Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lối sống

Chính sách hỗ trợ cho phụ nữ nhập cư theo diện kết hôn của và những điều lưu ý khi đặt mua vé xem phim

2011-06-12

1. Chính sách hỗ trợ cho phụ nữ nhập cư theo diện kết hôn của chính phủ Hàn Quốc

Câu hỏi 1Tôi kết hôn với người Hàn và đã sang Hàn Quốc đã được 2 năm. Hiện tôi đã có con nhỏ 2 tuổi. Chồng tôi chỉ là lao động chân tay, nhà lại neo đơn không có người giúp đỡ nên cuộc sống rất khó khăn. Con tôi thì còn nhỏ mà bản thân lại không rành tiếng Hàn, chẳng có ai quen biết nên rất khó tìm việc. Hiện nay, tôi được biết gia đình tôi cũng được hưởng chính sách hỗ trợ của nhà nước nhưng có bao nhiêu tiền hỗ trợ, mẹ chồng đều giữ hết và không cho tôi được nhận 1 đồng tiền nào, nói rằng tôi là người nước ngoài nên không thể được nhận. Tôi rất lo, không biết tương lai thế nào bởi vì xảy ra chuyện gì chồng tôi cũng đứng về phía mẹ chồng. Bởi vậy, tôi rất mong chương trình tìm hiểu giúp tôi xem liệu có những chính sách hỗ trợ cho những hoàn cảnh như tôi không, nếu giả sử xảy ra trường hợp tôi và chồng ly dị, khi đó liệu tôi có được pháp luật bảo vệ hay được hưởng chế độ nào không?
Trả lời 1
Cùng với số lượng tăng lên của các cuộc kết hôn giữa người Hàn Quốc và người Việt Nam thì cuộc sống của các cô dâu Việt Nam cũng trở thành 1 vấn đề mà cả 2 nước đều quan tâm. Chính vì vậy, trong những năm gần đây, chính phủ Hàn Quốc đã ban hành 1 số chính sách để đảm bảo quyền lợi cho những phụ nữ nhập cư theo diện kết hôn trong đó có phụ nữ Việt Nam. Và một trong những chính sách đó là chương trình Bảo đảm đời sống sinh hoạt cơ bản quốc dân (tên tiếng Hàn là 국민기초생활보장). Đây là chế độ mà chính phủ Hàn Quốc cấp cho những người có đời sống sinh họat khó khăn bao gồm phí sinh họat, phí cư trú, phí giáo dục, phí dịch vụ y tế thấp.

Vậy thì ai là người có thể nhận được ưu đãi này? Đó là những phụ nữ nhập cư qua hôn nhân có quốc tịch Hàn Quốc hoặc không có quốc tịch Hàn Quốc nhưng có thẻ đăng ký người nước ngòai. Những trường hợp cho dù có ở cùng gia đình chồng hoặc có con cái nhưng bản thân gia đình chồng hoặc con cái cũng không có năng lực giúp đỡ về mặt kinh tế thì cũng thuộc diện đối tượng của chính sách này.

Những phụ nữ nhập cư thông qua hôn nhân nhưng không có quốc tịch và cũng không đăng ký thẻ người nước ngoài thì theo nguyên tắc, bản thân họ không phải là đối tượng của chế độ bảo đảm sinh họat cơ bản quốc dân. Nhưng những người trong gia đình phù hợp với điều kiện của đối tượng thì những người trong gia đình sẽ là đối tượng được nhận ưu đãi trừ bản thân. Có nghĩa là trong trường hợp này sẽ chỉ có chồng va mẹ bạn được nhận hỗ trợ mà thôi.

Khi muốn nhận ưu đãi của chính sách này thì người dân phải chứng mình được số tiền thu nhập của gia đình (tính thu nhập cộng tất cả tài sản và thu nhập của chồng và bản thân) phải ít hơn phí sinh hoạt tối thiểu. Phí sinh họat tối thiểu được hiểu là chi phí sinh họat thấp nhất để đảm bảo sinh họat văn hóa và sức khỏe của người dân Hàn Quốc.

