Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

"Hãy nhảy để tận hưởng cuộc sống"

2014-01-07

Năm 2014 đã bắt đầu với những hy vọng mới. Tuy nhiên, những bản tin thời sự vẫn dồn dập thông báo về khủng hoảng kinh tế, nạn thất nghiệp...
Tình hình giới nhân viên công sở cũng không khác gì so với năm ngoái cùng những mối lo toan cứ ngày một chồng chất khi tiền lương thì không tăng mà các công ty lại đẩy mạnh tinh giản biên chế. Tuy nhiên, chắc chẳng ai muốn đăm chiêu căng thẳng từ đầu năm mới. Muốn vậy, hãy tìm đến phương pháp giúp ta nhanh chóng xua tan đi lo âu và tìm lại cho mình những niềm hy vọng mới trong năm nay!



Tại một trung tâm dạy khiêu vũ, không khí rộn ràng trong tiếng nhạc đầy sôi động. Nhân viên công sở Jang Hyo-jeong, 34 tuổi đang tập theo chỉ dẫn của giảng viên. Nhìn vào gương, cô cũng tự thấy dáng vẻ của mình còn gượng gạo, lúng túng nhưng nét mặt lại bừng sáng như có một làn gió mới. Những lo lắng, ưu tư mới đó còn khiến cô trăn trở thì giờ đã như biến mất theo từng bước nhảy. Cô Jang Hyo-jeong tâm sự:
“Ban đầu tôi cũng rất ngại ngùng, nhưng khi tham gia luyện tập theo mọi người, kĩ thuật của tôi đã khá dần lên. Hơn nữa, tôi thấy mình trở nên cởi mở hơn rất nhiều. Tôi không còn nghĩ về những chuyện không vui, những điều căng thẳng. Trong quá trình luyện tập toát mồ hôi, tôi thấy thật nhẹ nhõm và tràn đầy năng lượng, vừa tăng cường về thể chất vừa giải tỏa căng thẳng. Các cơ khớp cũng trở nên dẻo dai hơn.”

Khi đã say mê cùng những điệu nhảy sôi động và thấm mồ hôi, người ta thấy nhẹ nhõm và sảng khoái như đang bay trên mây. Chính vì khiêu vũ giúp cho người ta cảm thấy sảng khoái dễ chịu như vậy nên số lượng hội viên của trung tâm đang ngày một tăng lên. Ông Park Won-sang, Giám đốc một trung tâm dạy khiêu vũ cho biết: “Tháng nào trung tâm cũng có thêm học viên đến tư vấn và đăng ký nhập học. Số lượng học viên đang ngày một tăng lên. Nếu trước đây, người ta theo học các khóa dạy khiêu vũ chỉ muốn bắt chước các điệu nhảy của ca sỹ thì gần đây, có nhiều người đến học vì muốn thể hiện năng khiếu bản thân và nét hoạt bát với mọi người xung quanh. Hơn nữa, đây cũng là một biện pháp tích cực để giải tỏa căng thẳng. Học viên của chúng tôi rất đa dạng, từ người nội trợ đến nhân viên văn phòng, từ học sinh tiểu học cho đến những người ở độ tuổi 60.”



Mặc dù có trái tim tràn đầy ước mơ và nhiệt huyết, nhưng vì mải mê làm việc hay học tập mà nhiều người đã quên đi niềm vui giải phóng cơ thể. Cũng có những giấc mơ bị xếp lại do điều kiện về hoàn cảnh và thời gian. Tuy nhiên, giờ đây, nhiều người muốn bắt đầu một năm mới với khởi đầu mới đang tìm lối thoát riêng cho mình thông qua những điệu nhảy tại các trung tâm dạy khiêu vũ hay các câu lạc bộ. Các trung tâm dạy khiêu vũ đang ngày càng được ưa chuộng.

Trung tâm dạy múa ba-lê với nền nhạc du dương, nhẹ nhàng cũng thu hút được sự quan tâm của rất nhiều học viên. Giám đốc trung tâm dạy múa ba-lê Byeon Min-gyeong cho biết:
“Trung tâm của chúng tôi mở các lớp không chuyên dành cho người lớn. Trong các lớp học sơ cấp, học sinh được chỉ dẫn các bài tập uốn dẻo. Hiện nay, chúng tôi có những học viên đã luyện tập lên đến trình độ đi giày ngón chân, loại giày chỉ dành cho người múa ba-lê chuyên nghiệp. Càng luyện tập, người học sẽ càng cảm nhận được hiệu quả do được vận động toàn thân. Theo học bộ môn này, học viên sẽ dần dần được nâng cấp theo trình độ nên điều này cũng đem lại hứng thú cho người học.”

