Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Liên hoan phim tài liệu quốc tế Khu phi quân sự Hàn Quốc, tiếng gọi hòa bình trên mảnh đất bị phân chia

2013-10-29

[Liên hoan phim mang ý nhiều nghĩa sâu sắc]Ngày 17/10 vừa qua, Liên hoan phim tài liệu quốc tế Khu phi quân sự Hàn Quốc lần thứ 5 đã được khai mạc tại Trại Greaves nằm ở làng Imjingak, tỉnh Gyeonggi. Liên hoan lần này mang chủ đề là “Hòa bình, sự sống và đồng cảm”. Ông Cho Jae-hyun, Trưởng ban tổ chức của liên hoan phim, cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển liên hoan phim ngày một bền vững hơn và biến nó trở thành sân chơi để các đạo diễn phim tài liệu tự do sáng tác và thể hiện.”

Khu phi quân sự ngăn đôi hai miền Nam-Bắc trên bán đảo Hàn Quốc, được thành lập khi Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên ký Hiệp định đình chiến năm 1953. Khu vực này dài 250 km và rộng 4 km, trải dài 2 km về mỗi phía tính từ Đường phân giới quân sự. Đây là nơi mà các gia đình có người thân đang sống ở phía bên kia vẫn thường tìm đến để hướng mắt trông về quê hương, một biểu tượng của nỗi đau chia cắt. Đoạn video giới thiệu Liên hoan phim tài liệu quốc tế Khu phi quân sự Hàn Quốc đã khiến người xem hết sức xúc động trước tình cảnh của một cặp vợ chồng già. Từ phía Nam, bà lão tóc bạc trắng lặng lẽ ngồi dưới hàng rào dây thép gai, hướng mắt nhìn về phía Bắc. Còn ông lão cũng rưng rưng nước mắt khi nghe vợ nói về đứa con mà cặp vợ chồng đã bỏ lại ở Bắc Triều Tiên.

Không có ở đâu trên thế giới mà nỗi đau chia cắt còn hiện diện rõ như ở khu phi quân sự này. Thế nên, không có nơi nào thích hợp để các nhà làm phim tài liệu thế giới kể những câu chuyện về hòa bình, cuộc sống, sinh tồn và sự đồng cảm hơn nơi đây. Bà Maeng Su-jin, phụ trách việc lựa chọn các bộ phim tham dự liên hoan, cho biết: “Khi nhắc đến khu phi quân sự là người ta liên tưởng đến chiến tranh. Tuy nhiên, chúng tôi đã rất ngạc nhiên khi được hít thở bầu không khí trong lành ở đây. Hệ sinh thái được bảo tồn rất tốt do không có nhiều người sinh sống ở khu vực này. Khu phi quân sự giờ đây là biểu tượng của giá trị sự sống. Thông qua Liên hoan phim tài liệu quốc tế khu phi quân sự Hàn Quốc, tôi rất muốn mọi người có được cái nhìn nhẹ nhàng hơn về nơi này. Trước đó, khi nhắc đến cái tên của liên hoan phim Khu phi quân sự, nhiều đạo diễn đã từ chối tham gia vì phim của họ không liên quan đến chiến tranh. Vậy nên, từ năm nay, chúng tôi đã mở rộng thêm nhiều hạng mục và tổ chức các chương trình đa dạng để thu hút các nhà làm phim thế giới.”

Từ con số 66 phim của 31 nước tham dự trong lần tổ chức đầu tiên, liên hoan phim năm nay đã đón nhận được 119 tác phẩm từ 38 quốc gia trên thế giới. Con số này quả là rất có ý nghĩa trong bối cảnh năm 2013 là năm kỷ niệm 60 năm ký kết Hiệp định đình chiến trên bán đảo Hàn Quốc. Bà Maeng Su-jin, phụ trách việc lựa chọn các bộ phim tham dự liên hoan cho biết thêm: “Các phim năm nay mang chủ đề rất đa dạng, phản ảnh mọi vấn đề, sự kiện đang xảy ra trên toàn thế giới. Liên hoan phim là cơ hội để mọi người đến xem rồi từ đó biết được những sự kiện đang diễn ra trên thế giới và vị trí của mình ở đâu trong xã hội này. Nhân dịp kỷ niệm 60 năm ký kết Hiệp định đình chiến, chúng tôi đã tổ chức một triển lãm đặc biệt về sự kiện này để người Hàn hiểu rõ về đất nước mình. Song song đó là nhiều triển lãm về Trung Đông hay Nam Phi để mọi người tìm hiểu thêm về thế giới.”. Để thu hút các tác phẩm với chủ đề phong phú đến từ nhiều nước, ban tổ chức đã mở rộng phạm vi tham dự, không chỉ mời các đạo diễn trẻ mà còn cả những đạo diễn đã có tên tuổi trong nghề.