Tiêu chí xác định chi phí sinh hoạt tối thiểu từ năm 2007 được xác định như sau: Nếu là hộ gia đình 1 người thì chi phí sinh hoạt tối thiểu là 435,921 won (tương đương 360 USD), nếu là hộ 2 người 734,412 won (tương đương 612 USD), hộ 3 người là 972,866 won (tương đương 810 USD), hộ 4 người là 1,205,535 won (tương đương 1000 USD), hộ 5 người 1,405,412 won (tương đương 1171 USD), hộ 6 người là 1,609,630 won (tương đương 1341 USD). Như vậy, bạn cứ căn cứ vào đây, thấy tổng thu nhập của mình thấp hơn số tiền nói trên thì bạn hoàn toàn có quyền yêu cầu nhận tiền bảo đảm sinh hoạt tối thiểu.

Khi đã thuộc đối tượng của chính sách thì bạn sẽ hưởng được những ưu đãi như sau:
Được hưởng trợ cấp sinh kế, tức là được hỗ trợ chi phí cần thiết cho đời sống sinh hoạt hàng ngày bao gồm tiền thức ăn, chi phí nhiên liệu .v.v.
Được hưởng trợ cấp cư trú hay nói cách khác là chi phí thuê và sửa nhà.
Được hưởng trợ cấp giáo dục tương đương tiền nhập học, học phí, đồ dùng học tập, sách vở cho con cái đang học từ cấp 3 trở xuống.

Ngoài ra, phụ nữ thuộc đối tượng của chính sách này cũng sẽ được trợ cấp trong trường hợp mang thai, sinh đẻ và có thể sử dụng các dịch vụ của các cơ quan y tế với chi phí ít hơn, nhất là khi mắc các bệnh nan y, bệnh ung thư, bị ảnh hưởng về sức khỏe tinh thần hoặc thậm chí cả việc tiêm chủng dự phòng. Bên cạnh đó, 1 vấn đề mà hầu hết mọi người đều quan tâm, đó là thuộc đối tượng được bảo đảm đời sống sinh họat cơ bản quốc dân thì có thể nhận được bao nhiêu tiền. Về điều này, trước tiên, xin được nói rằng số tiền trợ cấp tùy thuộc vào số thành viên gia đình và thu nhập gia đình.

Ví dụ, nếu gia đình có 2 người gồm bản thân và chồng, và hòan tòan không có thu nhập gì thì hàng tháng nhận được tiền hỗ trợ khoảng 630 nghìn won (tương đương 525 USD). Gia đình cũng 2 người nhưng có thu nhập hàng tháng vào khoảng 100 nghìn won (tương đương 80 USD) thì số tiền hỗ trợ nhận hàng tháng có thể thấp hơn 1 chút, là 530 nghìn won (tương đương 441 USD). Trường hợp của gia đình có 3 người gồm bản thân, chồng và 1 con nhưng hòan tòan không có thu nhập thì hàng tháng được hỗ trợ 830 nghìn won (690 USD). Nếu gửi con đi nhà trẻ thì sẽ được hỗ trợ toàn bộ chi phí.

Về phương pháp đăng ký, thì khi cảm thấy mình thuộc đối tượng của chính sách, bạn có thể Ủy ban nhân dân của phường, xã nơi mình cư trú và nộp đơn xin hỗ trợ bảo đảm sinh hoạt tối thiểu. Sau đó, nhân viên của Ủy ban nhân dân phường, xã sẽ thực hiện điều tra để xem bạn có thuộc đúng đối tượng của chính sách không, rồi sẽ thông báo trực tiếp cho bạn trong vòng từ 14 đến 30 ngày kể từ ngày đăng ký.

