Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Con người

Giám đốc Lee Sang-hyun của Viện nghiên cứu nhà truyền thống Hàn Quốc Hanok

2017-02-14

Đưa mắt nhìn quanh Làng Hanok Bukchon (Bắc Thôn), Giám đốc Viện nghiên cứu Hanok Lee Sang-hyun say sưa giới thiệu về những ngôi nhà truyền thống Hàn Quốc Hanok nơi đây. Nằm giữa Cung Changdeok (Xương Đức) và Cung Gyeongbok (Cảnh Phúc), ngôi làng Bukchon là nơi tập trung nhiều nhà truyền thống tiêu biểu của Hàn Quốc, tồn tại suốt hơn 600 năm lịch sử kể từ thời đại Joseon. Len lỏi qua từng con hẻm nhỏ, khách tham quan tha hồ ngắm nhìn những ngôi nhà Hanok truyền thống trường tồn qua nhiều năm tháng. Bên cạnh những ngôi nhà cổ, ngày càng có nhiều người Hàn Quốc muốn xây mới những ngôi nhà theo kiểu nhà truyền thống Hanok, với mong muốn tìm lại những giá trị xưa cũ. Nhờ vậy, mô hình làng Hanok dần được hình thành ở nhiều nơi, khiến công việc của Giám đốc Lee Sang-hyun cũng trở nên thật bận rộn.

Giám đốc Lee Sang-hyun là chuyên gia hàng đầu về nhà truyền thống Hanok với hơn 10 năm kinh nghiệm trong nghề. Ông thậm chí đã học qua cả nghề mộc để có thể tìm hiểu kỹ hơn về cấu trúc nhà truyền thống. Đặc biệt, ông không chỉ nghiên cứu Hanok trên phương diện kiến trúc, mà còn nghiên cứu cả những khía cạnh nhân văn, có sức ảnh hưởng đối với đời sống, văn hóa, nhân sinh quan của người Hàn Quốc. Qua những phần diễn thuyết của ông, Hanok hiện lên là một giá trị văn hóa quý giá. Bắt đầu từ năm 2007, ông Lee đã tìm đến và trải nghiệm cuộc sống trong nhiều ngôi nhà Hanok trên khắp mọi miền đất nước trong hơn 10 năm và viết nên những cuốn sách giới thiệu về chúng như “Vui đọc, vui xây Hanok”, “Khám phá thế giới cùng Hanok”, “Hanok ẩn chứa giá trị nhân văn”, và gần đây nhất là cuốn “Hanok, không gian tưởng tượng mới của thiết kế”.

Quyết tâm khôi phục các giá trị truyền thống
Theo học chuyên ngành Hành chính công sau đó ra trường đi làm, Lee Sang-hyun đã viết đơn xin thôi việc chỉ năm năm sau đó vì muốn theo đuổi ước mơ trở thành tiểu thuyết gia. Vận may không mỉm cười với ông khi tác phẩm không được đăng đàn dù đã lọt vào vòng thẩm định cuối cùng của tạp chí văn học nghệ thuật. Sau đó, trong thời gian nhận công việc viết sách lịch sử cho một công ty, ông có dịp ghé thăm Làng dân tộc Yongin, tỉnh Gyeonggi, và đã rất bất ngờ trước sự thay đổi của nơi đây. Ông cho biết: “Tôi đã chứng kiến những ngôi nhà truyền thống Hanok bị coi như đồ trưng bày. Tôi bị sốc khi nền văn hóa cư trú của người Hàn Quốc lại chỉ giống như một món đồ chơi hay thú nhồi bông trưng bày trong triển lãm. Điều đó khiến tôi thấy như đang mất đi chính gia đình của mình.”



