Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Những biễn biến ấn tượng xoay quanh bán đảo Hàn Quốc năm 2018

2018-12-27

Vì một bán đảo thống nhất

© YONHAP News

Một làn sóng của những sự thay đổi lớn lao đã bao phủ bán đảo Hàn Quốc trong năm nay. Ông Shin Beom-chul, chuyên gia đến từ Viện nghiên cứu chính sách Asan, đánh giá.


Có rất nhiều sự kiện đã diễn ra trên bán đảo Hàn Quốc trong năm 2018. Đầu năm, Chủ tịch Ủy ban quốc vụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đã có tuyên bố bất ngờ rằng Bình Nhưỡng sẽ tham dự Thế vận hội mùa đông PyeongChang được tổ chức tại Hàn Quốc. Sau đó, một chuỗi các cuộc hội đàm cấp cao đã diễn ra, như ba Hội nghị thượng đỉnh liên Triều, ba Hội nghị thượng đỉnh Trung-Triều và một Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều. Trong quá trình đó, Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên đã thảo luận các vấn đề an ninh cốt yếu, như vấn đề hạt nhân và biện pháp xây dựng lòng tin về quân sự, cũng như trao đổi song phương. Hai bên thực sự đã có tiến triển trong thảo luận, và tôi cho đây là điều vô cùng quan trọng.


Ba Hội nghị thượng đỉnh liên Triều và Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong việc thay đổi cục diện chia cắt trên bán đảo Hàn Quốc trong hơn 70 năm sang một cơ chế hòa bình. Nhà nghiên cứu Shin Beom-chul cho rằng Thế vận hội mùa đông PyeongChang chính là bước đi đầu tiên trên hành trình dài tiến tới hòa bình trong khu vực.


Olympic mùa đông tại Hàn Quốc thực sự đã mang lại xung lực tươi mới thúc đẩy sự thay đổi về mặt đối ngoại trong năm nay. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã công bố “Sáng kiến hòa bình” tại Berlin tháng 7/2017 và chính thức mời Bắc Triều Tiên tham dự Thế vận hội PyeongChang tháng 12 cùng năm. Nhà lãnh đạo miền Bắc Kim Jong-un đã chấp nhận lời mời trên thông qua bài diễn văn nhân dịp năm mới đầu năm nay. Do đó, thật không quá khi nói rằng Olympic PyeongChang đã mở đường cho đối thoại. Nhân dịp Thế vận hội, các quan chức chủ chốt của Bắc Triều Tiên, trong đó có cả bà Kim Yo-jong, em gái của ông Kim Jong-un và cũng là Phó Chủ tịch Ủy ban trung ương đảng Lao động miền Bắc, đã tới thăm Hàn Quốc và tham gia vào hội đàm sau hậu trường, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho Hội nghị thượng đỉnh liên Triều được tổ chức vào tháng 4. Quả thực, Olympic PyeongChang đã đóng vai trò lớn.


Cho tới cuối năm 2017, căng thẳng đã leo thang trong khu vực bởi các động thái khiêu khích liên tiếp của Bắc Triều Tiên, trong đó có vụ thử hạt nhân lần thứ 6 vào tháng 9 và lời đe dọa của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ “hủy diệt hoàn toàn miền Bắc”.


Nhưng tình hình đã có bước ngoặt đầy ấn tượng trong năm nay. Sau khi Chủ tịch Kim Jong-un bày tỏ ý định gửi một đoàn vận động viên, cổ động viên tới Thế vận hội mùa đông PyeongChang trong bài diễn văn nhân dịp năm mới, Seoul và Bình Nhưỡng đã nhất trí về việc đoàn nghệ thuật miền Bắc sẽ biểu diễn tại miền Nam và việc thành lập một đội tuyển chung trong môn khúc côn cầu trên băng nữ tại kỳ Olympic 2018.


Tại lễ khai mạc Thế vận hội PyeongChang ngày 9/2, Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên đã cùng nhau tiến vào sân vận động, gây ấn tượng với người dân trên toàn thế giới. Đặc biệt, Phó Chủ tịch Ủy ban trung ương đảng Lao động miền Bắc Kim Yo-jong, em gái của Chủ tịch Kim Jong-un, đã dự lễ khai mạc. Là đặc phái viên của nhà lãnh đạo miền Bắc, bà Kim đã chuyển lá thư riêng của Chủ tịch Kim Jong-un tới Tổng thống Moon Jae-in. Bằng một thông điệp miệng, bà Kim Yo-jong cũng thông báo rằng nhà lãnh đạo miền Bắc sẵn lòng gặp Tổng thống Moon trong tương lai gần.