Cũng nhân dịp kỷ niệm 60 năm đình chiến, lần đầu tiên, một phim của Hàn Quốc đã được chọn chiếu khai mạc. Đó chính là tác phẩm “Manshin: Ten Thousand Spirits” (tạm dịch “Vạn thần: Mười nghìn linh hồn”) của đạo diễn Park Chan-kyong. Bộ phim kể về cuộc đời của một bà đồng tên là Kim Geum-hwa. Bà sinh năm 1931 ở huyện Yeonbaek, tỉnh Hwanghae, nay thuộc Bắc Triều Tiên. Sau khi di tản xuống Hàn Quốc, trong một lần mắc bệnh lạ, bà đã được thần linh mách bảo là phải làm thầy đồng và từ đó đóng vai trò một “Manshin” (âm Hán là “Vạn thần”, kính ngữ mà người Hàn dùng để gọi các thầy đồng). Bà Maeng Su-jin giới thiệu:
“Mặc dù khu phi quân sự không phải là chủ đề của “Vạn thần” nhưng nó làm nền trong bộ phim. Bộ phim tập trung khắc họa cuộc đời của Kim Geum-hwa và những nỗi đau mà bà đã phải gánh chịu trong thân phận là một thầy đồng.”.Thông qua cuộc đời thăng trầm của bà Kim Geum-hwa, bộ phim đã khắc họa bức tranh lịch sử hiện đại của Hàn Quốc với biết bao vết thương của chiến tranh và ly biệt như cuộc chiến tranh Triều Tiên, Phong trào vận động dân chủ Gwangju 18/5, sự kiện tuần dương hạm Cheonan bị Bắc Triều Tiên đánh chìm…. Bộ phim cũng được xem như một lời khấn nguyện xoa dịu vết thương của dân tộc Hàn.

[Bệ phóng tuyệt vời cho cho các nhà làm phim trong và ngoài Hàn Quốc]Mỗi năm, ở Hàn Quốc có không biết bao nhiêu liên hoan phim lớn, nhỏ. Thế nhưng, duy nhất chỉ có Liên hoan phim tài liệu quốc tế Khu phi quân sự Hàn Quốc là dành riêng cho thể loại phim tài liệu. Ban tổ chức còn đặt mục tiêu biến nó trở thành một trong những liên hoan phim tài liệu tiêu biểu của châu Á. Cụ thể, để đạt được mục tiêu đó, năm nay, ban tổ chức đã mời hai đạo diễn gạo cội của châu Á thực hiện phim và hỗ trợ nguồn lực sản xuất. Đó là ông Lav Diaz, người Phi-lip-pin, một bậc thầy về phim tài liệu, và bà Naomi Kawase, người Nhật Bản, Trưởng ban tổ chức Liên hoan phim quốc tế Nara (Nhật Bản). Bà Maeng Su-jin cho biết: “Đạo diễn Lav Diaz là một tên tuổi lớn của dòng phim độc lập. Ông đã từng nhận được giải thưởng ở Liên hoan phim Venice (Ý). Năm nay, bộ phim “Norte, The End of History” (tạm dịch “Norte, đoạn kết của lịch sử”) cũng đã được công chiếu tại Liên hoa phim Cannes (Pháp). Bộ phim đã được giới chuyên môn đánh giá là một trong năm tác phẩm xuất sắc nhất của năm 2013. Ông có lẽ là một trong những đạo diễn bận rộn nhất thế giới. Sự xuất hiện của ông tại Liên hoan phim tài liệu quốc tế Khu phi quân sự Hàn Quốc là một điểm nhấn. Chúng tôi mời ông thực hiện một bộ phim, đồng thời, hỗ trợ mọi thứ có thể để bộ phim được ra mắt trên toàn thế giới vào năm sau.”

Với các đạo diễn trong nước, ban tổ chức cũng “chọn mặt gửi vàng” bốn gương mặt làm phim tài liệu theo thủ pháp mới và phim tài liệu dài kỳ nhằm nâng cao chất lượng phim cho năm sau. So với các thể loại khác, điều kiện làm phim tài liệu còn rất hạn chế, gây khó khăn cho việc sản xuất. Đến với Liên hoan phim tài liệu quốc tế Khu phi quân sự, các đạo diễn sẽ được hỗ trợ tài lực, nhân lực và kể cả phòng chiếu phim. Đây quả là những hỗ trợ hết sức thiết thực và đáng được hoan nghênh. Đạo diễn Jo Se-young chia sẻ: “Thật tuyệt vời khi lần đầu tiên Hàn Quốc có một liên hoan phim tài liệu quốc tế. Là một đạo diễn, tôi luôn muốn được xem nhiều bộ phim hay để học hỏi nhưng lại không được ra nước ngoài thường xuyên. Nhờ liên hoan mà tôi được xem và tích lũy nhiều điều hay từ các bộ phim quốc tế.”. Còn đạo diễn Kim Young-jo thì cho biết: “Tôi rất cảm ơn ban tổ chức đã tìm đến và tạo điều kiện để các bộ phim của tôi được công chiếu. Ngoài ra, tôi cũng vui khi được thưởng thức nhiều tác phẩm hay tại đây. Kỳ tổ chức này đã mang đến cho tôi rất nhiều cơ hội để mở rộng tầm mắt.”

