Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Chợ đầu mối truyền thống Hàn Quốc chuyển mình trong xu thế hiện đại hóa

2013-11-26

Ngày 12/11/1993, chuỗi đại siêu thị bán lẻ lần đầu tiên xuất hiện ở Hàn Quốc tại quận Dobong, thành phố Seoul. Từ đó đến nay, trên toàn Hàn Quốc đã có khoảng 470 đại siêu thị với tổng diện tích trên 3.000 m2 chuyên cung cấp đủ loại nhu yếu phẩm cần thiết cho sinh hoạt hàng ngày của con người. Trước khi xuất hiện kiểu siêu thị như trên, khi cần mua thức ăn, người Hàn lại đến các khu chợ đầu mối truyền thống, muốn mua đồ điện gia dụng thì đến các đại lý chuyên bán đồ điện, còn thích mặt hàng cao cấp thì vào các trung tâm thương mại. Tuy nhiên, thói quen mua sắm của họ đã thay đổi từ ngày có đại siêu thị vì chỉ cần đến đây là có thể tìm được bất cứ thứ hàng nào mình cần, lại còn thường xuyên được khuyến mãi. Điều này khiến các khu chợ truyền thống dần bị lãng quên…



[Chợ Tongin, nhà hàng tự chọn khổng lồ]Chợ đầu mối truyền thống Tongin nằm ở phường Tongin, quận Jongno, Seoul. Nhìn thoáng qua, ta có thể thấy nhiều người đang mua các món phụ ăn kèm cơm như ở những ngôi chợ khác. Nhưng, thay vì gói vào bọc, người ta lại bỏ chúng vào những chiếc khay thức ăn màu đen rồi mang lên quán cà phê mang tên “Cà phê cơm khay”. Bà Yu Hee-suk, quản lý của quán, giới thiệu: “Chúng tôi kết hợp với hội tiểu thương chợ Tongin mở quán cà phê này hồi năm ngoái nhằm duy trì khu chợ truyền thống này. Ở giữa chợ có một quầy hướng dẫn du khách. Tại đây, người ta có thể đổi tiền ngày nay sang tiền xâu theo kiểu xưa và dùng nó để mua thức ăn. Hồi trước, gần đây có chung cư Okin, nhưng từ ngày nó bị dỡ bỏ để làm công viên, dân cư quanh đây ít đi nên khách hàng đến chợ cũng giảm dần. Chính vì thế, chúng tôi đã nghĩ ra ý tưởng này để lôi kéo nhiều người tìm đến.”

Đổi tiền xong, du khách sẽ được tặng một cái khay có nhiều ô để đựng cơm, canh và món ăn. Bà Yu Hee-suk hướng dẫn: “Chúng tôi dùng tiền xâu để tạo nét hoài cổ và đặc trưng cho chợ vì xung quanh đây có rất nhiều điểm tham quan và bảo tàng. Mỗi đồng tiền có mệnh giá là 500 won, tức khoảng nửa đô-la Mỹ. Chúng tôi khuyên mỗi du khách nên đổi ra khoảng mười đồng, tương đương với 5 USD, và dùng từ 6 đến 8 đồng mua thức ăn ở các tiệm chuyên phục vụ hình thức “Cà phê cơm khay” này, phần còn lại dùng để mua cơm và canh tại quán cà phê. Nếu thiếu, du khách có thể đổi thêm tiền. Trẻ em rất thích tiền xâu và muốn mang về nhà chơi. Thường thì chúng tôi sẽ đổi một đồng cho du khách để làm kỷ niệm.”



