Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Con người

Oh Sang-hoon, tác giả của ý tưởng sân chơi văn hóa dành cho người lớn mang tên Phòng trà chim én

2017-02-28

Cứ vào thứ Năm, thứ Sáu, thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần, những khúc nhạc blue nhẹ nhàng, lãng mạn lại vang lên tại “Phòng trà chim én” nằm trên phường Sangsu, quận Mapo, thủ đô Seoul. Không gian khiêm tốn với vỏn vẹn sáu chiếc bàn cùng 20 ghế ngồi trở nên chật chội hơn với chỉ ba, bốn nghệ sĩ biểu diễn đứng trên sân khấu. Tuy nhỏ bé là thế, “Phòng trà chim én” với không gian âm nhạc tao nhã vẫn là tụ điểm tấp nập khách tới xếp hàng trước hàng giờ đồng hồ chỉ để được tham dự các buổi diễn tại đây. Một số khách của quán cho biết: “Từ không khí cho đến âm nhạc, tất cả đều tuyệt vời. Không gian không quá lớn lại chính là điểm mà mọi người yêu thích. Tôi đã đến sớm một tiếng rưỡi trước khi buổi diễn bắt đầu.” “Không gian quán rất ấm cúng và nhờ vậy, âm nhạc cũng được truyền tải đến người nghe một cách chân thực hơn. Tôi không chỉ thích phong cách âm nhạc của quán mà còn cảm thấy rất thú vị khi được ngồi gần sân khấu xem nghệ sĩ biểu diễn.” “Phòng trà chim én mang lại cho tôi cảm giác thoải mái, không gò bó và không phải quá để tâm đến xung quanh. Bản thân tôi là người yêu thích các ban nhạc mang phong cách mới.”

Với khoảng cách một mét từ sân khấu đến hàng ghế khán giả, Phòng trà chim én là không gian cho phép khán giả thưởng thức màn biểu diễn với âm thanh chân thực nhất. Đó cũng là điều khiến các nghệ sĩ biểu diễn tại đây đôi phần cảm thấy áp lực. Nghệ sĩ chơi trống Lee Jae-gyu của ban nhạc jazz Jeong So-hwi 433 chia sẻ: “Sân khấu của Phòng trà chim én gần khán giả đến mức họ có thể nghe được cả nội dung trò chuyện của chúng tôi. Không gian nơi đây thật độc đáo, có lẽ là nơi duy nhất mà người nghe có thể thưởng thức tiếng trống trực tiếp mà không cần loa. Tuy không gian của quán có hơi chật hẹp nhưng tôi nghĩ các nghệ sĩ ai cũng sẽ muốn một lần được biểu diễn tại đây.”

Phòng trà chim én ban ngày được sử dụng làm tiệm cà phê. Còn khi đêm xuống, nơi đây biến thành không gian của những bữa tiệc âm nhạc sống động trong men rượu nồng say. Người trực tiếp quản lý không gian độc đáo này là giáo sư Oh Sang-hoon thuộc Khoa kiến trúc của Trường đại học Dankook. Với đam mê dành cho âm nhạc, điện ảnh, mỹ thuật, văn học, anh tạo ra Phòng trà chim én như một khu vui chơi lành mạnh dành cho người lớn. Việc đầu tư cho quán, lên kế hoạch tổ chức các hoạt động biểu diễn hay phát hành album khiến ông chủ của “Phòng trà chim én” tiêu nhiều hơn số tiền kiếm được từ kinh doanh phòng trà. Mặc dù vậy, Oh Sang-hoon cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi thấy đứa con tinh thần của anh đang lớn mạnh từng ngày. Anh cho biết: “Sau mỗi lần phát hành album tổng hợp hay tổ chức buổi biểu diễn âm nhạc lớn là tôi lại gặp khó khăn về kinh tế. Tuy nhiên, đây là niềm vui mà tôi không thể tìm được từ bất kỳ cách nào khác. Không có gì vui hơn khi được nhìn những gương mặt hài lòng của khán giả khi xem biểu diễn, và qua đó, tôi cảm nhận được giá trị của công việc tôi đang làm. Công việc này mang đến cho tôi niềm vui và nguồn động lực sống.”



