Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lối sống

Tìm hiểu về Tết trung thu của người Hàn Quốc

2011-09-04

Câu hỏi Em vừa mới sang Hàn Quốc cách đây vài tuần và được 1 gia đình người Hàn mời đến nhà nhân dịp Tết trung thu. Trước đó, em đã nghe nói Tết trung thu rất quan trọng với người Hàn nhưng chưa có dịp nào được tìm hiểu kỹ. Bởi vậy, nhân lần này, em muốn thông qua chương trình để được biết thêm 1 số thông tin về ngày tết này, cụ thể là ý nghĩa của nó trong đời sống người Hàn và những phong tục tập quán, những hoạt động chủ yếu diễn ra trong ngày này. Ngoài ra, khi đến nhà người Hàn Quốc trong dịp tết này thì nên mang theo quà gì? Em xin cảm ơn.
Trả lời
Rằm trung thu hay tiếng Hàn gọi là Chuseok (추석, nghĩa là “Đêm mùa thu”) là một trong 2 ngày lễ truyền thống lớn nhất trong năm của Hàn Quốc cùng với Seol (Tết Nguyên đán). Trước kia, Chuseok là lễ hội trước mùa thu, mùa thu hoạch lúa gạo, các nông sản khác nên còn có ý nghĩa khác là lễ hội thu hoạch. Về sau, Chuseok còn mang nhiều ý nghĩa hơn, nó không chỉ là lễ hội thu hoạch mà còn là dịp tưởng nhớ những người đã khuất, là ngày sum họp đoàn tụ của gia đình, là dịp cho những người dân Hàn Quốc đang sinh sống, học tập, công tác và làm việc ở nước ngoài về thăm quê hương, gia đình và họ hàng.

Với ý nghĩa này, người phương Tây thường ví Trung thu của người Hàn Quốc giống như lễ Tạ Ơn (Thanksgiving) của họ. Nói tóm lại, Chuseok là ngày lễ tạ ơn của người Hàn, tạ ơn với tổ tiên của mình, và cầu mong cho mùa màng bội thu hơn, cuộc sống ấm no, đầy đủ hơn. Ngoài tên chính ra Chuseok, ngày này còn có rất nhiều tên khác như: 한가위 (Hangawi), 가위 (Gawi), 중추절 (Chungjucheol-Tiết trung thu), 가배 (Gabae) ...

Trong những cái tên đó thì Hangawi là từ được sử dụng tương đối phổ biến. Cái tên này là từ ghép giữa 2 từ “han” có nghĩa là “lớn” và “gawi” có nghĩa là “trung tâm”, do nó diễn ra vào ngày 15/8 âm lịch, thời điểm chính giữa mùa thu hoạch. Cũng bởi ý nghĩa là 1 dịp trọng đại tụ họp gia đình thân thuộc, nên dịp Tết trung thu năm nào, các nẻo đường từ thành phố về nông thôn của Hàn Quốc cũng thường bị tắc đường khủng khiếp bởi số lượng lớn người dân thành phố về quê ăn Tết.

Trong dịp Tết này, mọi người dân sẽ nghỉ làm hoặc nghỉ học trong vòng từ 3 đến 7 ngày tùy vào từng nơi. Điều đó có nghĩa là mọi cơ quan, trường học, xí nghiệp đều đóng cửa. Cho nên nếu đến những thành phố lớn của Hàn Quốc trong dịp này, bạn sẽ thấy các phố xá, ngõ ngách im ắng hơn ngày thường. Tuy nhiên, nếu được 1 gia đình người Hàn mời đến thăm thì quả thật là 1 cơ hội hiếm có để bạn biết rõ hơn về văn hóa Hàn Quốc đấy. Nào bây giờ chúng ta cùng tìm hiểu về trình tự các phong tục của người Hàn trong dịp Tết trung thu đặc biệt này nhé.

Chính vì người Hàn Quốc coi Trung thu là ngày lễ tạ ơn, tưởng nhớ tới ông bà tổ tiên nên mâm cỗ trong ngày này được bày biện rất công phu, trang trọng không khác gì mâm cỗ ngày Tết Âm lịch của người Việt với rất nhiều món ăn truyền thống. Nếu chỉ nhìn qua, có thể bạn sẽ hoa mắt và cho rằng mâm cỗ hơi “hỗn độn” nhưng thực tế tất cả các món trên bàn đều được bày theo 1 quy tắc riêng, và do chính tay người con trai trong nhà bày biện. Mâm cỗ trung thu cũng thể hiện rất rõ quan niệm truyền thống của người Hàn về màu sắc, phương vị.