Đặc biệt, nhờ sự giúp đỡ tích cực của liên hoan phim mà năm nay, đạo diễn Kim Young-jo đã có đến hai tác phẩm được trình làng là “My Family Portrait” (tạm dịch “Chân dung gia đình tôi”) và “The Hunt” (tạm dịch “Cuộc săn bắn”). Câu chuyện chân thực và mang ý nghĩa sâu sắc về gia đình trong “Chân dung gia đình tôi” là những trải nghiệm thực tế của chính đạo diễn Kim Young-jo. Anh tâm sự: “Bộ phim nói về gia đình tôi. Một hôm, mẹ nói với tôi rằng bố tôi vẫn còn sống, thế là tôi bắt đầu tìm kiếm ông. Tôi bắt đầu tìm kiếm bố với một tâm trạng nhẹ nhàng và hơi khôi hài. Chuyện là tôi bắt đầu bị hói và việc này khiến tôi thắc mắc liệu bố tôi có bị hói đầu như mình không? Tôi lần mò theo những thắc mắc và rồi tìm gặp được bố. Bộ phim được hoàn thành năm 2007 nhưng vì bố tôi không muốn câu chuyện gia đình bị người trong nước bàn tán nên chỉ được công chiếu tại các liên hoan phim ở nước ngoài. Tôi đã giữ lời hứa cho đến khi ông qua đời hai năm trước. Giờ thì tôi đã có thể giới thiệu bộ phim mang ý nghĩa sâu sắc này đến khán giả trong nước.”

Jo Se-young là đạo diễn nhận được sự quan tâm nhiều nhất tại liên hoan lần này. Tác phẩm nói về vấn nạn nạo phá thai mang tên “Let’s Dance” (tạm dịch “Hãy nhảy múa nào!”) của cô đã xuất sắc giành giải “Phim xuất sắc nhất” trong hạng mục tranh giải quốc tế. Nữ đạo diễn tài năng này chia sẻ: “Nạo phá thai đã là chuyện phổ biến trong xã hội Hàn Quốc từ bao đời nay nhưng nó không phải là vấn đề được bàn đến công khai giữa chốn đông người, trừ ở các tổ chức tôn giáo hay trong các nội dung giáo dục xã hội. Tôi cùng ba cộng sự của mình đã thực hiện bộ phim trong suốt hai năm bảy tháng. Tôi làm bộ phim dưới góc nhìn của một người phụ nữ đối với vấn đề này. Tôi muốn cho mọi người thấy nạo phá thai gây tác động xấu như thế nào đến cơ thể của người phụ nữ. Dưới góc máy của tôi, những chuyển động nhọc nhằn, muốn thoát khỏi ức chế từ việc phá thai của các nhân vật sẽ được giải phóng thông qua những động tác nhảy múa.”.

Cái tên “Hãy nhảy múa nào!” nói lên khát khao tự do của người phụ nữ muốn thoát khỏi áp lực của việc nạo phá thai. Điều đáng chú ý là tất cả các nhân vật trong phim đều là những người đã từng nạo thai thực sự. Bộ phim là đại diện duy nhất của Hàn Quốc tham gia hạng mục tranh giải quốc tế. Các buổi chiều “Hãy nhảy múa nào!” đã liên tục bị “cháy vé” trong suốt những ngày diễn ra liên hoan phim.



Ê-kíp làm phim tài liệu thường phải trải qua một quá trình hết sức gian nan. Thật không dễ để các nhân vật có thể bộc bạch về cuộc đời mình, nhất là với những vấn đề nhạy cảm. Tuy nhiên, trong quá trình ghi hình, những người làm phim đã nhận được nhiều an ủi từ mọi người và phần nào xoa dịu được tâm lý. Đây cũng chính là “điểm cộng” của phim tài liệu. Với đặc tính chân thật và thực tế, phim tài liệu là chiếc gương để người xem soi lại chính mình và thức tỉnh, đồng thời, có được cái nhìn mới về con người và cuộc sống. Đó là những thông điệp sâu sắc mà liên hoan phim muốn gửi gắm đến công chúng. Một khán giả cảm nhận: “Phim tài liệu luôn dựa vào những câu chuyện có thực trong cuộc sống. Là một sinh viên, tôi quan tâm đến những bộ phim nói về học đường hay thực trạng tìm kiếm việc làm hơn cả.”

Không chỉ mang đến cho khán giả những bộ phim tài liệu có chất lượng, Liên hoan phim tài liệu quốc tế Khu phi quân sự Hàn Quốc còn là một lễ hội văn hóa với nhiều chương trình đa dạng. Với 119 phim tham dự đến từ 38 nước, liên hoan đã cho thấy tiềm năng phát triển dồi dào của dòng phim tài liệu. Và như một làn gió mát lành, sự kiện này đã phần nào thổi bay đi mọi căng thẳng, buồn đau trên mảnh đất của sự chia ly - Khu phi quân sự - với mong muốn biến nơi đây sớm trở thành vùng đất của hòa bình và cảm thông.

Lựa chọn của ban biên tập