Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Cơ sở của Bảo tàng Mỹ thuật hiện đại và đương đại quốc gia ở Seoul

2013-11-19

Sau bốn năm thi công, cuối cùng thì cơ sở của Bảo tàng Mỹ thuật hiện đại và đương đại quốc gia ở Seoul cũng đã được khai trương hôm 12/11. Trong buổi lễ khai trương, bảo tàng đã vinh dự được đón Tổng thống Park Geun-hye cùng những lời chúc mừng và nhắn nhủ quý báu của bà như sau: “Bảo tàng mỹ thuật không chỉ là nơi để thưởng lãm tác phẩm đơn thuần mà còn là khởi nguồn của trí tưởng tượng và ý tưởng sáng tạo của toàn dân, góp phần làm giàu thêm đời sống tinh thần cũng như cảm thụ nghệ thuật. Trước đây, tôi từng lấy làm tiếc vì Seoul chưa có Bảo tàng Mỹ thuật hiện đại và đương đại quốc gia. Thật là ý nghĩa khi giờ đây giữa trung tâm thành phố đã có được một bảo tàng như vậy, nơi không tồn tại bất cứ rào cản nào để người dân có thể dễ dàng ghé thăm và tiếp xúc gần hơn với văn hóa. Tôi hy vọng bảo tàng sẽ không ngừng phát triển, càng ngày càng mang đến nhiều cảm thụ văn hóa, sự đa dạng về tinh thần cho người dân và trở thành nguồn sáng tạo, tưởng tượng vô hạn cho các nghệ sĩ.”



[Vài nét về cơ sở của Bảo tàng Mỹ thuật hiện đại và đương đại quốc gia ở Seoul]Cơ sở của Bảo tàng Mỹ thuật hiện đại và đương đại quốc gia ở Seoul rộng 51.125 m2, nằm ở phường Sogyeok, quận Jongno, thành phố Seoul. Đây là một vị trí đắc địa với phía Tây là cung Gyeongbok (Cảnh Phúc), phía Bắc là làng nhà cổ Bukchon (Bắc Thôn) và phường Samcheong, phía Nam là phường Insa, hai phường còn lưu giữ nhiều nét truyền thống văn hóa của dân tộc. Kiến trúc của bảo tàng là sự kết hợp hài hòa giữa mới và cũ với những thiết kế hiện đại của một công trình ở thế kỷ 21 và dãy tường gạch đỏ của trụ sở cũ của Bộ Tư lệnh Quốc phòng và An ninh Hàn Quốc cùng mái ngói cong vút của Tông Thân phủ. Bà Chung Hyung-min, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật hiện đại và đương đại quốc gia, cho biết: “Mảnh đất này vốn là của Tông Thân phủ ở triều đại Joseon. Năm 1920, thực dân Nhật sử dụng phần đất phía trước Tông Thân phủ để xây dựng bệnh viện. Sau giải phóng, cơ sở này được dùng làm bệnh viện quân đội và Bộ Tư lệnh Quốc phòng và An ninh Hàn Quốc. Giờ đây, chúng tôi tiếp tục sử dụng phần đất nằm giữa Tông Thân phủ và trụ sở cũ của Bộ tư lệnh để xây dựng cơ sở bảo tàng này. Có thể nói, chỉ trên một mảnh đất mà hiện diện cùng lúc ba công trình từ thời Joseon, cận đại cho đến hiện đại.”

Tông Thân phủ là cơ quan chuyên bảo quản gia phả, chân dung, y phục của hoàng tộc cũng như quản lý hoàng thân quốc thích của triều đại Joseon. Ban đầu, nó được di dời để nhường chỗ cho Bộ tư lệnh Quốc phòng và An ninh Hàn Quốc và giờ thì được phục dựng trên chính mảnh đất cũ nhân dịp khánh thành bảo tàng. Bà Chung Hyung-min giới thiệu: “Bảo tàng nằm giữa một khoảnh đất có sự pha trộn giữa các công trình từ cổ kính tới hiện đại. Điều này mang một ý nghĩa hết sức đặc biệt, bởi vì để hiểu được hiện đại thì ta phải nắm vững quá khứ. Do đó, bên cạnh việc triển lãm những tác phẩm thuộc về hiện đại, chúng tôi mong biến bảo tàng trở thành nơi giao thoa giữa quá khứ, hiện tại và tương lai.”