Khu chợ nằm trải dọc theo con hẻm dài đã trở thành một nhà hàng tự chọn khổng lồ với các cửa tiệm bán thức ăn thơm ngon. Nếu là một cặp du khách thì mỗi người thường sẽ chọn những món khác nhau để có cơ hội được nếm thử nhiều hơn. Một du khách chia sẻ: “Đứng trong một khu chợ bày bán nhiều món ăn ngon, được các chị em yêu thích mà giá cả lại rất rẻ thì không còn gì tuyệt bằng. Có nhiều món ở nhà tôi rất ít khi ăn, mấy món này các anh con trai lại không thích, nên nếu ăn một mình sẽ không bao giờ hết. Vậy mà đến đây mình tôi ăn hết cả. Bánh xèo đúc Kimchi Kimchijeon trông hấp dẫn đến nỗi lần đầu tiên trong đời tôi muốn nếm thử. Thưởng thức ngay tại chỗ thật là thích!”

Đến chợ Tongin và quán “Cà phê cơm khay”, du khách không chỉ được tha hồ chọn món ăn, mà còn có thể cảm nhận bàn tay nấu nướng khéo léo của các bà mẹ. Sự thay đổi phương thức kinh doanh như thế này đã giúp cho khu chợ ngày càng thu hút được du khách, đặc biệt là giới trẻ. Bà Yu Hee-suk cho biết: “Rất nhiều du khách trẻ đã tìm đến, khiến khu dân cư vốn yên tĩnh này trở nên náo nhiệt hơn. Giờ thì chợ đã trở thành một địa điểm vui chơi quen thuộc của giới trẻ. Cứ như thể họ sống trong khu này vậy.”

[Chợ Gwangjang, chợ đầu mối lớn nhất Hàn Quốc]Nếu như chợ Tongin rất nhỏ, có thể gọi là chợ phường, chợ xóm, thì với diện tích lên đến 4.215 m2, chợ Gwangjang nổi tiếng là khu chợ to nhất Hàn Quốc. Chợ thu hút du khách với các cửa hàng sạch sẽ và ngăn nắp, cùng rất nhiều tour thăm quan đáng tham gia. Ngày 11/9 vừa qua, chợ đã bắt đầu thực hiện tour thăm quan dành cho thanh niên trong độ tuổi 20-30 muốn tìm hiểu thêm về chợ đầu mối truyền thống. Chợ Gwangjang mở cửa từ năm 1905, một năm sau khi vua Gojong (Cao Tông) của triều đại Joseon buộc phải ký Hiệp ước Ất Tỵ (1904) đặt đất nước dưới quyền bảo hộ của thực dân Nhật Bản. Chợ được công nhận là khu chợ cố định tư nhân đầu tiên của Hàn Quốc. Ông Yu Jong-jin thuộc Tổ chức kinh doanh chợ theo mô hình văn hóa-du lịch của chợ Gwangjang giới thiệu: “Chợ thu hút du khách trước hết là ở tính lịch sử. Ta có thể cảm nhận được nét cận đại trong từng cửa hàng bởi chúng đều có thâm niên kinh doanh trung bình từ 40 đến 50 năm. Cũng có nơi đã trải qua hai đời buôn bán, cộng lại vừa bằng 100 năm tồn tại của chợ. Điều hấp dẫn nhất chính là việc khu chợ vẫn còn nguyên vẹn sau một thế kỷ nhiều biến động!”



Chợ Gwangjang tuy đã trên 100 tuổi nhưng vẫn được giữ gìn và trùng tu rất tốt. Mái chợ đã được làm mới để khách có thể mua sắm dù ngoài trời có nắng hay mưa. Hệ thống quạt thông gió cao áp cũng được lắp đặt giúp không khí bên trong chợ luôn thoáng đãng, dễ chịu. Bên cạnh đó là hệ thống phun nước hiện đại nhằm ngăn ngừa hỏa hoạn. Sự phong phú chính là một trong những sức hút của chợ Gwangjang. Chợ có ba tầng, trong đó, tầng một và tầng hai tập trung khoảng 5.000 cửa hàng, bán đủ các loại hàng hóa. Ông Yu Jong-jin giới thiệu về tầng một: “Tầng này bán quần áo, vải vóc, lễ vật cưới hỏi, thức ăn… Ở giữa có bán rất nhiều nguyên phụ liệu may vá như vải, cúc áo, khóa kéo… Phía cuối chợ có quầy bán những món ăn được nhiều người yêu thích.”

