80 năm độc lập: Hàn Quốc vươn tầm thế giới
Phần 15: Ca khúc “Giọt sương ban mai” và văn hóa thanh niên của Hàn Quốc
2025-07-07
#Doanh nghiệp tiên phong trong kinh tế Hàn Quốc l 2019-02-04
© VEGAN
Sự ra đời của Cơ quan chứng nhận vegan Hàn Quốc
Hôm nay, chúng tôi sẽ giới thiệu Cơ quan chứng nhận và dịch vụ thuần chay Hàn Quốc (KAVCS). Sau đây, Giám đốc Hwang Young-hee sẽ giới thiệu về cơ quan này.
Cơ quan chứng nhận và dịch vụ thuần chay Hàn Quốc được thành lập vào tháng 3 năm 2018, đặt tại Học viện Công nghệ Hanyang trong trường Đại học Hanyang. Nhiệm vụ của cơ quan này là cung cấp các chứng nhận cho những sản phẩm “thuần chay”. Thuật ngữ mới mẻ này đề cập đến các sản phẩm không bao gồm hoặc sử dụng nguồn gốc động vật trong toàn bộ quá trình sản xuất, sơ chế đến thành phẩm. Theo nghĩa rộng hơn, thuần chay bao hàm văn hóa, xu thế đưa lối sống thuần chay vào đời sống. Tháng 6 năm ngoái, chúng tôi đã nộp đơn lên Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Hàn Quốc (KFDA) để được công nhận là một cơ quan chứng nhận sản phẩm thuần chay và đã đăng ký thương hiệu. Đến tháng 7, chúng tôi đã đến thăm các cơ quan chứng nhận chay nổi tiếng khác như “Cộng đồng ăn chay thuần” (Vegan Society) hay “Cộng đồng người ăn chay” (Vegetarian Society), để thảo luận về các vấn đề liên quan và nghiên cứu về thị trường thuần chay tại Vương quốc Anh. Vào tháng 8, chúng tôi đã bổ sung quy trình kiểm tra gen có nguồn gốc động vật trên sản phẩm để đạt được chứng nhận cấp phép thuần chay. Đây là bước kiểm tra mà hầu hết các cơ quan chứng nhận trên thế giới không thực hiện được. Chúng tôi cũng tham dự cuộc họp của các nhà quảng bá của Hiệp hội người ăn chay và ăn chay thuần Hàn Quốc (KVVA).
“Thuần chay” – Xu hướng mới trên toàn cầu
Người ăn chay được phân chia thành 5 nhóm. Người ăn chay Pollo không ăn thịt đỏ như thịt bò, thịt lợn, nhưng vẫn ăn thịt gà; trong khi nhóm Pesco không ăn thịt động vật trên cạn nhưng vẫn ăn cá, đồ hải sản. Nhóm người ăn chay Lacto-ovo không ăn thịt và cá, nhưng ăn trứng, sữa hay mật ong; trong khi nhóm người ăn chay Lacto có thể ăn sữa, sữa chua, hay phô mai nhưng kiêng trứng. Ở cấp độ ăn chay cao nhất, ăn chay thuần hay thuần chay gọi là Vegan, người ăn chay kiêng toàn bộ thực phẩm có nguồn gốc động vật. Khác với các cơ quan cấp phép khác, KAVCS hướng đến mục tiêu cấp phép cho các sản phẩm thuần chay. Bà Hwang Young-hee chia sẻ.
Các vấn đề về môi trường, đạo đức hay phúc lợi đang ngày càng trở nên quan trọng trên toàn cầu. Tất nhiên, chưa có một lời giải rõ ràng cho những vấn đề này, nhưng tôi tin rằng “thuần chay” đang là một xu thế thay thế quan trọng. Theo tạp chí Economist của Anh, năm 2019 sẽ là năm của “thuần chay”. Các nhà đầu tư đang tiếp tục đầu tư vào các sản phẩm thay thế thịt. Theo số liệu thống kê tại nhiều quốc gia, ngành công nghiệp thực phẩm đang chuyển xu thế từ thịt, sang các thực phẩm thay thế. Trên thực tế, Hàn Quốc có nhiều loại thực phẩm truyền thống từ thực vật và thị trường thuần chay trong nước có nhiều cơ hội để phát triển. Chẳng hạn, Hàn Quốc có thể phát triển thực phẩm chay như một nét văn hóa ẩm thực. Mặc dù, khái niệm ăn chay được coi là xu thế mới xuất phát từ châu Âu, nhưng tôi tin rằng nó có thể phát triển dưới nhiều hình thức đa dạng tại Hàn Quốc.
