Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Liên hoan kịch bên lề Seoul

2014-07-29

[Tinh thần và mục đích của Liên hoan kịch bên lê Seoul]Không khí của một cuộc biểu tình đòi tăng lương cơ bản, đang được tái hiện trong vở kịch “Ánh sáng nơi công xưởng”, một trong những tác phẩm công diễn trong Liên hoan kịch bên lề Seoul (Seoul Marginal Theatre Festival) 2014 lần thứ 16, được tổ chức tại Ga văn hóa Seoul 284 (ga Seoul cũ) trong các ngày 16 và 17/7. Đúng như tên gọi, Liên hoan kịch bên lề Seoul là tiếng nói đại diện cho những đối tượng bị đẩy ra ngoài rìa xã hội hiện đại. Bà Im In-ja, đạo diễn nghệ thuật sân khấu của liên hoan giải thích: "Hai chữ “bên lề” đã nói lên tinh thần, mục đích của liên hoan kịch đặc biệt này là chuyên phản ánh những câu chuyện của lớp người bị bỏ rơi, yếu thế trong xã hội. Thông qua những vở kịch, chúng tôi muốn chia sẻ cùng công chúng những khía cạnh bị che khuất, những tiếng nói đa chiều về cuộc sống và xóa đi những thành kiến cố hữu vốn tồn tại từ xưa đến nay."

Đúng như lời giới thiệu của bà Im In-ja, đây là sân khấu dành riêng cho một tầng lớp xã hội như người lao động, người khuyết tật, người vô gia cư, sinh viên bỏ học. Đây cũng là một trong những liên hoan mang tính thử nghiệm cao, khi tạo ra cơ hội cho chính những người trong cuộc được đứng trên sân khấu và nói lên tiếng nói của mình.

Đạo diễn nghệ thuật Im In-ja cho biết: "Nếu như kịch nói thông thường chủ yếu lấy chất liệu và xây dựng tác phẩm với những nhân vật hướng theo ý đồ nghệ thuật nhất định, thì những vở kịch công diễn trong khuôn khổ Liên hoan kịch bên lề Seoul có thể nói là một cuộc thử nghiệm độc đáo, đặt ra vấn đề cho công chúng. Các vở kịch lấy chất liệu từ những câu chuyện, sự kiện có thực trong xã hội, với sự tham gia không chỉ của các diễn viên chuyên nghiệp, mà còn có những cá nhân liên quan trực tiếp đến các sự kiện cụ thể này. Đó có thể là cảnh đấu tranh biểu tình của những nhân viên vừa bị sa thải trong năm nay, của những tiểu thương đòi sửa đổi luật bảo hộ quyền thuê bất động sản; là cuộc triển lãm tranh do chính các lao động làm ở Công ty ô tô Ssangyong, Công ty xây dựng Kolon hay lao công trường Đại học nghệ thuật Hongik thực hiện."

Liên hoan kịch bên lề Seoul năm nay đã giới thiệu tới khán giả 20 tác phẩm, với những thể loại phong phú như kịch nói, trình diễn, sân khấu tài liệu, triển lãm...Trong đó sân khấu tài liệu (Documentary Theater) được xây dựng như một cuốn phim tài liệu với các hình thức báo cáo, phỏng vấn, đưa ra nhân chứng và tài liệu cụ thể để nói về ý nghĩa và tính khả thi của một bộ luật dưới cái nhìn của những lao động bị sa thải, và những tiểu thương đang nộp đơn xin khiếu nại tính hợp hiến của Luật bảo hộ quyền thuê mặt bằng kinh doanh. Buổi trình diễn có tiêu đề “Nơi cắm trại, những địa điểm của người chết” với sự kết hợp của nhóm sáng tác Hàn Quốc mang tên “Dự án không hoàn thành” và nhóm nghệ sĩ người Nhật Olta, đã phản ánh tình trạng làm việc trong quá khứ và hiện tại của những nhân công tại một trong những khu công xưởng tấp nập nhất của thủ đô Seoul, là phường Garibong, quận Guro. Vở diễn “Ánh sáng nơi công xưởng” tái hiện cảnh biểu tình của nhân công còn vở “Kinh tế dưới ánh đèn sân khấu” khắc họa những mâu thuẫn trong cấu trúc kinh tế của xã hội.



