Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lối sống

Ý nghĩa của những hình vẽ được in trên đồng tiền won của Hàn Quốc/ Biện pháp cần làm khi bị mất hộ chiếu tại Hàn Quốc

2011-07-31

1. Ý nghĩa của những hình vẽ được in trên đồng tiền won của Hàn Quốc

Câu hỏi 1Mình đã theo dõi chương trình khá nhiều lần và cảm thấy rất thích vì qua đây được hiểu biết thêm nhiều về văn hóa Hàn Quốc. Tuy nhiên, mình có 1 thắc mắc nhỏ, theo như mình biết, mục đích chương trình là giải đáp những băn khoăn, thắc mắc về cuộc sống sinh hoạt tại Hàn Quốc. Vậy nếu mình muốn tìm hiểu sâu hơn về văn hóa Hàn Quốc thì có được không? Ví dụ, mình rất thích tìm hiểu về các nhân vật lịch sử, các đặc trưng văn hóa của Hàn Quốc…thì có thể gửi email về chương trình để hỏi những điều đó không? Nếu được thì nhân tiện đây, mong chương trình có thể giới thiệu về ý nghĩa của những hình vẽ được in trên đồng tiền won của Hàn Quốc. Mình nghĩ đồng tiền chính là biểu tượng của 1 quốc gia nên những hình in trên đó chắc chắn có ý nghĩa rất đặc biệt và mình rất mong được giải đáp…Xin cảm ơn chương trình.
Trả lời 1
Ở Hàn Quốc người ta sử dụng phổ biến cả tiền giấy và tiền xu. Có 5 loại mệnh giá đồng xu là đồng 10 won, 50 won, 100 won và 500 won với kích cỡ khác nhau và 4 loại mệnh giá tiền giấy gồm tờ 1000 won, 5000 won, 10.000 won và 50.000 won.

Như vậy, đồng 10 won là đồng tiền mệnh giá nhỏ nhất và thường không sử dụng nhiều trên thị trường, thậm chí cũng không sử dụng được để nạp thẻ xe bus hay mua hàng trên máy bán hàng tự động. Tuy nhiên, đồng tiền này vẫn rất có ích trong 1 số trường hợp nhất là khi bạn mua những mặt hàng mà giá thành hơi lẻ 1 chút. Đồng 50.000 won là đồng tiền mệnh giá cao nhất và bắt đầu được đưa vào lưu thông trên thị trường từ 2 năm trước, tuy nhiên do trị giá cao nên nó cũng không được sử dụng phổ biến trong mua bán hàng ngày. Hiện nay tỷ giá hối đoái ở Hàn Quốc đang dao động ở mức 1050 – 1100 won/USD, từ đó bạn có thể tính ra giá trị những đồng tiền trên tương đương bao nhiêu USD.

Những hình vẽ trên đồng tiền Hàn Quốc đều liên quan đến 1 biểu tượng văn hóa của nơi đây. Trên đồng 10 won, bạn có thể nhìn thấy hình tháp Dabo (Đại bảo - 다보탑) – tòa tháp tiêu biểu của ngôi chùa nổi tiếng Phật Quốc tự (Bulguk-sa) thuộc thành phố Gyeongju. Chắc nhiều người trong số các bạn đã từng nghe nói đến ngôi chùa Phật Quốc này rồi phải không? Ngôi chùa nằm ở tỉnh Bắc Gyeongsang này được biết tới là 1 biểu tượng tôn giáo, văn hóa của Hàn Quốc và đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Nơi đây đang lưu giữ 7 quốc bảo của Hàn Quốc trong đó có tháp đá Dabo nói trên cùng với tháp Seokga (Thích Ca), cầu Cheongun (Cầu mây xanh) và tượng Phật bằng đồng dát vàng.

Nếu đồng 10 won được khắc hình ảnh một di tích văn hóa-lịch sử thì trên đồng 50 won lại là hình ảnh bông lúa – biểu tượng của nền nông nghiệp lúa nước. Mặc dù ngày nay đã trở thành 1 quốc gia công nghiệp phát triển, nhưng người dân Hàn Quốc chưa bao giờ quên truyền thống nông nghiệp của đất nước mình và cho đến bây giờ, cây lúa vẫn đóng vai trò rất quan trọng với đời sống người dân nơi đây.

Tiếp theo đồng 50 won, đồng 100 won được in hình tướng quân Yi Sun-shin (Lý Thuấn Thần) – một danh tướng vĩ đại trong lịch sử Hàn Quốc, người đã chế tạo ra tàu Con Rùa (거북선) bọc thép đầu tiên trên thế giới để chống lại quân Nhật. Với công lao chống ngoại xâm và tài năng về quân sự như vậy, ông đã được dựng tượng ở nhiều nơi trong đó có bức tượng đồng nổi tiếng đặt tại quảng trường Gwanghwamun.

Đồng tiền xu có mệnh giá lớn nhất 500 won được in hình chim hạc. Đây là 1 biểu tượng quen thuộc với nhiều quốc gia phương Đông, còn đối với Hàn Quốc, con chim hạc trên đồng xu 500 won này tượng trưng cho sự phát triển và trường tồn mãi mãi. Nếu trong các loại tiền xu của Hàn Quốc, chỉ có duy nhất đồng tiền mệnh giá 100 won có in hình người thì đối với tiền giấy, các hình vẽ trên đó đều là hình các nhân vật nổi tiếng trong lịch sử đất nước này. Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu tiếp về các nhân vật đó nhé.

