Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Quan chức an ninh Mỹ-Triều gặp nhau tại Bàn Môn Điếm

2019-08-01

Tin tức

Quan chức an ninh Mỹ-Triều gặp nhau tại Bàn Môn Điếm

Tín hiệu tổ chức đàm phán cấp chuyên viên giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên?

Hãng tin Reuters của Anh đưa tin, một quan chức của Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) Mỹ đã có cuộc tiếp xúc với quan chức Bắc Triều Tiên tại Khu phi quân sự liên Triều (DMZ) vào tuần trước. Cuộc tiếp xúc này cho thấy việc nối lại đàm phán cấp chuyên viên giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên đang có tiến triển. Cuộc gặp được xúc tiến với lý do để trao đổi hình ảnh đã chụp trong cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm. Trong khi đó, một số hãng truyền thông cho rằng Tổng thống Trump đã gửi tặng quà lưu niệm cho Chủ tịch Kim. Dù sao thì đây chỉ là một cái cớ, thực chất thì cuộc gặp này được cho là để Washington và Bình Nhưỡng cùng ngồi lại nhằm khôi phục đối thoại song phương. Được biết, cuộc tiếp xúc giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên đã diễn ra vào thời điểm Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng John Bolton đến thăm Hàn Quốc vào ngày 23/7 và ngày 24/7. Trong chuyến thăm này, có nhiều quan chức cấp cao của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ phụ trách vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên tháp tùng ông Bolton, như Giám đốc cấp cao về vấn đề châu Á của NSC Matthew Pottinger và Cố vấn NSC Allison Hooker. Như vậy, hai quan chức này hoặc một trong hai người có khả năng đã gặp người đồng cấp của Bắc Triều Tiên tại Bàn Môn Điếm. Đặc biệt, Cố vấn Hooker đã từng tham dự cuộc đàm phán cấp chuyên viên nhằm chuẩn bị tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ nhất năm 2018 tại Singapore và người đứng đầu nhóm phụ trách đàm phán cấp chuyên viên của Mỹ khi đó là Đại sứ tại Philippines Sung Kim. Ngoài ra, bà Hooker cùng với Đặc phái viên phụ trách chính sách Bắc Triều Tiên của Bộ Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun cũng từng đến Bàn Môn Điếm bằng máy bay trực thăng, một ngày trước cuộc gặp thượng đỉnh Hàn-Mỹ-Triều vào ngày 30/6. Khi đó, quan chức hai bên đã bàn thảo về cách đảm bảo an ninh và lối di chuyển của các nhà lãnh đạo. Do đó, các chuyên gia phân tích rằng có nhiều khả năng quan chức Mỹ đã bày tỏ ý định liên quan đến việc nối lại đàm phán cấp chuyên viên khi đi thăm Bàn Môn Điếm vào tuần trước.


Ngoại trưởng Mỹ hy vọng sớm nối lại đàm phán cấp chuyên viên Mỹ-Triều

Trong một tin liên quan, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng đề cập đến đàm phán cấp chuyên viên giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên. Tham dự một cuộc tọa đàm vào hôm 29/7 trước thềm Hội nghị Ngoại trưởng Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) tổ chức tại Bangkok, Thái Lan, Ngoại trưởng Pompeo bày tỏ hy vọng đàm phán cấp chuyên viên Mỹ-Triều sớm được nối lại, để giải quyết vấn đề hạt nhân ví như việc “giải khối rubic”. 4 ngày trước, ông Pompeo cũng bày tỏ hy vọng đàm phán cấp chuyên viên giữa hai nước sẽ được nối lại trong vòng vài tuần tới. Ngoại trưởng Pompeo phân tích rằng động thái phóng tên lửa tầm ngắn của Bắc Triều Tiên nhằm mục đích tạo "đòn bẩy" trong đàm phán sắp tới với Mỹ. Trong buổi tọa đàm hôm 29/7, trước câu hỏi Mỹ có ý định dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với Bắc Triều Tiên hay không, nếu Bình Nhưỡng không sản xuất thêm các loại vũ khí hạt nhân, Ngoại trưởng Pompeo cho biết, ông hy vọng sẽ có “một giải pháp sáng tạo” để giải quyết vấn đề này. Ông cũng nói, tính đến thời điểm hiện tại, hai nước vẫn chưa thảo luận hoặc lên kế hoạch về việc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ ba. Nhiều ý kiến cho rằng “giải pháp sáng tạo” có ý nghĩa là Mỹ yêu cầu Bắc Triều Tiên có sự quyết định rõ ràng về phi hạt nhân hóa.


Mỹ kêu gọi Bắc Triều Tiên dự Hội nghị Ngoại trưởng Diễn đàn khu vực ASEAN

Cùng với đó, đây cũng là một thông điệp hối thúc Ngoại trưởng Bắc Triều Tiên Ri Yong-ho tham dự Hội nghị Ngoại trưởng Diễn đàn khu vực ASEAN. Trước đó, ông Ri Yong-ho thông báo sẽ không tham dự sự kiện này, tức cuộc gặp cấp cao giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên tại Bangkok sẽ không diễn ra. Tuy nhiên, với cuộc tiếp xúc tại Bàn Môn Điếm, vẫn còn khả năng hai Ngoại trưởng Mỹ và Bắc Triều Tiên có thể gặp mặt, xoay chuyển tình hình.

Lựa chọn của ban biên tập