[Quảng trường là sân khấu]Với chủ đề “Quảng trường là sân khấu”, Liên hoan kịch bên lề Seoul năm nay đã xóa bỏ quan niệm cố hữu về kịch. Thoát khỏi các khán phòng, rạp hát chật hẹp, sân khấu của liên hoan hòa nhịp vào cuộc sống và trực tiếp tìm đến khán giả tại những địa điểm khác nhau, như quảng trường Gwanghwamun, phường Garibong, Ga văn hóa Seoul 284, đường Hyoja (quận Jongno), nhà văn hóa của Tòa thị chính Seoul, phường Hyehwa, cửa hàng sách...Tác phẩm khai mạc liên hoan được công diễn tại quảng trường Gwanghwamun. Đạo diễn Im In-ja giới thiệu tiếp: "Trong ngày khai mạc, chúng tôi đã tổ chức buổi trình diễn một người theo hình thức biểu tình. Theo tôi, mỗi cá nhân đều bị cô lập trong xã hội hiện đại. Đặc biệt, các loại hình văn hóa, nghệ thuật vẫn chưa phản ánh đầy đủ các vấn đề về sự tồn tại, giá trị của từng cá thể đơn lẻ trong xã hội. Tác phẩm kết thúc bằng cảnh 24 cá nhân biểu tình riêng biệt đã tập trung, gặp gỡ nhau tại một điểm. Thông qua phương thức biểu đạt nghệ thuật vừa sáng tạo, vừa thực tiễn này, chúng tôi muốn thay đổi nhận thức của xã hội về cá nhân đơn độc và khả năng liên minh, đoàn kết giữa họ để tạo thành sức mạnh hợp nhất."

Tác phẩm mở màn liên hoan mang tên “25 giờ, tiếng thét dành cho thế hệ tôi” đã được trình diễn trong suốt 24 giờ, mỗi giờ lại được lặp lại một lần, với sự tham gia của 24 người. Thành phần tham gia cũng vô cùng phong phú, ngoài các nghệ sĩ như diễn viên, nghệ sĩ múa, nghệ sĩ biểu diễn còn có nhà chính trị, nhà hoạt động nhân quyền, sinh viên bỏ học, cha xứ, thanh thiếu niên...Trong số họ, có hai người phụ nữ đeo mặt nạ sống ở đảo Nodeul, một hòn đảo nhỏ hình bầu dục nằm giữa sông Hàn. Một phụ nữ mang họ So đang định cư trái phép tại đảo Nodeul chia sẻ: "Chúng tôi sống, sinh hoạt và trồng trọt tự do trên đảo Nodeul, hòn đảo nhỏ nằm ngay dưới cầu sông Hàn. Trong liên hoan kịch lần này, chúng tôi đã tham gia tái hiện cuộc sống ở đảo trong vòng một giờ, tại quảng trường Gwanghwamun."


Hai người phụ nữ đại diện cho đảo Nodeul đã tái hiện các hoạt động sinh hoạt một ngày của họ như ăn, ngủ, làm vườn... Những người đi qua quảng trường Gwanghwamun không khỏi tò mò khi thấy hai người phụ nữ đeo mặt nạ, thực hiện những động tác kỳ lạ. Hai phụ nữ nghiệp dư trình diễn vì muốn người xem sẽ nhớ đến họ như cư dân của đảo Nodeul, chứ không phải là những cá nhân cụ thể. Vừa bày biện mâm cơm, họ vừa trả lời câu hỏi của khách tham quan. Ba khách tham quan ngẫu nhiên được mời ăn cùng bữa cơm có món cơm trộn bibimbap do người dân đảo Nodeul tự làm. Họ vừa ăn vừa nói chuyện thân tình.
Những ai trải qua cửa ải đại học, chắc cũng đều thấm thía những áp lực và khổ cực của quãng thời gian “dùi mài kinh sử” đầy gian nan. Nhưng khác với mong đợi của những sĩ tử, tấm bằng đại học cũng không phải là chìa khóa cho cuộc sống. Hết ngọn núi này, họ lại phải vượt qua ngọn núi khác, người miệt mài cho những kỳ thi xin việc, người bươn chải đi làm thêm lấy tiền đóng học phí, người do dự, hoang mang trước “trường đời” lại chọn giải pháp bảo lưu kết quả học tập giữa chừng. Tuy nhiên, khi đã tìm được một chỗ làm và muốn xây dựng gia đình, họ lại đối mặt với bế tắc khác - không đủ tiền để gây dựng cho mình một căn nhà, một tổ ấm riêng. Thông qua hình thức biểu tình với chủ đề “chiếm dụng đảo Nodeul”, những cư dân đảo vừa giãi bày câu chuyện cuộc đời mình, vừa phản ánh hiện thực khắc nghiệt của cả một thế hệ thanh niên trong xã hội Hàn Quốc hiện đại.



[Vở "Ánh sáng nơi công xưởng"]Bên cạnh hình thức trình diễn biểu tình một người, vở kịch “Ánh sáng nơi công xưởng” cũng đem đến nét đặc sắc riêng khi chuyển thể lại cả một cuộc biểu tình lên sân khấu kịch.

