Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Con người

Park Sok-gil và tấm lòng dành cho người tỵ nạn Bắc Triều Tiên

2013-05-09

Năm 1998, một đứa trẻ 14 tuổi mang hai dòng máu của người cha Hàn Quốc và mẹ người Anh đã lần đầu tiên đặt chân đến Hàn Quốc. Cha của cậu bé, trước đó đã cùng gia đình di cư sang Anh, giờ quay trở lại Hàn Quốc để mang di hài của người mẹ quá cố, tức bà của cậu bé, về quê hương an táng. Trong thời gian ở Hàn Quốc, cậu bé đã rất ấn tượng về sự tồn tại của đất nước Bắc Triều Tiên, nửa còn lại của bán đảo Hàn Quốc bị chia cắt. Một ngày nọ, cậu bỗng nhìn thấy một tờ giấy nhỏ màu đỏ dán trên xe buýt. Sau đó, cậu được cha giải thích rằng đó là giấy khuyến cáo người dân tích cực khai báo gián điệp Bắc Triều Tiên. Khi đó, cậu bé chợt nhận ra sự căng thẳng trong mối quan hệ hai miền Nam Bắc. Năm 2013, tức là mười lăm năm sau, cậu bé đó giờ đã trưởng thành, tốt nghiệp đại học ở Anh và đang làm việc cho “LiNK”, một tổ chức phi chính phủ quốc tế hoạt động vì những người tỵ nạn miền Bắc. Chàng thanh niên đó là Park Sok-gil, Đại diện Văn phòng của Tổ chức LiNK ở Hàn Quốc. Anh giới thiệu:

Đại diện Park Sok-gil: “LiNK” là tên viết tắt có nghĩa là “Tự do ở Bắc Triều Tiên” (Liberty in North Korea). Đây là một tổ chức phi chính phủ quốc tế có trụ sở ở Mỹ và các văn phòng đại diện ở Seoul cũng như ở các nước Đông Nam Á. Trước hết, chúng tôi giúp những người tỵ nạn Bắc Triều Tiên đang lẩn trốn ở Trung Quốc tới định cư ở Hàn Quốc hoặc Mỹ. Chúng tôi hỗ trợ họ về mặt tài chính trong thời gian dài. Mặt khác, chúng tôi tham gia nhiều hoạt động đa dạng nhằm nâng cao nhận thức về Bắc Triều Tiên. Cụ thể là chúng tôi sản xuất và phát hành một số bộ phim tài liệu, đồng thời thường xuyên làm việc với các công ty truyền thông cũng như các nhà báo quốc tế. Ngoài ra, chúng tôi đang nghiên cứu những phương pháp có thể thúc đẩy sự thay đổi trong nội bộ Bắc Triều Tiên.

Các sinh viên Hàn Quốc ở thành phố Washington D.C đã tổ chức một buổi hội thảo nhằm thảo luận vấn đề nhân quyền Bắc Triều Tiên. Sau đó, họ quyết định thành lập tổ chức “Tự do ở Bắc Triều Tiên” để tiến hành các hoạt động có ý nghĩa hơn liên quan đến vấn đề này. Năm 2008, trụ sở của Tổ chức được chuyển tới thành phố Los Angeles. Cho tới nay, Tổ chức đã đưa 141 người tỵ nạn Bắc Triều Tiên sống lẩn trốn ở các nước thứ ba, bao gồm Trung Quốc, sang Hàn Quốc hoặc Mỹ. Tổ chức đã thành lập Văn phòng đại diện ở Hàn Quốc vào tháng 5 năm 2012 để hỗ trợ những người tỵ nạn miền Bắc hiệu quả hơn trong việc thích nghi với cuộc sống mới. Hiện anh Park Park Sok-gil đang làm việc với ba nhân viên chính thức của Tổ chức tại đây.

Đại diện Park Sok-gil: Khoảng 90% người tỵ nạn Bắc Triều Tiên được chúng tôi giúp đỡ đã sang Hàn Quốc. Để làm việc và giúp đỡ họ, chúng tôi cần tạo được nền tảng ở Hàn Quốc. Tôi nhận thấy công việc của mình ở Seoul thực hiện dễ dàng và hiệu quả hơn ở Mỹ vì ở đây có nhiều người, bao gồm các phóng viên, nhà ngoại giao, tổ chức và cả những người tỵ nạn miền Bắc, tham gia vào hoạt động này. Nhờ đó, tôi có thể dễ dàng tiếp xúc và làm việc với họ hơn.

