Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lối sống

Thủ tục nhập quốc tịch Hàn Quốc sau khi ly hôn/ Những món quà người Hàn Quốc hay tặng nhau những dịp đặc biệt

2011-08-07

1. Thủ tục nhập quốc tịch Hàn Quốc sau khi ly hôn

Câu hỏi 1Tôi kết hôn với người Hàn Quốc đã được gần 2 năm rồi và đang chuẩn bị xin nhập quốc tịch. Nhưng gần đây, công việc làm ăn của chồng tôi gặp nhiều khó khăn dẫn đến tính tình thay đổi thất thường, thậm chí còn thường xuyên đánh đập chửi mắng tôi vô cớ. Do không thể chịu nổi thêm nữa nên tôi đã làm đơn xin ly dị. Có điều tôi băn khoăn không biết trong trường hợp này liệu tôi còn được giải quyết thủ tục gia nhập quốc tịch hay không? Xin nhờ chương trình giúp tôi thông tin về vấn đề này.
Trả lời 1
Về cơ bản thì phụ nữ nhập cư qua hôn nhân chỉ cần cư trú liên tục ở Hàn Quốc từ 1 đến 2 năm (tùy vào thời gian kết hôn) đều có thể xin nhập quốc tịch. Thủ tục nhập quốc tịch cụ thể như thế nào thì chương trình Hỏi đáp cuối tuần đã từng đề cập đến rồi, mời bạn tham khảo thêm trên trang web của chúng tôi.

Tuy vậy, trong trường hợp của bạn, ngoài những giấy tờ cơ bản đã nhắc tới, sẽ cần thêm 1 số giấy tờ bổ sung nữa mà đầu tiên là bản tường trình nêu rõ lý do hôn nhân tan vỡ. Tiếp đó, bạn phải chứng minh được rằng hôn nhân tan vỡ là do lỗi của người chồng chứ không phải do lỗi chủ quan của bạn.

Để chứng minh điều này, bạn chỉ cần có 1 trong những giấy tờ sau:
- Giấy phán quyết ly hôn của Tòa án (판결문) trong đó nêu rõ lỗi dẫn đến ly hôn là của người chồng hoặc Giấy phán quyết hình sự (형사판결문)
- Giấy xác nhận của cơ quan thanh tra về việc người chồng đã có hành vi bạo hành đối với vợ mình (결정문).
- Giấy khám sức khỏe chứng nhận có vết thương trên người bạn do người chồng gây ra (진단서).
- Giấy xác nhận người chồng bị phá sản (파산결정문).
- Giấy tường trình nếu người chồng bỏ trốn hoặc nơi cư trú không rõ ràng và không liên lạc với gia đình (가출 신고서).
- Giấy xác nhận của 1 người họ hàng của người chồng (phải là họ hàng trong 4 đời trở lại) giải thích chi tiết về lý do hôn nhân tan vỡ và dĩ nhiên trong đó xác minh phần lớn lỗi là thuộc về người chồng.
- Giấy xác nhận tương tự như trên của người đứng đầu khu vực cư trú nơi mà bạn và chồng bạn đã sống đến thời điểm ly hôn.

Ngoài ra, nếu bạn đã có con rồi và muốn được nuôi con thì bạn cũng cần phải chuẩn bị thêm 1 số giấy tờ khác gồm:
- Giấy đăng ký hộ khẩu của đứa con
- Giấy tờ chứng minh bạn đang nuôi con hoặc buộc phải nuôi con (như Giấy phán quyết của Tòa án, Giấy đăng ký và xác nhận ly hôn cùng những giấy tờ khác như vừa nói ở trên).

Lưu ý ở đây, mọi giấy tờ phải do tự tay bạn viết và mang đến nơi phụ trách giải quyết vấn đề nhập quốc tịch để nộp. Thêm nữa, điều này chắc không rơi vào trường hợp của bạn nhưng chúng tôi vẫn nêu lên đây để nếu ai ở trong trường hợp này có thể biết phải làm thế nào. Đó là, đối với trường hợp người cư trú bất hợp pháp thì ngoài tất cả giấy tờ nói trên, đương sự còn phải chuẩn bị cả Giấy tường trình của bản thân về lý do cư trú bất hợp pháp (진술서) nữa.

2. Những món quà người Hàn Quốc hay tặng nhau những dịp đặc biệt

Câu hỏi 2Chào chương trình, em là 1 fan hâm mộ của các bộ phim truyền hình Hàn Quốc. Em đã theo dõi rất nhiều phim và cảm thấy văn hóa Hàn Quốc thật vô cùng thú vị. Gần đây, khi xem phim “Những nàng công chúa nổi tiếng”, em còn thấy người ta còn tặng giấy vệ sinh làm quà mừng 1 đôi vợ chồng mới cưới. Đây là điều em cảm thấy rất lạ và rất muốn biết lý do tại sao người ta lại tặng quà cho nhau như thế? Bởi vậy, mong chương trình sẽ giải thích giúp em điều thắc mắc đó, đồng thời giới thiệu thêm 1 chút về phong tục tặng quà của người Hàn Quốc cùng ý nghĩa của những món quà đó. Em xin cảm ơn chương trình.