Ngày 5/3, phái đoàn Hàn Quốc đã tới thăm Bình Nhưỡng nhằm hiện thực hóa Hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Moon và Chủ tịch Kim. Đến tháng 4, các nghệ sĩ Hàn Quốc đã có buổi biểu diễn tại thủ đô Bình Nhưỡng, nhằm đáp lại buổi biểu diễn trước đó tại miền Nam của dàn nhạc giao hưởng miền Bắc Samjiyon trước thềm Olympic PyeongChang.


Ngày 1 và 3/4 tại Bình Nhưỡng, các nghệ sĩ Hàn Quốc đã tổ chức buổi biểu diễn với tựa đề “Mùa xuân đến”, cầu chúc cho hòa bình và hợp tác liên Triều, làm dấy lên hy vọng về một mùa xuân thực sự trên bán đảo bị chia cắt. Đến ngày 27/4, Hội nghị thượng đỉnh lịch sử giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đã diễn ra. Nhà phân tích thời sự Choi Young-il bình luận về khoảnh khắc này.


Lãnh đạo của hai miền Nam-Bắc đã gặp nhau tại đường ranh giới quân sự liên Triều (MDL) thuộc làng đình chiến Bàn Môn Điếm. Chủ tịch Kim Jong-un đã bước qua lằn ranh này sang phần lãnh thổ Hàn Quốc, và Tổng thống Moon Jae-in đã đợi ở đó. Tổng thống Moon đã hỏi Chủ tịch Kim “Khi nào tôi mới có thể đặt chân đến lãnh thổ miền Bắc đây?”, ông Kim đáp lại “Ngay bây giờ thì sao?” Vậy là, theo đề xuất của Chủ tịch Kim, Tổng thống Moon đã bước sang phần lãnh thổ miền Bắc trong vài giây và rồi cả hai nhà lãnh đạo đã bước trở lại sang phía miền Nam. Hình ảnh mang đầy tính biểu tượng này là một lời nhắc nhở khắc nghiệt rằng lằn ranh đó đã chia cắt bán đảo Hàn Quốc trong hơn 7 thập niên qua. Một cảnh tượng nữa cũng thu hút được chú ý là khi hai nhà lãnh đạo tản bộ trên cây cầu và trò chuyện thân mật nhưng cũng không kém phần nghiêm túc, mà không hề có tùy tùng. Cảnh tượng ấy đã gây xúc động mạnh với nhiều người ở cả trong nước và nước ngoài.


Cuộc gặp đầu tiên giữa lãnh đạo của hai miền Nam-Bắc tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm, biểu tượng của chiến tranh và chia cắt, chắc chắn là một cảnh tượng đáng nhớ và sẽ mãi mãi đi vào lịch sử. Việc hai nhà lãnh đạo bất ngờ bước sang phần phía Bắc của đường biên giới tại Bàn Môn Điếm đã biến một địa điểm của chia cắt và đối đầu thành địa điểm của hòa bình.


Sau cuộc trò chuyện kéo dài 30 phút trên cây cầu mà không có tùy tùng vào buổi chiều, Tổng thống Moon và Chủ tịch Kim đã cùng nhau công bố Tuyên bố Bàn Môn Điếm vào lúc 6 giờ tối cùng ngày. Tuyên bố trên kêu gọi việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn và sự cải thiện trong quan hệ liên Triều, đánh dấu một cột mốc mới cho quan hệ song phương. 


Tuyên bố Bàn Môn Điếm đã vạch ra phương hướng cơ bản cho việc thiết lập một nền hòa bình bền vững trên bán đảo Hàn Quốc. Văn bản này kêu gọi sự cải thiện trong quan hệ liên Triều, thành lập một cơ chế hòa bình và phi hạt nhân hóa – 3 nhân tố nhằm thiết lập hòa bình dài lâu trên bán đảo Hàn Quốc một cách thiết thực.