Nếu bạn có điều gì băn khoăn, chưa hiểu về chính sách này thì đừng ngại gọi điện xin tư vấn với nhân viên đảm nhận về phúc lợi xã hội ở địa phương nơi mình cư trú hoặc có thể gọi điện đến Trung tâm tư vấn điện thoại (Call center) của Bộ y tế theo số 129 (không cần mã vùng nếu gọi bằng điện thoại bàn). Thời gian tư vấn bình thường trong giờ làm việc (từ 9giờ ~ 18giờ), còn trong trường hợp khẩn cấp thì trung tâm tư vấn có thể hoạt động 24/24 giờ.

Bạn cũng có thể tham khảo trang web của Trung tâm này ở địa chỉ www.129.go.kr. Tuy nhiên, xin nói thêm, chính sách hỗ trợ như trên không kèm dịch vụ hỗ trợ phiên dịch. Vì vậy, trong trường hợp của bạn, chúng tối khuyên bạn nên tìm người nào đó biết tiếng Hàn đi cùng mình để giúp mình hoàn thành các thủ tục đăng ký. Nếu tiếng Hàn không giỏi thì phải nhận sự giúp đỡ của người giỏi tiếng Hàn.

2. Những điều lưu ý khi đặt mua vé xem phim ở Hàn Quốc

Câu hỏi 2Mình định cuối tuần này đi xem phim cùng với mấy người bạn, nhưng muốn đặt vé xem phim từ ngay bây giờ luôn. Vì vậy, mình muốn nhờ chương trình hướng dẫn cho mình các đặt vé và những chú ý khi đi vào các rạp chiếu phim ở Hàn Quốc. Xin cảm ơn chương trình.

Trả lời 2
Việc đặt trước vé ở các rạp chiếu phim của Hàn Quốc (tiếng Hàn là 영화관) cũng khá đơn giản. Đầu tiên, dĩ nhiên là bạn phải xác định địa điểm mình muốn xem phim rồi. Nói chung thì ở khu vực nào của Hàn Quốc cũng có rạp chiếu phim với nhiều cái tên như Lotte cinema, CGV hay Megabox nên việc tìm 1 rạp chiếu phim cũng không khó lắm đâu. Bạn có thể vào các trang web của Hàn Quốc như Daum hay Naver để tìm kiếm tên rạp chiếu phim gần nơi ở của mình nhất.

Sau khi đã xác định được rạp chiếu phim muốn đến rồi thì bạn có thể đến đó hỏi trực tiếp nhân viên phụ trách về lịch chiếu phim rồi mua vé luôn. Còn nếu muốn đặt trước thì cũng rất đơn giản, bạn vào trang web rạp chiếu phim, chọn tên phim rồi chọn rạp chiếu phim mình muốn xem. Tiếp đó, bạn chọn ngày tháng mình sẽ đến xem, thời gian chiếu phim và số lượng vé muốn đặt là bao nhiêu.

Tiếp nữa là chọn ghế mình sẽ ngồi. Bảng biểu thị ghế ngồi sẽ có dạng như 1 bàn phím, trên đó sẽ biểu thị ghế nào còn trống, ghế nào đã có người đặt trước. Khi đó bạn chỉ cần click vào ghế còn trống là được. Toàn bộ quy trình đặt vé đơn giản như vậy nhưng bạn cũng nên đặt sớm nhất là với các bộ phim hot, do số lượng người sử dụng dịch vụ đặt trước này rất nhiều.

Sau khi đã đặt vé, trả tiền xong, việc còn lại là cùng bạn bè mình đi xem phim vào thời gian đã hẹn. Khi vào rạp chiếu phim bạn có thể mang theo đồ ăn vặt như bỏng ngô, đồ uống, tìm đúng vị trí chỗ ngồi của mình và xem phim thôi. Nhưng nhớ 1 điều, trong rạp chiếu phim các bạn không được có những hành động làm ồn, gây ảnh hưởng đến xung quanh hay gác chân lên ghế ngồi phía trước. Bạn cũng nên tắt điện thoại di động hoặc để chế độ rung để không gây ra tiếng động đột ngột trong rạp chiếu phim.

Lựa chọn của ban biên tập