Bên cạnh chủ đề chính “Ánh sáng nơi công xưởng”, chủ đề phụ “Biểu tình tại sân khấu” đã phản ánh rõ nội dung và hình thức thể hiện của vở kịch. Thực ra, vào năm 1978, vở kịch đã được trình diễn dưới dạng là tác phẩm của đạo diễn kiêm ca sỹ Kim Min-ki. Trong liên hoan kịch lần thứ 16 năm nay, vở này đã trở lại sân khấu với diện mạo mới đầy độc đáo và sống động. Đạo diễn của vở “Ánh sáng nơi công xưởng” năm 2014, bà Kim Min-jeong chia sẻ: "Vở kịch “Ánh sáng nơi công xưởng” phiên bản năm 1978 đã được lưu lại thành video với thời lượng 37 phút. Thời đó chỉ có các nghệ sĩ chuyên nghiệp tham gia thu âm và xây dựng lại thành một vở nhạc kịch. Về nội dung, vở kịch chủ yếu cung cấp khái niệm và các thông tin cần thiết để giới thiệu về vai trò, ý nghĩa của liên đoàn lao động."

Nếu như 36 năm trước đây, vở kịch “Ánh sáng nơi công xưởng” gửi gắm lời kêu gọi: những người lao động phải đoàn kết, gắn bó thành một khối để khẳng định tiếng nói của giai cấp công nhân, thì trên sân khấu của năm 2014, vở kịch vừa là bức tranh tái hiện lại môi trường làm việc thực tế, vừa là lời cổ vũ, động viên giới lao động. Vở “Ánh sáng nơi công xưởng” phiên bản mới càng ý nghĩa hơn khi có sự tham gia của những người lao công thuộc trường Đại học Hongik tái hiện cuộc đấu tranh biểu tình trong gần 50 ngày. Một trong những nhân chứng, người biểu tình năm xưa chia sẻ: "Tôi là phó hội trưởng Hội lao công trong trường Đại học Hongik. Lần nào tôi cũng khóc khi xem lại đoạn video lưu cảnh biểu tình trong vòng 49 ngày của chúng tôi. Thật cảm động khi các diễn viên đã tái hiện cảnh biểu tình thật một cách chân thực và sinh động."

Mỗi phân cảnh thể hiện môi trường lao động, cảnh đấu tranh biểu tình, đều như nguồn sức mạnh tươi mới, động viên những người lao động đang tham gia đấu tranh đòi quyền lợi trong xã hội hiện đại. Với những con người bị bỏ quên ở bên lề xã hội, thì mọi sự quan tâm, hưởng ứng cũng đều là nguồn động viên quý giá nhất. Một người lao động chia sẻ: "Tôi tên là Choi Il-bae, một lao động bị sa thải do chính sách giảm biên chế và đã đi biểu tình được 10 năm. Tôi thấy rất biết ơn những vở kịch như thế này. Những người đi đòi quyền lợi như chúng tôi sợ nhất là bị xã hội quên lãng. Chúng tôi dựng lều, đấu tranh ở thành phố Gwacheon, nhưng không biết là từ lúc nào chúng tôi đã trở thành những người “vô hình”. Bao nhiêu dòng người qua lại hàng ngày, nhưng thật hiếm hoi để nhận từ họ một ánh mắt quan tâm. Tôi còn thấy vui hơn khi thấy những khán giả bình thường cũng cảm thấy xúc động và đồng cảm với vở kịch. Đây quả là những khoảng thời gian có ý nghĩa với những người lao động như tôi."

Khán giả khi theo dõi vở kịch, cùng đồng cảm với những lo toan, thiệt thòi của lớp người bên lề xã hội. Những vở kịch như chiếc cầu nối, giúp mọi tầng lớp khán giả đều cùng nhìn về một hướng, và lắng nghe rõ hơn tiếng nói đấu tranh đòi quyền lợi của giới lao động. Các khán giả chia sẻ: "Tôi thực sự rất bất ngờ và thấy mình thật vô tâm khi không hề biết về những sự việc như thế này. Tôi cũng sắp chuẩn bị phải đi làm, đây quả thực đã không còn là vấn đề của riêng ai. Đặc biệt tôi rất tâm đắc với chủ đề lương cở bản, vì tôi cũng là một trong những sinh viên hay phải đi làm thêm."; "Nghệ thuật thật có sức mạnh kỳ diệu khi có tác dụng thay đổi suy nghĩ và cảm xúc của con người. Tôi nghĩ nếu chúng ta biết khai thác hiệu quả theo phương thức tiếp cận này, thì sẽ tìm được sự đồng cảm của đông đảo công chúng hơn nữa."

Tuy Liên hoan kịch bên lề Seoul không được công chúng quan tâm một cách đầy đủ, các nghệ sĩ tham gia vẫn không hề chùn bước, và đều đặn giới thiệu Liên hoan độc đáo này tới khán giả trong suốt 16 năm qua. Thông qua những câu chuyện, khán giả như hòa thành một khối, để cùng lắng nghe và quan sát một cách đa chiều hơn các vấn đề đang tồn đọng trong xã hội hiện đại. Với phương thức thể hiện sáng tạo, nội dung sâu sắc, Liên hoan kịch bên lề Seoul đã xóa bỏ bức tường ngăn cách giữa kịch nói và cuộc sống, và sẽ tiếp tục đóng vai trò là “sân khấu cuộc đời”, giúp xã hội ngày một tốt đẹp hơn.

Lựa chọn của ban biên tập