Đó là lần đầu tiên cam kết phi hạt nhân hóa của nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên được nêu rõ trong một văn bản, chính là sự khởi đầu của một lộ trình tiến tới phi hạt nhân hóa, khiến kỳ vọng về một hội nghị thượng đỉnh giữa Bắc Triều Tiên và Mỹ tăng cao. 


Nhưng đã có nhiều bước thăng trầm trước hội nghị thượng đỉnh của thế kỷ. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã tới thăm Bình Nhưỡng sau Hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 4 và trở về nước cùng 3 công dân Mỹ bị miền Bắc bắt giữ. Quan hệ Mỹ-Triều lúc đó dường như đang tiến triển tốt đẹp.


Tuy nhiên, tình hình bắt đầu xấu đi. Thứ trưởng Ngoại giao Bắc Triều Tiên Kim Kye-kwan đã đề cập tới khả năng xem xét lại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều, đổ lỗi cho các cuộc tập trận quân sự chung Hàn-Mỹ. Lời đe dọa này khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố hủy cuộc gặp thượng đỉnh trong một bức thư công khai gửi tới nhà lãnh đạo miền Bắc Kim Jong-un ngày 24/5.


Trong bối cảnh căng thẳng leo thang trở lại, lãnh đạo của Seoul và Bình Nhưỡng đã tổ chức hội đàm lần thứ hai tại Bàn Môn Điếm ngày 26/5. Nhờ nỗ lực điều phối của Tổng thống Moon Jae-in, Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim cuối cùng đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh trên đảo Sentosa của Singapore ngày 12/6. 


Hội nghị thượng đỉnh đầy bất ngờ giữa Bắc Triều Tiên và Mỹ đã thu hút nhiều sự chú ý bởi sự kiện này được kỳ vọng sẽ hóa giải sự đối đầu căn bản giữa hai bên, vốn đã kéo dài 64 năm kể từ Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch miền Bắc Kim Jong-un đã cho thấy nhiều hình ảnh ấn tượng tại sự kiện, mặc dù cuộc gặp giữa họ tương đối ngắn ngủi. Hai nhà lãnh đạo đã hội đàm một cách chân thành và cùng nhau tản bộ. Họ đã thông qua tuyên bố gồm 4 điểm, trong đó Chủ tịch Kim nhất trí phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Hàn Quốc, còn Tổng thống Trump cam kết đảm bảo an ninh cho Bắc Triều Tiên. Hai bên cũng cam kết thiết lập một mối quan hệ mới. Nếu hai nước có thể tiến tới giai đoạn tiếp theo và nhất trí về các biện pháp phi hạt nhân hóa cụ thể, điều này sẽ rất quan trọng.


Lãnh đạo của Bắc Triều Tiên và Mỹ đã gặp mặt trực tiếp lần đầu tiên kể từ khi ký kết Hiệp định đình chiến cuộc Chiến tranh Triều Tiên năm 1953. Cái bắt tay giữa họ đã mang lại hy vọng cho cộng đồng quốc tế, những người vẫn mong ước hòa bình cho bán đảo Hàn Quốc.


Chủ tịch Kim và Tổng thống Trump đã có cuộc họp riêng và mở rộng hội nghị với sự tham gia của các trợ lý vào buổi sáng. Họ đã trò chuyện trong lúc tản bộ quanh Khách sạn Capella trên đảo Sentosa. Vào buổi chiều, hai bên đã đưa ra tuyên bố chung. Hai nhà lãnh đạo đã ký tuyên bố chung nhằm có bước đi đầu tiên mang tính lịch sử tiến tới sự phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên và thiết lập một cơ chế hòa bình trên bán đảo Hàn Quốc.


Trong tháng 8, một sự kiện đầy xúc động đã được tổ chức tại núi Geumgang, miền Bắc. Đợt đoàn tụ các gia đình bị ly tán lần thứ 21 đã diễn ra từ ngày 20 đến 26/8. Những câu chuyện thương tâm và cuộc đoàn viên đầy nước mắt của họ không khỏi khiến nhiều người cảm động. Những cuộc đoàn tụ ngắn ngủi và sự chia ly dài lâu của họ một lần nữa nhắc nhở chúng ta về hậu quả bi thương của chiến tranh. 


