Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Đấu kiếm, môn thể thao khiến hàng triệu người Hàn mất ăn mất ngủ

2012-09-04



Bình luận viên đang tường thuật sôi nổi trận tranh huy chương vàng tại Olympic London 2012 ở nội dung kiếm chém đồng đội nam, giữa 4 tay kiếm Hàn Quốc là Gu Bon-gil, Kim Jung-hwan, Oh Eun-seok và Won Woo-young với các đối thủ người Romania. Cuối cùng, chiến thắng đã thuộc về đội Hàn Quốc với tỷ số áp đảo 45:26.

[Đấu kiếm Hàn Quốc tỏa sáng tại đấu trường Olympic London 2012]

Đây là lần đầu tiên Hàn Quốc giành được huy chương vàng Olympic ở nội dung này, đồng thời cũng là chiếc huy chương vàng thứ 100 trong lịch sử 64 năm tham dự Thế Vận hội của đoàn thể thao nước này. Đấu kiếm Hàn Quốc cũng đã vinh dự đoạt 1 huy chương vàng nội dung kiếm chém đơn nữ, 1 huy chương bạc nội dung kiếm 3 cạnh đồng đội nữ, 3 huy chương đồng ở nội dung kiếm liễu đơn nam, nội dung kiếm 3 cạnh đơn nam và nội dung kiếm liễu đồng đội nữ. Mặc dù chưa phải là môn thể thao được ưa chuộng tại Hàn Quốc nhưng những thành tích mà các kiếm thủ gặt hái được tại đấu trường Olympic khắc nghiệt đã khiến cho không ít người phải bất ngờ, thán phục. Bình luận viên đấu kiếm của đài truyền hình và phát thanh KBS Oh Kyung-seok tự hào nói : "Hàn Quốc đang là một trong những nước mạnh nhất về đấu kiếm. Thời gian qua, các kiếm thủ đã giành được nhiều chiến thắng tại các giải đấu quốc tế. Cùng với Italia và Nga, Pháp là một trong 3 nước mạnh nhất về bộ môn này nhưng năm nay họ đã thi đấu không tốt. Dù chưa phải là môn thể thao phổ biến tại Hàn Quốc nhưng thực lực của các kiếm thủ xứ Hàn luôn được đánh giá cao. Do đó, thành tích mà đấu kiếm Hàn Quốc đạt được hoàn toàn không phải nhờ may mắn. Có thể nói, Olympic London 2012 đã trở thành nơi tôn vinh đấu kiếm Hàn Quốc."

Trong trang phục thi đấu trắng tinh, kiếm thủ vung ra những đường kiếm điêu luyện, bước chân di chuyển thoăn thoát và nhanh chóng hạ gục đối phương dưới mũi kiếm ánh bạc. Đó là những hình ảnh vô cùng ấn tượng mà các kiếm thủ Hàn Quốc đã để lại trong tâm trí người dân nước này và thế giới. Chính vì thế, mặc dù Olympic đã kết thúc được gần 1 tháng nhưng sức nóng của đấu kiếm vẫn còn lan truyền mạnh mẽ trong xã hội Hàn Quốc. Huấn luyện viên Yoon Nam-jin, người từng đảm trách việc dẫn dắt đội tuyển đấu kiếm Hàn Quốc tại Olympic Bắc Kinh 2008 và đang quản lý Câu lạc bộ đấu kiếm ở phường Daechi, quận Gangnam, thành phố Seoul, cảm nhận rõ nét được sức nóng của đấu kiếm. Ông chia sẻ : "Có sự khác biệt lớn trong cách nhìn nhận của người dân về môn đấu kiếm trước và sau Olympic London 2012. Nếu như trước đây, đấu kiếm không phải là bộ môn được ưa chuộng thì bây giờ dường như rất được quan tâm. Tôi có một trang web cá nhân về đấu kiếm. Trước Olympic, bình thường chỉ khoảng 70 lượt truy cập/ngày. Vậy mà tại thời điểm Hàn Quốc liên tục nhận được huy chương, con số này đã lên đến 1.400 lượt/ngày và bây giờ ổn định ở mức 300 lượt/ngày. Kéo theo đó, lượng người đăng ký tham gia câu lạc bộ cũng tăng lên, nhất là học sinh tiểu học. Nhiều em học sinh trung học sau khi xem Olympic, thấy bộ môn này hấp dẫn, cũng muốn thử sức và mơ ước được trở thành những kiếm thủ chuyên nghiệp."

Do chưa phải là môn thể thao phổ biến tại Hàn Quốc nên điều kiện vật chất và cơ sở đào tạo dành cho đấu kiếm vẫn còn rất hạn chế. Thế nhưng, nhờ sức hút có được từ sau Olympic mà môn thể thao này đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của người dân và chính quyền. Yoo Ji-hyuk, một học sinh lớp 9 đang theo học tại câu lạc bộ này, cho biết : "Em sống ở thành phố Ansan. Em quyết định đến đây học đấu kiếm sau khi xem xong trận tranh huy chương đồng kiếm 3 cạnh đơn nam của kiếm thủ Jung Jin-sun ở kỳ Olympic vừa qua. Các bước chân di chuyển và đường kiếm nhanh thoăn thoắt của kiếm thủ khiến em cảm thấy rất thú vị và đẹp mắt. Giấc mơ của em là được trở thành một kiếm thủ xuất sắc và em sẽ cố gắng hết sức để thực hiện giấc mơ ấy."

