỉnh Nam Gyeongsang) và huyện Buseong (nay là vùng Seosan tỉnh Nam Chungcheong).
Dù vậy, ý chí cải cách Silla của Choi Chi-won vẫn rất mạnh mẽ. Năm 894, ông đưa ra kiến nghị cải cách xã hội với "Thời vụ thập dư điều" là hơn 10 điều khoản về đối sách cho thời cuộc lúc bấy giờ mà ông cho là cần phải thực hiện trước mắt. Ông đã cố gắng không ngừng để xây dựng, giúp cho Silla hồi sinh nhưng các quý tộc ở trung ương đã bác bỏ phương án cải cách của ông.
Do bị trói buộc vào những hạn chế như xuất thân từ tầng lớp Lục đầu phẩm hay sống trong thời buổi Silla đang trên đường suy thoái, nên rốt cuộc, trước khi bước sang tuổi tứ tuần, Choi Chi-won đã từ bỏ hết mọi quan chức. Ông đi du ngoạn khắp nơi như núi Namsan ở Gyeongju, bãi cát biển Haeundae ở Dongnae, chùa Haein (Hải Ấn) ở Hapcheon, vừa viết lách vừa đặt tên cho các địa danh, để lại dấu ấn ở những nơi mà ông qua. Năm 908, ông để lại tác phẩm cuối cùng mang tên "Tân la (Silla) Thọ Xương quận Hộ Quốc thành Bát giác đăng lâu kí" rồi sau đó mất tích, không ai rõ về hành tung của ông.

Nhà tư tưởng đi trước thời đại

Cuộc đời của Choi Chi-won để lại nhiều điều đáng tiếc, cuối đời sống ẩn dật rồi được cho là đã như một vị thần tiên, biến mất khỏi thế gian. Tuy nhiên, những tư tưởng và suy nghĩ vốn không được xã hội Silla chấp nhận mà ông đề ra, khi sang đến thời Goryeo đã có cơ hội để phát triển rực rỡ. Tư tưởng của Choi Chi-won nhằm khắc phục nhược điểm về mặt xã hội của chế độ phân biệt thân phận "Golpum" (cốt phẩm) đã được Choi Seung-no kế thừa, đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nên thể chế nhà nước và trật tự xã hội của triều Goryeo. Tư tưởng "Phong nguyệt lão", mà Choi Chi-won đã dung hòa, hợp nhất giáo lý giữa Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo cũng có ảnh hưởng nhiều tới Nho học và Phật giáo thời Goryeo.
Mặc dù đương thời không thực hiện được trí lớn của mình, phải dùng tên hiệu là "Cô Vân" có ý nghĩa là một đám mây lẻ loi, cô độc nhưng cho đến nay, sau một nghìn năm, tên tuổi của Choi Chi-won cũng vẫn còn vang mãi. Ông đã cho thấy một điều là nhà tri thức nói chung cần phải trở thành những con người chính trực, ngay thẳng, biết cất bước trên con đường của chính bản thân mình.

Lựa chọn của ban biên tập