Đối với Hàn Quốc, vấn đề các gia đình bị ly tán không chỉ là nhiệm vụ duy nhất cần phải giải quyết. Bắc Triều Tiên và Mỹ đã mở đường cho đối thoại theo cách từ trên xuống bằng Hội nghị thượng đỉnh giữa Thổng thống Trump và Chủ tịch Kim, nhưng quan hệ song phương lại không có tiến triển.


Washington yêu cầu Bình Nhưỡng thi hành các biện pháp phi hạt nhân hóa thực chất hơn. Mặt khác, Bắc Triều Tiên lại cho rằng nước này đã tiến hành các biện pháp nhằm trao trả hài cốt binh sĩ Mỹ thiệt mạng tại  miền Bắc trong Chiến tranh Triều Tiên và bắt đầu phá dỡ bãi thử động cơ tên lửa của nước này tại xã Dongchang, huyện Cholsan, tỉnh Bắc Pyongan. Miền Bắc đã hối thúc Mỹ có hành động đáp lại tương xứng.


Cuối tháng 8, Tổng thống Trump hoãn chuyến thăm đã được lên kế hoạch của Ngoại trưởng Pompeo tới Bắc Triều Tiên. Trong bối cảnh “giằng co” giữa Bình Nhưỡng và Washington, Tổng thống Moon Jae-in, vốn tự xem mình là nhà trung gian điều đình, đã lại có động thái nhằm phá vỡ thế bế tắc. Hội nghị thượng đỉnh thứ ba giữa Tổng thống Moon và Chủ tịch Kim Jong-un đã được tổ chức trong vòng ba ngày kể từ ngày 18/9 tại Bình Nhưỡng. 


Hội nghị thượng đỉnh liên Triều năm 2000 đã được tổ chức dưới thời Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung và cuộc hội đàm thượng đỉnh năm 2007 đã diễn ra trong những năm tháng cầm quyền của Tổng thống Roh Moo-hyun. Thật khó để những thỏa thuận đạt được tại các hội nghị thượng đỉnh hiếm hoi trên tạo ra được tiến triển thực chất. Nhưng Tổng thống Moon Jae-in và Chủ tịch Kim Jong-un đã tổ chức tới ba cuộc gặp thượng đỉnh chỉ trong năm nay, cho thấy rằng lãnh đạo của hai phía có thể gặp nhau bất cứ khi nào nhằm giải quyết các vấn đề còn tồn tại. Tôi cho rằng đây chính là thành quả quan trọng nhất.


Thỏa thuận thượng đỉnh tại Bình Nhưỡng đã nâng tầm và bổ sung cho Tuyên bố Bàn Môn Điếm hồi tháng 4. Đặc biệt, hai miền Nam-bắc đã đạt được một thỏa thuận quân sự để thi hành các biện pháp trên thực tế nhằm xây dựng hòa bình trên bán đảo. Một điều tuyệt vời nữa là Tổng thống Moon đã có cơ hội phát biểu trước công chúng Bắc Triều Tiên tại một sân vận động khổng lồ. Đó thực sự là một thay đổi đầy hứa hẹn trong thái độ của miền Bắc.


Hội nghị thượng đỉnh liên Triều tháng 9 đã thông qua Tuyên bố chung Bình Nhưỡng, trong đó Bắc Triều Tiên nhất trí phá hủy vĩnh viễn cơ sở thử nghiệm động cơ tên lửa tại xã Dongchang, và tiến hành thêm các biện pháp phi hạt nhân hóa. Hai bên cũng ký thỏa thuận quân sự kêu gọi một giải pháp hòa bình cho các vấn đề song phương mà không dùng tới vũ lực trong mọi tình huống.


Ngày 19/9, Tổng thống Moon Jae-in đã phát biểu trước 150.000 người dân Bình Nhưỡng tập trung tại Sân vận động mùng 1 tháng 5 Rungrado. Ông trở thành nhà lãnh đạo Hàn Quốc đầu tiên có bài diễn văn trước công chúng miền Bắc. Trong bài phát biểu trên, Tổng thống Moon tuyên bố sẽ không còn chiến tranh trên bán đảo Hàn Quốc.


Mỹ đã có phản ứng mau chóng với Hội nghị thượng đỉnh liên Triều tháng 9. Tổng thống Trump hoan nghênh sự kiện như một dấu hiệu của tiến triển to lớn trong các nỗ lực khiến Bắc Triều Tiên phi hạt nhân hóa, trong lúc Ngoại trưởng Pompeo cho biết Washington đang chuẩn bị cho các cuộc hội đàm với Bình Nhưỡng. Hội nghị thượng đỉnh liên Triều được tin là đã mang lại bước đột phá cho đàm phán Mỹ-Triều đang bế tắc.