Đồng tiền giấy mệnh giá nhỏ nhất là 1000 won được in hình nhà triết học Nho giáo và là người thầy giáo vĩ đại nhất thời Joseon - Yi Hwang (1501-1570). Ông có hiệu là Toe-gye (Thôi Khê) có nghĩa là “lui về trên núi” bởi dẫu mang trong mình tài năng lỗi lạc và được triều đình hết mực trọng vọng nhưng ông không màng đến danh lợi chốn quan trường mà chỉ mong được lui về ẩn cư, dạy học nơi quê hương.

Dường như để chứng minh cho truyền thống học thuật từ ngàn đời xưa nên ngoài đồng 1000 won, trên đồng tiền mệnh giá 5000 won của Hàn Quốc cũng được khắc hình của 1 học giả Nho giáo nổi tiếng khác thời Joseon là Yi Yi hiệu Yulgok (Lật cốc). Còn hình vẽ trên đồng 10.000 won là chân dung đức vua Sejong (Thế Tông Đại đế) – vị vua thứ 4 của triều Joseon, người sáng lập ra chữ Hangeul. Ông là vị vua được kính trọng nhất trong lịch sử Hàn Quốc và cũng đã được đúc tượng, đặt ở quảng trường Gwanghwamun cùng với tướng quân Yi Sun-shin.

Một điều thú vị là nếu học giả Yi Yi Yulgok được in hình lên đồng 5000 won thì mẹ của ông, bà Shin Saimdang (신사임당) lại được chọn in hình lên đồng tiền mệnh giá cao nhất 50.000 won. Bà nổi tiếng trong lịch sử với nhiều tư cách, vừa là 1 nữ nghệ sĩ tiêu biểu của giai đoạn trung kỳ thời Joseon vừa là 1 người mẹ với nhân cách tuyệt vời đã đào tạo nên 1 học giả thiên tài.

Chính bởi những phẩm chất đó nên bà còn được biết đến với biệt danh “Bà mẹ thông thái” và là hình mẫu lý tưởng “mẹ hiền dâu thảo” (현모양처) của người phụ nữ Hàn Quốc. Việc đưa hình ảnh 1 phụ nữ như vậy lên đồng tiền mệnh giá cao nhất đã truyền đi 1 thông điệp của chính phủ Hàn Quốc cổ vũ bình đẳng giới và sự tham gia của phụ nữ vào hoạt động xã hội.

2. Biện pháp cần làm khi bị mất hộ chiếu ở Hàn Quốc

Câu hỏi 2Chào các anh (chị), em có 1 việc rất khẩn muốn hỏi các anh (chị)…Cách đây 2 ngày em và 1 người bạn đi du lịch đến thành phố Busan, và em đã đánh mất hộ chiếu ở đó, đến bây giờ vẫn chưa tìm lại được. Em rất lo lắng, bởi em chỉ còn ở lại Hàn Quốc 1 thời gian ngắn nữa thôi. Mong anh (chị) trả lời giúp em phải làm gì bây giờ? Em xin cám ơn.

Trả lời 2
Hộ chiếu là giấy tờ tùy thân rất quan trọng nên nếu đã lỡ đánh mất như vậy thì bạn nên nhanh chóng làm thủ tục để xin cấp lại. Việc trước tiên bạn cần làm bây giờ là đến 1 Sở cảnh sát gần nơi mình sống nhất và trình báo về việc mất hộ chiếu để được nhận Giấy chứng nhận bị mất hộ chiếu (여권 분실 신고 확인서).

Tiếp đó, bạn phải đến Sở quản lý xuất nhập cảnh để nhận Giấy chứng nhận xuất nhập cảnh cá nhân (출입국사실 확인서) và cuối cùng là đến Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc để xin cấp lại hộ chiếu. Đại sứ quán Việt Nam nằm ở phường Samchong, quận Chongno, bạn có thể đi đến đó bằng xe bus nội thành từ của số 2 của ga Ankuk.

Thủ tục để xin cấp lại hộ chiếu ở Đại sứ quán gồm:
- Tờ khai đề nghị cấp lại hộ chiếu (여권재발급신청서)
- Những giấy tờ cơ bản khác có chứa thông tin cá nhân
- 2 ảnh hộ chiếu
- Chứng minh thư ở Việt Nam của đối tượng xin cấp
- Tiền lệ phí (thường là 180 nghìn won, tương đương khoảng 160 USD).

Trong trường hợp nếu bạn đang chuẩn bị rời Hàn Quốc và muốn lấy hộ chiếu trong thời gian ngắn thì bạn có thể nộp thêm 60.000 won (tương đương 55 USD) để được cấp hộ chiếu nhanh. Ảnh để nộp làm hộ chiếu phải là ảnh mầu, chụp chưa quá một năm, cỡ 4x6 cm và được chụp trên phông nền mầu sáng chứ không phải phông nền mầu sẫm như lâu nay thường dùng. Thêm nữa, tư thế chụp ảnh phải là đầu để trần, chụp chính diện, rõ mặt, rõ vành tai; không đeo kính, trang phục nghiêm túc, lịch sự. Thời gian để nhận lại hộ chiếu còn tùy vào từng trường hợp nhưng thường là khoảng 2 tuần cho đến 1 tháng.

Lựa chọn của ban biên tập