© VEGAN
Vai trò của chứng nhận thuần chay
Theo một khảo sát tại Mỹ vào năm 2015, có khoảng 3,4% người tiêu dùng Mỹ là người ăn chay, nhưng trong đó chỉ có 0,4% là người ăn chay thuần. Tuy nhiên, trong một khảo sát vào năm ngoái, tức ba năm sau, 25% số người được hỏi ở độ tuổi 20 đến 30 đang theo đuổi xu thế ăn chay. Tận dụng xu hướng này, ngành công nghiệp thực phẩm đã tung ra các sản phẩm cho người ăn chay. Từ năm 2017, thương hiệu đồ ăn nhanh của Mỹ McDonald đã cung cấp các loại bánh burger làm từ đậu nành, không có thịt và phô mai tại châu Âu. Theo tạp chí Economist, sự phát triển của thực phẩm thay thế thịt sẽ là chìa khóa cho ngành công nghiệp “thuần chay”. Nhận thấy xu hướng thuần chay và thực phẩm truyền thống Hàn Quốc, vốn dựa vào các loại ngũ cốc và rau, bà Hwang Young-hee đã quyết định nghỉ việc tại Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Hàn Quốc để thành lập Cơ quan chứng nhận và dịch vụ thuần chay Hàn Quốc. Cùng với các chuyên gia về thực phẩm và mỹ phẩm, cơ quan này đang khám phá một con đường hoàn toàn mới mẻ, chứng nhận thuần chay. Giám đốc Hwang Young-hee nói.
Nếu chỉ nhìn vào thành phần trên nhãn mác, người tiêu dùng khó có thể xác định liệu một sản phẩm có nguồn gốc động vật hay không. Chẳng hạn, thành phần glycerine có thể làm từ mỡ động vật hoặc thực vật, hay lecithin cũng có thể có nguồn gốc từ thực vật hoặc động vật. Tuy nhiên, các doanh nghiệp thường không nêu rõ nguồn gốc của các loại glycerin hay lecithin mà họ sử dụng. Ngay cả khi người tiêu dùng yêu cầu thì doanh nghiệp cũng khó có thể tiết lộ thông tin chi tiết. Đặc biệt, nếu một sản phẩm được pha trộn, thì việc xác định nguồn gốc thành phần càng trở nên khó khăn hơn. Đây là nhiệm vụ mà các cơ quan chứng nhận thuần chay hướng đến. Là một tổ chức trung gian, độc lập với nhà sản xuất và người tiêu dùng, cơ quan này sẽ cung cấp chứng nhận thuần chay, mà không tiết lộ bí mật kinh doanh của các doanh nghiệp, đồng thời giúp người tiêu dùng có thể lựa chọn sản phẩm với các tiêu chuẩn rõ ràng.
Được công nhận là cơ quan chứng nhận thuần chay đầu tiên tại Hàn Quốc
Ở nước ngoài, các tổ chức và hiệp hội tư nhân sẽ chứng nhận các sản phẩm thuần chay. Vào ngày 8/11/2018, KAVCS đã được Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Hàn Quốc công nhận là một cơ quan chứng nhận thuần chay, đủ thẩm quyền đánh giá, chứng nhận cho các sản phẩm thuần chay. Trước đó, chỉ có 4 cơ quan trên thế giới được phép chứng nhận sản phẩm thuần chay. KAVCS có quyền dán nhãn trên các sản phẩm là thuần chay, góp phần quảng bá các sản phẩm thuần chay của Hàn Quốc xuất khẩu đi nước ngoài. Nhờ việc thành lập cơ quan mới này, các doanh nghiệp Hàn Quốc có thể được chứng nhận thuần chay ngay tại Hàn Quốc, thay vì phải chờ đợi chứng nhận của các tổ chức tại châu Âu hay Mỹ. Đặc biệt, Cơ quan này sẽ cung cấp các nhãn mác đồ thuần chay cho các sản phẩm như thực phẩm chức năng, thành phần và thực phẩm nhập khẩu. Bà Hwang Young-hee chia sẻ.
Khi được chứng nhận, sản phẩm sẽ được liệt trên trang web và tài khoản mạng xã hội của chúng tôi. Tính đến nay, chúng tôi đã dán mác chứng nhận thuần chay cho các sản phẩm như sữa chua, sữa đậu nành, bánh gạo, sô cô la và kimchi, đồng thời đang làm việc với các sản phẩm khác như thực phẩm chức năng, mỹ phẩm và thực phẩm nhập khẩu. Hiện nay, chúng tôi đang cấp phép cho các loại thực phẩm và mỹ phẩm. Chúng tôi cũng đang làm việc với Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Hàn Quốc về cấp phép chứng nhận mỹ phẩm thuần chay. Không chỉ vậy, chúng tôi hiện còn nhận được yêu cầu chứng nhận đồ thuần chay cho các phụ kiện, sản phẩm vệ sinh và hàng da. Ngoài ra, chúng tôi cũng lên kế hoạch tham gia VeggieWorld, một hội chợ thương mại quảng bá lối sống ăn chay ở Hồng Kông, phối hợp với Hiệp hội người ăn chay và đồ chay Hàn Quốc, cùng Tập đoàn thương mại thực phẩm và nông thủy sản Hàn Quốc. Đây là cơ hội để xúc tiến việc xuất khẩu các sản phẩm thuần chay Hàn Quốc và quảng bá văn hóa thuần chay Hàn Quốc ra thế giới.
80 năm độc lập: Hàn Quốc vươn tầm thế giới
2025-07-07
2025-07-07
2025-07-07