Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Quan hệ Mỹ-Triều rơi vào trạng thái đối đầu

2019-03-21

Vì một bán đảo thống nhất

© YONHAP News

Bắc Triều Tiên và Mỹ những ngày qua một lần nữa rơi vào trạng thái giằng co quyết liệt sau thất bại của hội nghị thượng đỉnh song phương tại Hà Nội. Trong khi Bình Nhưỡng đe doạ có thể dừng đàm phán hạt nhân, Washington một lần nữa nhấn mạnh nguyên tắc miền Bắc trước tiên phải phi hạt nhân hóa theo cách được kiểm chứng. Mặc dù vậy, cả hai bên vẫn nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại, sử dụng chiến lược “cây gậy và củ cà rốt”. Giáo sư Chung Dae-jin đến từ Viện nghiên cứu Thống nhất, trường Đại học Ajou, phân tích.


Trong buổi họp báo tại Bình Nhưỡng vào tuần trước, Thứ trưởng Ngoại giao Bắc Triều Tiên Choe Son-hui tuyên bố rằng nước này có thể xem xét dừng đàm phán với Mỹ trong tương lai về vấn đề hạt nhân. Bà Choe đổ lỗi cho Mỹ đã đưa ra đòi hỏi theo lối hành xử của “đầu gấu”, ám chỉ lập trường cố chấp của Washington về sự phi hạt nhân hóa toàn diện của Bình Nhưỡng, tức bao gồm việc phá dỡ tổ hợp hạt nhân Yongbyun và hơn thế nữa. Thứ trưởng Choe nêu rõ miền Bắc sẽ không tham gia vào bất cứ cuộc đàm phán nào tương tự như vậy.


Nhưng chi tiết đáng lưu ý là bà Choe đã dùng cụm từ “xem xét dừng đàm phán”, chứ không phải là “quyết định dừng đàm phán”, có thể hàm ý hối thúc Mỹ giảm nhẹ các yêu cầu của mình. Bà Choe cũng khẳng định Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un và Tổng thống Donald Trump vẫn đang duy trì sự hấp dẫn tuyệt vời đầy bí ẩn với nhau, để ngỏ cánh cửa đối thoại giữa hai bên.


Kể từ sau hội nghị thượng đỉnh song phương bất thành, Bắc Triều Tiên vẫn giữ yên lặng cho tới ngày 15/3 vừa qua, khi ám chỉ sẽ dừng hội đàm hạt nhân với Mỹ và có thể nối lại các vụ thử hạt nhân và tên lửa. Buổi họp báo của Thứ trưởng Ngoại giao Choe Son-hui cho thấy miền Bắc không có ý định nhượng bộ trước các đòi hỏi của Mỹ, nhưng để ngỏ khả năng cho đàm phán từ trên xuống, khi khẳng định quan hệ giữa Chủ tịch Kim và Tổng thống Trump vẫn tốt đẹp. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ dường như lại đang có lập trường cẩn trọng hơn với Bình Nhưỡng.


Khi Chủ tịch Kim gửi một bức thư tới Tổng thống Trump vào năm ngoái, Tổng thống Mỹ đã cho các phóng viên xem và nói đó là một “bức thư tuyệt vời”. Tuy nhiên, ông Trump đã không có phản ứng về tuyên bố của Thứ trưởng Ngoại giao miền Bắc, có lẽ là bởi phát biểu trên không phải là từ chính Chủ tịch Kim. Dường như ông Trump tin rằng mình chẳng cần phải đáp lại một quan chức cấp Thứ trưởng. Thay vào đó, các quan chức Mỹ đã đưa ra những phản ứng với Bình Nhưỡng. Có vẻ như Tổng thống Trump đang dành thời gian tái sắp xếp các vòng đàm phán với Chủ tịch Kim.


Tổng thống Donald Trump đã dự buổi họp báo chung với người đồng cấp Brazil là Tổng thống Jair Bolsonaro tại Nhà Trắng ngày 19/3 (giờ địa phương), nhưng không hề đưa ra phát biểu gì về Bắc Triều Tiên. Thời gian qua, ông Trump đã bày tỏ quan điểm về nhiều vấn đề trên mạng xã hội, nhưng cũng không đề cập tới miền Bắc. Dường như Mỹ đang tập trung nhiều hơn vào việc duy trì xung lực của đối thoại, hơn là đối đáp tay đôi với từng lập luận của miền Bắc. Washington có thể lo ngại rằng cả hai bên sẽ từ bỏ hy vọng về nhau nếu đàm phán bị kéo dài. Mặc dù vậy, Mỹ vẫn đang giữ vững nguyên tắc “phi hạt nhân hóa trước, bù đắp sau”.