Salon chanh – Điểm hẹn của các nghệ sĩ
Sau chuyến du lịch bụi tới châu Âu cùng người em trai vào năm 2005, Oh Sang-hoon trở nên đặc biệt quan tâm đến không gian vui chơi văn hóa dành cho công chúng. Oh Sang-hoon đã cùng người em trai của mình là Oh Chang-hoon theo học chuyên ngành thiết kế công nghiệp với mong muốn cùng nhau tạo nên một không gian đặc biệt, nơi mọi người có thể cùng sáng tác, bàn luận văn học, hay vui chơi hết mình. Công trình đầu tiên của hai anh em chính là Viện nghiên cứu địa hình văn hóa CTR (Cultural Topography Research). Giáo sư Oh Sang-hoon chia sẻ: “Viện nghiên cứu địa hình văn hóa CTR hoạt động từ tháng 9 năm 2005, là nơi tôi cùng những người bạn làm trong ngành nghệ thuật sáng tác cùng chia sẻ kinh nghiệm và có những trải nghiệm văn hóa nghệ thuật thú vị. Em trai tôi học chuyên ngành thiết kế công nghiệp của trường Đại học Hongik nên khá am hiểu về mỹ thuật, trong khi tôi theo đuổi ngành kiến trúc. Viện có sự tham gia của cả tác giả kịch bản, nghệ sĩ chuyên về nghệ thuật sắp đặt trong điêu khắc, và cả bạn bè trong giới âm nhạc. CTR thật sự giống như một xưởng sáng tác vậy.”

Ngay sau khi được thành lập, Viện nghiên cứu CTR trở thành địa bàn hoạt động nghệ thuật của nhiều nghệ sĩ. Khi đến CTR, bạn có thể gặp gỡ và thậm chí trò chuyện thâu đêm với nhạc sĩ, họa sĩ, đạo diễn điện ảnh, nhà văn, vào bất cứ khi nào. Là nơi thường xuyên lui tới của những người yêu nghệ thuật, phòng khách của Viện nghiên cứu địa hình văn hóa còn được các nghệ sĩ ưu ái đặt cho cái tên “Salon chanh”. Anh Oh Sang-hoon tâm sự: “Salon chanh” là không gian mở, thường tổ chức triển lãm quy mô nhỏ hoặc các buổi thảo luận theo chủ đề. Các nghệ sĩ quen biết với tôi khi đó thường tụ tập cùng nhau uống rượu và chơi nhạc tại đây. Buổi biểu diễn không mời bất cứ khán giả nào, mà đơn thuần chỉ là phút ngẫu hứng trong lúc trò chuyện. CTR chào đón tất cả những ai đi ngang qua có hứng thú tham gia không gian nghệ thuật tại đây và là nơi dừng chân của những ai chẳng may lỡ chuyến tàu cuối cùng trong ngày.”

Tạp chí nghệ thuật One Piece
Phòng khách của Viện nghiên cứu CTR đã trở thành một không gian văn hóa tổng hợp, nơi mọi người cùng ăn, cùng uống, cùng vui đùa, hát hò, trò chuyện và nghỉ ngơi. Tại đây, các nghệ sĩ đã có cơ hội cùng nhau sáng tác, trưng bày tác phẩm và cho ra đời những ấn phẩm đầy tâm huyết. Không chỉ thế, Oh Sang-hoon còn phát hành Tạp chí One Piece nhằm lưu giữ lại quá trình sáng tác và câu chuyện của các nghệ sĩ. Tên gọi “One Piece” xuất phát với ý nghĩa mỗi trang của cuốn tạp chí đều có thể trở thành một tác phẩm nghệ thuật độc lập và đặc sắc. Anh tâm sự: “Mỗi số tạp chí đều có chủ đề riêng. Dựa theo từng chủ đề, tôi lựa chọn các tác giả để phỏng vấn và lên kế hoạch sáng tác phù hợp với chủ đề đó. Về sau, One Piece vinh dự là tạp chí Hàn Quốc đầu tiên được trưng bày và bán tại Hiệu sách Tate Modern Gallery Bookshop ở London (Anh). Với độ dày từ 250 đến 300 trang, One Piece là tờ tạp chí phát hành theo quý trong suốt ba năm, và là một tờ tạp chí tự phát không có quảng cáo và cũng không theo bất cứ xu hướng nhất định nào.”

Dù là công việc có ý nghĩa, Oh Sang-soon bắt đầu gặp khó khăn về tài chính sau một thời gian phát hành tờ tạp chí dày 300 trang ba tháng một lần mà không có bất cứ nguồn lợi nhuận nào từ quảng cáo. Anh tạm thời dừng mọi công việc để cân nhắc những bước đi tiếp theo.

