Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

RCEP chính thức có hiệu lực tại Hàn Quốc từ 1/2

2022-02-05

Tin tức

ⓒGetty Images Bank

Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) chính thức có hiệu lực tại Hàn Quốc từ ngày 1/2. Đây là một siêu Hiệp định thương mại tự do (FTA), chiếm một phần ba tổng dân số, quy mô thương mại, và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn thế giới. Hiệp định có hiệu lực được kỳ vọng sẽ giúp mở rộng mạnh lĩnh vực xuất khẩu của Hàn Quốc.

 

RCEP có hiệu lực

Theo quy định, RCEP có hiệu lực 60 ngày kể từ sau khi Chính phủ một nước hoàn tất quy trình phê chuẩn trong nước. Chính phủ Hàn Quốc đã hoàn tất quy trình phê chuẩn hiệp định này vào ngày 3/12 năm ngoái. Trước đó, hiệp định đã có hiệu lực tại 10 quốc gia là Trung Quốc, Nhật Bản, Brunei, Campuchia, Lào, Singapore, Thái Lan, Việt Nam, Australia, New Zealand từ ngày 1/1.

Hiệp định RCEP có sự tham gia của 15 nước, trong đó có 10 nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), và 5 nước đối tác ngoài ASEAN gồm Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand. Ban đầu, có 16 nước xúc tiến tham gia bao gồm cả Ấn Độ. Tuy nhiên, Ấn Độ sau đó đã rút khỏi hiệp định, bởi quốc gia này chủ yếu sản xuất các sản phẩm giá thành thấp, lo ngại về sự cạnh tranh với Trung Quốc. Hiệp định được ký kết vào ngày 15/11/2020 nhưng phải tới đầu năm nay mới có hiệu lực do điều kiện là phải có tối thiểu 6 nước ASEAN và tối thiểu ba nước ngoài ASEAN hoàn tất quy trình phê chuẩn.

 

Ý nghĩa

Các nước thành viên RCEP có tổng dân số 2,26 tỷ người, chiếm 29,9% dân số toàn thế giới, quy mô thương mại đạt 5.400 tỷ USD, chiếm 28,7%, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) danh nghĩa đạt 26.300 tỷ USD, chiếm 30%. Xét theo GDP danh nghĩa, RCEP có quy mô lớn hơn nhiều so với Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) là 18.000 tỷ USD, Liên minh châu (EU) là 17.600 tỷ USD, trở thành chuỗi kinh tế quy mô lớn nhất thế giới.

 

Kim ngạch xuất khẩu sang các quốc gia thành viên RCEP chiếm khoảng một nửa tổng kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc. Mặc dù Seoul phần lớn đã ký kết FTA với các nước thành viên RCEP, nhưng đây là lần đầu tiên Hàn Quốc ký kết Hiệp định thương mại tự do gián tiếp với Nhật Bản. Ngoài ra, Hàn Quốc cũng có thể được mở cửa thêm thị trường với FTA hiện hành đã ký kết với các nước thành viên khác.

 

Hiệu quả kỳ vọng

Việc RCEP có hiệu lực được kỳ vọng sẽ mở rộng hơn nữa xuất khẩu cho Hàn Quốc, không chỉ dừng lại ở các lĩnh vực chủ lực như ô tô, thép, phụ tùng mà còn mở rộng sang các lĩnh vực khác như game, điện ảnh. Trước tiên, 10 nước ASEAN đã mở cửa thêm thị trường hàng hóa với Hàn Quốc thông qua RCEP. Ở lĩnh vực thương mại hàng hóa, tỷ lệ xóa bỏ hàng rào thuế quan Hàn-ASEAN đạt từ 91,9 đến 94,5% theo từng quốc gia, Hàn Quốc-Nhật Bản là 83%, Hàn Quốc với Trung Quốc, Australia, New Zealand là 91%. Ở lĩnh vực thương mại dịch vụ, RCEP áp dụng nguyên tắc đối xử quốc gia và nguyên tắc đối xử tối huệ quốc, mở cửa thị trường với lĩnh vực nội dung văn hóa và phân phối của ASEAN. Theo đó, dự kiến Seoul sẽ có thể tích cực thúc đẩy xuất khẩu ở lĩnh vực làn sóng văn hóa Hallyu.

Hiệp hội Thương mại quốc tế Hàn Quốc (KITA) nhận định doanh nghiệp trong nước sẽ có thể được hưởng ưu đãi RCEP ở lĩnh vực nhựa, nhựa tổng hợp với Nhật Bản; lĩnh vực thiết bị y tế, thiết bị ghi hình, phụ tùng với Trung Quốc. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng có triển vọng xuất khẩu ở lĩnh vực phụ tùng ô tô, thép sang Việt Nam; nội dung văn hóa và phân phối sang thị trường Indonesia, Thái Lan, Philippines.

Chính phủ Hàn Quốc hiện đang hoàn tất quy trình chuẩn bị như sửa đổi luật, xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin, thiết lập trung tâm hỗ trợ tận dụng ưu đãi, để có thể thực thi hiệp định một cách hiệu quả và thuận lợi.

Lựa chọn của ban biên tập