Người Mỹ có lẽ đang tin rằng họ không có lý do gì để bị gây sức ép về mặt thời gian. Giờ đây, khi đã đưa ra yêu cầu của mình một cách rõ ràng, Washington sẽ đợi Bình Nhưỡng chuẩn bị sẵn sàng cho đàm phán. Biện pháp đáp lại mà Mỹ có thể tính đến là gỡ bỏ cấm vận. Nhưng Washington không thể một mình đương đầu với vấn đề này. Để giảm nhẹ hay gỡ bỏ cấm vận do Hội đồng bảo an Liên hợp quốc áp đặt, Mỹ cần thảo luận với các nước thành viên thường trực khác của Hội đồng bảo an. Trong trường hợp cấm vận do chính Mỹ áp đặt, Washington cũng sẽ phải thông qua một quy trình phức tạp tại Quốc hội. Do đó, rất khó để Mỹ sớm khôi phục đàm phán với Bắc Triều Tiên. Việc chuẩn bị cho đối thoại trong tương lai sẽ cần thời gian. Trong giai đoạn “giảm nhiệt” này, Washington muốn Bình Nhưỡng bày tỏ cam kết phi hạt nhân hóa toàn diện và đưa ra một lộ trình chi tiết, bao gồm các kế hoạch hành động cụ thể.


Mỹ vẫn đang tỏ ra thản nhiên trước lời đe doạ dừng hội đàm hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Trong cuộc phỏng vấn với một hãng truyền thông trong nước ngày 19/3 (giờ địa phương), Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng John Bolton thừa nhận rằng một vụ thử tên lửa hay hạt nhân mới bởi miền Bắc sẽ có “tác động thực sự” tới Tổng thống Trump. Nhưng ông Bolton cũng nói rằng chính quyền Bắc Triều Tiên có thể đạt được một tương lai kinh tế tươi sáng nếu chịu từ bỏ các vũ khí hủy diệt hàng loạt và tên lửa đạn đạo. Những nhận xét trên của Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ được hiểu như lời cảnh cáo với bất cứ vụ thử tên lửa hay hạt nhân nào của Bình Nhưỡng, và cũng là để tái khẳng định nỗ lực của Washington về một “thỏa thuận lớn” trong các cuộc hội đàm hạt nhân. Sự chú ý giờ đây đổ dồn vào con bài đàm phán mà miền Bắc có thể đưa ra.


Thứ trưởng Ngoại giao miền Bắc cũng tuyên bố trong buổi họp báo vừa qua rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể sẽ sớm công bố kế hoạch phi hạt nhân hóa của nước này. Nhưng vẫn không chắc liệu Chủ tịch Kim sẽ thực sự đưa ra công bố trên hay không, bởi tuyên bố chính thức của nguyên thủ quốc gia được xem là cực kỳ quan trọng. Một khi đã được công bố, những gì nhà lãnh đạo nói ra là không thể rút lại được. Tôi cho rằng sẽ rất khó để ông Kim đề cập trực tiếp tới bất cứ điều gì tiêu cực, như dừng hội đàm hạt nhân, khôi phục thử hạt nhân hay tên lửa, hoặc một lối đi khác. Chủ tịch Kim có thể sẽ thể hiện quan điểm về phi hạt nhân hóa trong phiên họp toàn thể của Đảng lao động vào tháng 4, hoặc trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Nhân dân tối cao khóa mới.


Vào thời điểm này, rất khó để dự đoán liệu nhà lãnh đạo miền Bắc có bày tỏ hy vọng nối lại hội đàm phi hạt nhân hóa hay không, hay sẽ đưa ra lập trường cứng rắn với Mỹ. Bởi Bắc Triều Tiên đã đề cập đến công bố của Chủ tịch Kim, nên rất có khả năng nước này sẽ thể hiện một sự thay đổi lớn trong thái độ. Nếu Mỹ thờ ơ về đàm phán cộng thêm, Bình Nhưỡng có thể sẽ đưa ra thông điệp nhằm gây sức ép với Washington.


Bắc Triều Tiên có thể tiếp tục gia tăng căng thẳng bằng cách thể hiện rằng đã sẵn sàng phóng tên lửa, nhằm gây sức ép với Mỹ. Nhưng không chắc liệu miền Bắc sẽ thực sự bấm nút phóng tên lửa hay không. Nếu có, đây sẽ là hành động vượt quá ranh giới mà cộng đồng quốc tế đặt ra, kể cả nếu miền Bắc khẳng định đó chỉ là một vụ phóng vệ tinh. Bình Nhưỡng cần phải tính toán một cách chính xác họ sẽ đạt được gì nếu đi quá giới hạn.


Thứ trưởng Ngoại giao Bắc Triều Tiên được tin là đã gián tiếp chuyển thông điệp của Chủ tịch Kim tới Tổng thống Trump. Trong thông điệp này, ông Kim một lần nữa đề nghị hai nhà lãnh đạo đưa ra quyết định, không nghe theo lời các quan chức cấp dưới. Cả Bình Nhưỡng và Washington đang bước đi chậm rãi, cố gắng tăng khoản đặt cược trong ván bài cũng như lập trường đàm phán cho hội đàm trong tương lai.


Trong bối cảnh đàm phán hạt nhân vừa có một bước lùi lớn, sự chú ý quốc tế giờ đây đang đổ dồn vào con bài đàm phán mà Bình Nhưỡng sẽ đưa ra và phương án đối phó của Washington.

Lựa chọn của ban biên tập