Những động tác uốn dẻo của ba-lê vừa điều chỉnh hình thể cân bằng, vừa kích thích các phần cơ bắp vốn không được hoạt động, giúp cơ thể trở nên dẻo dai, khỏe mạnh hơn. Gần đây, bộ môn múa ba lê được rất nhiều người thuộc đủ mọi lứa tuổi, phụ nữ cũng như nam giới, quan tâm theo học. Giám đốc Byeon Min-gyeong nói: “Múa ba-lê giúp cơ bắp trở nên dài và thon thả hơn. Việc di chuyển cánh tay cũng khiến các cơ ở phần lưng được vận động, khiến cho phần tay và cổ trông có vẻ dài ra. Ba-lê còn được các học viên nam ưa chuộng bởi bộ môn này giúp tăng cường sức khỏe cơ bắp. Do đó, những người tiếp xúc với bộ môn này thường theo học từ sáu tháng cho tới hơn một năm. Trung tâm của chúng tôi đông học viên tới mức hầu như các lớp học buổi tối đều chật cứng. Trước đây, có nhiều người nghĩ ba-lê không phải là bộ môn dành cho người không chuyên, nhưng hiện nay quan niệm đó đã thay đổi rất nhiều và người ta coi múa ba-lê như một môn thể thao.”

Hai học viên tại Trung tâm dạy múa ba-lê bày tỏ cảm nhận: “Tôi muốn học một môn thể thao, nhưng không thích không khí buồn tẻ ở các trung tâm thể dục thể hình thông thường. Vậy nên tôi muốn tìm một môn thể thao kết hợp với âm nhạc, đồng thời giúp nâng cao thể lực. Và tôi đã lựa chọn ba-lê. Mục tiêu của tôi là chăm chỉ luyện tập cho đến khi được đi giày múa ba-lê.” “Lúc đầu do vai hơi bị lệch nên tôi đã tìm tới ba-lê để sửa tư thế. Giờ đây, tôi không chỉ sửa được tư thế mà còn giảm được cân, cơ bắp cũng được điều chỉnh, tạo nên đường nét hài hòa cho hình thể. Đặc điểm của ba-lê là thực hiện các động tác theo tiếng nhạc piano nên giúp cho người tập giải tỏa căng thẳng, thư giãn cả về thể xác và tâm hồn. Tôi hài lòng nhất với việc vừa sửa được tư thế, vừa củng cố được vòng ba và hình thành đường cong cơ thể hài hòa, mềm mại. Các bạn tôi rất ghen tỵ với tôi và cũng đang muốn đăng ký học ba-lê.”



Ba-lê khác với các điệu nhảy thông thường ở chỗ tập trung vào điểm mấu chốt là "tư thế chính xác". Bởi vậy, môn học này giúp người học sửa các tư thế sai trong đời sống hàng ngày, khiến cho cơ thể ngày càng trở nên dẻo dai. Tất nhiên, để có được một hình thể đẹp, người học cũng phải làm quen với sự đau đớn. Mỗi khi đến phần luyện co giãn cơ bắp là ở khắp lớp học vang lên tiếng kêu la vì đau của học viên. Dù học viên đã cố nghiến răng nén đau nhưng mỗi lần giảng viên sửa tư thế vẫn không thể tránh khỏi việc bật lên những tiếng rên rỉ. Tuy nhiên, sau mỗi lần uốn dẻo thì cơ thể lại trở nên khoan khoái và việc giảm cân cũng chỉ là vấn đề thời gian. Chị Hong Ju-hee đã theo học tại trung tâm được ba tháng chia sẻ: “Tôi đăng ký học vì muốn giảm cân. Khi học uốn dẻo, cơ thể toát mồ hôi. Tôi không chỉ giảm cân mà còn thấy người trở nên dẻo dai hơn; tư thế cân bằng hơn; cổ, tay và chân như cũng dài hơn. Tôi nghĩ là mình có thể giảm được 3 kg nữa.”

Những ai không thấy hứng thú với nhảy đơn, hãy thử sức với các điệu nhảy đôi như rum-ba, cha-cha, swing, jazz, sal-sa, val-xơ, tăng-gô... Ta sẽ không bao giờ cảm thấy nhàm chán khi kết hợp cùng bạn nhảy. Một trong số những trung tâm tiêu biểu có thể kể đến là trường tăng-gô, một trung tâm dạy nhảy tăng-gô do một số chuyên gia thành lập, hoạt động theo hình thức câu lạc bộ. Trong điệu nhảy Tăng-gô, các đôi nhảy ép sát vào nhau theo nhịp tăng-gô, tiến lên trước, rồi lại lùi ra sau. Bạn nhảy nữ vẫn giữ được nhịp di chuyển dẻo dai, mềm mại trên đôi giày cao gót. Sau một ngày làm việc bận rộn tại văn phòng, khi đến Trường Tăng-gô, mặc trang phục, đi giày nhảy và hòa mình vào nhịp nhạc, ta dường như trở thành một con người khác, cảm nhận được cuộc sống muôn màu, muôn sắc qua điệu tăng-gô. Quản lý Kim Hyo-jin, Trường tăng-gô, chia sẻ: “Chúng tôi bắt đầu dạy tăng-gô ở phường Sinsa vào tháng 10 năm 2011, sau đó mở rộng thành phòng tập vào năm 2012. Do lượng thành viên ngày càng đông nên chúng tôi đang có kế hoạch mở thêm một phòng tập nữa ở khu vực trường đại học Hongik. Trường tăng-gô vừa là nơi học tập, vừa là câu lạc bộ của những người chung sở thích.”

