Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lối sống

Cửa hàng mua bán đồ chơi cũ và việc giới thiệu các tác phẩm văn học Việt Nam đã được dịch sang tiếng Hàn

2011-11-20

1. Cửa hàng mua bán đồ chơi cũ

Câu hỏi 1Thưa quý vị và các bạn, vậy là một tuần đã lại trôi qua với biết bao buồn vui cùng bộn bề công việc. Tiết thu những ngày qua thật tuyệt vời phải không ạ? Các bạn đã không quên tự thưởng cho mình những chuyến đi picnic cùng gia đình hoặc bạn bè đấy chứ? Hãy lưu lại những bức ảnh mà nhân vật chính là bạn đang rạng rõ đứng giữa cảnh thu vàng rực lãng mạn. Mùa đông đang đến gần, bạn hãy sưởi ấm và xoá tan cái lạnh của thời tiết bằng tình yêu thương, bằng tình cảm gia đình nhé. Chương trình “Hỏi đáp cuối tuần” lần này rất vui được chia sẻ với tâm sự của các cô dâu Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc về những vấn đề xoay quanh chuyện chồng con sao cho cuộc sống của gia đình nhỏ ngày càng gắn bó hơn.

Chị Nguyễn Cẩm Anh gửi đến chương trình từ email camanh@hanmail.net tâm sự: “Tôi đã lấy chồng Hàn Quốc và hiện đang sinh sống tại Seoul. Cuộc sống tuy cũng còn nhiều vất vả nhưng chúng tôi sống rất hạnh phúc cùng cha mẹ chồng và một cậu con trai năm nay vừa tròn 5 tuổi. Chồng tôi là con trai trưởng và duy nhất trong gia đình nên khi tôi sinh cháu trai đầu lòng thì cả đại gia đình mừng vui lắm. Cũng chính vì thế mà cháu được cưng chiều hết mực mặc dù kinh tế gia đình không thuộc loại dư giả. Thông thường mỗi cuối tuần cháu đều được mua 1 món đồ chơi mà mình ưa thích. Có thể nói chúng tôi tốn rất nhiều tiền mua đồ chơi cho cháu, ảnh hưởng đáng kể đến chi phí sinh hoạt của gia đình. Nhưng vì quen được nuông chiều nên nếu có lần nào đó cháu đòi mua đồ chơi mà không được thì đều tỏ ra giận dỗi, gào khóc khiến tôi rất vất vả. Không ít lần tôi đã đầu hàng, phải bớt các khoản chi khác để mua đồ chơi cho cháu. Tôi không biết phải làm sao để có thể vừa tiết kiệm tiền mua đồ chơi lại vừa vẫn có thể duy trì niềm say mê này của cháu. Xin hãy cho tôi lời khuyên.”
Trả lời 1
Chào chị Cẩm Anh, “công tử bé” nhà chị chắc hẳn đang có nguyên một phòng đựng đồ chơi đấy nhỉ? Không chỉ riêng con chị mà tất cả các bé đều ham mê đồ chơi chị ạ. Các bé trai thì mạnh mẽ với những món đồ chơi như ô tô, tàu hoả, rôbốt…còn các bé gái lại dịu dàng nhí nhảnh với các em búp bê xinh xắn, những món đồ chơi đồ hàng ngộ nghĩnh…Mỗi độ tuổi lại có những món đồ chơi tương xứng, phù hợp với sở thích của trẻ nhỏ mà các bậc cha mẹ thậm chí không hình dung ra hết. Tất cả đều như một thế giới kì diệu và bí ẩn kích thích tính tò mò, ưa khám phá của các bé.

Các ông bố bà mẹ sẽ khó lòng cưỡng nổi sự vòi vĩnh của con mình về món đồ chơi nào đó mà chúng ưa thích. Bởi khuôn mặt sáng bừng, tràn ngập hạnh phúc của các bé với đồ chơi đã làm siêu lòng cả các bậc phụ huynh khó tính nhất. Tuy nhiên các bé lại rất nhanh chán. Hầu như chỉ khoảng vài ngày sau là sẽ nhạt dần với món đồ chơi vốn tưởng như chỉ cần duy nhất có nó thôi là đủ. Sau khi đã khám phá và thoả mãn trí tưởng tượng rồi, bé lại có nhu cầu sở hữu món đồ chơi khác. Trong khi đó thế giới đồ chơi mới phong phú làm sao. Các hình ảnh quảng cáo xuất hiện liên tục trên TV, bày bán khắp nơi rất dễ thu hút tầm mắt của các bé. Chắc người tiêu dùng không cần phải lo lắng đến sự nghèn nàn, cạn kiệt nguồn đồ chơi cho trẻ đâu.

