Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Cú sốc kinh tế từ khủng hoảng Ukraine

2022-02-19

Tin tức

ⓒYONHAP News


Khủng hoảng Ukraine đang khiến kinh tế thế giới rơi vào bất ổn, gây lo ngại nền kinh tế Hàn Quốc cũng có thể bị ảnh hưởng theo. Trong khi đó, dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, giá dầu quốc tế, giá ngũ cốc và nguyên vật liệu đồng loạt tăng vọt, khiến chỉ số giá nhập khẩu trong nước chạm mức cao nhất trong vòng gần 10 năm trở lại đây.


Bất ổn kinh tế thế giới

Tình hình kinh tế thế giới hiện nay đang hết sức bất ổn. Dịch COVID-19 đã làm chuỗi cung ứng toàn cầu bị lung lay, vận tải hàng hóa gặp nhiều trở ngại, chi phí vận tải tăng vọt. Nỗi lo sợ lạm phát đang lan rộng trên phạm vi toàn cầu, Mỹ đang nâng dần lãi suất cơ bản. Trong khi đó, giá dầu thô quốc tế vẫn tiếp tục đà tăng vọt. Giá dầu Dubai bình quân tháng 12 đạt 73,21 USD/thùng, đã tăng lên bình quân 83,47 USD/thùng trong tháng 1, tức tăng 14%. Xu hướng tăng này hiện vẫn đang tiếp diễn. Giới chuyên gia nhận định giá dầu thô Tây Texas sẽ lần đầu tiên vượt ngưỡng 100 USD/thùng kể từ năm 2014. Bên cạnh đó, giá ngũ cốc và nguyên vật liệu cũng tăng đột biến. Theo số liệu về Chỉ số xuất nhập khẩu tháng 1 do Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK) công bố ngày 15/2, giá các mặt hàng khoáng sản đã tăng 9%, giá dầu thô và chế phẩm dầu mỏ tăng 5,9% so với một tháng trước. Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, giá nguyên vật liệu đã tăng 59%, khoáng sản tăng 64%. Cả nguyên vật liệu, hàng hóa trung gian, hàng tiêu dùng đều đang đồng loạt tăng giá, lạm phát diễn ra trên phạm vi rộng. Trước tình hình trên, thị trường tài chính trong nước cũng rơi vào bất ổn, chỉ số chứng khoán dao động mạnh.

    

Tình hình Ukraine

Căng thẳng Nga-Ukraine càng làm gia tăng bất ổn trên phạm vi toàn cầu. Ukraine là nguồn cung ngũ cốc chính, chiếm 15% sản lượng ngũ cốc toàn thế giới, thậm chí còn được gọi là nhà máy sản xuất bánh mì của châu Âu. Trong khi đó, Nga lại là nguồn cung năng lượng chính của châu Âu, các nước thuộc địa già phụ thuộc gần như tuyệt đối vào nguồn cung khí đốt từ Nga. Do vậy bất ổn Ukraine, cộng thêm ảnh hưởng từ thời tiết bất thường, đã kéo giá ngũ cốc như bột mì, ngô tăng vọt. Ngoài ra, giá nhôm cũng đang chạm đỉnh cao nhất trong vòng 14 năm. Chỉ số giá nguyên vật liệu Bloomberg đang ghi nhận mức cao kỷ lục. Trước tình hình trên, thị trường vốn và ngoại hối cũng không tránh khỏi bị tác động. Thị trường chứng khoán các nước lớn như Mỹ và châu Âu, tất nhiên là cả thị trường chứng khoán Hàn Quốc, đang phản ứng hết sức nhạy cảm trước bất cứ sự thay đổi nào dù nhỏ nhất từ Ukraine.


Tác động và đối phó của Seoul

Hàn Quốc nhập khẩu hoàn toàn dầu thô từ nước ngoài. Xuất khẩu đóng vai trò là đầu tàu kéo toàn bộ nền kinh tế Hàn Quốc. Với những đặc điểm như vậy, khi giá nguyên vật liệu tăng, chi phí vận tải tăng, nền kinh tế Hàn Quốc sẽ không tránh khỏi bị tác động. Có phân tích rằng nếu giá dầu quốc tế đạt trên 100USD/thùng thì tỷ lệ tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc sẽ bị giảm đi 0,3%, tỷ lệ lạm phát tăng 1,1%.

Trên thực tế, những tác động này đã bắt đầu xuất hiện. Chỉ số giá nhập khẩu tháng 1 vừa qua đạt mức cao nhất trong vòng hơn 9 năm. Kim ngạch nhập khẩu tăng, khiến cán cân thương mại đã thâm hụt ba tháng liên tiếp.

Chính phủ Hàn Quốc ngày 14/2 đã tổ chức Hội nghị chiến lược an ninh kinh tế đối ngoại lần thứ 4 dưới sự chủ trì của Tổng thống Moon Jae-in, quyết định xúc tiến lập chế tài pháp lý và nguồn quỹ để đối phó với rủi ro chuỗi cung ứng toàn cầu. Bắt đầu từ quý I, Seoul sẽ từng bước lập phương án ổn định cung cầu, hướng dẫn quản lý rủi ro với 200 mặt hàng an ninh kinh tế quan trọng, đồng thời mở rộng về danh mục hàng hóa cần dự trữ, cũng như số ngày dự trữ.

Lựa chọn của ban biên tập