Mâm lễ được chia ra làm 5 hàng và được xếp phía dưới bài vị tổ tiên. Nếu nhìn từ dưới lên trên thì hàng thứ năm, gần phía người cúng nhất là trái cây và vài loại kẹo. Trái cây thường được xếp theo nguyên tắc 홍동백서(hồng Đông bạch Tây)– có nghĩa là hoa quả màu đỏ/hồng thì xếp theo hướng Đông, hoa quả màu trắng xếp theo hướng Tây, được đặt trên các đĩa có chân cao, ngay ngắn ở gần phía mép bàn. Ta cũng dễ dàng nhận thấy mấy loại trái cây đặc trưng của mùa Chuseok này như: lê, táo, hồng, hồng khô… Các loại này cũng phải được sắp xếp theo thứ tự từ trái sang phải.

Ở hàng thứ tư là là một hoặc hai đĩa kẹo, vài lát cá khô, các loại canh nấu từ giá, rong biển…Còn hàng thứ ba thì thường là cặp nến ở hai bên.
Hàng thứ hai sẽ bày biện các loại canh thịt bò, canh rau và cá hấp… Lúc nào người sắp xếp cũng phải nhớ hai nguyên tắc: một là 우동육서(Ngư đông nhục Tây) có nghĩa là: cá phải được sắp xếp ở phía Đông, thịt xếp về phía Tây), hai là 두동미서(Đẩu Đông vĩ Tây) có nghĩa là: đầu cá phải nằm ở phía Đông, đuôi cá phải nằm ở phía Tây.

Cuối cùng, vị trí ở xa với người cúng và là nơi để bày vị Tổ tiên, sẽ được bày các loại bánh Songpyeon (송편), cơm, canh, rượu… Muỗng đũa cũng được xếp giữa các khay bánh Songpyeon. Cách sắp xếp này thể hiện trật tự thưởng thức bình thường như của người sống vậy. Một điểm đáng chú ý là: Nếu bày muỗng để cúng thì phải xếp úp xuống, còn bày muỗng thìa ở bàn ăn phải để ngửa lên.

Như vậy, chỉ cần nghe chúng tôi đọc qua tên các loại món ăn và cách bày biện là các bạn cũng đã hình dung ra mâm cỗ của người Hàn được chuẩn bị công phu như thế nào rồi phải không? Cũng bởi Chuseok diễn ra vào mùa bội thu, nên những gia đình có điều kiện đều muốn dâng lên thật nhiều loại thức ăn, nông sản để cúng Tổ tiên. Thức ăn càng nhiều loại thì càng thể hiện tấm lòng của người còn sống đối với người đã khuất, và nhất là để tạ ơn Tổ tiên đã phù hộ cho họ có một mùa màng bội thu.

Theo truyền thống, khi cúng tổ tiên, người Hàn cũng đốt nhang như người Việt nhưng cây nhang của họ thường nhỏ hơn và chân nhang rất ngắn. Nhang sẽ được đốt trong suốt buổi lễ. Đầu tiên, người con trai trưởng sẽ đốt nhang cúng và đổ cạn 3 ly rượu gạo xuống đất, mở màn cho buổi lễ, sau đó quỳ xuống cúi lạy tổ tiên. Lần lượt những người còn lại trong nhà cũng quỳ lạy theo. Ở 1 số nơi, nghi lễ này được diễn ra khá cầu kì và nghiêm trang. Kết thúc buổi lễ, mọi người cúi lạy 1 lần nữa trước khi cùng chia nhau thức ăn dâng lên tổ tiên và việc này được gọi là “ẩm phúc”(음복) tức là “thụ lộc”.
Trên dây, chúng tôi vừa điểm qua 1 vài món ăn truyền thống được bày biện trên mâm cỗ của người Hàn trong dịp này. Trong số đó, có 1 món ăn truyền thống không thế thiếu được, đó chính là bánh Songpyeon (송편). Đây là một loại bánh được làm bằng bột gạo có hình nửa mặt trăng với có nhiều loại nhân khác nhau như đậu đỏ, đậu nành, vừng…. và được hấp với lá thông tươi. Đặc biệt nhất là màu sắc sinh động của bánh đều được tạo nên từ màu của các loại rau, củ, quả tươi chứ không phải phẩm màu nên trông rất đẹp và an toàn cho sức khỏe.