Thứ hàng hóa nổi tiếng nhất của chợ chính là vải vóc. Vào những năm 1940, việc kinh doanh vải vóc đã mang về cho tiểu thương ở đây rất nhiều lợi nhuận. Thế nên, họ đã đồng tâm nhất trí thành lập hiệp hội tiểu thương chợ Gwangjang và tồn tại cho đến tận hôm nay. Các mặt hàng như lụa là, gấm vóc, trang phục… luôn là những “đặc sản” của chợ Gwangjang. Cô Kim Da-bin, hướng dẫn viên du lịch tại chợ, cho biết: “Đến đây, ta có thể bắt gặp những ngành nghề chỉ còn trong ký ức. Nơi chúng ta đang đứng chuyên thu mua các loại vải vụn. Phía kia có các cụ ông đang cắt may hay chỉnh sửa quần áo.”

Người bán ở đây rất nhiệt tình và thân thiện. Họ sẵn sàng làm hướng dẫn viên du lịch để giải thích cho những du khách trẻ, giúp họ cảm nhận được nét khác biệt của một ngôi chợ truyền thống so với siêu thị. Cụ Jang Gyeong-chun, một người kinh doanh vải ở chợ, chia sẻ: “Tôi bán ở đây đã trên 50 năm, từ hồi mới 26 tuổi và giờ đã 80 rồi. Lập gia đình xong là tôi liền vào đây bán. Hồi đó có mấy cháu bé theo bà đi chợ mà giờ chúng đã làm mẹ cả rồi. Hiện họ lại dắt các con đi chợ. Tôi không nhớ mình đã bán cho bao nhiêu khách hàng trong suốt 50 năm qua. Họ đến đây mua vì vải ở đây tốt, rẻ, mặc vào lại đẹp. Nhờ vậy mà tôi vẫn kiên trì bám trụ cho đến tận giờ.”

Con hẻm dài chừng 100 m, chuyên bán món ăn, có lẽ là một trong những địa điểm thu hút nhiều du khách nhất. Đã đến đây thì bạn không nên bỏ qua ba món, đó là cơm cuộn lá kim Mayak-gimbap, bánh xèo đúc đậu xanh Bindaetteok và chân giò heo luộc Jokbal. Mayak-gimbap có nghĩa là “Gimbap ma túy”. Sở dĩ món ăn này có cái tên độc đáo như vậy là vì mức độ “gây nghiện” của nó. Thoạt nhìn, cách làm Mayak-gimbap cũng đơn giản. Người ta cuộn cơm, cải trắng ngâm giấm muối Danmuji và cà rốt trong lá rong biển khô rồi rắc vừng rang nguyên hạt lên trên. Nhưng chỉ khi chấm cuộn cơm vào nước sốt mù tạt thì du khách mới hiểu vì sao người ta gọi nó là “ma túy”. Một du khách cảm nhận:“Đây là lần đầu tiên tôi ăn món này. Giờ thì tôi hiểu vì sao người ta gọi nó là Gimbap “ma túy”. Nó khác hoàn toàn so với Gimbap bình thường, nước sốt cũng vậy. Nước sốt có vị giống mù tạt xanh.”

Sau khi đã no nê với các món ăn, bây giờ chúng ta tiếp tục đến với khu bán lễ vật cưới hỏi mà chú rể dùng để mang sang nhà cô dâu. Ông Yu Jong-jin giới thiệu:“Có rất nhiều loại lễ vật cưới hỏi được bày bán ở đây. Thông qua những món lễ vật này, du khách có thể thấy được sự đa dạng cũng như ý nghĩa truyền thống của mỗi món đồ. Hiện vẫn có rất nhiều người đến đây đặt làm lễ vật. Người bán luôn tận tình giải thích ý nghĩa cụ thể của từng món, điều mà khi đến siêu thị ta sẽ không bao giờ có được.”