Tổng thống Moon và Chủ tịch Kim đã cùng leo lên núi Baekdu (Bạch đầu) ở Bắc Triều Tiên vào ngày 20/9, hứa hẹn sẽ viết nên một trang sử mới cho quan hệ liên Triều. Thỏa thuận thượng đỉnh đã thu về trái ngọt là việc rút các trạm gác tại Khu phi quân sự liên Triều (DMZ) và dự án kết nối đường sắt, đường bộ xuyên biên giới. 


Việc Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên phá dỡ 11 trạm gác mỗi bên trong Khu phi quân sự liên Triều (DMZ) là rất đáng lưu ý. Hai miền Nam-Bắc rất có thể sẽ tiếp tục giảm nhẹ căng thẳng quân sự tại DMZ. Về dự án đường sắt, hai phía đã kết thúc công tác điều tra chung các đoạn đường sắt tại phần lãnh thổ miền Bắc; khảo sát thực địa 1.200 km đường ray gồm 400 km của tuyến Gyeongui ở phía Tây bán đảo và 800 km dọc tuyến biển Đông ở miền Bắc. Tuyến phía Tây sẽ được kết nối với một tuyến đường tại Trung Quốc, trong khi tuyến biển Đông sẽ được nối với đường sắt của Nga.


Sau Hội nghị thượng đỉnh liên Triều tại Bình Nhưỡng, Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên đã cho tháo gỡ bom mìn tại khu vực dự kiến sẽ khai quật chung hài cốt binh sĩ tử nạn trong Chiến tranh Triều Tiên và rút thí điểm các trạm gác khỏi Khu phi quân sự liên Triều (DMZ). Hai bên cũng kết nối và thông đường dọc DMZ tại Cheorwon, tỉnh Gangwon, lần đầu tiên kể từ khi bán đảo bị chia cắt. Đến ngày 26/12, hai miền Nam-Bắc đã tổ chức lễ khởi công mang đầy tính biểu tượng nhằm tái kết nối các tuyến đường sắt và đường bộ xuyên biên giới.


Như vậy, hai bên đã thành công trong việc khởi công dự án đường sắt liên Triều trong năm nay đúng như nội dung nhất trí trong Tuyên bố Bàn Môn Điếm và Tuyên bố Bình Nhưỡng. Hy vọng về việc phi hạt nhân hóa bán đảo Hàn Quốc và thúc đẩy tiến trình hòa bình đang thực sự mở ra. 


Năm 2019 sẽ quyết định liệu nền hòa bình bền vững sẽ được xây dựng trên bán đảo Hàn Quốc, hoặc quan hệ liên Triều sẽ thụt lùi về quá khứ. Một cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa Mỹ và Trung Quốc e rằng sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới các vấn đề trên bán đảo Hàn Quốc. Mỹ đang xem xét viện trợ nhân đạo cho Bắc Triều Tiên nhằm duy trì xung lực của đối thoại, và miền Bắc có thể chấp nhận viện trợ như một dấu hiệu tích cực. Trong giai đoạn tiếp theo, Bình Nhưỡng có thể sẽ công bố và cho kiểm chứng các cơ sở hạt nhân của nước này, bao gồm cơ sở ở Yongbyon, tỉnh Bắc Pyongan, và Washington có thể tiến hành các biện pháp bù đắp, như công bố chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên hoặc từng bước giảm nhẹ cấm vận miền Bắc. Hy vọng rằng hai nước sẽ tiến tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn trong năm sau.


Bán đảo Hàn Quốc đã khởi đầu cuộc hành trình của hòa bình trong năm 2018. Trong suốt năm qua, hai miền Nam-Bắc đã rất phấn khởi về nền hòa bình đang được hình thành, trong khi cộng đồng quốc tế cũng đang hướng sự chú ý về quốc gia cuối cùng trên thế giới còn bị chia cắt. Chúng ta cùng chờ đợi và dõi xem liệu sự thay đổi tích cực trong năm nay có dẫn tới sự phi hạt nhân hóa hoàn toàn trong năm tới hay không.

Lựa chọn của ban biên tập