Năm 1969, cơ sở đầu tiên của Bảo tàng Mỹ thuật hiện đại và đương đại quốc gia được thành lập trên một không gian nhỏ bên trong cung Gyeongbok. Đến năm 1979, nó được dời về cung Deoksu (Đức Thọ). Mãi đến năm 1986, bảo tàng mới có được ngôi nhà của chính mình khi được khánh thành ở thành phố Gwacheon, tỉnh Gyeonggi, ngoại ô Seoul. Giám đốc Chung Hyung-min cho biết: “Tòa nhà trong cung Deoksu mà chúng tôi thuê đã được xây dựng từ những năm 1930 nên nó còn chứa đựng rất nhiều dấu ấn của lịch sử cận đại. Do đó, chúng tôi thấy rằng nó thích hợp để triển lãm mỹ thuật cận đại và hiện đại hơn đương đại. Hiện giờ, đây vẫn là nơi giới thiệu với du khách các tác phẩm cận đại và hiện đại trong và ngoài nước. Cơ sở ở Gwacheon nằm khá xa trung tâm thành phố nhưng xung quanh có công viên tuyệt đẹp, các công viên điêu khắc và phòng triển lãm cũng rất lôi cuốn. Cơ sở của Bảo tàng Mỹ thuật hiện đại và đương đại quốc gia ở Gwacheon được xem là một trong những bảo tàng mỹ thuật tiêu biểu của Hàn Quốc, là mái nhà chung của các nghệ sĩ lão thành cũng như nghệ sĩ trẻ.”

Do cơ sở ở Gwacheon nằm quá xa trung tâm Seoul, gây khó khăn cho việc thưởng lãm của du khách, nên những người trong giới mỹ thuật cùng ban lãnh đạo bảo tàng đã tính đến việc thành lập thêm một cơ sở nữa trong nội ô. Bà Chung Hyung-min chia sẻ: “Rất nhiều giới văn hóa-nghệ thuật khác muốn sử dụng không gian này khi Bộ Tư lệnh Quốc phòng và An ninh quốc gia quyết định di dời trụ sở xuống thành phố Gwacheon. Giới mỹ thuật cũng muốn dùng mảnh đất này do Gwacheon ở quá xa, khiến tác phẩm khó tiếp cận với công chúng. Chúng tôi đã vận động chiến dịch kêu gọi sự ủng hộ để có được không gian này và cuối cùng mảnh đất được chọn làm nơi xây dựng cơ sở của Bảo tàng Mỹ thuật hiện đại và đương đại ở Seoul. Tòa nhà bảo tàng bắt đầu được xây dựng từ năm 2009, bốn năm sau thì hoàn thành.”.Cùng với cơ sở trong cung Deoksu và cơ sở ở Gwacheon, sự xuất hiện của cơ sở ở Seoul đã góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa cho người dân thủ đô, đồng thời khuếch trương thương hiệu “Bảo tàng Mỹ thuật hiện đại và đương đại quốc gia

[Kiến trúc độc đáo của bảo tàng]Được xây dựng trên một mảnh đất mang đậm dấu ấn của quá khứ nhưng thiết kế của cơ sở ở Seoul lại rất “tương lai”. Kiến trúc sư Mihn Hyun-jun, người đã thiết kế nên công trình này, giới thiệu: “Bối cảnh xung quanh bảo tàng thật sự rất đẹp. Ý tưởng của tôi về công trình này là phải đảm bảo được sự yên tĩnh, tôn vinh nét đẹp của di tích Tông Thân phủ và không phá hỏng kiến trúc tổng thể của cung Gyeongbok. Do đó, tôi gọi công trình này là “bảo tàng không hình thái”.”



Vượt qua 118 đối thủ, ý tưởng thiết kế của kiến trúc sư Mihn Hyun-jun đã được lựa chọn cho cơ sở ở Seoul của Bảo tàng Mỹ thuật hiện đại và đương đại quốc gia. Mặc dù nói là thiết kế bảo tàng mỹ thuật nhưng trong bản vẽ của ông, công trình này lại chỉ là nhân vật phụ. Tòa nhà mang hình dáng của những khối hình hộp màu trắng khổng lồ với ý nghĩa là nơi an toàn có thể chứa đựng tất cả các tác phẩm nghệ thuật từ hội họa, nhiếp ảnh, điêu khắc cho đến nghệ thuật sắp đặt. Toàn bộ công trình toát lên sức hút khó cưỡng, khiến du khách đi từ bất ngờ này đến thú vị khác. Kiến trúc sư Mihn Hyun-jun cho biết: “Nhìn vào công trình, ta sẽ khó mà phân biệt được đâu là mặt trước, mặt sau. Nó trông như một thành phố thu nhỏ vì có rất nhiều con đường ngang dọc vắt ngang qua bảo tàng. Công trình là một không gian luôn rộng mở, có thể đặt các quán cà phê, quán ăn nhằm mang lại cảm giác thân thuộc cho du khách.”