Giám đốc Lee Sang-hyun quê ở thành phố Chuncheon, tỉnh Gangwon, đã chuyển lên Seoul sống tại phường Bomun, một trong những nơi tập trung nhiều nhà Hanok truyền thống. Việc một người nhiều năm sống trong Hanok, những ngôi nhà mà người Hàn Quốc đã sống từ đời này qua đời khác, nay lại phải bỏ tiền mua vé mới có thể vào xem, khiến ông Lee Sang-hyun vô cùng bất ngờ. Ông tiếc nuối vì Hanok truyền thống đang dần biến mất và lo rằng rồi đến một ngày chúng sẽ chỉ còn được nhìn thấy trong bảo tàng. Cũng từ đây, ông Lee Sang-hyun nảy ra ý định nghiên cứu chuyên sâu về Hanok. Ông chia sẻ: “Không trực tiếp xây dựng sẽ không thể hiểu hết nét đẹp của Hanok. Chính vì vậy, tôi đã quyết định học làm mộc. Sau khi học khoảng một năm, tôi đem áp dụng những gì mình được học vào công việc xây dựng thực tế. Không chỉ học kiến thức cơ bản về Hanok, tôi còn muốn khám phá sâu hơn về giá trị nhân văn của những ngôi nhà truyền thống.”

Sân – không gian sinh hoạt chung
Thông qua việc học làm mộc tại Trường Hanok và tìm đến những công trường xây nhà Hanok, ông Lee Sang-hyun lại càng chắc chắn rằng “Hanok không chỉ là ngôi nhà đẹp mà còn rất đa năng”. Được làm từ gỗ không hề đẽo gọt, vẫn giữ nguyên dáng vẻ của tự nhiên, Hanok hiện lên với muôn hình vạn trạng, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên xung quanh. Bên cạnh những nét đẹp riêng, sự hòa hợp giữa Hanok và thiên nhiên còn ẩn chứa những câu chuyện nhân văn sâu sắc.

Một trong những giá trị nhân văn của nhà truyền thống Hanok mà Giám đốc Lee Sang-hyun chú ý đến là kiến trúc khuyến khích tối đa sự giao tiếp của những thành viên cùng sống trong ngôi nhà. Cấu trúc độc đáo của Hanok gồm khoảng sân Madang trước nhà, nơi con người được hòa mình vào thiên nhiên. Ông Lee Sang-hyun cho biết: “Đặc trưng tiêu biểu nhất trong kiến trúc của Hanok là khoảng sân Madang, thường nằm bên ngoài ngôi nhà. Sân là không gian sinh hoạt và là khái niệm quan trọng trong cấu trúc nhà Hanok. Mọi sinh hoạt hàng ngày có thể diễn ra tại đây. Vào mùa hè, sân còn được dùng làm nơi để ngủ. Ngược lại, khái niệm “vườn” không phải là không gian sinh hoạt mà chỉ là nơi trồng cây cảnh trang trí để thư giãn. Hai khái niệm này hoàn toàn khác nhau.”

Bước qua cánh cổng lớn của ngôi nhà Hanok, nơi được nhìn thấy đầu tiên chính là sân. Sân vừa là con đường dẫn vào trong nhà, vừa là không gian sinh hoạt, là nơi để các dụng cụ làm nông và phơi khô nông sản sau khi thu hoạch. Vào mùa muối kimchi, sân là nơi những người phụ nữ trong gia đình quây quần lại chế biến cải thảo và củ cải thành món kimchi thơm ngon, hay là nơi cả gia đình, hàng xóm ngồi trên chiếc phản lớn cùng chuyện trò, và biến thành chỗ ngủ mát mẻ để tránh cái nóng vào mùa hè. Sân cũng là một yếu tố góp phần hình thành nền văn hóa cộng đồng tại Hàn Quốc. Đây cũng là nơi diễn ra nhiều sự kiện trọng đại như hôn lễ. Thêm vào đó, người ta tin rằng, sau khi chết, xác được đưa qua sân rời khỏi nhà là đã từ biệt trần thế. Có thể nói, sân là không gian chứng kiến mọi hỷ nộ ái ố của cuộc đời, là nơi gắn liền với con người từ lúc sinh ra cho tới khi chết đi. Mỗi không gian riêng biệt trong Hanok như thư phòng, gian nhà chính, gian nhà phụ đều hướng ra phía ngoài sân.