Tuy nhiên đa phần các bậc phụ huynh đều phát hoảng lên với giá cả của các món đồ chơi. Cùng với sự phát triển của công nghệ kỹ thuật, đồ chơi dành cho trẻ em ngày càng tinh xảo và bắt mắt hơn. Và tất nhiên, kèm theo đó là những bảng giá cao đến hoa cả mắt. Vì vậy giải pháp mà rất nhiều người hiện nay đang thực hiện đó là mua bán, trao đổi đồ chơi cũ. Gọi là cũ những trên thực tế có nhiều món đồ hầu như còn mới nguyên. Chị đang ở Seoul thì sẽ rất dễ để có thể tìm đến trực tiếp các cửa hàng mua bán đồ chơi cũ. Ở mỗi quận hầu như đều có một nơi mua bán đồ chơi cũ rất lớn. Chị không nói rõ chị ở khu vực nào nên chúng tôi không tư vấn được cụ thể nhưng chỉ cần chị lên mạng tìm kiếm với từ khoá 중고장난감가게(cửa hàng đồ chơi cũ) đi kèm tên khu vực chị đang sinh sống thì các thông tin sẽ hiện lên cho chị lựa chọn. Ngoài ra, chị cũng có thể mua hoặc bán đồ chơi cũ qua các trang web. Tuỳ vào độ mới cũ và mức độ thịnh hành của sản phẩm mà giá cả có sự chênh lệch nhiều hay ít so với khi mua mới nhưng trung bình chị sẽ mua được rẻ trên dưới 50%.

Chúng tôi muốn lưu ý với chị về ưu nhược điểm của hai hình thức trên. Việc trực tiếp đến cửa hàng mua bán đồ chơi cũ thì sẽ làm mất thời gian của chị và giá cả thì cũng đắt hơn. Nhưng bù lại chị và cháu sẽ được tha hồ ngắm nghía và lựa chọn như trong siêu thị, và đương nhiên chị còn được mặc cả để bớt thêm tiền nữa đấy. Còn nếu mua bán qua trang web thì rẻ hơn vì người bán không tốn tiền thuê địa điểm, hoặc chị sẽ mua được trực tiếp của những người cho nhu cầu bán lại mà không cần mất thêm phí trung gian. Nhưng hình thức này lại có những rủi ro khác, chẳng hạn tình trạng của món đồ chơi đó không được như những hình ảnh đã đăng tải hoặc thậm chí bị hỏng hóc không sử dụng được. Như vậy sẽ rất phiên phức hoặc tốn tiền cước phí gửi trả, hoặc có nơi còn giao hẹn trước khi mua là không được trả lại hàng.

Tuy nhiên đấy chỉ là những lưu ý thôi chị Cẩm Anh ạ. Về cơ bản thị trường mua bán trao đổi đồ chơi cũ đang hoạt động rất tích cực. Chị không chỉ mua rẻ được đồ chơi cho con mà còn có thể đem bán những đồ chơi cháu không còn thích và không hợp với lứa tuổi của cháu nữa ở chính cửa hàng hoặc trên trang web mua bán đồ chơi cũ. Còn một cách nữa mà chúng tôi nghĩ là cũng rất hiệu quả mà lại không quá đắt đỏ. Gần nhà chị có siêu thị Homeplus không nhỉ? Chắc là có. Ở mỗi siêu thị Homeplus đều có khu vui chơi dành cho trẻ em. Con chị đã 5 tuổi chắc cháu sẽ không hào hứng với mấy trò ném bóng hay cầu trượt của các em bé 2~3 tuổi. Chị có thể cho cháu tới phòng đồ chơi. Ở đây có các cô trông cháu trong thời gian chị mua hàng hoá. Trong phòng đồ chơi có đủ các loại đồ chơi mới nhất dành cho các bé ở độ tuổi có thể tự chơi một mình. Chi phí vào đây là 4000won/giờ, nhưng nếu chị mua thẻ hội viên cho 10 lần trở lên thì sẽ giảm xuống chỉ còn 3000won/giờ.

