Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kinh tế

IMF hạ dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống -3%

#Tiêu điểm kinh tế l 2020-04-20

ⓒ YONHAP News

“Khủng hoảng tồi tệ nhất sau cuộc Đại suy thoái”


Ngày 14/4, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới 6,3 điểm phần trăm so với dự báo tháng 1. Báo cáo tháng 4 của tổ chức này đặc biệt gây chú ý vì phản ánh rõ ràng tác động của đại dịch COVID-19 trên toàn cầu. Sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2009, đây là lần đầu tiên kinh tế toàn cầu dự báo tăng trưởng âm. IMF nhận định tăng trưởng kinh tế của các nước phát triển thậm chí còn tồi tệ hơn (-3%). Theo đó, Mỹ sẽ tăng trưởng -5,9%, Khu vực đồng tiền chung euro -7,5%, và Nhật Bản -5,2%. IMF ước tính đại dịch COVID-19 có thể khiến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu thiệt hại 9.000 tỷ USD, lớn hơn GDP của hai nền kinh tế lớn thứ ba và thứ tư thế giới là Nhật Bản và Đức cộng lại. Thêm vào đó, thu nhập bình quân đầu người của hơn 170 trên 189 thành viên của IMF dự kiến sẽ giảm trong năm nay. Chỉ ba tháng trước, IMF dự báo hơn 160 quốc gia sẽ có mức tăng trưởng bình quân đầu người tích cực trong năm 2020. Ông Kim Gwang-seok, Giáo sư chuyên ngành Nghiên cứu quốc tế, hệ Sau đại học, trường Đại học Hanyang, giải thích.


Nguyên nhân đằng sau dự báo ảm đạm của IMF


Nguyên nhân đầu tiên đằng sau viễn cảnh ảm đạm của kinh tế toàn cầu là cú sốc từ đại dịch COVID-19. Nếu cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008 và khủng hoảng tiền tệ châu Á năm 1997 chỉ dẫn đến sụp đổ hệ thống tài chính và tiền tệ, đại dịch COVID-19 lại phá vỡ nguồn cung lao động, chuỗi cung ứng, làm tê liệt hoạt động sản xuất. Và việc đóng cửa các nhà máy, thành phố còn gây ra tác động kinh tế nghiêm trọng hơn. Thứ hai là lộ trình cuộc khủng hoảng. Đại dịch COVID-19 không chỉ làm suy thoái nền kinh tế thực, mà còn ảnh hưởng sang thị thường tài chính và tiền tệ. Thứ ba, giá các nguồn năng lượng như dầu thô, khí gas; nguyên liệu thô gồm quặng sắt và kim loại; và nông sản dự kiến sẽ giảm mạnh. 


Triển vọng tăng trưởng của Hàn Quốc dự kiến hạ ít hơn các nền kinh tế lớn 


Rất ít quốc gia có thể tránh được cú sốc lịch sử từ đại dịch. Tại Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, chỉ một tháng sau khi dịch COVID-19 lan rộng, cứ 10 lao động lại có một người mất việc. Ngân hàng lớn nhất nước Mỹ JP Morgan Chase đã dự đoán tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ sẽ tăng lên 20% trong quý II, vượt xa con số 10% trong thời kỳ Đại suy thoái. Rõ ràng, sản xuất, tiêu thụ, phân phối, di chuyển nhân công đều ngưng trệ. Tổ chức cứu trợ nhân đạo toàn cầu Oxfam lo ngại khủng hoảng do đại dịch COVID-19 có thể khiến 500 triệu người rơi vào cảnh nghèo đói. Trong khi thế giới đang bị dịch bệnh càn quét, Hàn Quốc dường như chịu ảnh hưởng ít hơn. Giáo sư Kim Gwang-seok lý giải. 