Cùng với Songpyeon, hồng cũng là thứ quả không thể thiếu được trong ngày lễ trung thu này. Có 2 loại hồng mà người Hàn hay ăn, 1 là loại hồng tươi có hình tròn dẹt, ăn rất giòn và ngọt, giống như hồng ngâm Việt Nam nhưng không có vị chát, và 2 là hồng được phơi khô, ăn dẻo, vị ngọt lừ. Hồng khô thậm chí còn được đặt trong những hộp sang trọng làm quà tặng.

Việc bày biện bánh Songpyeon và các loại bánh trái, thức ăn khác lên ban thờ vào sáng ngày Trung thu được gọi là Charye (차례). Sau Charye, theo phong tục truyền thống của người Hàn Quốc, 1 việc không thể thiếu được là đi tảo mộ và thực hiện nghi lễ Beolcho (벌초), tức là dọn dẹp cỏ dại xung quanh mộ. Theo truyền thống từ xưa, hành động này thể hiện sự tôn trọng và tưởng nhớ tới tổ tiên.

Mọi người cũng tranh thủ dịp Trung thu để sắm sửa quần áo mới và đương nhiên hanbok là sự lựa chọn hàng đầu. Ngoài ra, các hoạt động thể thao, nhất là các hoạt động thể thao truyền thống cũng được diễn ra trong ngày lễ này. Và tất nhiên, không thể thiếu các hoạt động ca hát nhảy múa, đặc biệt là Ganggangsullae (강강술래).

Ganggangsullae, điệu nhảy vòng tròn truyền thống của người Hàn Quốc vốn là 1 điệu múa dân gian phổ biến ở vùng biển Tây Nam nước này. Ngày xưa, vào buổi tối trung thu, phụ nữ mặc những bộ Hanbok đẹp nhất của mình tụ họp lại ở giữa sân làng và đứng thành 1 vòng tròn. Một người đứng giữa hát và tất cả mọi người cùng hát hò và nhảy múa.

Ngoài Ganggangsullae, người Hàn còn có 1 số trò chơi truyền thống khác khá thú vị như trò chơi rùa, trò chơi bò, trò kéo co và đấu vật. Trong đó thú vị nhất là trò kéo co, trò chơi phổ biến ở khắp các vùng phía Nam. Mọi người trong làng tụ họp nhau lại và chia làm các bên, qui mô có thể lớn đến hàng nghìn người. Điều dễ nhận thấy của trò chơi này là sự trang hoàng màu sắc sặc sỡ xung quanh dây thừng rơm để kéo, tô điểm thêm bằng hàng tá đèn lồng màu sắc sặc sỡ được chăng lên khi 2 đội thi nhau làm dây thừng. Ý nghĩa của trò chơi này là sự tin tưởng dự báo 1 vụ mùa bội thu.

Một điều đặc biệt thú vị nữa đấy là mọi người đều tặng nhau quà nhau vào dịp này, cũng giống như việc lì xì ở Việt Nam mình. Ngày xưa, mọi người chỉ tặng nhau quà, nhưng hiện nay, tiền và phiếu tặng quà đang ngày càng được nhiều gia đình khá giả sử dụng. Tuy nhiển, nếu là khách mời trong dịp này thì bạn không phải cầu kỳ quá về chuyện quà tặng.
Bạn có thể dễ dàng tìm thấy vô số những loại quà tặng trung thu khác nhau được bày bán trong các siêu thị, từ hoa quả thực phẩm đến mỹ phẩm, đồ uống… Hồng phơi khô như chúng tôi kể trên hoặc thịt bò đóng hộp là những món quà tặng được nhiều người yêu thích nhưng thường hơi đắt. Thực tê, các bạn có thể mang tặng chủ nhân gia đình người Hàn đó những món quà mang đậm hương vị Việt Nam như cà phê, tôi nghĩ chắc họ cũng sẽ rất thích đấy.

Lựa chọn của ban biên tập