Vâng, tôi thấy cách này cũng hay đấy nhưng chị nên có những giao ước cụ thể với cháu. Chị cần phối hợp với các thành viên khác trong gia đình để nghiêm khắc hơn tránh tình trạng như chị đã nói là cháu được quá cưng chiều nên chỉ hành động theo ý thích của mình. Chẳng hạn ở nhà cháu phải ngoan thì mới được đi đến phòng đồ chơi, rồi quy định thời gian chơi cho cháu. Nếu không cháu có thể đòi cả vài tiếng đồng hỗ ở đó thì cũng khá tốn kém tiềm bạc và thời gian của chị. Chúc chị có những tính toán hợp lí để cân bằng chi tiêu và trở thành bà mẹ sáng suốt trong việc lựa chọn đồ chơi có ích cho con trai mình.

2. Giới thiệu các tác phẩm văn học Việt Nam đã được dịch sang tiếng Hàn

Câu hỏi 2Tiếp theo là câu hỏi của bạn Mai Thị Huệ gửi đến cho chương trình từ địa chỉ email: hue83@yahoo.com . Bạn Huệ viết: “Chồng tôi là người Hàn Quốc. Anh làm nghề lái taxi nhưng lại rất ham mê đọc sách. Cứ rảnh rỗi là tôi lại thấy anh cầm tờ báo hay quyển sách gì đó để đọc. Vì tôi là người Việt Nam nên anh cũng đọc rất nhiều các loại sách viết về Việt Nam. Anh nói anh đọc để hiểu Việt Nam hơn, hiểu tôi hơn. Tôi thật sự rất ngưỡng mộ và cảm ơn anh. Thấy tôi hay nghe chuyên mục Hỏi đáp cuối tuần của đài KBS nên hôm vừa rồi anh có nhờ tôi viết thư hỏi xem hiện nay ở Hàn Quốc đã có tác phẩm văn học tiêu biểu nào của Việt Nam được dịch sang tiếng Hàn chưa để anh tìm đọc. Vì anh hầu như không biết tiếng Việt nên chỉ có thể đọc được những tác phẩm đã dịch sang tiếng Hàn rồi mà thôi. Tôi đã thử tự tìm nhưng có thể là do không biết cách hoặc thông tin không được đăng tải nên tôi không tìm thấy. Mong quý đài giúp tôi. Xin cảm ơn.”

Trả lời 2
Những người làm chương trình chúng tôi rất vui khi nhận được câu hỏi của bạn. Bởi vì từ khi chương trình bắt đầu đến giờ chúng tôi đã nhận được rất nhiều các câu hỏi của thính giả gần xa ở nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng chưa khi nào có câu hỏi trực tiếp hoặc gián tiếp của người Hàn Quốc gửi đến chương trình như lần này của bạn. Chúng tôi sẽ còn cảm thấy có ý nghĩa hơn nữa, vui hơn nữa khi những thông tin sau đây của chúng tôi sẽ ít nhiều giúp ích được cho vợ chồng bạn.

Nếu so với khoảng hơn 30 đầu sách tác phẩm văn học Hàn Quốc bao gồm cả tiểu thuyết, tuyển tập truyện ngắn, tập thơ hay truyện cổ đã được dịch sang tiếng Việt thì số các tác phẩm văn học Việt Nam được dịch sang tiếng Hàn còn rất khiêm tốn. Số lượng này mới đếm chưa hết 10 đầu ngón tay đâu bạn ạ. Nhân đây, xin được giới thiệu với bạn một vài tác phẩm tiêu biểu. Không biết chồng bạn thích đọc thể loại tác phẩm văn học nào nhưng đầu tiên chúng tôi muốn nhắc tới kiệt tác “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du. Là người Việt Nam thì hơn ai hết bạn hiểu giá trị của “Truyện Kiều” trong nền văn học Việt Nam đúng không ạ? Hãy giới thiệu cuốn này cho chồng bạn. Cuốn sách đã được dịch giả Ahn Gyeong-hwan(안경환) dịch và cho xuất bản năm 2004 với tên gọi tiếng Hàn là “취교전”. Và chính ông cũng là người giới thiệu tập thơ “Nhật ký trong tù”(2008) của Hồ Chí Minh cho độc giả Hàn Quốc.