Năm ngoái, GDP của Hàn Quốc tăng trưởng 2,0%, và dự báo triển vọng tăng trưởng năm nay là 2,2%. Tuy nhiên, IMF đã điều chỉnh tốc độ tăng trưởng của Hàn Quốc xuống -1,2%. Lần đầu tiên sau cuộc khủng hoảng tiền tệ châu Á cuối những năm 1990, Hàn Quốc dự kiến tăng trưởng âm. Tất nhiên, điều này phản ánh tình hình ảm đạm chung của nền kinh tế. Tuy nhiên, trong các nước thuộc Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OCED), triển vọng tăng trưởng của Hàn Quốc vẫn là khả quan nhất. Cụ thể, mức giảm 3% (từ 2,2% xuống -1,2%) là ít nhất trong các nước OECD. 


IMF dự báo tốc độ tăng trưởng năm tới của Hàn Quốc là 3,4%


Đây là kết quả của những phản ứng nhanh chóng, hiệu quả của Chính phủ Hàn Quốc trước đại dịch. Là một nền kinh tế cởi mở, Hàn Quốc khó tránh khỏi viễn cảnh tăng trưởng âm khi các đối tác thương mại đang vật lộn với dịch bệnh. Mặc dù vậy, cách tiếp cận toàn diện của Seoul để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát và các chính sách khắc phục hậu quả kịp thời đã giúp giảm tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Đánh giá cao công tác chống dịch của Chính phủ, IMF dự đoán Hàn Quốc sẽ tăng trưởng mạnh trong năm tới. Giáo sư Kim Gwang-seok cho biết.


IMF dự báo tốc độ tăng trưởng của Seoul năm 2021 sẽ đạt 3,4%. Trong bối cảnh GDP của Hàn Quốc chưa bao giờ tăng trưởng trên 3% những năm gần đây, con số IMF đưa ra thể hiện niềm tin vào sự phục hồi tuyệt vời của Hàn Quốc. Tuy nhiên về cơ bản, tốc độ tăng GDP được tính toán dựa trên con số của năm trước đó. Nói cách khác, do GDP năm 2020 xuống cực thấp, mức tăng tương đối của năm 2021 cũng có thể tạo ra một con số ấn tượng. Hiện tượng này còn gọi là “Hiệu ứng cơ sở” (Base Effect) - các chỉ số có thể sai lệch so với giá trị thực tế tùy theo thời điểm lấy làm căn cứ để tính toán. Nói cách khác, có khả năng nền kinh tế không thực sự tăng trưởng đáng kể như con số phản ánh. 


Biện pháp khắc phục tình trạng tăng trưởng âm?


Theo IMF, Hàn Quốc sẽ phục hồi nhanh chóng với “đường phục hồi chữ V”. Tuy nhiên, dự báo của tổ chức này được đưa ra với giả định đại dịch COVID-19 sẽ thuyên giảm và các biện pháp hạn chế di chuyển sẽ được nới lỏng trong nửa cuối năm nay. Chặng đường chông gai vẫn ở phía trước, và các quốc gia cần đưa ra các đối sách đặc biệt để vượt qua khủng khoảng. Ông Kim Gwang-seok đánh giá.


IMF kêu gọi các nước thực hiện các chính sách tài chính, tiền tệ chủ động để phần nào bù đắp cú sốc kinh tế; phân bổ ngân sách và đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) y tế nhiều hơn; và thiết lập một hệ thống quốc tế để hỗ trợ các nền kinh tế mới nổi không đủ năng lực đối phó với đại dịch. Một điểm tích cực là công nghệ y tế tiên tiến của Hàn Quốc như các kit chẩn đoán COVID-19 hiệu quả đang gây chú ý. Hàn Quốc có thể đi đầu trong phát triển vắc-xin và dược phẩm. Thông qua hợp tác quốc tế và trao đổi nghiên cứu và phát triển, Hàn Quốc có thể nổi lên như một hình mẫu về kiểm soát dịch bệnh. 


Chính phủ đang tập trung mọi nguồn lực để khống chế dịch bệnh, tạo đà phục hồi kinh tế. Những khó khăn do dịch COVID-19 gây ra là không thể tránh khỏi. Chính phủ cần xây dựng các chính sách dài hạn, toàn diện, và áp dụng kịp thời để đưa đất nước vượt qua khủng hoảng. 

Lựa chọn của ban biên tập