Vai trò của hệ thống sưởi sàn trong đời sống văn hóa, ẩm thực dân tộc Hàn
Nếu như sân là đặc trưng lớn nhất trong cấu trúc bên ngoài của một ngôi nhà Hanok, thì nét đặc trưng bên trong không thể bỏ qua chính là hệ thống sưởi nền Gudeul. Đây là phương pháp sưởi ấm truyền thống của Hàn Quốc, hoạt động bằng cách đốt nóng các viên đá mỏng dẹt Gudeuljang đặt bên dưới sàn nhà giúp nhiệt tỏa ra khắp căn phòng.

Lửa từ bếp lò truyền nhiệt đốt nóng các viên đá đặt dưới sàn giúp hơi ấm lan ra khắp căn phòng. Hệ thống sưởi nền này đã ảnh hưởng lớn đến văn hóa đời sống của người Hàn Quốc từ xưa tới nay. Văn hóa ngồi trực tiếp lên sàn ấm cũng đã hình thành thói quen cởi tất trước khi vào nhà của người Hàn. Phương pháp sưởi ấm dưới nền nhà cũng khiến việc làm các món ăn lên men trở nên dễ dàng hơn. Giám đốc Lee Sang-hyun của Viện nghiên cứu Hanok giải thích: “Về cơ bản, cấu trúc nhà Hanok là điều kiện thuận lợi để làm các món ăn lên men. Ví dụ, đậu tương sau khi luộc, nghiền nhuyễn và đóng thành bánh gọi là Maeju có thể được đặt trên sàn phía gần bếp để phơi khô trước khi đặt vào chum để lên men. Kiến trúc nhà Hanok đã phần nào ảnh hưởng tới văn hóa ẩm thực của dân tộc Hàn.”

Tại một gian phòng nhỏ trong ngôi nhà Hanok truyền thống, rượu ngâm trong bình phủ chăn bên trên đang lên men, phát ra những âm thanh nghe thật vui tai. Phòng có hệ thống sưởi sàn ấm áp là nơi thích hợp nhất để lên men các nguyên liệu làm rượu, tương đậu hay tương ớt.

Hanok gìn giữ tình cảm gia đình, làng xóm
Chỉ cần trải một chiếc chăn lên sàn có hệ thống sưởi bên dưới, hơi ấm trong phòng sẽ được duy trì trong thời gian dài. Trở về nhà sau khi phải làm việc bên ngoài trong tiết trời giá rét, chỉ cần cuộn tròn trong chiếc chăn đã trải sẵn trong phòng là đã đủ làm ấm cơ thể. Cả gia đình quây quần ngồi trong chăn, vừa nhấm nháp chút đồ ăn, vừa thủ thỉ với nhau những câu chuyện trong cuộc sống cũng là một hình ảnh đời thường dễ thấy trong các phòng có hệ thống sưởi sàn trong ngôi nhà Hanok truyền thống. Giám đốc Viện nghiên cứu Hanok Lee Sang-hyun cho rằng cấu trúc không gian nhà truyền thống Hanok là một trong những lý do khiến người Hàn Quốc thêm coi trọng các giá trị tình cảm gia đình.

Hanok là văn hóa cư trú mở giúp gia đình, hàng xóm sống tình cảm, gần gũi với nhau hơn, và đồng thời là không gian thích hợp để mỗi cá nhân có thể giao tiếp với chính bản thân mình. Ông Lee Sang-hyun nói: “Con người cũng cần giao tiếp nội tâm. Gần đây, con cái thường không biết đi đâu để giải tỏa những bức xúc khi bị bố mẹ mắng. Dù trốn vào phòng cũng sẽ bị các bậc phụ huynh tiếp tục trách mắng. Ngày xưa, có rất nhiều chỗ để con người giải tỏa những cảm xúc tiêu cực và bình tâm trở lại như gác xép, sân sau, khu để chum ngâm tương,… Nhưng gần đây, những nơi như vậy không nhiều khiến con người cảm thấy rất bí bách trong không gian sống.”

