Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Tiên sinh Baekgyeol, bậc thầy của khúc Đàn hạc thời Shilla

2010-09-24

Tiên sinh <b>Baekgyeol</b>, bậc thầy của khúc Đàn hạc thời Shilla
Tiếng cối xay ngũ cốc, âm thanh của mùa bội thu
Mùa thu ở Hàn Quốc là mùa thu hoạch thành quả của những hạt mầm đã gieo từ mùa xuân. Mùa thu là mùa của những âm thanh rộn ràng no đủ với ngũ cốc chất đầy kho. Đó là âm thanh của tiếng cối xay ngũ cốc rất vui tai “tang tư rưng…tang tư rưng…” nối nhau liên tiếp nghiền những hạt ngũ cốc đã bóc vỏ cho thành bột. Âm thanh ấy làm ấm lòng những người nông dân đã đổ mồ hôi trong suốt cả mùa hè nóng bức, nó còn được gắn liền với câu chuyện về một nhân vật nổi tiếng thời kỳ Shilla đã dùng âm thanh để liên tưởng về mối quan hệ giữa con người và nghệ thuật.

Cuộc sống bần hàn và danh nhân âm nhạc
Từ thời vua Nulji đời Wangin thứ 19 thì nhạc khí đã bắt đầu được phổ biến rộng rãi, cho tới thời vua Japi đời thứ 20 thì ở vương quốc Shilla tức vùng Gyeongju bây giờ nơi nào cũng thấy trầm bổng tiếng nhạc. Khi ấy đã xuất hiện một bậc thầy về đàn hạc 6 dây. Tên ông là Park Mun-ryang sinh năm 411, là con trai của trung thần Park Jae-sang người đã đã vượt qua Goguryeo tới Nhật Bản để giải cứu cho em trai vua vốn bị bắt làm con tin còn mình thì bị tống giam cho tới lúc chết. Không biết có phải là vì cuộc sống bi thảm phần cuối đời của người cha bị quân Nhật hành hạ, hay là do chứng kiến cảnh mẹ chờ chồng rồi trở thành goá phụ hay không mà thay vì chọn con đường làm quan ông đã chọn chơi loại đàn 6 dây có tên gọi “Đàn hạc” được lưu truyền từ thời Gogyryeo thế kỷ thứ 4. Ông vẫn thường được gọi là tiên sinh Baekgyeol. Cái tên Baekgyeol xuất phát từ cụm từ “Hyun shun Baek Gyeol” được viết tắt từ câu nói: “Nghèo nên áo mặc rách thành từng mảng”. Ý nói Park Mun-ryang thanh bần tới mức mặc cái áo rách hàng trăm mảnh. Tuy cuộc sống nghèo khó nhưng tiên sinh Baekgyeol đã bước đi trên con đường thanh đạm không một chút nao núng và thổ lộ mọi hỉ nộ ái ố qua tiếng Đàn hạc. Tài chơi Đàn hạc của ông xuất chúng tới mức ma quỷ còn phải thốt tiếng khóc. Trên thực tế, tiếng Đàn hạc của tiên sinh Baekgyeol có chứa đựng âm thanh của tiếng cối xay ngũ cốc, có khả năng an ủi những lo âu phiền muộn.

An ủi cái đói nghèo bằng bài ca cối xay
Trước thời tam quốc người nông dân đã trồng nhiều sản vật ngũ cốc như gạo và các loại kê. Từ xa xưa người dân nơi đây đã có tục làm bánh nếp có tên gọi là bánh Teok dẻo ngon từ bột gạo, sớm nhận thức được điều này thời kỳ tam quốc đã tích cực mở rộng nông canh cùng với chính sách khuyến nông nên càng làm phong phú thêm các loại bánh Teok truyền thống. Đặc biệt vào ngày cuối cùng của năm thì nhà nhà đều xay bột làm bánh Teok để tiễn năm cũ và đón năm mới. Nhưng vì nghèo mà vợ của tiên sinh Baekgyeol đã không dám nghĩ đến chuyện xay bột bánh, bà ứa nước mắt vì tiếng xay bột của nhà hàng xóm. Tiên sinh Baekgyeol nhìn thấy cảnh ấy bèn ứng khẩu ngay một bài hát với nội dung sau:

“Tiếng xay gạo của nhà hàng xóm phía đông/ Tiếng nhào nặn bánh của nhà hàng xóm phía tây/ Tiếng thịch thùng cối xay của những hai bên hàng xóm đông tây/ Người ta chuẩn bị đón tết thật sung túc/ Nhưng thùng gạo nhà ta thì rỗng không/ Rương quần áo nhà ta cũng không còn cái nào/ Chỉ với manh áo rách và bát canh rau/ Younggye thời Xuân Thu vẫn thanh tịnh không màng vật chất/ Hỡi nàng, người vợ nghèo khó ơi, nàng đừng quá lo lắng/ Phú quý âu cũng bởi ông trời nên khó mà mong/ Nhưng dù có lấy cánh tay làm gối ngủ thì đôi vợ chồng Yanghong và Mengqwang(trong truyện cổ Trung Quốc) đã chẳng sống cuộc đời thi vị đó sao.”

Ông vừa hát vừa gảy Đàn hạc, và thật kỳ lạ từ chiếc Đàn hạc đã phát ra những giai điệu hứng khởi giống hệt với âm thanh của cối xay bột. Nghe âm thanh ấy, vợ của tiên sinh Baekgyeol thấy hào hứng và bắt đầu nhảy múa trong sân. Đàn bà con gái quanh xóm cũng cùng nhảy múa hoà vào giai điệu đàn do tiên sinh Baekgyeol gảy, khiến cho cả một vùng Shilla tràn ngập những âm thanh vui nhộn. Sau đó giai điệu vui nhộn ấy của tiên sinh Baekgyeol được phổ biến rộng rãi. Những gia đình thường dân nghèo khó lo lắng không được xay bột gạo mới làm bánh Teok thì vẫn được an ủi bởi tiếng xay gạo phát ra từ cây Đàn hạc nên người ta gọi thứ nhạc này là “Nhạc cối xay” hay “Bài ca cối xay>.

Nghĩ về âm nhạc
Dĩ nhiên âm nhạc không chỉ là thứ đặc biệt duy nhất để an ủi con người nhưng nó có vai trò không nhỏ. Trong cuộc sống của chúng ta luôn cùng tồn những nơi bằng phẳng và con đường khúc khuỷu, cánh đồng hoa và ruộng dây gai. Rất nhiều người đã được an ủi khi thưởng thức những nốt nhạc thấm sâu vào lồng ngực và thêm giai điệu ấy vào bản nhạc của cuộc đời. Nhưng dùng âm nhạc để thay đổi nhận thức trong sự chuyển biến từ cuộc sống bần hàn về vật chất sang phong phú về tinh thần, để chỉ cho ta thấy hạnh phúc của con ngưòi không chỉ có vật chất là việc không hề dễ. Vậy tại sao người dân Shilla đã đặt hiệu cho tiên sinh Baekgyeol là “Thánh nhạc của Đàn hạc” và yêu thứ âm nhạc của ông lâu đến thế. Sẽ không khó hiểu nếu biết rằng ông là người đã nắm bắt và thấu hiểu được tâm hồn của người dân Shilla sinh sống trên đất này từ 1000 năm trước.

Lựa chọn của ban biên tập