Park Sok-gil từng học chuyên ngành tâm lý ở Trường đại học Warwick, Anh, và nhận bằng thạc sỹ về Quốc tế học và Quan hệ công chúng ở Trường đại học Kinh tế và Chính trị London. Anh đã tới thực tập ở trụ sở của Liên hợp quốc ở New York, sau đó làm việc cho một tổ chức tư vấn ngoại giao phi lợi nhuận có tên gọi “Nhà ngoại giao độc lập” để thực hiện ước mơ từ nhỏ là trở thành một nhà ngoại giao. Tuy nhiên, anh đã đặt ước mơ đó sang một bên và bắt đầu làm việc cho một tổ chức hoạt động vì người tỵ nạn miền Bắc. Park Sok-gil tâm sự:

Đại diện Park Sok-gil: Ông bà tôi vốn xuất thân ở tỉnh Bắc Hamgyeong, miền Bắc. Đó có lẽ là lý do vì sao tôi quan tâm đến Bắc Triều Tiên từ thuở nhỏ. Các anh chị em của ông bà tôi vẫn còn ở tỉnh Bắc Hamgyeong vì họ không thể chạy sang miền Nam, kể cả trước và sau chiến tranh Triều Tiên. Tôi may mắn được sinh ra ở Anh, nhưng có lẽ một vài người chú của tôi đã được sinh ra ở miền Bắc. Tôi thậm chí không biết tên của họ, nhưng tôi nghĩ mình nên quan tâm hơn đến họ và làm một điều gì đó.

Park Sok-gil đang nỗ lực bằng nhiều cách để giúp thế giới biết đến vấn đề người tỵ nạn Bắc Triều Tiên và thực hiện quyên góp tiền để giúp người dân trốn khỏi miền Bắc. Cụ thể, anh đã phát động phong trào “SHIFT” để hối thúc cộng đồng quốc tế thay đổi mối quan tâm từ vấn đề chính trị như khủng hoảng hạt nhân và bộ máy nhà lãnh đạo Kim Jong-un sang vấn đề người dân miền Bắc. Nhóm cũng đang tiến hành phong trào “NOMAD”, trong đó các thành viên của Nhóm đi khắp nơi trên đất Mỹ trong một vài tháng như những người dân du mục để thông tin cho mọi người biết về tình hình Bắc Triều Tiên. Một trong những mục tiêu lớn nhất của Park Sok-gil là kêu gọi sự tham gia của các sinh viên Hàn Quốc.

Đại diện Park Sok-gil: Tôi nhận ra rằng, sinh viên Hàn Quốc biết rất ít về Bắc Triều Tiên và hầu như không quan tâm về vấn đề này. Điều này cũng có một vài lý do. Người Hàn Quốc từng coi Bắc Triều Tiên như một đất nước thù địch trong hàng thập kỷ và những vấn đề liên quan đến miền Bắc cũng đã bị chính trị hóa trong xã hội miền Nam. Sự tham gia của các sinh viên Hàn Quốc là rất cần thiết để mở rộng sự hỗ trợ đối với người dân Bắc Triều Tiên. Điều quan trọng là mọi người phải thay đổi cách nhìn về Bắc Triều Tiên sang khía cạnh nhân đạo, chứ không phải chính trị. Tôi nghĩ mình phải nỗ lực hết sức để làm những điều này ngay từ bây giờ.

Park Sok-gil nói anh sẽ tiếp tục làm việc vì những người tỵ nạn Bắc Triều Tiên ở Hàn Quốc và mong muốn thực hiện nhiều hoạt động giáo dục đa dạng ở Bắc Triều Tiên sau khi đất nước thống nhất. Chúng ta hãy cùng hy vọng cho sự thống nhất này đến sớm nhất có thể, để những ước mơ của Park được trở thành hiện thực.

Lựa chọn của ban biên tập