Trả lời 2
Trước tiên, dịp đặc biệt ở đây có thể kể ra là lúc thi cử, khi đám cưới hay chuyển nhà.
Khi đến mừng tân gia của ai đó, thứ mà người Hàn Quốc hay mang đi là xà phòng, bột giặt hay giấy vệ sinh. Sở dĩ người ta tặng nhau món quà này vì xà phòng, bột giặt thì cho nhiều bọt nổi lên tương ứng với ý nghĩa chủ nhà sẽ sống hạnh phúc và kiếm nhiều tiền như bọt xà phòng vậy. Còn giấy vệ sinh thì như bạn đã biết, rất dễ tháo ra cuộn vào, bởi vậy tặng nhau giấy vệ sinh là hàm ý dù có bất kỳ trở ngại nào cũng sẽ giải quyết được dễ dàng như việc tháo ra cuộn vào cuộn giấy vệ sinh. Và với ý nghĩa này, người ta cũng dùng giấy vệ sinh để tặng cho đôi vợ chồng mới cưới để chúc họ sẽ mãi mãi hạnh phúc, vượt qua mọi trở ngại khó khăn trong cuộc sống.

Thật là 1 phong tục thú vị phải không? Điều này có thể sẽ khiến 1 số người Việt Nam cảm thấy ngạc nhiên bởi với người Việt, những thứ trên không thể gọi là quà mừng lịch sự được. Nhưng giờ đây, sau khi đã biết ý nghĩa của chúng, có lẽ các bạn sẽ không còn thấy lạ nữa, phải không? Hơn thế, đây cũng là những món quà rất thiết thực mà gia đình nào cũng cần và còn sử dụng được lâu nữa chứ.

Tất nhiên, điều đó không có nghĩa là khi tham dự đám cưới, bạn cứ phải mang theo cuộn giấy vệ sinh cồng kềnh, bởi vì ngoài món quà đặc biệt này thì người ta cũng còn tặng nhau tiền giống như phong tục Việt Nam. Tiền mừng đám cưới trong tiếng Hàn được gọi là Chukuigeum (축의금). Nếu muốn, bạn có thể mua phong bì Chukuigeum ở bất kỳ cửa hàng tiện ích nào để bỏ tiền mừng vào trong đó. Tiền mừng thì tùy từng người nhưng thường 1 người mừng từ 30.000 đến 100.000 won (tương đương 20~80 USD) là phù hợp.

Kết hôn và đến nhà mới thì mừng như thế, vậy còn quà tặng khi thi cử thì sao nhỉ? Đối với người Việt, khi đi thi, người ta thường tránh những thứ hàm ý sự xui xẻo, thi trượt như chuối, lạc .v.v. và hay ăn những loại như đậu, để lấy may, thì người Hàn cũng có thói quen tương tự. Những thứ mà người Hàn Quốc thường thích được tặng trong lúc thi cử gồm có Yeot (엿) – 1 loại kẹo truyền thống của Hàn Quốc, dĩa, gương và bánh Tteok.

Không biết các bạn đã ăn thử yeot chưa nhỉ? Thứ kẹo truyền thống làm từ ngũ cốc này không chỉ thơm ngon mà còn dẻo, khi ăn khá dính miệng, mà lỡ để dính miệng rồi thì gỡ ra cũng khó. Lấy yeot làm quà tặng, người tặng hàm ý mong người đi thi sẽ “dính” hay hiểu theo nghĩa tiếng Việt là “đậu” trong kỳ thi. Từ đây chắc các bạn cũng đã hiểu cả lý do người ta chọn bánh Tteok – bánh gạo truyền thống của Hàn Quốc làm quà tặng rồi phải không? Bởi thứ quà này cũng tương đối dẻo và dính miệng khi ăn mà.

Còn 1 thứ nữa cũng khá đặc biệt, đó là dĩa, thứ người ta hay dùng để xiên, lấy thức ăn à? Đi thi sĩ tử cũng phải giải quyết từng vấn đề trong bài thi giống như xiên, gắp từng món thức ăn đấy. Cho nên tặng dĩa là với ý nghĩa mong đối phương “xiên đúng, gắp trúng” hay nói cách khác là “giải quyết” đúng bài. Một số trường hợp dùng gương làm quà tặng.

Chữ “gương” trong tiếng Hàn là “거울” và kết hợp với động từ “보다” thành “soi gương” (거울을 보다), trong khi đó chữ “thi” tiếng Hàn là “시험” và khi dùng ở dạng động từ cũng sẽ phải kết hợp với từ “보다” để trở thành “đi thi/làm bài thi”. Có lẽ bởi sự đồng âm khác nghĩa đó mà người ta mới sử dụng gương làm quà tặng.

Các bạn có thấy điều này cũng tương tự với như khi người Việt mình ăn xôi đỗ trước lúc thi bởi chữ “đỗ” đồng âm với từ “thi đỗ/ thi đậu” không? Quả thực, Quỳnh Chi thấy người Việt Nam và người Hàn Quốc có khá nhiều điểm tương đồng trong cách nghĩ, cách thức ứng xử đấy chứ.

Còn 1 món quà nữa mà người ta hay tặng nhau khi đi thi, chính là giấy ăn hoặc giấy vệ sinh với nghĩa tương tự như khi tặng làm quà mừng trong đám cưới, mừng nhà mới đấy. Như vậy, có thể nói giấy vệ sinh là 1 món quà tặng khá phổ biến ở Hàn Quốc, và đây có lẽ là điểm khác biệt trong văn hóa quà tặng của người Hàn Quốc so với người Việt Nam. Tuy nhiên, theo Hạnh Nguyễn thì phong tục tặng quà này là 1 nét đẹp văn hóa rất đáng ca ngợi của người Hàn Quốc bởi nó thể hiện tinh thần tiết kiệm, thực tế nhưng cũng hết sức tình cảm của người Hàn.

Lựa chọn của ban biên tập