Ngay cả những bậc phụ huynh vốn không biết gì về đấu kiếm giờ đây cũng rất tích cực ủng hộ các con theo học môn thể thao này. Một bà mẹ tâm sự : "Tôi đến từ thành phố Yongin, tỉnh Gyeonggi. Con gái tôi vốn theo đuổi môn đánh golf nhưng vì vất vả nên không tiếp tục nữa. Thế rồi, sau khi xem Olympic, cháu quyết định sẽ theo học đấu kiếm. Tôi chưa từng nghĩ đến việc cho cháu học bộ môn này. Nhờ xem Olympic, tôi mới thấy được sức hấp dẫn của nó. Biết cháu muốn trở thành tay kiếm chuyên nghiệp cùng những lời khen tặng của huấn luyện viên nên tôi đã ủng hộ hết mình. Vì bắt đầu hơi muộn nên cháu sẽ phải cố gắng thật nhiều."

Giấc mơ trở thành kiếm thủ dường như là hơi muộn đối với một nữ học sinh lớp 10 như Ahn Hye-na. Nhưng với sự hỗ trợ hết lòng từ bố mẹ, em vẫn rất quyết tâm không từ bỏ giấc mơ của mình. Ahn Hye-na cho biết : "Trước đây, em không biết gì về đấu kiếm. Nhưng sau khi xem màn thể hiện xuất sắc của kiếm thủ Choi Byung-chul, em thấy bộ môn này rất thú vị. Nó đòi hỏi vận động viên phải sử dụng cả trí óc lẫn sức mạnh toàn thân, kết hợp các bước di chuyển cực kỳ chính xác. Các bài huấn luyện đã giúp cho đôi chân em tăng cường sức mạnh và sức bật. Càng chơi đấu kiếm em càng thấy thú vị và cuốn hút. Em muốn trở thành một kiếm thủ chuyên nghiệp. Tuy chỉ mới tham gia tập luyện được 1 tháng nhưng em đã lên kế hoạch tham dự các cuộc thi, trước mắt sẽ là cuộc thi đấu kiếm nghiệp dư vào tháng 10 tới. Hiện em đang tích cực tập luyện để chuẩn bị cho cuộc thi."

[Sức lan tỏa mạnh mẽ của đấu kiếm tại xứ sở Kimchi]

Đấu kiếm bắt đầu xuất hiện tại Hàn Quốc vào năm 1946 với việc ra đời Câu lạc bộ đấu kiếm Goryeo. Sau đó, bộ môn này được đưa vào nội dung thi đấu chính thức từ Đại hội thể dục thể thao toàn quốc lần thứ 43 năm 1962 nhưng tiếc là cho đến nay nó vẫn chưa thể phổ biến rộng rãi trong quần chúng. Hiện tại, cả Hàn Quốc chỉ có khoảng 1.500 kiếm thủ chuyên nghiệp thuộc 186 đội kiếm bao gồm các đối tượng trung học, đại học và tự do. Đó là lý do vì sao thành tích mà đấu kiếm Hàn Quốc đạt được trên đấu trường quốc tế vẫn còn hết sức khiêm tốn. Trước đây, thành tích đáng kể nhất mà bộ môn này có được là 1 huy chương vàng kiếm liễu nam và 1 huy chương đồng kiếm 3 cạnh nam tại Olympic Sydney 2000 cũng như 1 huy chương bạc kiếm liễu nữ tại Olympic Bắc Kinh 2008. Thế nhưng, bắt đầu từ Olympic năm nay thì mọi chuyện đã khác rất nhiều.

Ưu điểm nổi trội nhất của các tay kiếm xứ Hàn là các bước di chuyển nhanh. So với các tay kiếm châu Âu, họ bị hạn chế về mặt thể chất nên thậm chí phạm vi tấn công của vận động viên Hàn Quốc còn bị kém hơn 10cm so với đối thủ. Để khắc phục nhược điểm và trấn áp đối phương, họ phải di chuyển cực kỳ nhanh nhẹn và tấn công liên tục. Bên cạnh đó, kỹ thuật và tài năng của các tay kiếm Hàn Quốc cũng không hề thua kém các đối thủ phương Tây. Bình luận viên Oh Kyung-seok nhận xét : "Kiếm thủ Hàn Quốc có sức tập trung, sức bật và độ nhanh nhạy cao. Nhờ đó mà có các bước di chuyển cực nhanh. Tuy kiếm thủ châu Âu được đào tạo sớm hơn nhưng lượng đào tạo lại không nhiều bằng kiếm thủ Hàn Quốc. Họ hoàn toàn không thể di chuyển theo kịp các kiếm thủ Hàn Quốc. Di chuyển nhanh giúp kiếm thủ xứ Hàn dễ dàng tấn công các đối thủ to lớn ở khoảng cách gần và phòng vệ đòn phản công của các đối thủ nhỏ con ở khoảng cách xa. Chính ưu điểm này đã giúp đấu kiếm Hàn Quốc tiến một bước thật xa như hiện nay."