Do Trường Tăng-gô được điều hành theo hình thức câu lạc bộ nên hội viên cũng bớt được gánh nặng khi tham gia. Hội viên của Trường Tăng-gô đại bộ phận là các nhân viên văn phòng có độ tuổi từ 20 đến 30. Đây chính là không gian thư giãn, đem lại niềm vui cho những ai gặp nhiều căng thẳng và có đời sống công sở tẻ nhạt. Quản lý Kim Hyo-jin nhận định: “Trong những điệu nhảy thì tăng-gô là điệu đòi hỏi sự va chạm và giao lưu nhiều nhất, do đó cũng đem lại sự đồng cảm và an ủi lớn nhất. Nói về tăng-gô, có thể miên tả bằng một hình ảnh là: "bốn chân hòa làm một để tạo thành một trái tim". Vì vậy, so với những điệu nhảy tách rời như sal-sa hay Swing thì tăng-gô đòi hỏi cặp nhảy phải có sự tập trung và giao lưu mật thiết nhất.”

Câu lạc bộ tăng-gô đem lại bài học về cuộc sống và mở rộng các mối quan hệ xã hội. Khi nhảy tăng-gô, có lúc ta phải là người dẫn nhịp nhưng có lúc phải nghe theo quyết định của bạn nhảy; có lúc phải phán đoán hướng tiến lên và có lúc phải học cách lùi; có lúc phải biết cương và có lúc phải biết nhu. Đó là những kinh nghiệm mà tăng-gô dạy cho người học. Anh Kim Seung-taek, sau năm tháng cùng bạn nhảy luyện tập tăng-gô , đã dần rút ra cho mình triết lý về cuộc sống. Anh chia sẻ: “Tôi cảm nhận được sức hút của tăng-gô trong lúc nhảy, khi có đôi lần chạm nhẹ vào người bạn nhảy trong một tích tắc. Trong khoảnh khắc đó, chúng tôi cùng cảm nhận, đồng cảm với nhau. Tôi không bao giờ quên được giây phút đó và sẽ cố luyện tập chăm chỉ để có thể cùng nhảy, cùng kết hợp và đồng cảm được với bất cứ bạn nhảy nào. Hòa mình vào điệu nhảy tăng-gô cũng là lúc tôi được hòa đồng cùng mọi người xung quanh, được thưởng thức âm nhạc và tìm lại niềm vui cho chính bản thân mình.”

Trường tăng-gô đến nay đã mở cửa được ba năm. Có khoảng 100 hội viên tham gia vào các buổi họp mặt hàng tuần. Họ đều có điểm chung là yêu thích tăng-gô, cùng chia sẻ mối đồng cảm chung là tăng-gô. Những nhịp tăng-gô sôi động thổi vào năm 2014 một luồng gió mới, với những niềm vui và hy vọng mới. Một học viên nữ của trường tăng-gô chia sẻ: “Mỗi khi tiết học nhảy kết thúc, tôi đều cảm thấy rất phấn chấn. Trong khoảng thời gian nhất định, khi hoàn thành được một động tác, tôi hạnh phúc vì cảm thấy mình đã gặt hái được một thành quả nào đó. Đây là những tiết học đầy ý nghĩa, đem lại cho tôi nguồn năng lượng và động lực để sống và làm việc.” Còn đây là tâm sự của một học viên nam: “Cứ học xong là tôi lại thấy mồ hôi toát ra như tắm.Tôi cũng cảm thấy hài lòng với suy nghĩ: "À, hôm nay mình đã sống trọn vẹn cả một ngày!". Tôi đang bị cảm, nhưng chắc là ngày mai sẽ khỏi thôi. Tôi sẽ theo môn học này chừng nào còn có thời gian. ”

Những điệu nhảy đem lại cho mọi người sự tự tin và khát khao thành công trong cuộc sống. Với dòng nhiệt huyết tuôn trào đó, lòng người cũng trở nên phơi phới với những công việc đang làm và hướng về tương lai đầy lạc quan, tích cực. Hãy cùng nỗ lực vì năm mới 2014.

Lựa chọn của ban biên tập