Tùy thuộc vào đối tượng ở mà nhà Hanok được chia thành nhiều gian khác nhau như gian nhà chính, thư phòng, gian nhà ngoài, gian nhà sau. Mỗi không gian nhà có một khoảng sân riêng bao gồm nhà bếp và khu để chum ngâm tương. Những không gian trải rộng khắp nơi mang lại sự thư thái, yên tĩnh trong suy nghĩ cũng như tâm hồn của mỗi thành viên sống trong ngôi nhà.

Nét đẹp hài hòa với thiên nhiên
Hanok hiện lên hài hòa với khung cảnh thiên nhiên bao quanh. Khi ngước nhìn theo những đường cong của mái nhà, ta sẽ thấy lấp ló phía xa là ngọn núi sừng sững, còn khi mở cửa sổ, ta sẽ thấy hoa lá như ùa vào nhà. Ông Lee Sang-hyun tâm sự: “Bước qua cửa lớn vào đến sân và ngước nhìn lên mái nhà, tôi có thể nhìn bao quát cả khung trời rộng lớn. Mỗi ngôi nhà Hanok lại có mái được thiết kế mang đường nét hài hòa với núi non, vườn tược, làng mạc bao quanh nó. Đó là lý do tôi cho rằng mái nhà thật đẹp. Ngôi nhà trở thành một thực thể tồn tại yên bình trong lòng mẹ thiên nhiên. Thiên nhiên xung quanh thay đổi thì ngôi nhà cũng khác đi. Cửa sổ là cánh cửa để thiên nhiên ghé vào nhà, không phải là lối ra vào của con người, và bất cứ ai đi qua lối cửa này sẽ bị cảnh sát lôi đi. Nói cách khác, Hanok có cấu trúc kết nối thiên nhiên với công trình nhân tạo thông qua khoảng sân, và nhờ có nhiều cửa sổ, bên trong ngôi nhà luôn ngập tràn sắc màu thiên nhiên. Đây là yếu tố rất quan trọng đối với tinh thần, sức khỏe của chúng ta.”

Nhà triết học Đức Martin Heidegger từng nói xây nhà không đơn thuần chỉ là dựng tòa nhà lên, mà còn mang ý nghĩa chung sống lâu dài với ngôi nhà đó. Có lẽ nhà Hanok truyền thống, một không gian nơi con người sống hòa hợp với thiên nhiên, cũng thể hiện ý nghĩa sâu sắc trong câu nói đó của nhà triết học.

Cùng với thời gian, nhà truyền thống Hanok đang dần bị lãng quên, được thay thế bằng những tòa chung cư cao tầng hiện đại. Phải chăng văn hóa nhà cư trú truyền thống của người Hàn Quốc cũng theo đó mà trở nên mai một dần? Giám đốc Viện nghiên cứu Hanok Lee Sang-hyun ước rằng thay vì những dự án tái định cư, xây dựng mới những căn hộ chung cư, những ngôi nhà Hanok sẽ được thay đổi phù hợp với thời đại, tiếp tục duy trì nền văn hóa nhà ở độc đáo chỉ có ở Hàn Quốc. Ông chia sẻ: “Hanok xưa không còn phù hợp với thời đại ngày nay. Hàn Quốc xưa kia chủ yếu phát triển nền văn hóa nông nghiệp, còn bây giờ thì không. Hanok truyền thống không thể tiếp tục duy trì thiết kế cổ xưa, mà cần được thay đổi cho phù hợp với thời đại. Tôi cho rằng bên cạnh những giá trị truyền thồng cần được bảo tồn nguyên vẹn, nhà Hanok cũng cần có những sự thay đổi nhất định về kiến trúc cho thích hợp với thời đại. Người Hàn Quốc lựa chọn sinh sống ở chung cư vì ưa thích sự tiện lợi. Tuy nhiên, mô hình chung cư sẽ không thể mang lại những giá trị và chức năng giao tiếp cộng đồng như nhà Hanok. Bản thân tôi mong muốn tạo nên những khu đô thị nhỏ phát triển mô hình nhà truyền thống Hanok phục vụ những hộ gia đình nhỏ và cả những gia đình có nhiều thế hệ cùng sinh sống.”

Lựa chọn của ban biên tập