Tuy nhiên đây không phải là những tác phẩm văn học Việt Nam đầu tiên được dịch sang tiếng Hàn. Trước đó, cần phải kể đến “Lĩnh Nam chích quái(영남척괴) do Park Hee-pyeong(박희병) dịch năm 2000. “Lĩnh Nam chích quái” là tập hợp khoảng hơn 20 truyện truyền thuyết cổ tích của Việt Nam mà theo như đánh giá của các nhà nghiên cứu văn học dân gian thì đó là tác phẩm “vượt ra ngoài chất liệu, cấu tạo hình thức và những quy phạm nghệ thuật” để trường tồn mãi với thời gian. “Lĩnh Nam chích quái” là tác phẩm nghệ thuật quý và thiêng liêng trong kho tàng văn học trung đại Việt Nam, có sức sống mãnh liệt và khả năng tạo sinh trong đời sống văn học dân gian và cả văn học viết. Đọc tác phẩm này chúng tôi tin chồng bạn sẽ cảm thấy rất gần gũi với nền văn hoá, văn học Việt Nam bởi văn học dân gian vốn có sức ảnh hưởng và giao thòa giữa các nước thuộc vùng Đông Á.

Chúng tôi còn muốn giới thiệu với vợ chồng bạn hai tiểu thuyết chiến tranh được đông đảo độc giả Việt Nam và cả người nước ngoài yêu thích. Đó chính là “Nỗi buồn chiến tranh”(전쟁의 슬픔) của nhà văn Bảo Ninh do dịch giả Park Chan-gyu(박찬규) dịch năm 1999, và “Nếu anh còn được sống” (그대 아직 살아있다면) của nhà văn Văn Lê do dịch giả Ha Jae-hong(하재홍) dịch năm 2002. Đây là những tác phẩm có giá trị nhân văn, miêu tả chân thực về cuộc chiến tranh chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam ta dưới ngòi bút sắc sảo của hai nhà văn tên tuổi trên văn đàn Việt Nam. Ít nhiều cũng đã tạo được dấu ấn về văn học Việt Nam cho các nhà nghiên cứu và độc giả Hàn Quốc. Ngoài ra, còn phải kể đến tác phẩm nổi đình nổi đám cách đây vài năm của nữ nhà văn Nguyễn Ngọc Tư là “Cánh đồng bất tận”(끝없는 벌판) cũng do Ha Jae-jong(하재홍) dịch năm 2007. Hoặc nếu chồng bạn yêu thơ thì bạn có thể nhắc tới tập thơ “Bức thư mùa đông” (겨울편지) của nhà thơ Hữu Thỉnh, tác giả của bài thơ nổi tiếng “Năm anh em trên một chiếc xe tăng” đã được phổ nhạc, trở nên rất quen thuộc với mỗi người dân Việt Nam…

Bạn Huệ thân mến, bạn cần ghi lại chính xác tên các cuốn sách trên bằng tiếng Hàn nhé. Vì nếu bạn chỉ nhớ tiếng Việt, đến khi truyền đạt sang tiếng Hàn lại cho chồng bạn không chính xác thì anh ấy sẽ không thể tìm được đâu. Với các tên tác phẩm chính xác bằng tiếng Hàn mà chúng tôi đã cung cấp thì chồng bạn chỉ cần gõ tìm kiếm trên trang web naver.com chẳng hạn, lập tức các thông tin cơ bản về cuốn sách ấy sẽ hiện ra và chồng bạn sẽ dễ dàng tìm mua được. Hoặc chồng bạn có thể vào thư viện của các trường Đại học để mượn đọc mà không cần mua.

Lựa chọn của ban biên tập