Olympic đã chắp cánh cho ước mơ trở thành các kiếm thủ của rất nhiều học sinh. Ngày càng có nhiều em tỏ ra quan tâm đến đấu kiếm và mong muốn được học môn thể thao thú vị này. Ngoài ra, cũng có không ít nhân viên công chức tìm đến với đấu kiếm như một cách để giải tỏa căng thẳng. Một nhân viên cho biết : "Tôi muốn học đấu kiếm từ lâu rồi. Một lần lên mạng tìm chỗ học, biết câu lạc bộ này gần nhà nên tôi quyết định đăng ký luôn. Vì là bộ môn đối kháng, phải cạnh tranh thắng thua với đối thủ nên nó rất hiệu quả trong việc giải tỏa căng thẳng. Tôi cùng các đồng nghiệp đang định thành lập một hội đấu kiếm. Tuy mới chỉ nhen nhóm nhưng đã có rất nhiều người ngỏ ý muốn tham gia."Các em nhỏ làm quen rất nhanh với các thuật ngữ đấu kiếm như “En garde (chuẩn bị)”, “Marche (tiến lên)” hay “Fente (tấn công)”. Mặc dù có khá nhiều quy tắc phức tạp nhưng đối với chúng, việc được chạm tay trực tiếp vào thanh kiếm mang lại cảm giác thật kỳ thú và mới mẻ.

Một trong những sức hút của đấu kiếm nằm ở chỗ nó đòi hỏi sự vận động trí óc rất cao. Một nữ sinh lớp 10 tên là Kim Ji-sol cho biết : "Em chơi đấu kiếm đã được khoảng 1 năm. Lợi thế của em là sức tập trung cao và các cú ra đòn nhanh, chuẩn xác. Môn này hay ở chỗ phải biết áp dụng kỹ thuật với trí óc. Em phải liên tục sử dụng cái đầu để phân tích chiến thuật. Cũng nhờ vậy mà sức tập trung ngày càng tăng, mà điều này cũng rất cần trong việc học tập ở trường nữa." Đó là lý do môn thể thao này còn được áp dụng như một cách để điều trị chứng mất tập trung ở một số thanh thiếu niên. Huấn luyện viên Yoon Nam-jin giải thích : "Khả năng tập trung là thứ rất cần thiết đối với học sinh. Những em kém tập trung có thể cải thiện được tình trạng này chỉ sau 1 năm nếu tập luyện tốt. Có được kết quả đó là nhờ phải liên tục vận động trí óc. Vì là một môn thể thao nên người chơi đấu kiếm phải tiêu thụ rất nhiều năng lượng cả về thể chất lẫn tinh thần. Mỗi một hiệp diễn ra trong 3-5 phút và kiếm thủ phải vô cùng tập trung trong suốt khoảng thời gian ấy. Những điều này khiến không ít người mới chơi cảm thấy mệt mỏi. Mặc dù vậy, chỉ sau một thời gian ngắn, họ sẽ nhận lại được một cơ thể khỏe mạnh và một tinh thần minh mẫn."

Sau một hồi vung kiếm, toàn thân bạn sẽ nhanh chóng bị ướt đẫm mồ hôi. Nhưng rồi, cái mà bạn nhận lại là cảm giác sảng khoái và khỏe khoắn vô cùng. Đối tượng học sinh tìm đến với câu lạc bộ của huấn luyện viên Yoon Nam-jin không chỉ có các em sống ở Seoul mà còn nhiều em ở các tỉnh thành khác nữa. Và các em đang không ngừng nuôi dưỡng giấc mơ trở thành các tay kiếm xuất sắc trong tương lai.

Thời gian trôi qua từng khắc và giấc mơ về một ngày được đại diện đất nước so kiếm cùng bạn bè 5 châu cũng đang lớn dần trong tâm trí của biết bao thanh thiếu niên Hàn Quốc. Và cũng không ít người lớn đang tìm đến với đấu kiếm như một thú vui mới lạ. Từ chỗ bị bỏ quên biết bao năm, chỉ sau một kỳ Olympic, đấu kiếm đã trở thành môn thể thao của mọi nhà tại xứ Hàn. Với sự bùng nổ chưa từng thấy của làn sóng đấu kiếm kết hợp cùng những ưu điểm nổi trội của người Hàn, hy vọng rằng bộ môn này sẽ một lần nữa làm rạng danh nền thể thao Hàn Quốc tại Olympic Rio De Janeiro 2016.

Lựa chọn của ban biên tập