Bảo tàng được thiết kế để giữa mỹ thuật với đại chúng không hề có khoảng cách. Chính vì thế, du khách có thể thoải mái ghé thăm bảo tàng vào bất cứ ngày nào trong năm và bất cứ giờ nào trong ngày. Kiến trúc sư Mihn Hyun-jun cho biết thêm: “Bảo tàng không phải là nơi để ta chỉ đến vào những dịp đặc biệt và ở đó cả ngày để ngắm nhìn tác phẩm cho đến lúc mệt thì về, mà là không gian mở để ai cũng có thể thoải mái tìm đến trong vòng một tiếng rưỡi rồi về nhà và tuần sau lại đến. Nó được thiết kế để mọi người có thể dễ dàng tiếp cận với văn hóa và mỹ thuật, đơn giản như là đi xem phim, đi uống cà phê cùng bạn bè hay đi siêu thị cùng gia đình vậy thôi.”

Xung quanh bảo tàng bố trí rất nhiều khu vườn nhằm giúp người dân bình thường có thể đến gần với mỹ thuật. Đến bảo tàng từ bất cứ phía nào như đường phường Samcheong, đường Bukchon hay cung Gyeongbok, ta cũng đều bắt gặp những khu vườn. Kiến trúc sư Mihn Hyun-jun cho biết: “Để tạo được sự yên ả cho công trình thì không gì hơn là tạo nên nhiều khu vườn. Vườn là một hình thái kiến trúc đã được sử dụng từ rất xa xưa và cũng xuất hiện trong nhiều bảo tàng khác. Khu vườn ở mặt trước công trình tạo cảm giác thân thuộc để bất cứ ai cũng có thể ghé vào. Tòa nhà bảo tàng được chia ra làm bảy phần vừa vặn để không lấn át các tòa nhà lân cận mà vẫn hài hòa với các khu vườn. Có tổng cộng 12 khu vườn lớn nhỏ, mỗi khu vườn có một phần trông rất bình thường, một phần luôn chứa đựng yếu tố mới mẻ để du khách khám phá.”

Các khu vườn đều có những con đường để du khách đi dạo, vài điểm dừng để họ nghỉ khi mỏi chân và cả một sân khấu nhỏ để mọi người thưởng thức văn nghệ. Đó là chưa nói đến rất nhiều tác phẩm điêu khắc được đặt xen kẽ, vô tình biến các khu vườn trở thành những phòng triển lãm mỹ thuật ngoài trời. Đặc biệt, còn có một khu vườn nằm dưới phòng triển lãm ở tầng ngầm một, là nơi kết nối rạp chiếu phim với hội trường đa năng. Khu vườn này có hẳn một thảm cỏ xanh và vài bộ bàn ghế để du khách ngồi thư giãn. Một điều rất đáng lưu tâm là khi đến các bảo tàng khác, du khách thường được chỉ dẫn đi theo những lộ trình nhất định. Nhưng với cách thiết kế như tám khối hộp nằm tản mạn, bảo tàng cho phép du khách được tha hồ đi theo ý thích của bản thân. Một du khách cảm nhận: “Biến đổi mảnh đất chứa nỗi buồn của lịch sử thành bảo tàng mỹ thuật là một ý tưởng rất mới mẻ. Càng tuyệt hơn khi nó lại ở ngay trung tâm thành phố. Tôi rất thích ý tưởng của các tác phẩm sắp đặt được trưng bày ở đây.”

[Không gian nghệ thuật đặc sắc bên trong bảo tàng]Trong ngày đầu tiên chính thức mở cửa, ngày 13/11, mỗi giờ, bảo tàng lại đón tiếp khoảng 500 lượt người và cả ngày hôm đó là gần 4.000 lượt, trong đó có chừng 500 lượt đến vào đêm khuya. Nhân dịp khai trương, bảo tàng đặc biệt trưng bày theo năm chủ đề. Giám đốc bảo tàng Chung Hyung-min giới thiệu: “Ở chủ đề thứ nhất, chúng tôi chọn những tác phẩm có thể thể hiện được tinh thần thời đại của mỹ thuật hiện đại Hàn Quốc, phản ánh được lịch sử và các yếu tố đương đại. Chủ đề thứ hai, “Liên kết và Mở rộng”, là một triển lãm đặc biệt, cho thấy cơ sở của bảo tàng ở Seoul là mối dây kết nối mạng lưới nghệ thuật thế giới. Chúng tôi đã mời bảy chuyên gia nổi tiếng về tổ chức và quản lý bảo tàng cùng nhau hợp tác để thực hiện triển lãm này. Họ có ý nghĩa như bảy điểm liên kết. Chủ đề thứ ba mang tên “The Aleph Project”, là tác phẩm nói về lĩnh vực nghệ thuật trong tương lai do các nhà thiên văn học, kỹ sư cơ khí, kỹ sư công nghệ thông tin… chung tay thực hiện. Chủ đề thứ tư là một không gian đặc biệt. Các tác giả sẽ được mời thực hiện tác phẩm sắp đặt phù hợp với không gian mình được giao. Còn chủ đề cuối cùng trưng bày những hình ảnh, âm thanh ghi nhận lại quá trình xây dựng bảo tàng.”