Phòng trà chim én – không gian âm nhạc đầy mê hoặc
Cuối năm 2011, Oh Sang-hoon mua một tòa nhà tại phường Sangsu và sửa sang lại toàn bộ để làm tổ ấm mới cho Viện nghiên cứu CTR. Sau đó, anh tận dụng tối đa không gian của tòa nhà làm sân khấu biểu diễn âm nhạc, chỗ ngồi dành cho khách, và như thế, không gian cà phê thư giãn mang tên “Phòng trà chim én” hoạt động từ đó cho đến bây giờ. Anh Oh Sang-hoon chia sẻ: “Do tòa nhà có không gian hẹp nên tôi đã suy nghĩ rất nhiều để có thể tận dụng được cả tầng hầm. Tôi đã đục lỗ để ánh sáng lọt vào, mang lại cảm giác như đây không phải tầng hầm. Khi biểu diễn, các lỗ dưới tầng hầm đóng vai trò truyền âm thanh lên tầng một. Thông qua các lỗ đó, khách ở tầng một và tầng hầm cũng có thể dễ dàng nhìn lẫn nhau. Ngoài ra, tất cả những cuốn sách ở Salon chanh được tôi đặt hết lên giá sách ở đây, đóng vai trò ngăn âm thanh lọt ra bên ngoài.”

Sau khi quá trình trùng tu căn nhà được hoàn thành, vào tháng 4 năm 2012, khi chim én báo hiệu mùa xuân về, “Phòng trà chim én” phường Sangsu cũng bắt đầu mở cửa đón khách. Phương thức hoạt động của Phòng trà chim én là quán sẽ tổ chức các chương trình âm nhạc do các nghệ sĩ biểu diễn, và khán giả sau khi đã thưởng thức và hài lòng với buổi biểu diễn có thể trả tiền khi ra về. Chủ quán Oh Sang-hoon giải thích: “Chúng tôi không quy định một mức phí nhất định mà quán hoạt động hoàn toàn dựa trên niềm tin. Toàn bộ số tiền trong hộp sẽ được chuyển cho nghệ sĩ biểu diễn. Họ không bao giờ phàn nàn về số tiền, và qua đó họ có thể cảm nhận được phần biểu diễn của mình có được khán giả yêu thích hay không.”

Trong suốt phần biểu diễn, nhân viên quán sẽ mang hộp đi quanh hàng ghế khán giả, và người nghe có thể trả số tiền tùy ý. Hộp đựng tiền sau đó sẽ được chuyển cho nghệ sĩ biểu diễn. Hình thức hoạt động này phản ánh trung thực chất lượng nghệ thuật, là một sự đền đáp xứng đáng đối với những nỗ lực cống hiến của nghệ sĩ biểu diễn tại “Phòng trà chim én”, đồng thời lý giải tại sao không gian bé nhỏ nơi đây lại dành được tình cảm yêu mến của các nghệ sĩ đến thế. Nghệ sĩ nhạc jazz Jeong So-hwi chia sẻ: “Anh Oh Sang-hoon coi nghệ sĩ như những người bạn chứ không đơn thuần là mối quan hệ làm ăn giữa chủ quán và nghệ sĩ biểu diễn. Anh ấy vốn là kiến trúc sư nên cách quản lý cũng khác so với các chủ quán khác. Oh Sang-hoon đam mê âm nhạc. Anh ấy cho phép người nghệ sĩ tự lựa chọn thời gian biểu diễn và phong cách biểu diễn của riêng mình. Nơi này rất thích hợp để ra mắt sản phẩm nghệ thuật mới. Tôi muốn hợp tác lâu dài với anh bởi niềm vui khi được hoạt động nghệ thuật theo mô hình như thế này.”

Kết thúc phần biểu diễn, các nghệ sĩ cũng trở thành những vị khách của phòng trà. Và khi đã ngà ngà say, họ sẽ quay trở lại sân khấu phục vụ khán giả trong tâm trạng phấn chấn. “Phòng trà chim én” còn là nơi các nghệ sĩ không quen biết có cơ hội được làm quen và cùng đứng trên một sân khấu. Nghệ sĩ chơi trống Lee Jae-gyu của ban nhạc jazz Jeong So-hwi 433 cho biết: “Vào thứ Tư hàng tuần, các nghệ sĩ của các nhóm nhạc khác nhau cùng tụ tập phối hợp biểu diễn ngẫu hứng với nhau. Giữa các nghệ sĩ tìm tới phòng trà, bao gồm cả những nghệ sĩ hay lui tới hay được đích thân anh chủ quán Oh Sang-hoon mời đến, dường như không còn khoảng cách. Chúng tôi đều công nhận Oh Sang-hoon là người có kiến thức nghệ thuật chuyên sâu, và đặc biệt là khả năng cảm thụ rất tốt.”