Lên tầng hai, du khách sẽ bắt gặp rất nhiều cửa hàng bán trang phục truyền thống Hàn Quốc Hanbok. Sự xuất hiện của các cửa hàng buôn vải đã kéo theo sự ra đời của các cửa hàng kinh doanh Hanbok. Do đó, mặt hàng này cũng có lịch sử lâu đời ở chợ Gwangjang. Bà Lee Bok-ha, người gắn bó với mặt hàng này tại chợ đã được 36 năm, cho biết: “Có thời, tất cả các bộ Hanbok được bày bán trên toàn quốc đều được lấy từ chợ Gwangjang. Lái buôn từ Busan hay Daegu bỏ tiền vào những chiếc hộp cơm được làm bằng nhôm và đi tàu hỏa lên đây từ sáng sớm để lấy hàng, sau đó thì lại lên tàu về. Nhờ thế mà Hanbok chợ Gwangjang có mặt trên khắp cả nước.”. Hanbok là trang phục được người Hàn mặc vào những dịp trọng đại như cưới hỏi, thôi nôi, lễ tết, sinh nhật… Vậy nên, có thể gọi khu buôn bán Hanbok là nơi mang lại hạnh phúc cho mọi người.

Bên cạnh khu Hanbok là khu buôn bán hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống. Ông Oh Myung-hee, chủ của một cửa hàng tại đây, giới thiệu: “Tôi là thế hệ thứ hai làm chủ cửa hàng này. Cha tôi đã truyền nó cho tôi. Hiện tôi đã kinh doanh được 45 năm. Và con trai tôi cũng đang tiếp bước tôi. Sẽ không quá lời nếu nói hàng thủ công mỹ nghệ của chợ Gwangjang xuất hiện rộng khắp trên toàn quốc.”

Tầng ba là nơi đặt văn phòng quản lý và xưởng cắt may các loại quần áo. Sau khi mua vải ở tầng một, khách hàng có thể lên thẳng tầng này để may đo một bộ Hanbok theo đúng kiểu dáng mình yêu thích. Mọi người ở chợ vẫn hay gọi nơi này là phòng may đo hơn là xưởng, vì thật ra diện tích của nó cũng khá nhỏ. Đảm trách việc may đo toàn là những nghệ nhân lão làng nên khách hàng chắc chắn sẽ hài lòng với sản phẩm mình nhận được. Ông Yu Jong-jin thuộc Tổ chức kinh doanh chợ theo mô hình văn hóa-du lịch của chợ Gwangjang tiết lộ một chi tiết thú vị: “Mua vải ở tầng một xong, khách sẽ được trực tiếp lấy số đo và chọn kiểu rồi lên tầng ba để may. Toàn bộ quy trình diễn ra rất nhanh và tiện lợi. Chủ cửa hàng vải với các nghệ nhân may đo có mối quan hệ hợp tác rất khăng khít. Thậm chí một nửa số người bán vải ở tầng một, người bán Hanbok ở tầng hai và người may đo ở tầng ba có quan hệ họ hàng, thân thích với nhau.”

Đã từng giữ vai trò quan trọng trong cuộc sống, nhưng sau 100 năm vật đổi sao dời, thị hiếu tiêu dùng đã có nhiều thay đổi, các khu chợ đầu mối truyền thống như chợ Tongin, chợ Gwangjang… đang phải đứng trước áp lực cạnh tranh với các chuỗi đại siêu thị bán lẻ để duy trì chỗ đứng của mình. Các khu chợ này buộc phải không ngừng đổi mới hình thức kinh doanh để thu hút khách hàng. Và những nỗ lực đó đã phần nào níu giữ được bước chân của nhiều du khách trong và ngoài nước.

Lựa chọn của ban biên tập