Đã có trên 120 tác phẩm của khoảng 70 tác giả tham gia triển lãm trong cả năm chủ đề. Một trong số những tác phẩm thu hút sự chú ý của du khách nhất chính là tác phẩm sắp đặt mang tên “Nhà trong nhà trong nhà trong nhà trong nhà” của nghệ sỹ Suh Do-ho. Men theo dãy hành lang dài của tầng một, bạn sẽ thấy một khoảng trống ở giữa tòa nhà, thông từ tầng ngầm một lên đến tầng ba. Tác phẩm màu xanh cao 12 mét, rộng 15 mét này đã chiếm giữ gần hết khoảng trống đó. Ông Lee Chu-young, người tổ chức và quản lý của bảo tàng, cho biết: “Suh Do-ho là tác giả từng du học ở Mỹ về. Ông đã tận dụng không gian được giao trong bảo tàng để nghĩ ra ý tưởng về một ngôi nhà và thực hiện tác phẩm này. Sở dĩ có chữ “nhà” được nhắc đến năm lần là vì nhà truyền thống Hanok được hình thành trên một lớp vải được một chung cư ba tầng kiểu Mỹ ôm trọn, chung cư nằm trong lòng gian triển lãm, gian này thì nằm trong lòng bảo tàng, còn bảo tàng thì nằm trong lòng thành phố Seoul. Du khách có thể vào bên trong tác phẩm để trực tiếp nhìn ngắm và cảm nhận.”



Bảo tàng có tổng cộng tám phòng triển lãm, nằm rải rác từ tầng ngầm thứ ba lên đến tầng ba. Các phòng triển lãm một và hai cho phép du khách vào xem miễn phí. Tại đây, 60 trong khoảng hơn 7.000 tác phẩm mà bảo tàng đang sở hữu, được tuyển chọn rất kỹ càng, thể hiện đúng tinh thần thời đại của mỹ thuật hiện đại. Các phòng triển lãm từ số ba đến bảy là các phòng đặc biệt, muốn vào xem phải mua vé. Trong đó phòng ba, bốn, năm mang chủ đề “Liên kết và Mở rộng” đã cho thấy tâm huyết chuẩn bị của những người tổ chức. Trong tương lai, bảo tàng hứa hẹn sẽ còn tổ chức nhiều triển lãm đa dạng, thể hiện được vai trò tiên phong của mỹ thuật hiện đại Hàn Quốc. Giám đốc bảo tàng Chung Hyung-min chia sẻ“Bảo tàng đang tiến hành ba dự án. Dự án thứ nhất thể hiện nét đặc trưng của mỹ thuật hiện đại Hàn Quốc, lấy các bộ sưu tập làm trọng tâm. Dự án thứ hai khá lạ lẫm với du khách bình thường nhưng vẫn đảm bảo được tính thẩm mỹ và xu hướng mỹ thuật do các nghệ sĩ trong và ngoài nước cùng thực hiện. Dự án còn lại càng gây lạ lẫm hơn khi kết hợp thật nhiều kiến thức về thiên văn học, cơ khí, công nghệ thông tin… Qua đó, tạo nên một khái niệm nghệ thuật mới, mang tính định hướng cao. Khái niệm này mới chỉ xuất hiện trên thế giới và bây giờ đã chính thức trở thành một lĩnh vực nghệ thuật. Với việc thực hiện nó, bảo tàng đã trở thành nơi đi tiên phong tại Hàn Quốc.”

Nếu như ở New York (Mỹ) có Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại New York, Paris (Pháp) có Trung tâm Pompidou, London (Anh) có Bảo tàng Tate Modern thì Seoul (Hàn Quốc) tự hào có một nơi để tôn vinh nghệ thuật hiện đại là Bảo tàng Mỹ thuật hiện đại và đương đại quốc gia cơ sở ở Seoul. Trong khi cơ sở ở cung Deoksu nghiên cứu, triển lãm mỹ thuật cận đại, cơ sở Gwacheon đảm trách việc thu thập, nghiên cứu và giáo dục về tác phẩm mỹ thuật thì cơ sở Seoul được trông đợi sẽ là điểm kết nối giữa quá khứ với tương lai và góp phần phát triển hơn nữa văn hóa đô thị.

Lựa chọn của ban biên tập