Oh Sang-hoon bắt tay thực hiện sản xuất album tổng hợp những bài hát của các nhóm đã tham gia biểu diễn tại “Phòng trà chim én” vào năm 2015, và đến nay đã cho ra đời album thứ ba. Để phục vụ công tác sản xuất album, anh đã thiết kế phòng thu âm CTR Sound đặt ngay tại tầng hai tòa nhà của Phòng trà chim én, trong khi tầng ba được dành chỗ cho xưởng kiến trúc mang trên CTR Form Studio. Và gần đây nhất, một phòng họp đa năng đã được thiết kế nằm ngay cạnh “Phòng trà chim én”. Anh Oh Sang-hoon chia sẻ: “Bàn trong phòng họp được gắn với ròng rọc ở bốn phía nên có thể được treo lên cao khi căn phòng này được tận dụng làm phòng trưng bày quy mô nhỏ. Nếu như “Phòng trà chim én” là sân khấu để các nghệ sĩ giới thiệu đến người nghe các tác phẩm âm nhạc, thì phòng họp này là không gian dành cho các nghệ sĩ mỹ thuật, những tài năng hội họa chưa được khai phá, hỗ trợ họ thể hiện và giới thiệu những thành quả thử nghiệm táo bạo của mình đến người xem.”

Nhờ những ý tưởng độc đáo của Oh Sang-hoon, phòng khách của Viện nghiên cứu CTR trở thành “Salon chanh”, nơi mọi người cùng ăn, cùng chơi, cùng hát và cùng trò chuyện, và “Salon chanh” được mở rộng thành “Phòng trà chim én”, không gian biểu diễn âm nhạc tự do đưa nghệ sĩ đến gần hơn với khán giả. Dù tờ tạp chí One Piece đang tạm thời bị ngưng phát hành, sự ra đời của album tổng hợp thứ ba tại “Phòng trà chim én” có thể được coi là sản phẩm tiếp nối của tờ tạp chí. Với bộ phận in ấn riêng của CTR mang tên CTR Print, tạp chí One Piece hứa hẹn sẽ trở lại vào một ngày không xa. Oh Sang-hoon hiện vẫn tích cực cống hiến cho sự nghiệp giảng dạy và thiết kế kiến trúc, song song với việc duy trì các hoạt động nghệ thuật tại khu vui chơi văn hóa của mình, với mong muốn không phải một lần nữa tạm dừng các hoạt động nghệ thuật và đam mê của mình vì lý do khó khăn kinh tế. Anh tâm sự: “Ước mơ của tôi là tổ chức được những chương trình giúp các nghệ sĩ thu được lợi nhuận để trang trải chi phí sinh sống và hoạt động của họ. Các nghệ sĩ hiện tại không thể có cuộc sống đầy đủ nếu chỉ đi hát, mà họ còn phải làm thêm nhiều nghề tay trái như đi dạy nhạc. Tôi mong muốn tạo dựng một môi trường giúp họ có thể thỏa sức sáng tạo mà không phải lo lắng về vấn đề cơm áo gạo tiền. Việc khách tùy ý trả thù lao cho nghệ sĩ biểu diễn tại Phòng trà chim én có thể coi là một nỗ lực nhỏ nhoi của tôi.”

Phòng trà chim én vừa tròn năm năm tuổi và hiện sở hữu một số lượng khách quen tương đối lớn. Vẫn là không gian quen thuộc với những vị trí cũ, nội thất cũ, Phòng trà chim én tạo cảm giác mới mẻ với sân khấu biểu diễn độc đáo và mới lạ. Cảm giác ngỡ lạ mà quen tại “Phòng trà chim én” luôn mang đến cho các vị khách niềm háo hức, mong chờ trong mỗi lần ghé thăm. Mong rằng đây sẽ mãi là khu vui chơi thú vị dành cho mọi người giữa cuộc sống còn nhiều bề bộn, lo toan.

Lựa chọn của ban biên tập